Cách Chữa Tê Bì Chân Tay Tại Nhà
Thay đổi về thói quen sinh hoạt giúp cải thiện tê bì
Tê bì chân tay là tình trạng thường gặp, gây cảm giác châm chích, kiến bò, giảm độ nhạy cảm,… Ngoài những nguyên nhân bệnh lý nghiêm trọng, tê bì chân tay đôi khi bắt nguồn từ những thói quen xấu trong cuộc sống hàng ngày. Dưới đây là những điều chỉnh nhỏ nhưng lại mang đến những tác động tích cực cho sức khỏe.
Sai tư thế ngủ
- Tư thế ngủ úp mặt xuống, đầu gác lên cánh tay trong thời gian dài sẽ chèn ép dây thần kinh và mạch máu vùng cánh tay và bàn tay gây tê bì, khó cử động.
- Nằm nghiêng và co gối quá mức cũng gây áp lực lên hông và dây thần kinh chạy dọc chân, tạo cảm giác tê bì vào buổi sáng hôm sau.
Hành động cải thiện:
- Nằm ở tư thế ngửa, toàn thân được thả lỏng, sử dụng gối có độ cao phù hợp,
- Nếu bắt buộc phải nằm nghiêng, nên đặt một chiếc gối giữa hai chân để giữ cột sống ở vị trí trung tính.
Tư thế làm việc thiếu khoa học
- Ngồi làm việc với bàn ghế không phù hợp về kích thước, ngồi lâu một tư thế, đặc biệt là ngồi xổm, ngồi bắt chéo chân,… làm cản trở lưu thông máu đến tay chân, gây ra tình trạng tê mỏi.
- Tư thế cúi đầu, gập cổ quá lâu để nhìn điện thoại, sử dụng máy tính,… không những có hại cho mắt mà còn tạo áp lực lên vùng cổ gáy.
Hành động cải thiện:
- Điều chỉnh lại bàn ghế làm việc cho phù hợp, đảm bảo lưng thẳng khi ngồi, khoảng cách từ mắt đến màn hình máy tính hợp lý.
- Thay đổi tư thế thường xuyên, đứng lên đi lại nhẹ nhàng hoặc thực hiện các bài tập căng giãn cơ sau mỗi 45-60 phút làm việc liên tục.
Khuân vác đồ nặng hoặc vận động quá sức
- Mang vác vật nặng quá sức chịu đựng của cơ thể, đặc biệt là mang vác sai tư thế khiến các dây thần kinh vùng vai gáy, thắt lưng bị chèn ép.
- Tập luyện thể thao với cường độ quá cao, vượt ngưỡng chịu đựng của cơ bắp, các động tác thiếu chính xác, không khởi động kỹ,… cũng là nguyên nhân gây ra tê bì, đau nhức tay chân.
Hành động cải thiện:
- Mang vác các vật nặng với hai bên tay, chia đều sức nặng để tránh mất cân bằng
- Khi khiêng/vác đồ trên vai, sử dụng đệm lót ở vùng vai gáy để giảm áp lực.
- Tập thể dục thể thao vừa sức, khởi động kỹ trước khi tập, để cơ thể được làm nóng và thích nghi với cường độ vận động.
Ít vận động
Thói quen lười vận động, ngồi một chỗ, nằm nhiều làm giảm tuần hoàn máu, đặc biệt là vùng ngoại vi như tay và chân. Theo thời gian, điều này góp phần làm tăng tình trạng tê bì.
Hành động cải thiện:
- Tăng cường các hoạt động thể chất, dù chỉ là những việc đơn giản như: Leo cầu thang bộ, đi bộ nhanh, dọn dẹp nhà cửa,…
- Người bệnh nên xin ý kiến của bác sĩ để chọn bộ môn thể dục thể thao phù hợp. Một số gợi ý dành cho người hay bị tê bì chân tay: Yoga, đi bộ, bơi lội,…
Rung chân thường xuyên
- Thói quen rung đùi khiến khớp gối phải chịu áp lực liên tục, ảnh hưởng sự lưu thông máu xuống cẳng chân và bàn chân, lâu ngày có thể gây tê bì.
Hành động cải thiện:
- Khi ngồi nên giữ tư thế đầu gối vuông góc với mặt sàn, tránh rung đùi hay gác chân.
Những thói quen khác gây tê bì tay chân:
- Bắt chéo chân khi ngồi.
- Thói quen vắt chéo tay lên đầu khi nằm,
- Mặc quần áo quá chật gây cản trở tuần hoàn máu,…
Các bài tập đơn giản giảm tê bì chân tay
Trong một số trường hợp, việc tập luyện thường xuyên các bài tập đơn giản ngay tại nhà có thể giúp làm giảm tê bì. Đồng thời các bài tập cũng giúp cải thiện lưu thông máu và tăng cường chức năng của cơ, khớp vùng tay và chân.
Một số bài tập gợi ý cho người thường xuyên tê bì chân tay:
Bài tập cổ tay
- Cúi – duỗi cổ tay: Ngồi thoải mái, đặt cẳng tay trên mặt bàn, lòng bàn tay hướng xuống. Cúi cổ tay xuống dưới hết mức có thể, giữ 5 giây rồi từ từ trở về vị trí ban đầu. Lặp lại 10 lần, sau đó đưa cẳng tay ra phía trước. lòng bàn tay hướng lên và thực hiện tương tự.
- Xoay cổ tay: Ngồi hoặc đứng, cánh tay duỗi phía trước. Thực hiện động tác xoay cổ tay theo chiều kim đồng hồ và ngược lại, mỗi bên 10 – 15 lần.
Bài tập cho ngón tay
- Nắm – mở bàn tay: Đưa cánh tay ra phía trước, từ từ nắm bàn tay thật chặt, giữ trong 5 giây. Sau đó mở bàn tay ra hết cỡ, giữ 5 giây rồi lặp lại động tác khoảng 10 lần.
- Chạm từng ngón tay với ngón cái: Đưa cánh tay ra phía trước, lần lượt chạm nhẹ từng đầu ngón tay vào đầu ngón cái, lặp lại 10 lần với mỗi bàn tay.
Bài tập cho chân
- Cúi – duỗi cổ chân: Ngồi thoải mái, duỗi chân ở tư thế chân chạm đất. Cố gắng kéo mũi bàn chân về phía cẳng chân sao cho vuông góc với cẳng chân, giữ trong 5 giây rồi trở về vị trí ban đầu. Lặp lại động tác này 10 lần, sau đó đổi bên chân khác và thực hiện lại tương tự.
- Xoay mắt cá chân: Ngồi hoặc nằm, nhẹ nhàng xoay mắt cá chân theo chiều kim đồng hồ và ngược lại, mỗi bên 10 lần.
Bài tập giãn toàn thân
Một số động tác Yoga đơn giản hoặc đi bộ nhẹ nhàng cũng giúp thư giãn gân cơ và tăng cường lưu thông máu khắp cơ thể, từ đó hỗ trợ làm giảm tê bì tay chân.
Lời khuyên khi tập luyện:
- Nên tập luyện các bài tập này thường xuyên, đều đặn mỗi ngày.
- Khởi động nhẹ nhàng trước khi tập và thư giãn sau khi tập.
- Thực hiện động tác nhẹ nhàng, chậm rãi, trong phạm vi không gây đau.
- Ngừng tập ngay lập tức nếu cảm thấy đau tăng hoặc xuất hiện các triệu chứng bất thường khác.
Mẹo dân gian cải thiện tê bì hiệu quả
Bên cạnh việc thăm khám và điều trị chuyên khoa, một số nguyên liệu từ tự nhiên cũng có thể giúp cải thiện tình trạng tê bì ở mức độ nhẹ, mang lại cảm giác thư giãn, thoải mái hơn.
Một số nguyên liệu từ thiên nhiên hỗ trợ giảm tê bì chân tay:
Gừng
Hoạt chất gingerol trong gừng có tác dụng giảm đau, kháng viêm, cải thiện lưu thông máu đến các chi.
Cách thực hiện:
- Giã dập gừng tươi, đun cùng nước rồi ngâm chân hoặc tay vào nước gừng ấm (khoảng 30-40 độ C) trong khoảng 15-20 phút.
- Có thể kết hợp gừng với muối hạt để tăng hiệu quả.
Quế
Quế có khả năng làm ấm kinh mạch, cải thiện tuần hoàn tại chỗ, từ đó giảm cảm giác tê bì tay chân hiệu quả.
Cách thực hiện:
- Cho vài mẩu quế vào nồi nước đun sôi, sử dụng nước ấm để ngâm chân hoặc tay trong khoảng 20 phút.
- Kết hợp massage nhẹ nhàng vùng tê bì để tăng hiệu quả.
Ngải cứu
Tinh dầu trong lá ngải cứu có tính ấm, giúp giãn mạch, tăng cường tuần hoàn máu, đặc biệt tốt cho người tê bì do thiếu máu, tuần hoàn kém.
Cách thực hiện:
- Rang nóng ngải cứu khô với muối hạt, sau đó bọc trong khăn sạch và chườm lên vùng chân tay bị tê bì.
- Dùng một nắm lá ngải cứu tươi, đun cùng nước để xông hơi vùng tê bì, sau đó ngâm nước ấm.
Lá lốt
Chứa nhiều tinh dầu và hoạt chất chống viêm, giúp giảm đau và cải thiện tình trạng sưng nhức ở người bị tê bì chân tay.
Cách thực hiện:
- Rửa sạch một nắm lá lốt, đun sôi cùng nước. Dùng nước ấm này để ngâm vùng tay chân bị tê bì.
- Phần bã lá lốt có thể dùng để xoa bóp nhẹ nhàng vùng bị tê bì sau khi ngâm (để nguội bớt).
Cảnh báo dấu hiệu nguy hiểm cần đi khám bác sĩ ngay
Hãy đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt nếu bạn gặp một trong những biểu hiện sau:
- Tê bì kéo dài hoặc tái đi tái lại nhiều lần: Tình trạng tê bì mạn tính, đặc biệt ở người cao tuổi, có thể là dấu hiệu tổn thương dây thần kinh hoặc các bệnh lý như tiểu đường, xơ vữa động mạch,…
- Tê bì kèm theo các triệu chứng khác: Tê bì đi kèm đau dữ dội, yếu cơ, mất kiểm soát tiểu tiện/đại tiện, chóng mặt,… có thể cảnh báo các vấn đề nghiêm trọng như thoát vị đĩa đệm, tai biến mạch máu não,…
- Cảm giác tê lan rộng: Nếu tình trạng tê bì ban đầu chỉ ở một vị trí sau đó lan rộng ra các vùng khác trên cơ thể, đây có thể là biểu hiện của một số bệnh lý về thần kinh nghiêm trọng.
- Thay đổi cảm giác: Ngoài cảm giác tê bì, châm chích, vùng da tổn thương còn mất cảm giác hoặc nhạy cảm quá mức với các tác động bên ngoài cũng cần được thăm khám.
Hy vọng bài viết này đã cung cấp cho bạn thông tin hữu ích về cách chữa tê bì chân tay tại nhà. Hãy chăm sóc sức khỏe bản thân và đừng quên dành thời gian tập luyện để cơ thể luôn khỏe mạnh.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!