HgB Trong Máu Là Gì?
- Hemoglobin (HgB) là một phân tử thiết yếu của các tế bào hồng cầu giúp thực hiện nhiệm vụ phân phối oxy đi khắp cơ thể.
- Khi nồng độ hemoglobin trong máu thấp, bạn có thể cảm thấy không còn năng lượng hoặc mệt mỏi bất thường.
- Các bác sĩ sử dụng xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ huyết sắc tố của bạn.
HgB trong máu là gì?
HgB là ký hiệu viết tắt của từ Hemoglobin, tức là một loại phân tử Protein ở hồng cầu. Chất này chính là thành phần tạo nên màu đỏ của máu. Về nhiệm vụ, HgB thực hiện trao đổi khí bằng cách đưa oxy từ phổi đến các cơ quan trong cơ thể rồi nhận CO2 từ đó đưa về phổi.
Vì có nhiệm vụ quan trọng như vậy nên khi thiếu HgB, hoạt động của cơ thể cũng bị ảnh hưởng lớn. Tỷ lệ HgB có liên quan mật thiết tới bệnh thiếu máu. Xét nghiệm HgB là kỹ thuật quan trọng nhằm xác định hàm lượng Hemoglobin trong một đơn vị máu. Từ đó giúp bác sĩ chẩn đoán tình trạng sức khỏe của người bệnh và lên phác đồ điều trị, cải thiện các vấn đề liên quan.
Xét nghiệm HgB được thực hiện để làm gì?
Xét nghiệm máu huyết sắc tố (Hgb) dùng để đo lượng huyết sắc tố trong hồng cầu. Để thực hiện xét nghiệm này, các bác sĩ sẽ lấy máu từ tĩnh mạch, thường là khuỷu tay hoặc mu bàn tay của người bệnh.
Các xét nghiệm HgB thường dùng để:
- Kiểm tra sức khỏe tổng thể: phổ biến nhất là trong kiểm tra sức khỏe định kỳ. Xét nghiệm sẽ đo mức huyết sắc tố và các thành phần khác trong máu.
- Sàng lọc các rối loạn: Các triệu chứng như mệt mỏi, khó thở và chóng mặt có thể gây ra tình trạng lượng HgB thấp. Đây cũng là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ mắc một số bệnh về máu.
Quy trình xét nghiệm máu HgB
Xét nghiệm Hgb không khác gì xét nghiệm máu bình thường và chỉ mất khoảng vài phút thực hiện.
- Bác sĩ sẽ khử trùng da bằng khăn lau có chứa cồn.
- Đặt một sợi dây dây garô quanh bắp tay của bệnh nhân và yêu cầu nắm tay lại để các tĩnh mạch lộ rõ hơn.
- Bác sĩ sẽ lấy mẫu bằng cách đâm kim tiêm vào da
- Sau khi thu được mẫu máu, họ sẽ gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích. Người bệnh sẽ nhận được kết quả trong vài giờ hoặc vài ngày.
Mức độ chỉ số HgB là bao nhiêu thì được coi là bình thường?
Các bác sĩ sẽ đo huyết sắc tố bằng đơn vị gam trên mỗi deciliter máu (g/dL). Mức chỉ số HgB được coi là bình thường khi nằm trong ngưỡng sau:1
- Ở nam giới trưởng thành: 13,5–18 g/dL
- Ở phụ nữ trưởng thành: 12–15 g/dL
- Ở trẻ em: 11–16 g/dL
- Khi mang thai: thay đổi nhưng thường lớn hơn 10 g/dL
Ngoài giới tính, một số yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến mức huyết sắc tố của bạn. Ví dụ, người lớn tuổi và người mang thai có xu hướng có nồng độ hemoglobin thấp hơn mức trung bình.
HgB trong máu thấp có ý nghĩa gì?
Nồng độ hemoglobin thấp là dấu hiệu cho thấy cơ thể không có đủ hồng cầu. Cơ thể có thể không tự sản xuất đủ hoặc bạn có thể mắc một tình trạng sức khỏe làm giảm số lượng hồng cầu.
Triệu chứng
Nếu mức HgB quá thấp, các tế bào cơ thể có thể không nhận đủ oxy. Người bệnh có thể cảm thấy như mình không còn năng lượng. Tình trạng này gọi là thiếu máu.
Các triệu chứng thường gặp của bệnh thiếu máu bao gồm: đau ngực, tay chân lạnh, chóng mặt, mệt mỏi, đau đầu, nhịp tim không đều, da nhợt nhạt hơn bình thường, khó thở, suy nhược.
Nguyên nhân
Nồng độ hemoglobin thấp do nhiều nguyên nhân. Một số nguyên nhân phổ biến nhất gồm:
- Chế độ ăn uống: Chế độ ăn quá ít chất sắt, folate hoặc vitamin B12 có thể ảnh hưởng đến khả năng sản xuất huyết sắc tố của cơ thể
- Mất máu: Chảy máu đáng kể có thể dẫn đến nồng độ hemoglobin thấp, nhưng mất máu lâu dài do loét dạ dày, u xơ tử cung hoặc kinh nguyệt nhiều cũng có thể góp phần.
- Mang thai: Khi mang thai, lượng máu của bạn tăng lên đáng kể, điều này có thể làm giảm nồng độ hemoglobin.
- Điều kiện di truyền: Các bệnh lý di truyền như thiếu men G6PD, thiếu máu hồng cầu lưỡi liềm, bệnh hồng cầu hình cầu và bệnh thalassemia có thể phá hủy các tế bào hồng cầu.
- Ung thư: Một số loại ung thư, bao gồm bệnh bạch cầu và ung thư hạch, có thể ảnh hưởng đến mức độ hồng cầu trong máu.
- Bệnh thận mãn tính: Chức năng thận giảm là nguyên nhân khiến cơ thể không tạo ra đủ erythropoietin, một loại hormone cần thiết cho quá trình sản xuất hồng cầu.
- Thuốc: Thuốc kháng vi-rút và thuốc hóa trị có thể làm hỏng tủy xương, điều này có thể làm giảm sản xuất hồng cầu.
Điều trị
Tùy từng nguyên nhân gây nên hiện tượng HgB thấp mà bác sĩ sẽ có những biện pháp điều trị kịp thời:
- Bổ sung đầy đủ sắt và axit folic trong bữa cơm thường ngày. Nhóm chất này có nhiều trong thịt, cá, sữa, các loại rau màu xanh, hạt đậu và trứng. Bên cạnh đó cần sử dụng chế phẩm từ đậu nành vì nó chứa nhiều vitamin nhóm B12.
- Bạn cũng cần ăn nhiều trái cây giàu vitamin C. Dưỡng chất này sẽ giúp cơ thể hấp thu sắt và axit folic tốt hơn, đồng thời tăng đề kháng cho cơ thể.
- Có thể uống thêm sắt, axit folic để cải thiện tình trạng thiếu máu nếu cần thiết. Chú ý nên uống thực phẩm bổ sung này vào giữa 2 bữa ăn, không uống cùng trà hoặc sữa.
- Trong trường hợp nghiêm trọng, bạn có thể cần truyền máu.
HgB trong máu cao có ý nghĩa gì?
Nếu nồng độ HgB cao có thể là dấu hiệu của bệnh đa hồng cầu. Căn bệnh này làm cho cơ thể sản sinh ra quá nhiều tế bào hồng cầu.
Những nguyên nhân phổ biến bao gồm:
- Bệnh tủy xương do sự gia tăng bất thường số lượng hồng cầu (đa hồng cầu nguyên phát)
- Bệnh tim bẩm sinh, bệnh phổi
- Nồng độ oxy trong máu thấp
- Cơ thể bị mất nước
Hemoglobin – một loại protein có vai trò cực kỳ quan trọng đối với cơ thể. Để đảm bảo không bị thiếu máu, bạn nên thực hiện chế độ ăn khoa học và kiểm tra chỉ số HgB bằng cách xét nghiệm máu định kỳ.