Cấy Chỉ Chữa Thoát Vị Đĩa Đệm

Cơ chế hoạt động của cấy chỉ

Cấy chỉ là một phương pháp điều trị bắt nguồn từ y học cổ truyền Trung Quốc. Trong đó, bác sĩ sẽ sử dụng kim chuyên dụng để đưa các sợi chỉ tự tiêu (thường là chỉ catgut) vào những huyệt đạo nhất định trên cơ thể. Mục đích của phương pháp này là kích thích các huyệt vị, đả thông kinh lạc, tăng cường lưu thông khí huyết, từ đó giảm đau, kháng viêm và thúc đẩy quá trình phục hồi tổn thương.

Cơ chế tác động cụ thể:

Theo y học cổ truyền: Cấy chỉ tác động lên các huyệt vị liên quan đến cột sống, từ đó giúp điều hòa kinh lạc, giảm ứ trệ, giảm đau nhức và tăng cường khả năng vận động.

Theo y học hiện đại:

  • Kích thích cơ thể giải phóng các chất giảm đau nội sinh như endorphin
  • Tăng cường lưu thông máu tại chỗ, giúp giảm viêm và cung cấp thêm dưỡng chất cho quá trình hồi phục của đĩa đệm.
  • Thư giãn cơ bắp, giảm tình trạng co cứng cơ cạnh cột sống.
Cấy chỉ chữa thoát vị đĩa đệm là phương pháp điều trị nội khoa được áp dụng khá phổ biến
Cấy chỉ chữa thoát vị đĩa đệm là phương pháp điều trị nội khoa được áp dụng khá phổ biến

Hiệu quả của cấy chỉ trong điều trị thoát vị đĩa đệm

Cấy chỉ có thể đem lại những hiệu quả nhất định trong điều trị thoát vị đĩa đệm, bao gồm:

  • Giảm đau: Cấy chỉ có thể giúp giảm đau vùng cột sống, giảm đau thần kinh tọa một cách hiệu quả.
  • Cải thiện chức năng vận động: Bệnh nhân có thể cảm thấy vận động cột sống dễ dàng hơn, giảm hạn chế trong các hoạt động hàng ngày.
  • Nâng cao chất lượng sống: Sự cải thiện về triệu chứng giúp người bệnh có tâm lý thoải mái hơn, giảm lo lắng và cải thiện chất lượng giấc ngủ

Ưu điểm và nhược điểm của cấy chỉ

Cấy chỉ mang lại một số lợi ích nhất định trong điều trị hỗ trợ thoát vị đĩa đệm. Tuy nhiên, cần hiểu rõ những ưu điểm lẫn hạn chế của nó để đưa ra quyết định phù hợp.

Ưu điểm:

  • Giảm đau: Cấy chỉ giúp giảm đau, cứng khớp tại vùng thoát vị đĩa đệm, tăng cường khả năng vận động.
  • Ít xâm lấn: Không đòi hỏi phẫu thuật, cấy chỉ ít gây chảy máu, hạn chế nhiễm trùng và có thời gian hồi phục nhanh chóng.
  • An toàn: Chỉ tự tiêu tương thích với cơ thể, tác dụng phụ hay biến chứng nghiêm trọng của cấy chỉ hiếm gặp.
  • Chi phí hợp lý: Thường có chi phí thấp hơn phẫu thuật thoát vị đĩa đệm.

Nhược điểm:

  • Không chữa khỏi hoàn toàn: Cấy chỉ hỗ trợ giảm đau và phục hồi, nhưng không khắc phục được tình trạng thoát vị đĩa đệm triệt để.
  • Hiệu quả khác nhau tùy cơ địa: Một số người đáp ứng tốt với cấy chỉ, số khác hiệu quả có thể hạn chế hơn.
  • Đòi hỏi kỹ thuật cao: Để an toàn và hiệu quả, cấy chỉ cần được thực hiện bởi bác sĩ có chuyên môn về YHCT và hiện đại.

Chỉ định và chống chỉ định

Mặc dù được ứng dụng trong điều trị các bệnh lý cơ xương khớp, bao gồm thoát vị đĩa đệm, tuy nhiên không phải đối tượng nào cũng phù hợp. Dưới đây là chỉ định và chống chỉ định người bệnh cần ghi nhớ:

Chỉ định:

  • Thoát vị đĩa đệm nhẹ và trung bình: Khi tình trạng thoát vị chưa quá nghiêm trọng, cấy chỉ giúp tăng cường tuần hoàn, giảm đau, thúc đẩy hồi phục.
  • Không thể hoặc không muốn phẫu thuật: Cấy chỉ là một lựa chọn thay thế ở bệnh nhân lớn tuổi, có nhiều bệnh nền, hoặc tâm lý lo ngại phẫu thuật.
  • Hỗ trợ điều trị bảo tồn: Cấy chỉ kết hợp với các phương pháp điều trị bảo tồn khác (vật lý trị liệu, dùng thuốc,…) sẽ tăng hiệu quả giảm đau và chống viêm.
Cấy chỉ phù hợp với người thoát vị mức độ nhẹ, trung bình
Cấy chỉ phù hợp với người thoát vị mức độ nhẹ, trung bình

Chống chỉ định:

  • Thoát vị đĩa đệm nặng: Cấy chỉ không thể thay thế phẫu thuật khi thoát vị đĩa đệm gây chèn ép rễ thần kinh hoặc tủy sống nặng, có các triệu chứng như yếu liệt, rối loạn cảm giác,…
  • Nhiễm trùng, bệnh về da: Không cấy chỉ tại vùng da đang có nhiễm trùng hay các bệnh da liễu cấp tính hoặc mãn tính.
  • Rối loạn đông máu: Người có vấn đề về đông máu hoặc đang dùng thuốc chống đông cần thận trọng, tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cấy chỉ.
  • Phụ nữ có thai, suy giảm miễn dịch: Cần cân nhắc độ an toàn trước khi áp dụng cấy chỉ cho các đối tượng này.

Quy trình cấy chỉ chữa thoát vị đĩa đệm

Quy trình cấy chỉ có thể khác nhau tùy cơ sở y tế và tay nghề bác sĩ, nhưng nhìn chung bao gồm các bước chính sau:

Thăm khám và chuẩn bị

Để giúp quy trình cấy chỉ diễn ra an toàn và đạt hiệu quả cao, giai đoạn chuẩn bị đóng vai trò rất quan trọng.

  • Thăm khám và tư vấn: Trước hết, bạn cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa YHCT. Sau khi hỏi bệnh sử và tiến hành thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ xác định cụ thể tình trạng thoát vị đĩa đệm. Ngoài ra, bạn sẽ được tư vấn kỹ lưỡng về cấy chỉ, từ lợi ích, hiệu quả đến những rủi ro tiềm ẩn.
  • Các xét nghiệm cần thiết: Để loại trừ chống chỉ định và đánh giá tình trạng sức khỏe tổng thể trước khi cấy chỉ, bác sĩ có thể yêu cầu một vài xét nghiệm, bao gồm công thức máu, đánh giá chức năng gan thận, chụp X-quang, cộng hưởng từ (MRI)…
  • Ngừng một số loại thuốc: Một số loại thuốc chống đông máu hoặc thuốc dùng trong bệnh lý nền cần được tạm ngừng trước khi cấy chỉ, cụ thể sẽ theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Các bước thực hiện cấy chỉ

Kỹ thuật cấy chỉ trong điều trị thoát vị đĩa đệm bao gồm các bước sau:

Phương pháp cấy chỉ cần thực hiện tại đúng huyệt đạo mới mang lại hiệu quả
Phương pháp cấy chỉ cần thực hiện tại đúng huyệt đạo mới mang lại hiệu quả
  • Sát khuẩn và gây tê: Vùng da vị trí cấy chỉ sẽ được sát khuẩn kỹ lưỡng. Bác sĩ sẽ gây tê để giúp bạn giảm đau trong quá trình thực hiện.
  • Xác định huyệt vị: Bác sĩ YHCT dựa vào kinh nghiệm và phác đồ huyệt vị chuyên biệt để xác định các huyệt đạo phù hợp với tình trạng thoát vị của bạn.
  • Cấy chỉ: Dùng một một cây kim chuyên dụng, bác sĩ sẽ đưa các sợi chỉ catgut (chỉ tự tiêu, thường được làm từ ruột động vật) vào các huyệt đã xác định. Thời gian thực hiện cấy chỉ thường kéo dài khoảng 15-30 phút.
  • Băng ép nhẹ và nghỉ ngơi: Sau khi cấy chỉ, vị trí thực hiện sẽ được băng ép nhẹ và bạn cần nghỉ ngơi một thời gian ngắn trước khi ra về.

Theo dõi và chăm sóc sau cấy chỉ

  • Chườm lạnh tại vị trí cấy chỉ 2-3 lần/ngày, mỗi lần khoảng 15 phút để giảm sưng đau.
  • Hạn chế vận động mạnh hoặc hoạt động khiến các cơ vùng điều trị phải làm việc gắng sức.
  • Vùng cấy chỉ cần tránh tiếp xúc với nước trong vòng 12-24 giờ đầu.
  • Giữ sạch vùng da xung quanh, tránh kỳ cọ mạnh hoặc tự ý dùng thuốc bôi.
  • Cần tái khám và thực hiện liệu trình tiếp theo theo khuyến cáo của bác sĩ. Liệu trình thường kéo dài từ 3-5 đợt, số lượng chỉ sử dụng cũng như cách sắp xếp huyệt vị có thể thay đổi giữa các lần cấy.

Cấy chỉ là phương pháp mang đến một số tác dụng tích cực trong điều trị thoát vị đĩa đệm. Tuy nhiên, người bệnh cần cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố nêu trên để đảm bảo điều trị an toàn, hiệu quả. Trước khi quyết định cấy chỉ, hãy trao đổi kỹ càng với bác sĩ để được tư vấn liệu pháp phù hợp nhất cho tình trạng của bản thân.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Ẩn

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android