Phương Pháp Chữa Viêm Phế Quản
Chữa viêm phế quản có rất nhiều phương pháp khác nhau, tùy thuộc vào mức độ bệnh cũng như tình trạng sức khỏe sẽ có Tây y, Đông y và mẹo dân gian. Mỗi hướng điều trị đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Bài viết này sẽ giới thiệu chi tiết tới bạn đọc những thông tin về chữa trị bệnh để đạt hiệu quả và an toàn nhất.
Phương pháp dùng thuốc chữa viêm phế quản trong Tây y
Viêm phế quản là bệnh lý xảy ra khi ống phế quản trong phổi bị tình trạng viêm nhiễm, phù nề, làm hình thành các cơn ho, khạc đờm, khó thở và mệt mỏi. Bệnh có thể gặp ở nhiều đối tượng, không phân biệt tuổi tác nhưng chủ yếu vẫn là người lớn tuổi và trẻ nhỏ. Khi không được chữa trị đúng cách và kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng rất nguy hiểm tới sức khỏe.
Theo đó, trong Tây y, bệnh nhân sẽ được áp dụng các cách điều trị căn nguyên cùng triệu chứng, kết hợp với việc thay đổi sinh hoạt hàng ngày để cho hiệu quả tốt nhất.
Các phương thuốc điều trị nguyên do
Những yếu tố gây ra bệnh viêm phế quản được y học xác nhận là bởi vi khuẩn, virus hoặc các tác nhân trong môi trường sống hàng ngày. Để dứt điểm triệt tiêu nguyên nhân gây bệnh, bạn sẽ được sử dụng các loại thuốc chữa viêm phế quản sau:
- Thuốc kháng virus: Thường được ứng dụng thuốc kháng virus cúm A như Zanamivir, Oseltamivir,… Bệnh nhân nên dùng kháng virus trong khoảng 36 giờ kể từ thời điểm khởi phát bệnh.
- Thuốc kháng sinh: Phổ biến nhất là nhóm thuốc Beta Lactam, Quinolon và Macrolid. Theo đó, chỉ dùng kháng sinh cho những bệnh nhân bị nhiễm trùng phế quản bởi vi khuẩn, bị sốt kéo dài, khạc đờm vàng, đờm xanh, đờm mủ, thể trạng không tốt,…
Thực tế có đến hơn 90% trường hợp mắc viêm phế quản bởi virus và không cần sử dụng đến thuốc kháng sinh. Vì vậy, khi mắc bệnh, bạn cần tới các cơ sở y tế để được thăm khám và kê đơn cụ thể, tránh tự mua thuốc về chữa trị tại nhà.
Trị viêm phế quản bằng thuốc loại bỏ triệu chứng
Khi chữa bệnh viêm phế quản bằng thuốc Tây, tùy thuộc theo mức độ biểu hiện cũng như các dấu hiệu đi kèm ở bệnh nhân, các bác sĩ sẽ kê cho bạn một số loại thuốc chữa trị thích hợp. Cụ thể gồm:
- Với trường hợp sốt: Thuốc được dùng phổ biến là Ibuprofen cùng với Acetaminophen (Paracetamol). Thuốc hạ sốt chỉ nên sử dụng khi bệnh nhân bị sốt cao từ 38.5 độ trở lên, không tự ý dùng Aspirin để hạ cơn sốt do viêm phế quản ở trẻ nhỏ, người bị loét dạ dày tá tràng hay mắc hen suyễn.
- Thuốc ho: Các loại thuốc ho chủ yếu là Terpin Codein, Dextromethorphan, được dùng cho những ca bệnh ho nhiều dẫn tới mất ngủ, cơ thể mệt mỏi. Bạn cũng không nên lạm dụng thuốc vì có thể gây mất phản xạ ho tự nhiên của cơ thể, thuốc cũng không được khuyến khích dùng cho những người dưới 18 tuổi vì có thể làm ức chế hệ hô hấp.
- Thuốc long đờm: Bromhexin, Acetylcystein hay Carbocistein chính là thuốc làm loãng đờm được sử dụng nhiều nhất.
- Thuốc ngạt mũi, sổ mũi: Người bệnh được kê đơn sử dụng Chloramphenicol hoặc Loratadin,… cùng các thuốc chống xung huyết mũi, làm thông thoáng mũi thông qua thuốc xịt chứa Otilin, Corticoid,…
- Thuốc trị co thắt phế quản và khó thở: Có thể dùng Salbutamol, Theophylin dạng khí dung.
Những thuốc chữa bệnh viêm phế quản này cho hiệu quả nhanh chóng nhưng đồng thời cũng có thể gây ra các tác dụng phụ, làm rối loạn chuyển hóa, nhịp tim, huyết áp cũng như ảnh hưởng tới chức năng gan và thận khi sử dụng sai cách. Do vậy, bệnh nhân cần chú ý tuyệt đối tuân thủ theo những chỉ dẫn của các bác sĩ.
Một số biện pháp hỗ trợ chăm sóc đi kèm khi chữa viêm phế quản
Các biện pháp hỗ trợ và chăm sóc cho bệnh nhân sẽ góp phần cải thiện các biến chứng khi bạn sử dụng thuốc Tây. Tùy thuộc vào mỗi người, chúng ta sẽ có những cách thực hiện sau:
- Lau mát và chườm lạnh để làm hạ cơn sốt.
- Cho người bệnh uống nhiều nước giúp làm long đờm.
- Vỗ rung, dẫn lưu với đối tượng mắc bệnh là trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh.
- Cần rửa mũi thường xuyên với nước muối sinh lý.
- Hãy hít thở không khí ẩm với máy xông hơi hoặc máy tạo độ ẩm.
Cách điều trị viêm phế quản tại nhà bằng mẹo dân gian
Dân gian có khá nhiều nguyên liệu tự nhiên có thể ứng dụng để chữa viêm phế quản ngay tại nhà. Bạn có thể tận dụng mật ong, tỏi, nước muối, nghệ để nhanh chóng đẩy lùi các triệu chứng. Cụ thể cách thực hiện như sau:
Dùng nước muối
Nước muối có tác dụng sát khuẩn, chống viêm cũng như làm sạch đường hô hấp, làm dịu cổ họng rất tốt, đặc biệt nên dùng với những ai bị ho nhiều.
Cách thực hiện:
- Bạn hòa tan 1 thìa muối trắng với một cốc nước ấm. Sau đó dùng nước muối để súc họng nhiều lần hàng ngày.
- Chú ý không pha nước muối quá mặn vì có thể làm nóng rát cổ họng và khô họng.
Mật ong
Mật ong nổi tiếng với khả năng sát khuẩn, kháng viêm cũng như làm sạch đường hô hấp. Trong mật ong còn có nhiều hoạt chất giúp giảm ho và làm lành nhanh chóng những tổn thương ở niêm mạc của đường hô hấp. Vì vậy nên nguyên liệu này cũng được dùng để trị viêm amidan, viêm họng rất tốt.
Cách thực hiện:
- Bạn cần chuẩn bị 1 cốc giấm táo, 1 cốc nước lọc và 1 thìa mật ong.
- Trộn đều 3 nguyên liệu với nhau và uống mỗi ngày 1 lần để làm giảm các triệu chứng đau rát, ho, có đờm nhanh chóng.
- Lưu ý không dùng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi để không xảy ra ngộ độc.
Lá trầu
Trong lá trầu không có chứa nhiều hoạt chất Phenolic cùng lượng tinh dầu lớn giúp sát khuẩn, chống viêm rất mạnh mẽ. Đặc biệt những virus và vi khuẩn gây ra bệnh ở đường hô hấp đều được loại bỏ nhanh chóng.
Cách thực hiện:
- Sử dụng 6 – 8 lá trầu không, rửa sạch và mang đi xay nhuyễn.
- Bạn ép lấy phần nước cốt rồi uống mỗi ngày 2 lần sau khi dùng bữa cơm chính.
Tỏi
Tỏi có chứa hàm lượng cao kháng sinh tự nhiên Allicin. Vì vậy từ lâu tỏi đã được ứng dụng phổ biến trong các bài thuốc chữa viêm phế quản cũng như nhiều bệnh lý khác của dân gian.
Đồng thời, tỏi cũng có chứa lượng vitamin A, B, C cũng nhiều khoáng chất thiết yếu giúp chúng ta tăng cường sức khỏe, cải thiện miễn dịch hệ hô hấp và phòng tránh nhiều bệnh lý.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị 2 – 3 củ tỏi, một chút mật ong và giấm táo.
- Bóc hết vỏ tỏi và đem rửa sạch, sau đó để cho ráo nước.
- Bạn đập dập tỏi rồi cho vào hũ thủy tinh, ngâm mật ong và giấm cho ngập tỏi, sau 15 ngày có thể lấy ra để pha nước ấm uống mỗi ngày.
Đánh giá chung, các cách chữa viêm phế quản của dân gian có ưu điểm là an toàn, lành tính, dễ thực hiện. Nhưng hiệu quả sẽ còn phụ thuộc vào cơ địa của từng bệnh nhân. Chúng ta chỉ nên dùng các mẹo này với mục đích hỗ trợ trị bệnh, không thể thay thế hoàn toàn cho các phương thuốc vì không thể trị dứt điểm viêm phế quản.
Ngoài ra, trong quá trình áp dụng, người bệnh vẫn nên tham khảo ý kiến từ các bác sĩ phụ trách điều trị để có hướng sử dụng sao cho thích hợp nhất. Chúng ta không lạm dụng mẹo dân gian vì có thể không chỉ không làm khỏi bệnh mà còn khiến bệnh trở nặng.
Điều trị viêm phế quản bằng thuốc Đông y
Y học cổ truyền đưa viêm phế quản vào phạm vi chứng Khái thấu và Đàm ẩm. Theo các ghi chép trong YHCT, nguyên nhân bên trong gây bệnh viêm phế quản là do suy nhược tạng can, phế, thận, làm hao tổn tân dịch, phế khí ngưng trệ.
Nguyên nhân bên ngoài là do cảm thụ tà khí lục dâm như ngoại cảm phong hàn, phong nhiệt. Kết hợp 2 căn nguyên này sẽ hình thành bệnh viêm phế quản với các triệu chứng ho nhiều, khạc đờm, sổ mũi, ngạt mũi, khó thở…
Nguyên tắc điều trị viêm phế quản theo Đông y thường là sơ phong, tán hàn, bổ chính, khu tà, tuyên tán phong hàn, phong nhiệt. Một số bài thuốc Đông y chữa viêm phế quản gồm:
Bài thuốc Hạnh tô tán gia giảm
- Công dụng: Điều trị chứng viêm phế quản thể phong hàn, thường gặp ở giai đoạn đầu của bệnh với các triệu chứng: ho, đờm trong, sổ mũi, ngạt mũi, sốt, đau đầu…
- Thành phần: Hạnh nhân, tiền hồ mỗi vị 12g, tô diệp 10g, trần bì, bán hạ chế, chỉ xác mỗi vị 8g, cát cánh 10g, cam thảo 4g, sinh khương 3 lát, phục linh 16g. Mỗi ngày sắc uống 1 thang, chia 2 lần sáng – chiều sau ăn.
Bài thuốc Tang cúc ẩm gia giảm
- Công dụng: Điều trị viêm phế quản thể phong nhiệt với triệu chứng: ho nặng, đờm đặc, vàng, đau họng, sốt cao, mệt mỏi toàn thân.
- Thành phần: Tang diệp, cúc hoa, tiền hồ, hạnh nhân, ngưu bàng tử mỗi vị 12g, liên kiều 16g, bạc hà 6g, cát cánh 10g, cam thảo 6g, lô căn 8g. Mỗi ngày sắc uống 1 thang, chia 2 lần sáng – chiều sau ăn.
Bài thuốc tang bạch thang gia giảm
- Công dụng: Điều trị viêm phế quản thể khí táo với các triệu chứng: ho khan, ít đờm, họng khô, lưỡi khô, sốt.
- Thành phần: Tang diệp, tiên hồ, đậu xị, hạnh nhân mỗi vị 12g, sa sâm 2g, xuyên bối mẫu 6g, chi tử 8g, cát cánh 10g, cam thảo 6g. Mỗi ngày sắc uống 1 thang, chia 2 lần sáng – chiều sau ăn.
Bài thuốc Tiểu thanh long gia giảm
- Công dụng: Điều trị thể hàn ẩm với các triệu chứng ho kéo dài, khó thở, đờm lỏng trắng.
- Thành phần: Ma hoàng 8g, quế chi 8g, tế tân 6g, can khương 6g, bán hạ chế 12g, ngũ vị tử 8g, bạch thược 12g, cam thảo 6g. Mỗi ngày sắc uống 1 thang, chia 2 lần sáng – chiều sau ăn.
Bài thuốc Lục quân tử thang và Bình vị tán gia vị
- Công dụng: Chữa bệnh viêm phế quản thể đàm thấp với các triệu chứng: ho, khạc đờm nhiều, mệt mỏi, đầy tức ngực bụng.
- Thành phần: Đẳng sâm, thương truật, hậu phác, ngưu bàng tử, hạnh nhân mỗi vị 12g, bạch truật, phục linh, ý dĩ mỗi vị 16g, cam thảo 4g, trần bì 8g, bán hạ chế 10g, sinh khương 3 lát, đại táo 3 quả. Mỗi ngày sắc uống 1 thang, chia 2 lần sáng – chiều sau ăn.
Chữa viêm phế quản bằng Đông y mang lại hiệu quả triệt để, lâu dài, đảm bảo tính an toàn và lành tính. Tuy nhiên, người bệnh cần kiên trì sử dụng trong thời gian dài mới mang lại hiệu quả tối đa. Có thể kết hợp châm cứu trong quá trình điều trị để tăng hiệu quả chữa bệnh.
Cần lưu ý những gì khi chữa bệnh viêm phế quản?
Bệnh viêm phế quản là tình trạng viêm nhiễm rất dễ gặp ở các đối tượng khác nhau. Khi không chữa sớm và không có biện pháp khắc phục thích hợp sẽ dễ xảy ra các biến chứng nguy hiểm, thậm chí là có nguy cơ tử vong. Do vậy, để đảm bảo an toàn cũng như hiệu quả trong suốt thời gian điều trị, bạn cần tuân thủ những điều dưới đây:
- Luôn thực hiện nghiêm túc những chỉ dẫn về cách dùng, liều lượng, thời gian sử dụng thuốc từ các bác sĩ và chuyên gia.
- Không hút thuốc lá và hãy hạn chế đến các môi trường có nhiều khói thuốc lá.
- Bệnh nhân cần uống nhiều nước, duy trì ít nhất 2 lít nước mỗi ngày, tùy theo thể trạng của mỗi người. Ưu tiên sử dụng nước ấm và nước trái cây thay cho nước lạnh.
- Bạn hãy vệ sinh răng miệng, súc họng sạch sẽ mỗi ngày. Đồng thời nhỏ mũi, rửa mũi với các dung dịch chuyên dụng, chủ yếu sẽ là nước muối sinh lý.
- Trước và sau khi ăn, sau lúc đi vệ sinh hãy rửa tay sạch sẽ với xà phòng. Chúng ta cũng không dùng tay để ngoáy mũi trong bất cứ trường hợp nào.
- Cần đeo khẩu trang mỗi khi ra ngoài, bạn cũng chú ý giữ ấm cơ thể khi trời trở lạnh, đặc biệt là khu vực bàn chân và cổ.
- Cần hạn chế tiếp xúc với những dị nguyên gây dị ứng.
- Chăm chỉ tập luyện thể dục, thể thao, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng cũng như tiêm phòng vắc xin cúm hàng năm.
- Nếu trong quá trình chữa trị xảy ra những biểu hiện bất thường, bệnh nhân hãy liên hệ ngay với bác sĩ để tránh xảy ra những tác dụng phụ nguy hiểm.
Chữa viêm phế quản như thế nào cho hiệu quả tốt đã được chúng tôi giải đáp rất chi tiết trong bài viết này. Bạn đọc hãy tham khảo kỹ thông tin để lựa chọn cho mình giải pháp điều trị thích hợp nhất. Trong mọi trường hợp cần chú ý tuân thủ theo đúng những hướng dẫn từ bác sĩ.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!