7 Cách Chữa Đi Ngoài Ra Máu Tại Nhà An Toàn, Hiệu Quả
Có nhiều cách chữa đi ngoài ra máu tại nhà có thể cải thiện cơn đau, giảm ngứa, cầm máu và ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra. Điều quan trọng là người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
Khi nào áp dụng cách chữa đi ngoài ra máu tại nhà?
Đi ngoài ra máu hoặc có máu dính trên phân có thể là dấu hiệu tổn thương hệ thống tiêu hóa hoặc các bệnh lý liên quan khác. Thông thường, máu trong phân có thể là dấu hiệu của bệnh trĩ, nứt kẽ hậu môn, polyp đại tràng hoặc nhiễm trùng đường tiêu hóa. Điều này gây tổn thương các mô ruột hoặc lỗ hậu môn và dẫn đến chảy máu khi phân đi qua.
Trong nhiều trường hợp, đi ngoài ra máu không nguy hiểm và đáp ứng tốt các phương pháp điều trị tại nhà. Người bệnh có thể tăng cường lượng chất xơ, uống nhiều nước để làm mềm phân và tránh các áp lực lên hậu môn. Bên cạnh đó, tắm nước ấm hoặc ngâm hậu môn trong nước ấm cũng có thể làm dịu cơn đau, khó chịu ở hậu môn và hỗ trợ cầm máu.
Cách chữa đi ngoài ra máu tại nhà thường mang lại hiệu quả cao, an toàn và tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, tình trạng chảy máu liên quan đến các bệnh lý tiềm ẩn khác, chẳng hạn như nhiễm trùng đường tiêu hóa hoặc ung thư đại trực tràng, và có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh. Trong trường hợp này, người bệnh nên đến bệnh viện để được hướng dẫn cụ thể.
Ngoài ra, theo khuyến cáo, người bệnh nên gọi cho cấp cứu nếu nhận thấy các triệu chứng như:
- Tụt huyết áp đột ngột;
- Nhịp tim nhanh;
- Không thể đi tiểu;
- Chóng mặt, ngất xỉu;
- Rối loạn tinh thần hoặc hoang mang thoáng qua;
- Mất ý thức.
Cách chữa đi ngoài ra máu tại nhà hiệu quả
Tùy thuộc vào nguyên nhân phổ biến dẫn đến chảy máu khi đi đại tiện, người bệnh có thể áp dụng các biện pháp điều trị tại nhà hoặc đến bệnh viện để được chăm sóc y tế phù hợp. Các cách chữa đi ngoài ra máu tại nhà phổ biến bao gồm:
1. Điều trị táo bón
Táo bón là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến đi ngoài ra máu. Người bệnh táo bón thường có phân cứng, lớn, thô, điều này gây tổn thương các mô ở hậu môn và gây chảy máu khi đại tiện. Do đó, điều trị táo bón có thể khiến phân mềm hơn, giúp người bệnh đi đại tiện dễ dàng và ngăn ngừa tình trạng chảy máu.
Để giảm táo bón, người bệnh có thể tham khảo một số lưu ý, chẳng hạn như:
- Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ: Chất xơ chẳng hạn như trái cây, rau xanh, các loại đậu, các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt, có thể hỗ trợ làm mềm phân và chống táo bón.
- Sử dụng rau lá xanh: Các loại rau lá xanh có chứa chất xơ và magiê, có thể cải thiện tình trạng táo bón. Ngoài ra, rau xanh có ít calo, hàm lượng nước cao và giàu chất dinh dưỡng. Do đó, người bệnh nên tiêu thụ rau xanh mỗi ngày để tăng cường sức khỏe.
- Uống đủ nước: Uống nước ấm hoặc nước ở nhiệt độ phòng, đặc biệt là vào buổi sáng, có thể kích thích hệ thống tiêu hóa và điều trị táo bón. Người bệnh có thể sử dụng các loại trà thảo mộc, nước chanh ấm hoặc nước hầm xương để tăng cường lượng nước trong cơ thể.
- Tránh thực phẩm chiên: Thực phẩm chiên chứa chất béo chuyển hóa, có thể làm chậm thời gian di chuyển của phân và dẫn đến táo bón. Do đó, người bệnh nên tránh tiêu thụ thực phẩm chiên, thức ăn nhanh hoặc thực phẩm đóng gói để ngăn ngừa táo bón.
- Không uống rượu: Rượu làm tăng khả năng sản xuất nước tiểu, gây mất nước và ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống tiêu hóa. Uống rượu hoặc các loại đồ uống chứa cồn khác có thể khiến tình trạng táo bón trở nên nghiêm trọng hơn.
- Thường xuyên tập thể dục: Hoạt động thể chất làm tăng chức năng ruột, giảm căng thẳng và giúp người bệnh đi đại tiện dễ dàng hơn. Người bệnh có thể đi bộ nhẹ nhàng, chạy bộ, tập yoga, bơi lội hoặc khiêu vũ để hỗ trợ chống táo bón.
- Hạn chế căng thẳng: Có khoảng 75 – 90% các trường hợp táo bón xảy ra liên quan đến căng thẳng, áp lực và stress. Do đó, người bệnh nên có kế hoạch giảm căng thẳng, chẳng hạn như tập yoga, thiền, đọc sách, nghe nhạc, việt nhất ký hoặc sử dụng tinh dầu thư giãn, để hỗ trợ điều trị táo bón.
Việc cải thiện tình trạng táo bón có thể hỗ trợ phòng ngừa bệnh trĩ, nứt kẽ hậu môn và các tổn thương khác trong trực tràng. Điều này có thể làm giảm lượng máu chảy khi đi đại tiện và phòng ngừa một số bệnh lý liên quan.
2. Tắm nước ấm
Tắm nước ấm hoặc ngâm hậu môn trong nước ấm có thể giảm đau, ngứa ngáy liên quan đến tình trạng chảy máu trực tràng. Ngâm nước ấm cũng có thể tăng cường lưu thông máu, điều trị nứt kẽ hậu môn và hạn chế các tổn thương liên quan.
Người bệnh có thể ngâm nước ấm trong 10 – 15 phút mỗi lần. Trong một số trường hợp, có thể cho thêm muối hoặc một số loại tinh dầu để hỗ trợ cải thiện các triệu chứng.
3. Điều trị bệnh trĩ chảy máu
Bệnh trĩ gây chảy máu là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến chảy máu khi đi đại tiện. Để cải thiện các triệu chứng bệnh trĩ cũng như chữa đi ngoài ra máu, người bệnh có thể thực hiện chế độ ăn uống nhiều chất xơ, uống nhiều nước, hạn chế tiêu thụ rượu và thức ăn cay.
Bên cạnh đó, người bệnh nên thực hiện các thói quen đi đại tiện khoa học, chẳng hạn như không ngồi quá lâu trên bồn cầu hoặc không trì hoãn nhu cầu đi đại tiện. Điều này có thể kéo dài thời gian ngồi trên bồn cầu, gây áp lực lên các tĩnh mạch ở hậu môn và khiến bệnh trĩ chảy máu trở nên nghiêm trọng hơn.
Vệ sinh hậu môn sạch sẽ, đặc biệt là sau khi đi đại tiện, có thể hạn chế gây kích ứng búi trĩ và ngăn ngừa nguy cơ chảy máu khi đi đại tiện. Tuy nhiên, người bệnh không nên sử dụng xà phòng chứa chất tẩy rửa mạnh, nước hoa hoặc mùi thơm. Tốt nhất người bệnh nên làm sạch hậu môn với vòi xịt cầm tay và lau khô với khăn mềm.
Trong các trường hợp cần thiết, người bệnh có thể sử dụng các loại kem bôi hoặc thuốc trị bệnh trĩ để hỗ trợ cải thiện các triệu chứng.
4. Làm mềm phân
Phân cứng có thể gây tổn thương trực tràng và các mô hậu môn, dẫn đến chảy máu khi đi đại tiện. Phân cứng có thể gây căng thẳng khi đi vệ sinh, dẫn đến bệnh trĩ, gây rách da ở hậu môn (nứt kẽ hậu môn) và nhiều bệnh lý khác khiến người bệnh đi ngoài ra máu.
Cách chữa đi ngoài ra máu tại nhà bằng cách làm mềm phân như sau:
- Thực hiện chế độ ăn uống nhiều chất xơ;
- Uống nhiều nước;
- Thường xuyên vận động thể chất, chẳng hạn như đi bộ;
Bổ sung dầu, chẳng hạn như dầu ô liu, dầu hạt lanh hoặc dầu dừa để làm mềm và giúp phân trơn. Điều này có thể làm mềm phân, hỗ trợ cải thiện tình trạng táo bón và đi ngoài ra máu.
5. Điều trị viêm loét đại tràng
Nếu tình trạng đi ngoài ra máu liên quan đến viêm đại tràng hoặc các bệnh viêm ruột khác, người bệnh có thể thực hiện một số biện pháp điều trị tại nhà để cải thiện các triệu chứng. Trong hầu hết các trường hợp, người bệnh có thể thay đổi chế độ ăn uống, bổ sung thực phẩm giàu axit béo omega 3 và các loại thực phẩm chống viêm khác để điều trị viêm đại tràng.
Tập thể dục thường xuyên cũng là một cách chữa đi ngoài ra máu tại nhà hiệu quả. Tập thể dục có thể giúp giảm căng thẳng, kích thích hệ thống tiêu hóa, tăng cường hệ thống miễn dịch và hỗ trợ chống viêm liên quan đến viêm đại tràng.
Ngoài ra, tập thể dục cũng giúp người bệnh thư giãn, làm dịu cơ thể và giúp hệ thống tiêu hóa hấp thụ thức ăn dễ dàng hơn. Người bệnh có thể thực hành thiền, kéo giãn cơ thể, hít thở sâu, để tăng cường tuần hoàn máu, điều hòa hệ thống tiêu hóa và giúp cơ thể ngăn ngừa các rủi ro liên quan đến đi ngoài ra máu.
6. Tiêu thụ Probiotics
Tiêu thụ Probiotics có thể hỗ trợ tạo ra một môi trường lành mạnh trong ruột và hệ thống tiêu hóa. Cụ thể, thường xuyên tiêu thụ Probiotics, chẳng hạn như sữa chua, có thể cần bằng môi trường vi khuẩn trong hệ thống tiêu hóa, từ đó hỗ trợ điều trị táo bón, bệnh trĩ, nứt kẽ hậu môn và đi ngoài ra máu.
Thực phẩm giàu Probiotic bao gồm sữa chua, trà Kombucha, nấm sữa Kefir, dưa cải muối và kim chi. Người bệnh có thể thường xuyên tiêu thụ các loại thực phẩm này để điều trị chảy máu khi đi đại tiện tại nhà.
7. Áp dụng các biện pháp tự nhiên
Có nhiều mẹo dân gian được sử dụng như một cách chữa đi ngoài ra máu tại nhà hiệu quả cao và an toàn, chẳng hạn như:
- Rau diếp cá: Người bệnh có thể bổ sung rau diếp cá vào bữa ăn hàng ngày hoặc uống trà rau diếp cá để hỗ trợ điều trị tình trạng đi ngoài ra máu.
- Ngải cứu: Ngải cứu rửa sạch, để ráo nước, thái nhuyễn, mang đi rán với trứng, dùng ăn kèm với cơm trắng có thể hỗ trợ cầm máu, chống viêm và giảm đau ở hậu môn.
- Nha đam: Lấy một lá nha đam, lọc lấy phần gel trong suốt, thoa lên hậu môn để làm mềm da, ngăn ngừa kích ứng và cải thiện tình trạng chảy máu ở hậu môn.
- Dầu dừa: Dầu dừa có đặc tính chống viêm và làm lành tự nhiên. Người bệnh có thể thoa dầu dừa lên hậu môn 2 – 3 lần mỗi ngày để hỗ trợ điều trị tình trạng nứt kẽ hậu môn và đi ngoài ra máu. Ngoài ra, thêm dầu dừa vào chế độ ăn uống cũng làm mềm phân và giảm đau khi đi đại tiện.
Lưu ý khi chữa đi ngoài ra máu tại nhà
Các cách chữa đi ngoài ra máu tại nhà thường mang lại hiệu quả cao trong các trường hợp nhẹ. Trong trường hợp bệnh nặng hoặc chảy máu nghiêm trọng, người bệnh nên đến bệnh viện để được điều trị y tế phù hợp.
Khi tình trạng đi ngoài ra máu ở mức độ trung bình, nặng hoặc nghiêm trọng, thì lượng máu mất đi có thể trở nên quá nhiều. Điều này dẫn đến các triệu chứng khác, bao gồm chóng mặt, suy nhược, ngất xỉu, hạ huyết áp hoặc các dấu hiệu huyết áp thấp khác. Trong trường hợp này người bệnh nên đến bệnh viện để được hướng dẫn cụ thể.
Ngoài ra, người bệnh nên đến bệnh viện ngay khi nhận thấy các triệu chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như:
- Đau bụng dữ dội;
- Choáng váng, chóng mắt khi đứng dậy;
- Thở nhanh với hơi thở nông;
- Ngất xỉu;
- Tầm nhìn mờ;
- Buồn nôn hoặc nôn;
- Lượng nước thấp;
- Da lạnh, nhợt nhạt hoặc sần sùi.
Nếu đang điều trị các bệnh lý hoặc điều kiện sức khỏe khác, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ trước khi thực hiện các cách chữa đi ngoài ra máu tại nhà.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!