Điều Trị Thoái Hóa Khớp Gối Bằng Đông Y
Các phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối bằng Đông Y
- Thoái hóa khớp gối, căn bệnh gây đau đớn và hạn chế vận động ở người trưởng thành, đang ngày càng phổ biến.
- Đông y mang đến các giải pháp điều trị độc đáo, tập trung vào việc khôi phục lại sự cân bằng bên trong cơ thể, giảm đau và nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Bài thuốc thảo dược
Dùng thuốc Đông y sẽ hỗ trợ điều trị bên trong, giúp loại bỏ nguyên nhân gây ra bệnh và mang lại hiệu quả lâu dài. Tuy nhiên, việc dùng thuốc có hiệu quả chậm, người bệnh cần sử dụng trong thời gian dài để cơ thể hấp thụ đủ dược tính và phát huy công dụng. Dựa vào tình trạng bệnh và nguyên nhân gây ra bệnh, chuyên gia sẽ kê đơn thuốc điều trị phù hợp nhất.
Bài thuốc uống 1
Mục đích là trừ hàn, hoạt huyết và giải phóng ứ trệ. Nếu sử dụng trong thời gian dài sẽ có tác dụng giảm đau nhức, cải thiện chức năng khớp gối và nâng cao sức đề kháng của cơ thể.
Chuẩn bị:
- Độc hoạt, ngưu tất, đỗ trọng, đương quy, sinh địa, đảng sâm mỗi vị 12 gram
- Phục linh, phòng phong, bạch thược mỗi vị 10 gram
- Xuyên khung và tần giao mỗi vị 8 gram
- Cam thảo, quế chi, tế tân mỗi vị 4 gram
Cách thực hiện:
- Các dược liệu trên đem đi rửa sạch, cho vào ấm cùng với lượng nước vừa đủ rồi bắc lên bếp đun sôi.
- Khi nước sôi khoảng 30 phút thì tắt bếp, chắt lấy nước chia thành nhiều phần bằng nhau rồi dùng để uống trong ngày.
- Sử dụng mỗi ngày một thang cho đến khi bệnh thuyên giảm đáng kể.
Bài thuốc uống 2
Bài thuốc này có tác dụng trừ hàn, thông kinh lạc và cải thiện sức đề kháng của cơ thể.
Chuẩn bị:
- Cỏ xước, thổ phục linh mỗi vị 16 gram
- Hà thủ ô, sinh địa và trinh nữ mỗi vị 12 gram
- Lá lốt và thiên niên kiện mỗi vị 10 gram
- Quế chi 8 gram
Cách thực hiện:
- Các dược liệu trên đem hợp thành một thang thuốc, mỗi ngày dùng một thang.
- Đem dược liệu đi rửa sạch, sắc kỹ với nước rồi dùng để uống.
Bài thuốc uống 3
Bài thuốc chuyên dùng để điều trị bệnh thoái hóa khớp gối gây đau nhức khớp vào ban đêm kèm theo triệu chứng lạnh tay chân.
Chuẩn bị:
- Đậu đen 24 gram
- Thổ phục linh và rễ trinh nữ mỗi vị 20 gram
- Huyết đằng, nam tục đoạn, hà thủ ô mỗi vị 16 gram
- Cửu tiết xương bồ, đương quy và chích cam thảo mỗi vị 12 gram
- Quế chi, cây bao kim mỗi vị 10 gram
Cách thực hiện:
- Rửa sạch số dược liệu trên rồi đem đi sắc cùng với 1 lít nước trên lửa nhỏ.
- Khi nước cạn còn 1/3 thì tắt bếp, chia thành 2 phần sử dụng để uống hết trong ngày.
Bài thuốc ngâm rượu
Với những trường hợp thoái hóa khớp gối gây đau nhức kéo dài, người bệnh có thể sử dụng bài thuốc ngâm rượu để trị bệnh. Công dụng chính của bài thuốc này là giảm viêm sưng, tán hàn và đả thông kinh lạc.
Chuẩn bị:
- Rễ cỏ xước, rễ bưởi bung, kê huyết đằng, nam tục đoạn, đương quy, xuyên khung, táo nhân sao đen mỗi vị 20 gram
- Cam thảo 16 gram
- Trần bị 12 gram
Cách thực hiện
- Các vị thuốc trên đem rửa sạch, để cho ráo nước rồi tráng qua với rượu trắng.
- Cho tất cả vào trong bình thủy tinh, đổ rượu vào bình cho ngập rồi đậy kín nắp lại.
- Ngâm hỗn hợp trên trong khoảng 12 ngày là có thể lấy ra dùng.
- Khi bị thoái hóa khớp gối, người bệnh chỉ cần lấy khoảng 25ml rượu ngâm uống vào trước mỗi bữa ăn, dùng với tần suất 2 lần/ngày là được.
Bài thuốc đắp ngoài
Bài thuốc đắp ngoài rất thích hợp áp dụng đối với những trường hợp bị đau nhức gây cứng khớp và hạn chế khả năng di chuyển.
Chuẩn bị:
- Thạch xương bồ
- Ngải diệp
Cách thực hiện:
- Người bệnh cần chuẩn bị 24 gram thạch xương bồ và một nắm ngải diệp.
- Đem dược liệu đi rửa sạch, để ráo rồi đem đi sao nóng.
- Bọc hỗn hợp trên trong tấm vải mỏng và sạch, đem chườm lên vùng khớp gối bị đau nhức.
- Sau 20 phút thực hiện bạn sẽ thấy tình trạng cứng khớp thuyên giảm đáng kể.
Châm cứu
Phương pháp này sử dụng những cây kim rất mảnh để tác động tại các huyệt đạo trên cơ thể. Theo quan niệm Đông y, việc kích thích các huyệt đạo này giúp điều hòa dòng chảy của khí (năng lượng sống) và cân bằng âm dương trong cơ thể, từ đó thúc đẩy quá trình tự chữa lành của cơ thể.
Trong điều trị thoái hóa khớp gối, châm cứu đem lại những lợi ích sau:
- Giảm đau: Châm cứu giúp giảm đau khớp gối hiệu quả thông qua cơ chế giải phóng các chất giảm đau tự nhiên như endorphin và serotonin, đồng thời tác động lên hệ thần kinh trung ương, điều hòa cảm giác đau.
- Chống viêm: Châm cứu có tác dụng kháng viêm, giảm sưng và phù nề tại ổ khớp, hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả.
- Tăng cường vi tuần hoàn: Phương pháp giúp tăng cường lưu thông khí huyết, đặc biệt là lưu thông máu tại vùng khớp gối, giúp nuôi dưỡng các sụn khớp, giảm tình trạng thiếu dưỡng chất góp phần gây thoái hóa.
- Thư giãn cơ: Một trong những nguyên nhân gây đau trong thoái hóa khớp gối là tình trạng co cứng cơ xung quanh khớp. Châm cứu giúp thư giãn cơ bắp, giảm tình trạng co cứng, hỗ trợ giảm đau.
Một số huyệt đạo trọng yếu được lựa chọn sử dụng trong châm cứu thoái hóa khớp gối bao gồm:
- Dương Lăng Tuyền (GB34): Nằm ở dưới đầu xương mác, huyệt này có tác dụng giảm đau, sưng khớp.
- Túc Tam Lý (ST36): Vị trí huyệt dưới khớp gối khoảng 4 thốn, tác động đến Túc Tam Lý giúp tăng cường chức năng cơ, giảm đau, điều hòa khí huyết.
- Hạc Đỉnh (EX-LE2): Nằm ngay trên đỉnh xương bánh chè, giúp giảm đau và cải thiện vận động khớp gối.
- Ủy Trung (BL40): Ở vị trí chính giữa nếp gấp khoeo chân, Ủy Trung có tác dụng khu phong, tán hàn, thư cân hoạt lạc.
Xoa bóp, bấm huyệt
- Tăng cường lưu thông khí huyết: Các kỹ thuật xoa bóp, bấm huyệt giúp tác động trực tiếp vào vùng khớp gối đau nhức, làm giãn mạch, tăng cường lưu thông máu và các dưỡng chất cần thiết tới vùng khớp bị tổn thương. Điều này hỗ trợ quá trình tái tạo sụn khớp, giảm viêm, giảm sưng.
- Giảm co cứng cơ: Tình trạng đau nhức khiến người bệnh thoái hóa khớp gối hạn chế vận động, dần dần dẫn đến hiện tượng co cứng cơ xung quanh khớp. Xoa bóp giúp làm mềm cơ, giảm căng cơ, từ đó cải thiện tình trạng cứng khớp và tăng khả năng vận động.
- Giảm đau: Xoa bóp bấm huyệt tác động lên các huyệt đạo quan trọng, có khả năng kích thích sản sinh các chất giảm đau tự nhiên trong cơ thể, đồng thời ức chế đường truyền tín hiệu đau đến não bộ.
Các kỹ thuật xoa bóp bấm huyệt thường áp dụng
- Xoa: Dùng lòng bàn tay hoặc các ngón tay xoa nhẹ nhàng vùng khớp gối theo chiều kim đồng hồ. Người bệnh có thể tự thực hiện hoặc nhờ hỗ trợ.
- Bóp: Dùng các đầu ngón tay phối hợp nhịp nhàng bóp lên các vùng cơ quanh khớp gối.
- Day ấn huyệt: Tác động trực tiếp lên các huyệt vị quan trọng bằng cách day hoặc ấn với lực vừa phải. Một số huyệt thường được sử dụng như Huyệt Độc Tỵ, Huyệt Hạc Đỉnh, Huyệt Dương Lăng Tuyền, Huyệt Âm Lăng Tuyền, Huyệt Ủy Trung…
Hiệu quả của điều trị thoái hóa khớp gối bằng Đông y
- Cải thiện triệu chứng: Đông y cho thấy hiệu quả trong việc giảm đau khớp, giảm cứng khớp, cải thiện phạm vi vận động, từ đó hỗ trợ người bệnh duy trì khả năng vận động linh hoạt hơn trong cuộc sống hàng ngày.
- Tác dụng toàn diện: Đông y không chỉ tập trung vào triệu chứng mà còn chú trọng bồi bổ cơ thể, tăng cường chính khí, giúp nâng cao sức khỏe tổng thể.
- Ít tác dụng phụ: Thuốc Đông y, châm cứu, xoa bóp bấm huyệt được xem là các liệu pháp có độ an toàn cao. Tuy nhiên, điều này cũng phụ thuộc vào chuyên môn của người thực hiện.
Những lưu ý khi điều trị thoái hóa khớp gối bằng Đông y
- Chẩn đoán và điều trị đúng cách: Hiệu quả điều trị phụ thuộc nhiều vào việc xác định đúng thể bệnh theo Đông y và từ đó xây dựng phác đồ phù hợp. Do đó, cần lựa chọn thầy thuốc Đông y có chuyên môn và kinh nghiệm.
- Không tự ý sử dụng thuốc: Dù là thảo dược, thuốc Đông y vẫn cần dùng thận trọng dưới sự hướng dẫn chặt chẽ của thầy thuốc, tránh việc tự ý dùng thuốc dẫn đến những tác dụng không mong muốn.
- Thời gian điều trị: Đông y đòi hỏi sự kiên trì, hiệu quả thường đến từ từ và bền vững. Người bệnh nên tuân thủ phác đồ điều trị của thầy thuốc.
- Kết hợp với các biện pháp khác: Để đạt hiệu quả điều trị tối ưu, bên cạnh Đông y, người bệnh cũng nên kết hợp với phục hồi chức năng, vật lý trị liệu, tập luyện phù hợp theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
- Dừng thuốc ngay khi có biểu hiện bất thường: Trong một số ít trường hợp, người bệnh có thể bị dị ứng nhẹ hoặc bị tác dụng phụ nhẹ từ thuốc Đông y. Khi thấy các dấu hiệu như mẩn ngứa, chán ăn, tiêu chảy, buồn nôn… hãy trao đổi ngay với bác sĩ để được xử lý kịp thời.
Thoái hóa khớp gối gây nhiều phiền toài, nhưng với Đông y, người bệnh có thể tìm thấy giải pháp điều trị an toàn và hiệu quả. Áp dụng kiên trì và đúng cách các phương pháp giúp bạn lấy lại sự linh hoạt và giảm bớt những cơn đau dai dẳng do bệnh gây ra.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!