Chữa Thoái Hóa Khớp Háng Bằng Đông Y
Cơ chế điều trị thoái hóa khớp háng bằng Đông y
Thoái hóa khớp háng là một căn bệnh cơ xương khớp mạn tính, gây đau đớn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận động của người bệnh. Bên cạnh y học hiện đại, Đông y cũng mang đến cho người bệnh một giải pháp điều trị an toàn, chú trọng bồi bổ toàn thân, cải thiện các triệu chứng và làm chậm diễn tiến của bệnh.
Theo Đông y, thoái hóa khớp háng xuất phát từ những yếu tố chính sau:
- Can thận hư suy: Chức năng của Can (gan) suy giảm, Thận khí yếu khiến không không đủ lực để nuôi dưỡng gân xương. Điều này khiến sụn khớp mất đi sự nuôi dưỡng, dần dần bị bào mòn, từ đó gây ra hiện tượng thoái hóa.
- Khí huyết ứ trệ: Khí trệ huyết ứ, không thể lưu thông đến phần dưới cơ thể khiến gân cơ mất sự trơn nuôi, lâu ngày sinh ra đau nhức và hạn chế vận động.
- Ngoại tà xâm nhập: Các yếu tố như Phong – Hàn Ẩm lâu ngày tích tụ ở vùng khớp háng làm tổn thương khí huyết, gây đau đớn và cản trở vận động.
Từ việc xác định nguyên nhân, Đông y đưa ra những nguyên tắc điều trị sau:
- Bổ Can Thận: Bồi bổ Can Thận, cường kiện gân cốt, là cốt lõi của quá trình điều trị thoái hóa khớp háng.
- Thông kinh hoạt lạc: Đả thông kinh mạch, hoạt huyết hóa ứ, giúp giảm đau, tăng cường tầm vận động khớp.
- Khu phong tán hàn trừ thấp: Tiêu trừ các yếu tố gây bệnh từ bên ngoài, phòng ngừa triệu chứng tái phát.
Các phương pháp chữa thoái hóa khớp háng bằng Đông y
Châm cứu
Theo quan điểm của y học cổ truyền, thoái hóa khớp háng xuất phát từ sự mất cân bằng âm dương, khí huyết ứ trệ và suy giảm chức năng tạng phủ (can, thận). Châm cứu tác động vào các huyệt đạo trên cơ thể, từ đó có thể: Thông kinh hoạt lạc, tán hàn trừ thấp, bổ can thận, cường gân cốt.
Những huyệt thường dùng trong châm cứu thoái hóa khớp háng
- Huyệt cục bộ (vùng khớp háng): Hoàn khiêu, Khúc cốt, Ân môn, Dương lăng tuyền,…
- Huyệt vùng thắt lưng: Thận du, Đại trường du, Ủy trung,…
- Huyệt vùng chi dưới: Hoàn khiêu, Thừa phù, Dương lăng tuyền, Tam âm giao,…
Thực hiện châm cứu:
- Kỹ thuật châm cứu: Người bệnh nằm ở tư thế thoải mái, bác sĩ sẽ tiến hành sát trùng da trước khi châm. Kim châm được đưa vào huyệt vị một cách nhanh chóng, có thể kết hợp xoay kim, vê kim để tăng cường kích thích. Đôi khi điện châm (nối kim châm với máy phát xung điện) cũng được sử dụng.
- Liệu trình: Thời gian mỗi lần châm cứu khoảng 20-30 phút. Một liệu trình có thể kéo dài 10 đến 20 buổi châm cứu, tùy tình trạng bệnh.
Bấm huyệt
Bấm huyệt là phương pháp đơn giản, an toàn giúp giảm đau và hỗ trợ điều trị thoái hóa khớp háng. Bằng cách tác động chính xác lên các huyệt đạo và duy trì thực hiện thường xuyên, người bệnh có thể cải thiện khả năng vận động cũng như chất lượng cuộc sống của mình.
Dưới đây là một số huyệt vị thường được sử dụng để hỗ trợ điều trị thoái hóa khớp háng:
- Hoàn khiêu (VB30): Vị trí huyệt nằm ở rãnh mông, cách mấu chuyển lớn xương đùi về phía sau 1/3.
- Thừa phù (V36): Nằm ở phía dưới mắt cá ngoài khoảng 7 thốn (3 đốt ngón tay).
- Dương Lăng Tuyền (VB34): Nằm ở chỗ lõm phía trước dưới lồi củ xương chày.
- Ủy Trung (V40): Huyệt nằm ở điểm chính giữa nếp lằn khoeo chân.
Hướng dẫn cách bấm huyệt chữa thoái hóa khớp háng
- Xác định các vị trí các huyệt đạo một cách chính xác.
- Dùng đầu ngón tay cái ấn, day huyệt theo chiều kim đồng hồ (khoảng 10 lần) rồi lặp lại ngược chiều kim đồng hồ.
- Lực bấm vừa phải, không quá đau, mỗi lần day khoảng 1-3 phút.
- Nên bấm huyệt đều đặn 2-3 lần mỗi ngày.
Bài thuốc uống chữa thoái hóa khớp háng
Tùy theo tình trạng bệnh cụ thể và thể trạng người bệnh, bác sĩ Đông y sẽ gia giảm các vị thuốc sao cho phù hợp. Một số bài thuốc Đông y thường dùng như:
Bài thuốc Độc hoạt tang ký sinh:
- Công dụng: Khu phong, trừ thấp, bổ Can Thận, mạnh gân cốt.
- Thành phần: Độc hoạt, tang ký sinh, đỗ trọng, ngưu tất, phòng kỷ, tần giao, nhân sâm, đương quy, thục địa, bạch thược, xuyên khung, cam thảo,…
- Cách dùng: Sắc uống các dược liệu đã chuẩn bị ở trên, mỗi ngày một thang.
Bài thuốc Quyên tý thang gia giảm:
- Công dụng: Tư bổ Can Thận, thông kinh hoạt lạc, giảm đau.
- Thành phần: Thục địa, sơn thù, hoài sơn, trạch tả, đan bì, phục linh, ngưu tất, xuyên khung, quế chi, cam thảo,…
- Cách dùng: Sắc uống các dược liệu đã chuẩn bị ở trên, mỗi ngày một thang.
Bài thuốc Đại bổ nguyên tiễn:
- Công dụng: Ôn bổ Can Thận, cường kiện gân cốt.
- Thành phần: Thục địa, thỏ ty tử, đỗ trọng, sơn dược, sơn thù, câu kỷ tử, lộc giác giao, ngưu tất, quy bản, phụ tử, nhục quế,…
- Cách dùng: Sắc uống hoặc tán bột làm hoàn. Nên sử dụng dưới sự hướng dẫn chặt chẽ của thầy thuốc.
Cao dán, thuốc đắp ngoài
Các phương pháp điều trị bằng Đông y, trong đó có các loại cao dán và thuốc đắp được nhiều người bệnh tin tưởng nhờ hiệu quả giảm đau và cải thiện vận động khớp.
Các dạng cao dán, thuốc đắp Đông y
- Cao dán: Được bào chế sẵn dưới dạng miếng dán, chứa chiết xuất của nhiều loại dược liệu. Loại này tiện lợi, dễ dùng, ít gây bẩn ra quần áo.
- Bài thuốc đắp: Sử dụng dược liệu tươi hoặc đã qua sơ chế, tán nhỏ, sau đó dùng vải bọc lại và đắp lên khớp háng. Dạng này có thể gia giảm thành phần linh hoạt theo tình trạng người bệnh.
Một số dược liệu thường dùng:
- Ngải cứu, thiên niên kiện, quế chi, độc hoạt, lá lốt, dây đau xương,…
Cách thực hiện:
- Đối với cao dán: Làm sạch vùng da khớp háng, dán cao theo hướng dẫn, thay cao mới sau 12-24h (hoặc theo khuyến cáo của nhà sản xuất).
- Đối với bài thuốc đắp: Trước khi đắp, nên chườm ấm hoặc xông hơi vùng khớp háng để tăng lưu thông khí huyết. Đắp thuốc trong khoảng thời gian nhất định (thường là 30 phút – 1 tiếng), sau đó lau sạch bằng nước ấm.
Trên đây là những thông tin về phương pháp chữa thoái hóa khớp háng bằng Đông y. Hy vọng bài viết này đã cung cấp cho bạn những kiến thức hữu ích để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!