Cách Chữa Nghẹt Mũi Cho Trẻ Em Không Dùng Thuốc
Các biện pháp giúp giảm nghẹt mũi cho trẻ
Nghẹt mũi là tình trạng thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ. Mặc dù không gây nguy hiểm trực tiếp, nghẹt mũi gây nhiều phiền toái, khiến bé quấy khóc, bú kém, ngủ không ngon giấc. Hiểu và áp dụng các biện pháp sau sẽ giúp giảm nghẹt mũi cho trẻ, giúp bé dễ chịu và khỏe mạnh hơn.
Vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý
Nước muối sinh lý có tác dụng làm sạch khoang mũi, loại bỏ dịch nhầy, giúp trẻ dễ thở hơn, đồng thời làm ẩm niêm mạc mũi, hạn chế tình trạng khô rát khó chịu. Đây là phương pháp an toàn, đơn giản hàng đầu mà cha mẹ có thể áp dụng để chăm sóc cho bé khi bị nghẹt mũi.
Dụng cụ cần thiết:
- Nước muối sinh lý 0,9% (có thể mua tại nhà thuốc hoặc tự pha tại nhà)
- Các dụng cụ lấy dịch mũi và bơm rửa: ống hút mũi, bình rửa mũi…
Cách thực hiện:
- Cho bé nằm nghiêng.
- Nhỏ một vài giọt nước muối sinh lý vào từng bên mũi, đợi trong vài giây cho dịch nhầy mềm ra.
- Hút nhẹ nhàng dịch mũi ra ngoài.
- Lặp lại thao tác cho mũi bên kia.
Tạo độ ẩm cho không khí
Không khí khô làm niêm mạc mũi mất nước, dịch nhầy đặc lại gây nghẹt mũi. Vào mùa đông hanh khô, khi sử dụng điều hòa, hoặc khi trẻ bị sốt mất nước, các bậc phụ huynh cần đặc biệt lưu ý tạo độ ẩm cho không khí trong phòng của bé.
Các cách tăng độ ẩm:
- Sử dụng các loại máy tạo ẩm.
- Đặt một chậu nước trong phòng bé.
- Phơi khăn ướt trong phòng nơi trẻ đang ngủ.
Thay đổi tư thế ngủ
Khi nằm ngủ, dịch nhầy dễ dàng tích tụ, gây tình trạng nghẹt mũi nặng hơn, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Để hạn chế tình trạng này, phụ huynh có thể kê cao gối hoặc đổi tư thế ngủ nghiêng cho trẻ, giúp bé dễ thở hơn.
Sử dụng tinh dầu bạc hà
Tinh dầu bạc hà có khả năng tác động và kích thích mạnh vào các mạch máu để chúng giãn ra. Nhờ đó, vùng mũi của các bé trở nên thông thoáng, giảm nhanh tình trạng nghẹt mũi, đồng thời không khí dễ dàng đi vào bên trong. Điều này sẽ giúp trẻ dễ chịu và dễ thở hơn.
Cách thực hiện:
- Các bố mẹ đốt tinh dầu bạc hà trong phòng để tạo mùi hương (sử dụng loại tinh dầu nguyên chất).
- Mỗi ngày đốt 1 – 2 lần sẽ giúp cải thiện tình trạng nghẹt mũi cho trẻ rất hiệu quả.
Lưu ý:
- Bố mẹ nên đặt tinh dầu cách xa nơi bé nằm ngủ. Đồng thời trong thời gian chữa bệnh, cần chú ý quan sát phản ứng của các bé khi ngửi hương thơm của tinh dầu.
- Bạn chỉ nên đốt tinh dầu liên tục trong 5 – 7 ngày, tránh sử dụng quá nhiều trong thời gian dài. Vì nếu mùi hương quá mạnh sẽ làm tăng triệu chứng khó thở của các bé. Trong trường hợp này, bố mẹ cần ngưng sử dụng tinh dầu bạc hà cho bé, tránh để xảy ra những rủi ro không mong muốn.
Phương pháp hút mũi
Đa phần các trẻ nhỏ chưa biết cách xì mũi hoặc xì không đúng nên khó có thể loại bỏ hết dịch nhầy ra ngoài. Do đó, để giúp bé giảm cảm giác khó chịu do tình trạng nghẹt mũi gây ra, bố mẹ nên sử dụng dụng cụ hỗ trợ hút mũi. Dụng cụ này sẽ giúp đưa toàn bộ dịch mũi ra bên ngoài, nhờ đó vùng mũi trẻ nhỏ trở nên khô và thông thoáng hơn.
Cách thực hiện:
- Bạn đặt bé vào trong lòng, chú ý giữ cho đầu của trẻ hơi ngả về phía sau.
- Dùng tay bóp nhẹ vào đầu ống hút mũi nhằm tạo chân không, sau đó nhẹ nhàng đưa đầu bút vào một bên mũi của con.
- Từ từ nhả đầu bút ra để chất nhầy bị tác động và hút hoàn toàn ra ngoài.
- Dùng khăn bông mềm lau sạch chất dịch nhầy còn đọng lại trên mũi của trẻ.
- Với phương pháp này, bố mẹ cần thực hiện nhiều lần trong ngày cho con.
Chườm gạc ấm
Để gia tăng việc lưu dịch tiết hô hấp cũng như cải thiện tình trạng nghẹt mũi, bố mẹ có thể chườm gạc ấm lên mũi cho con.
Cách thực hiện:
- Bạn dùng khăn hoặc bông gạc thấm nước ấm lên, nhiệt độ nước trung bình khoảng 40 – 42 độ C.
- Sau đó vắt bớt nước rồi đắp trực tiếp lên vùng mũi của con.
- Đợi tới khi gạc nguội, bố mẹ lặp lại thêm 2 – 3 lần nữa.
- Cuối cùng dùng tăm bông hoặc dụng cụ hút mũi lấy sạch dịch tiết ứ đọng trong các hốc mũi.
Cách chữa nghẹt mũi cho trẻ em bằng tỏi
Tỏi chứa chất allicin, có khả năng kháng khuẩn và chống viêm. Khi tỏi được nghiền nát và hơi từ hỗn hợp này hít vào mũi, allicin có thể giúp làm sạch và thông thoáng đường hô hấp, giảm nghẹt mũi cho trẻ em.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị một vài nhánh tỏi, đem bóc vỏ, rửa sạch, rồi giã nát và vắt lấy nước cốt.
- Trộn nước cốt tỏi với dầu vừng theo đúng tỷ lệ là 1:1.
- Sau khi vệ sinh mũi cho bé thật sạch sẽ bằng nước muối, bố mẹ lấy bông gòn thấm hỗn hợp tỏi và dầu vừng nhét nhẹ vào một bên cửa mũi của trẻ.
- Giữ nguyên như vậy khoảng 15 phút rồi lấy ra. Đối với bên còn lại cũng làm tương tự.
- Tuy nhiên, bố mẹ cần lưu ý, trong quá trình này phải theo sát bé, tránh trường hợp bông gòn siết quá chặt làm trẻ khó thở.
Lưu ý khi áp dụng các mẹo chữa nghẹt mũi tại nhà
Phân biệt nghẹt mũi sinh lý và nghẹt mũi do bệnh
- Nghẹt mũi sinh lý: Trẻ sơ sinh trong vài tuần đầu sau khi chào đời có thể gặp hiện tượng nghẹt mũi nhẹ, dịch mũi trong, loãng. Đây là tình trạng bình thường do đường thở của trẻ đang làm quen với môi trường bên ngoài. Nghẹt mũi sinh lý thường tự khỏi, không cần can thiệp đặc biệt.
- Nghẹt mũi do bệnh: Nếu nghẹt mũi kéo dài, dịch mũi đặc, xanh, vàng, kèm theo các triệu chứng như sốt, ho, bỏ bú,… rất có thể bé đã mắc các bệnh lý như cảm lạnh, viêm mũi, viêm xoang…
Không lạm dụng các mẹo chữa nghẹt mũi
Các phương pháp như xông hơi, sử dụng các nguyên liệu tự nhiên chỉ có tác dụng hỗ trợ, giúp giảm nhẹ triệu chứng tạm thời. Việc lạm dụng quá mức có thể gây những ảnh hưởng không mong muốn:
- Xông hơi quá nóng hoặc với nồng độ tinh dầu quá cao có thể khiến niêm mạc mũi trẻ bị bỏng, tổn thương.
- Một số bé có cơ địa nhạy cảm, dễ dị ứng với các nguyên liệu tự nhiên.
Khi nào cần đưa trẻ đến bác sĩ
Các biện pháp tại nhà không phải cách điều trị triệt để tình trạng nghẹt mũi ở trẻ. Trong các trường hợp sau đây, phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và tư vấn:
- Trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi bị nghẹt mũi.
- Trẻ lớn hơn nhưng tình trạng nghẹt mũi kéo dài trên 10 ngày.
- Nghẹt mũi kèm theo sốt cao, bỏ bú, nôn trớ nhiều, thở khò khè, khó thở.
- Các mẹo tại nhà không mang lại hiệu quả, tình trạng nghẹt mũi ngày càng nặng hơn.
Trên đây là gợi ý của chúng tôi về một số cách chữa nghẹt mũi cho trẻ em ngay tại nhà. Tuy nhiên, các mẹo này chỉ phù hợp áp dụng cho trường hợp bệnh nhẹ, còn nếu thấy con xuất hiện các biểu hiện nghiêm trọng, bố mẹ nên đưa con đi khám ngay.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!