Cách Chữa Bệnh Á Sừng
Cách chữa bệnh á sừng hiệu quả
Điều trị bằng thuốc
Mục tiêu chính của điều trị bằng thuốc là giảm triệu chứng, ngăn ngừa bội nhiễm do vi khuẩn hoặc nấm, giúp vết thương mau hồi phục hơn. Các nhóm thuốc thường được sử dụng điều trị bệnh á sừng bao gồm:
Thuốc làm mềm da, dưỡng ẩm
Bệnh á sừng làm phá vỡ hàng rào bảo vệ da, khiến da mất nước, bong tróc. Dưỡng ẩm làm mềm da là bước chăm sóc cơ bản nhất định phải thực hiện.
Thuốc làm mềm da hay kem dưỡng ẩm thường được bào chế dưới dạng: Kem, lotion, mỡ, gel,… Nên chọn các sản phẩm có hoạt chất: Urea, glycerin, hyaluronic acid, ceramide,…lành tính và giúp phát huy công dụng nhanh chóng. Cần sử dụng thường xuyên, thoa nhiều lần trong ngày cho da mềm mại, giảm triệu chứng khô và bong tróc của bệnh á sừng.
Thuốc corticosteroid
Corticosteroid có công dụng giảm viêm mạnh, giảm ngứa, nhanh chóng cải thiện triệu chứng khó chịu của bệnh á sừng. Một số hoạt chất thường có trong thuốc corticosteroid như Betamethasone, hydrocortisone, clobetasol,… mỗi loại sẽ có mức độ mạnh nhẹ khác nhau tùy thuộc vào tình trạng bệnh của mỗi người.
Lưu ý:
- Chỉ bác sĩ da liễu mới chỉ định dùng corticoid, tuyệt đối không tự mua để tránh tác dụng phụ.
- Thời gian dùng thuốc, liều lượng, tần suất phải do bác sĩ quyết định tùy mức độ á sừng từng người. Sử dụng bừa bãi, kéo dài có thể gây teo da, rạn da, giãn mạch,…
- Kết hợp sử dụng thuốc dưỡng ẩm để hạn chế tình trạng khô da.
Thuốc ức chế miễn dịch
Khi corticoid không hiệu quả hoặc không dung nạp do tác dụng phụ bác sĩ sẽ kê thêm thuốc ức chế miễn dịch tại chỗ. Thuốc này có công dụng điều hòa lại hệ miễn dịch tại da, giảm viêm, giảm ngứa. Một số loại thuốc thường gặp như tacrolimus, pimecrolimus.
Cần lưu ý: Chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ. Thuốc có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng da, ung thư da nếu sử dụng không đúng cách.
Thuốc kháng khuẩn, kháng nấm
Bệnh á sừng do tình trạng viêm kéo dài, lớp da ngoài cùng mất tính bảo vệ. Một số trường hợp có thể bị bội nhiễm thêm vi khuẩn, nấm,… Khi đó, bác sĩ sẽ kê thêm thuốc kháng sinh, hoặc thuốc kháng nấm tùy tình trạng.
Các thuốc khác
- Thuốc kháng histamin: Có công dụng chính giúp giảm ngứa và ngăn ngừa triệu chứng bệnh.
- Thuốc retinoid (uống hoặc bôi)
- Thuốc chống trầm cảm (một số trường hợp đặc biệt)
Tùy tình trạng bệnh á sừng, bác sĩ sẽ lựa chọn loại thuốc phù hợp, đôi khi cần phối hợp nhiều loại.
Lưu ý: Thuốc tây y giúp cải thiện nhanh triệu chứng bệnh á sừng, nhưng không thể chữa khỏi bệnh á sừng hoàn toàn. Cần kết hợp chăm sóc da kỹ lưỡng, đúng cách và khám bác sĩ định kỳ để kiểm soát bệnh lâu dài.
Vật lý trị liệu
Liệu pháp sử dụng tia UVB
Tia UVB là tia có bước sóng trung bình trong quang phổ ánh sáng mặt trời. Liệu pháp UVB sử dụng tia UVB nhân tạo tác động lên da.
Tác dụng đối với bệnh á sừng:
- Kháng viêm, giảm ngứa
- Điều hòa miễn dịch
- Hạn chế tăng sinh tế bào sừng, từ đó giảm dày sừng, bong vảy
Lưu ý:
- Phải được thực hiện bởi bác sĩ hoặc kỹ thuật viên chuyên khoa.
- Không dùng khi da đang có thương tổn hở, nhiễm trùng.
- Có thể gây tăng sắc tố da, cần có biện pháp bảo vệ thích hợp.
Liệu pháp PUVA
PUVA là sự kết hợp của thuốc psoralen và chiếu tia UVA sóng dài.
- Uống hoặc bôi psoralen trước 1-2 tiếng
- Chiếu UVA liều thấp lên vùng da tổn thương
Tác dụng đối với bệnh á sừng:
- Giảm viêm, giảm ngứa, giảm bong vảy hiệu quả hơn UVB
- Hiệu quả thấy rõ sau khoảng 20 lần điều trị
Lưu ý:
- Psoralen làm da nhạy cảm với ánh sáng, cần che chắn kỹ khi ra nắng
- Có thể tăng nguy cơ ung thư da về lâu dài
- Cần thực hiện tại cơ sở Y tế và theo dõi tình trạng da thường xuyên
Điều trị bệnh á sừng bằng nguyên liệu tự nhiên
Bên cạnh việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, một số nguyên liệu tự nhiên có thể giúp giảm nhẹ triệu chứng bệnh á sừng. Các phương pháp này mang tính tham khảo, bạn vẫn nên tuân thủ điều trị theo phác đồ và trao đổi với bác sĩ trước khi áp dụng.
Nha đam (lô hội)
Gel nha đam chứa nhiều chất cấp ẩm, kháng viêm tự nhiên, thúc đẩy làn da mềm mại, giảm khô căng do á sừng
Cách sử dụng:
- Dùng lá nha đam tươi, rửa sạch, gọt bỏ gai, lấy phần gel trong suốt.
- Bôi trực tiếp gel lên vùng da bị á sừng ngày 2-3 lần.
- Có thể để qua đêm và rửa sạch vào hôm sau.
Nghệ tươi
Curcumin trong nghệ có tính kháng viêm, kháng khuẩn, phần nào hỗ trợ làm dịu và giảm tổn thương da
Cách sử dụng:
- Rửa sạch nghệ tươi, giã nát sau đó lọc lấy nước cốt.
- Dùng bông thấm thoa lên vùng da bị á sừng, lưu ý tránh tiếp xúc với da lành do nghệ dễ làm vàng da.
- Để 15 – 20 phút rồi rửa sạch.
Dầu dừa
Dầu dừa có tác dụng dưỡng ẩm tuyệt vời, giảm khô sần ở vùng da bị á sừng, ngăn ngừa nứt nẻ thêm.
Cách sử dụng:
- Sau khi làm sạch da, thoa dầu dừa lên vùng á sừng.
- Massage nhẹ nhàng đến khi thấy dầu dừa thấm hết.
- Có thể thực hiện vào buổi tối và để qua đêm, rửa sạch vào sáng hôm sau.
Các nguyên liệu tự nhiên chỉ mang tính hỗ trợ, giảm nhẹ triệu chứng chứ không thể điều trị dứt điểm bệnh á sừng. Hãy luôn thăm khám bác sĩ để được tư vấn điều trị phù hợp.
Chế độ chăm sóc da cho người bệnh á sừng
- Da đang tổn thương cần được vệ sinh nhẹ nhàng, đúng cách để tránh kích ứng thêm.
- Tắm/rửa mặt bằng nước ấm, không dùng nước quá nóng hay quá lạnh.
- Giữ nhà cửa sạch, thoáng, hạn chế bụi bặm.
- Uống đủ 1.5 – 2 lít nước mỗi ngày.
- Khi ra ngoài nên che chắn cẩn thận, tránh nắng, tránh gió hanh, khói bụi.
- Hạn chế tiếp xúc với các hóa chất tẩy rửa như dầu rửa bát, xà phòng, bột giặt…
- Đeo găng tay cotton lúc làm việc nhà.
- Cắt móng tay gọn gàng, tránh gãi làm trầy xước da.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!