Cách Điều Trị Bệnh Trĩ Bằng Đông Y
Cách điều trị bệnh trĩ bằng Đông y được sử dụng để điều trị căn nguyên gây bệnh, từ đó cải thiện các triệu chứng và ngăn ngừa các rủi ro liên quan. Bên cạnh đó, các bài thuốc Đông y thường lành tính, ít tác dụng phụ và có thể sử dụng lâu dài.
Bệnh trĩ theo Đông y
Trĩ là bệnh lý mãn tính, xảy ra do các tĩnh mạch ở hậu môn – trực tràng dưới bị phình, giãn, dẫn đến xung huyết và hình thành nhiều búi trĩ. Theo Đông y, bệnh trĩ xảy ra khi huyết khí ở đại trường hư nhược, trì trệ dẫn đến cơ nhục yếu, tổn thương mạch. Từ đó gây ra chứng ứ huyết, khiến mạch phình giãn và sa ra khỏi hậu môn, dẫn đến hình thành các búi trĩ.
Bên cạnh đó, các tài liệu Y học cổ truyền cũng cho biết, đa số các trường hợp bệnh trĩ là do ăn uống không điều độ, uống rượu quá mức, ăn nhiều chất béo, ngồi lâu khiến thấp tụ lại, dẫn đến phong nhiệt và dẫn đến hình thành búi trĩ. Ngoài ra, mót đại tiện mà không đi có thể ngay dẫn đến quan lạc bế tắc, nhiệt kém lưu thông dẫn đến trĩ.
Chữa bệnh trĩ theo Đông y có hiệu quả không?
Cách điều trị bệnh trĩ bằng bài thuốc Đông y được nhiều bệnh áp dụng bởi vì các bài thuốc này thường lành tính, hiệu quả cao, an toàn và ít khi dẫn đến các tác dụng phụ không mong muốn. Tùy thuộc vào loại bệnh trĩ, nguyên nhân gây bệnh và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, các bài thuốc chữa bệnh trĩ được áp dụng theo 2 cách chính, như sau:
- Bài thuốc dùng xông ngoài, đắp lên hậu môn để thu nhỏ búi trĩ;
- Bài thuốc sắc dùng uống trong để điều trị trĩ nội hoặc kết hợp với bài thuốc thoa ngoài để cải thiện trĩ ngoại, trĩ hỗn hợp.
Các bài thuốc Đông y chữa bệnh trĩ thường thích hợp cho người bệnh không muốn can thiệp ngoại khoa hoặc không thể sử dụng thuốc Tây y. Bên cạnh đó, các bài thuốc Đông y thường điều trị nguyên căn gây ra bệnh trĩ, do đó có thể chữa bệnh tận gốc và ngăn ngừa các biến chứng liên quan. Điều quan trọng là người bệnh nên đến cơ sở y học cổ truyền uy tín để được chẩn đoán và điều trị theo hướng dẫn của thầy thuốc.
5 cách điều trị bệnh trĩ bằng đông y hiệu quả cao
Cách điều trị bệnh trĩ bằng Đông y được áp dụng để làm dịu các triệu chứng, điều trị các nguyên nhân và ngăn ngừa các biến chứng xảy ra. Cụ thể, các bài thuốc Đông y trị bệnh trĩ bao gồm:
1. Thuốc Đông y dạng bôi chữa bệnh trĩ
Các bài thuốc Đông y trị bệnh trĩ theo dạng bôi được chỉ định cho bệnh trĩ ngoại hoặc trĩ hỗn hợp. Ngoài ra ở bệnh trĩ nội độ 3 – 4, khi búi trĩ đã sa ra khỏi hậu môn, người bệnh cũng có thể áp dụng các bài thuốc dạng bôi để hỗ trợ điều trị bệnh.
Cụ thể cách điều trị bệnh trĩ bằng Đông y như sau:
- Bài thuốc 1: Sử dụng lá móng, sa sàng, hoàng bá mỗi vị 20 gram; tô mộc 30 gram và 10 gram binh lang, mang đi giã nhuyễn, trộn đều. Sử dụng bột thuốc này thoa trực tiếp lên búi trĩ mỗi ngày một lần để giảm viêm, giảm đau và làm thu nhỏ búi trĩ.
- Bài thuốc thứ 2: Sử dụng 10 gram hoàng liên; ngũ bội và hoàng đằng, mỗi vị 20 gram và 30 gram tô mộc, giã thành bột, dùng đắp lên búi trĩ.
- Bài thuốc thứ 3: Sử dụng 10 gram binh lang; sa sàng, ngũ bội, hoàng bá, mỗi vị 20 gram và 30 gram tô mộc, giã nhuyễn thành bột, dùng bôi trực tiếp vào búi trĩ.
Trước khi thoa thuốc, người bệnh nên vệ sinh hậu môn và búi trĩ sạch sẽ với nước, lau khô nhẹ nhàng với khăn sạch. Điều này có thể hỗ trợ ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng và giúp các triệu chứng bệnh phục hồi nhanh chóng hơn.
2. Cách điều trị bệnh trĩ bằng Đông y với bài thuốc ngâm rửa
Các bài thuốc ngâm rửa được chỉ định để vệ sinh búi trĩ, hậu môn và giúp làm co búi trĩ một cách tự nhiên. Ngoài ra, thường xuyên làm sạch búi trĩ có thể ngăn ngừa tình trạng tiết dịch ở hậu môn, từ đó phòng ngừa nhiễm trùng hoặc bệnh trĩ gây chảy máu.
Các bài thuốc Đông y ngâm rửa trị bệnh trĩ bao gồm:
- Bài thuốc thứ 1: Sử dụng huyền minh phấn, minh phàn, mỗi vị đều 30 gram và 20 gram đại hoàng, đun sôi các vị thuốc với 2 – 3 lít nước. Dùng nước này để xông hậu môn, sau khi nước ấm hoặc nguội dần thì dùng để ngâm, rửa hậu môn.
- Bài thuốc thứ 2: Cần chuẩn bị 12 gram phèn chua; hòe hoa, chỉ xác, mỗi vị đều 20 gram và ngải cứu 40 gram. Đun sôi các vị thuốc với 2 lít nước, dùng xông hậu môn trong 20 – 30 phút. Khi nước còn ấm hoặc nguội, sử dụng để ngâm và rửa hậu môn.
- Bài thuốc thứ 3: Sử dụng 60 gram rau sam tươi; ngũ bội tử, hòe hoa, mỗi vị 30 gram; bạch chỉ, xuyên tiêu, cam thảo, mỗi vị 12 gram; mộc qua 18 gram và 9 gram sinh bạch, đun với 2 lít nước. Dùng nước này xông hơi hậu môn để giảm viêm và làm co búi trĩ. Khi nước ấm dần, sử dụng để ngâm rửa hậu môn để hỗ trợ giảm đau, khó chịu và cầm máu nếu búi trĩ chảy máu.
3. Các bài thuốc Đông y dùng uống để điều trị bệnh trĩ
Cách điều trị bệnh trĩ bằng Đông y với bài thuốc uống trong được chỉ định để điều trị hầu hết các loại bệnh trĩ, đặc biệt là các trường hợp không đáp ứng biện pháp thoa ngoài, chẳng hạn như bệnh trĩ nội. Ngoài ra, các thuốc uống trong có thể hỗ trợ thanh nhiệt cơ thể, giải độc, tiêu viêm, phòng ngừa táo bón và phòng ngừa bệnh trĩ tái phát.
Các bài thuốc uống trong điều trị bệnh trĩ bao gồm:
- Bài thuốc thứ 1: Sử dụng 10 gram tam thất; chỉ thực, tam lăng, thiên thảo, mỗi vị 40 gram và 50 gram nụ hoa hòe, sắc thành thuốc dùng uống.
- Bài thuốc thứ 2: Dùng địa du, hòe hoa, đương quy, hoàng cầm, kinh giới, mỗi vị 12 gram và sinh địa 20 gram, sắc thành thuốc, dùng uống mỗi ngày một thang.
- Bài thuốc thứ 3: Dùng hoàng bá, trạch tả, hoàng liên, xích thược, mỗi vị 12 gram; đại hoàng, đương quy, đào nhân, mỗi vị 8 gram và 16 gram sinh địa, sắc thành thuốc, dùng uống mỗi ngày một thang.
- Bài thuốc thứ 4: Sử dụng 4 gram cam thảo; xích thược, chỉ xác, mỗi vị 8 gram; chi tử, trắc bá diệp, hòe hoa, địa du, mỗi vị 12 gram và kim ngân hoa, kinh giới mỗi vị 16 gram, sắc thành thuốc, dùng uống mỗi ngày một thang.
- Bài thuốc thứ 5: Sử dụng đương quy, đào nhân, trắc bá diệp, hòe hoa, xuyên khung, mỗi vị 8 gram; bạch thược, sinh địa, hắc chi ma, mỗi vị 12 gram và 9 gram chỉ xác, sắc thành thuốc, dùng uống mỗi ngày một thang.
Các bài thuốc uống trong có thể điều trị hầu hết các loại bệnh trĩ và phòng ngừa các biến chứng có thể xảy ra. Tuy nhiên trong trường hợp, người bệnh có tiền sử thiếu máu, hoa mắt, khô miệng, chóng mặt, ù tai, lưỡi có rêu trắng, hơi thở ngắn hoặc có tiền sử suy nhược cơ thể, nên trao đổi với thầy thuốc để được hướng dẫn cụ thể.
4. Bài thuốc Đông y chữa bệnh trĩ nội
Đối với bệnh trĩ nội, Y học cổ truyền chia thành 4 thể. Tùy thuộc vào các thể, các bài thuốc điều trị bao gồm:
– Trĩ nội huyết ứ – khí trệ:
- Chỉ định: Trĩ nội không có biến chứng,
- Phép trị: Lương huyết, chỉ huyết, hoạt huyết, tư âm, thanh nhiệt.
- Bài thuốc: Lương huyết đại hoàng thang gia giảm: Dùng hoàng cầm 8 gram; kinh giới 6 gram; ngư tinh thảo, cỏ mực, xích thược, mỗi vị 10 gram; sinh địa 16 gram; đương quy 12 gram, hòe hoa 16 gram.
- Nếu có táo bón: Gia thêm lá muồng 6 gram hoặc hắc chi ma 20 gram.
- Nếu đại tiện ra nhiều máu: Gia thêm hắc hạn liên 16 gram (không dùng hạn liên thảo), hắc địa du 12 gram và hắc kinh giới 16 gram.
– Trĩ nội thể nhiệt độc:
- Chỉ định: Bệnh trĩ nội có biến chứng hoặc các dấu hiệu nghiêm trọng.
- Phép trị: Chỉ huyết, thanh nhiệt, hoạt huyết, chỉ thống, tiêu viêm
- Bài thuốc: Đào hồng tứ vật thang gia giảm: Dùng thục địa, bạch thước, mỗi vị 10 gram; xuyên khung, hồng hoa, đào nhân, mỗi vị 8 gram và Đương quy 12 gram.
- Gia giảm thêm các vị: Bồ công anh, liên kiều, mỗi vị 10 gram; kim ngân hoa 12 gram hoặc sài đất và bồ công anh mỗi vị 12 gram.
- Trong trường hợp táo bón: Gia thêm lá muồng 6 gram, hắc chi ma 20 gram.
- Nếu búi trĩ sưng đau dữ dội: Gia thêm bạch chỉ 10 gram, đan sâm 12 gram.
- Nếu đại tiện ra máu: Gia thêm hắc địa du 12 gram và hắc hạn tiên, hắc kinh giới, mỗi vị đều 16 gram.
– Trĩ nội thể tỳ khí suy:
- Chỉ định điều trị: Trĩ nội độ 4 hoặc trĩ vòng.
- Phép trị: Hành khí, kiện tỳ, thăng đề, bổ khí.
- Bài thuốc: Bổ trung ích khí thang gia giảm: Dùng hoàng kỳ (chích), sài hồ, bạch truật, đan sâm, đương quy, mỗi vị đều 10 gram; trần bì 6 gram; cam thảo chích, sanh cương (can khương), mỗi vị đều 4 gram.
- Trong trường hợp có táo bón: Gia thêm lá muồng 6 gram hoặc hắc chi ma 20 gram.
- Nếu đại tiện ra máu: Gia thêm hắc địa du 10 gram, hắc chi tử 6 gram và hắc kinh giới 16 gram.
– Trĩ nội thể khí huyết suy:
- Chỉ định: Trĩ nội độ 1, 2, 3, đại tiện nhiều máu hoặc kèm các triệu chứng toàn thân, chẳng hạn như suy nhược cơ thể.
- Phép trị: Bổ khí, chỉ huyết.
- Bài thuốc: Bát trân thang gia giảm: Dùng cam thảo (chích) 6 gram; đảng sâm, đương quy, mỗi vị đều 12 gram; bạch linh, thục địa, mỗi vị 10 gram; bạch truật, bạch thược, xuyên khung, mỗi vị 8 gram.
- Trong trường hợp có táo bón: Gia thêm lá muồng 6 gram, hắc chi ma 20 gram.
- Nếu đại tiện ra máu nhiều: Gia thêm hắc hạn liên, hắc kinh giới 16 gram và hắc địa du 12 gram.
5. Bài thuốc Đông y chữa bệnh trĩ ngoại
Theo Đông y, trĩ ngoại được chia thành trĩ ngoại huyết ứ, trĩ ngoại nhiệt độc và trĩ ngoại thể thấp nhiệt. Tùy thuộc vào thể bệnh cụ thể, người bệnh có thể tham khảo các bài thuốc điều trị như:
– Trĩ ngoại thể huyết ứ:
- Chỉ định điều trị: Trĩ ngoại độ 1 và 2.
- Phép trị: Hành ứ, hoạt huyết, bổ khí.
- Bài thuốc: Bổ trung ích khí thang gia giảm: Dùng bạch truật, hoàng kỳ (chích), xích thược, mỗi vị đều 10 gram; cam thảo (chích) 4 g; thăng ma, trần bì, sài hồ, mỗi vị đều 6 gram.
- Nếu có táo bón: Gia thêm lá muồng 6 gram hoặc hắc chi ma 20 gram.
– Trĩ ngoại thể nhiệt độc:
- Chỉ định điều trị: Trĩ ngoại độ 3 hoặc trĩ ngoại tắc mạch.
- Phép trị: Tiêu viêm, chỉ thống, chỉ huyết, hoạt huyết.
- Bài thuốc: Đào hồng tứ vật thang gia giảm: Dùng đào nhân, hồng hoa, xuyên khung, mỗi vị đều 8 gram; thục địa, bạch thược, mỗi vị đều 10 gram; đương quy 12 gram.
- Gia giảm thêm các vị: Bồ công anh, liên kiều, mỗi vị 10 gram và kim ngân hoa 12 gram hoặc bồ công anh và sài đất, mỗi vị 12 gram.
- Nếu đại tiện ra máu: Gia thêm hắc hạn liên, hắc kinh giới, 16 gram và hắc chi ma 20 gram.
- Nếu bệnh trĩ gây sưng đau dữ dội: Gia thêm bạch chỉ 10 gram và đan sâm 12 gram.
- Nếu có táo bón: Gia thêm lá muồng 6 gram hoặc hắc chi ma 20 gram.
– Trĩ ngoại thể thấp nhiệt:
- Chỉ định: Bệnh trĩ ngoại độ 4.
- Phép trị: Chỉ thống, thanh thấp nhiệt, hoạt huyết.
- Bài thuốc: Đào hồng tứ vật thang gia giảm: Dùng sinh địa 16 gram; đương quy, xích thược, chỉ xác, đào nhân, hạn liên thả, trạch tả, liên kiều, kim ngân hoa, mỗi vị đều 10 gram; hồng hoa 4 gram.
- Nếu có táo bón: Gia thêm lá muồng 6 gram hoặc hắc chi ma 20 gram.
Cách điều trị bệnh trĩ bằng Đông y là phương pháp loại bỏ nguyên căn gây ra bệnh trĩ, từ đó cải thiện các triệu chứng. Do đó, bài thuốc thường cần một thời gian nhất định để đạt được hiệu quả như mong muốn. Điều quan trọng là người bệnh cần kiên trì điều trị theo hướng dẫn của thầy thuốc chuyên môn để tránh các rủi ro và tác dụng phụ không mong muốn.
Lưu ý khi điều trị bệnh trĩ theo Đông y
Các bài thuốc Đông y trị bệnh trĩ được chỉ định bởi thầy thuốc Y học cổ truyền nhằm mục đích loại bỏ triệt để các nguyên căn dẫn đến bệnh trĩ. Bài thuốc thường mang lại hiệu quả cao, an toàn và hiếm khi dẫn đến các tác dụng phụ không mong muốn. Tuy nhiên để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất, người bệnh nên lưu ý một số vấn đề, chẳng hạn như:
- Kiên trì điều trị theo hướng dẫn của thầy thuốc, không tự ý thay đổi liều lượng hoặc bài thuốc mà không nhận được sự đồng ý của người có chuyên môn.
- Vệ sinh hậu môn sạch sẽ, đặc biệt là sau khi đi đại tiện. Nếu việc lau hậu môn gây đau, người bệnh có thể sử dụng vòi xịt cầm tay hoặc giấy lau cho trẻ em để vệ sinh hậu môn.
- Thực hiện chế độ dinh dưỡng nhiều chất xơ, rau xanh, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt để hỗ trợ cải thiện các triệu chứng. Bên cạnh đó, người bệnh nên tránh các loại thực phẩm gây tác động xấu đến bệnh trĩ, chẳng hạn như thức ăn nhanh, đồ ăn nhiều dầu mỡ và các chất kích thích, chẳng hạn như rượu, bia và cà phê.
- Đi đại tiện ngay khi cần thiết và không ngồi lâu trên bồn cầu. Điều này có thể gây áp lực lên các tĩnh mạch ở hậu môn và khiến các triệu chứng bệnh trĩ trở nên nghiêm trọng hơn.
- Thường xuyên tập thể dục và vận động cơ thể để hỗ trợ nhu động ruột và cải thiện trương lực cơ.
- Nếu các triệu chứng bệnh trĩ không được cải thiện hoặc có dấu hiệu trở nên nghiêm trọng hơn, người bệnh nên đến bệnh viện hoặc gọi cho thầy thuốc để được hướng dẫn cụ thể.
Việc áp dụng cách điều trị bệnh trĩ bằng Đông y có thể điều trị bệnh tận gốc, thường an toàn và có thể áp dụng lâu dài. Tuy nhiên, người bệnh nên trao đổi với thầy thuốc để được chẩn đoán thể bệnh và kê bài thuốc phù hợp. Do đó, điều quan trọng là người bệnh nên đến cơ sở Y học cổ truyền uy tín để được hướng dẫn cụ thể.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!