Điều Trị Viêm Da Tiếp Xúc
Điều trị viêm da tiếp xúc bằng phương pháp nào?
Viêm da tiếp xúc thường gây ra triệu chứng tổn thương da như nổi mụn nước, phát ban, da sưng đỏ, ngứa rát khiến người bệnh mệt mỏi. Nếu không sớm điều trị, bệnh có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng hoặc xảy ra tình trạng bệnh tái phát nhiều lần. Tùy theo mức độ bệnh lý mà có phương pháp điều trị phù hợp.
Nếu tổn thương da ở mức độ nhẹ, không bị viêm nhiễm, ngứa rát nhiều, mới khởi phát thì người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp điều trị và chăm sóc da tại nhà. Tuy nhiên, nếu tổn thương da nghiêm trọng, gây nhiễm khuẩn, nguy cơ bội nhiễm cao thì người bệnh nên nhanh chóng khám chữa tại các cơ sở y tế chuyên khoa. Dưới đây là các biện pháp điều trị viêm da tiếp xúc bao gồm:
Sử dụng các loại thuốc tân dược điều trị viêm da tiếp xúc
Để điều trị viêm da tiếp xúc, người bệnh có thể sử dụng một số loại thuốc bôi ngoài da và thuốc uống giúp giảm bớt triệu chứng viêm sưng, mẩn ngứa, chống nhiễm khuẩn. Dưới đây là một số loại thuốc thường được dùng để điều trị viêm da tiếp xúc:
1. Thuốc bôi ngoài da trị viêm da tiếp xúc
Thuốc bôi điều trị viêm da tiếp xúc thường có tác dụng sát khuẩn vùng da tổn thương, ngăn ngừa vi khuẩn phát triển gây bội nhiễm, tiêu viêm, giảm bớt tình trạng ngứa ngáy trên da. Dựa trên mức độ tổn thương da, độ tuổi người bệnh và tình trạng đáp ứng thuốc của cơ thể người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc bôi phù hợp.
- Hồ nước: Thường được chỉ định trong trường hợp viêm da tiếp xúc mới khởi phát. Thuốc có tác dụng sát khuẩn nhẹ cho da và làm dịu bớt thương tổn trên da. Dùng bông gòn sạch thấm một phần thuốc và bôi lên vùng da bị bệnh ngày 1-2 lần.
- Trong trường hợp bị viêm da tiếp xúc bội nhiễm, vùng da tổn thương tiết dịch nhiều bác sĩ có thể kê đơn thuốc tím. Thoa trực tiếp thuốc lên vùng da viêm nhiễm từ 1-2 lần trong ngày.
- Nhóm thuốc bôi chứa corticoid được chỉ định sử dụng trong trường hợp bị viêm da tiếp xúc ở mức độ nặng, da nổi nhiều mụn nước, sưng tấy và tiết nhiều dịch ẩm ướt. Một số thuốc bôi ngoài da có chứa corticoid như Dipolac G, Fucidin H, Diprosone,…
- Nếu viêm da bị bội nhiễm, vùng da tổn thương có khả năng nhiễm trùng cao người bệnh cần dùng thuốc kháng sinh điều trị tại chỗ (Gentamicin 0.3%,Fusidicort, Derimucin,…) để chống viêm nhiễm.
- Ngoài sử dụng thuốc bôi điều trị, người bệnh cũng nên dùng sản phẩm dưỡng ẩm làm mềm da, phục hồi da (Lacticare-HC lotion, Physiogel cream,…) để cấp ẩm cho vùng da tổn thương, nâng cao sức đề kháng, tăng tốc độ hồi phục da, hạn chế thâm sẹo.
2. Các thuốc dạng uống điều trị viêm da tiếp xúc
Nếu tổn thương da nghiêm trọng, ngứa ngáy dữ dội, có xu hướng lan ra những vùng da khác thì người bệnh cần sử dụng cả thuốc uống đặc trị. Một số loại thuốc uống thường dùng để điều trị viêm da tiếp xúc như:
- Nhóm thuốc kháng histamine (Hydroxyzine, Cyclizine, Meclizine,…) có tác dụng ngăn ngừa, ức chế hệ miễn dịch sản xuất ra histamin, từ đó làm dịu bớt tình trạng ngứa ngáy.
- Thuốc chống viêm chứa steroid hoặc non-steroid (Metasone, Medrol, Prednisone,…) hỗ trợ kiểm soát triệu chứng viêm da tiếp xúc. Loại thuốc này thường dùng khi cơ thể không đáp ứng với các loại thuốc trên.
- Với những bệnh nhân có tổn thương da dạng hở, gây viêm loét, mưng mủ, có nguy cơ nhiễm trùng cao thì có thể cần uống thuốc kháng sinh.
- Viên uống bổ sung vitamin E, C, A và kẽm có tác dụng tăng cường sức đề kháng, làm giảm tổn thương trên da và đẩy nhanh quá trình hồi phục, tái tạo da.
Tuy nhiên, trước khi sử dụng các loại thuốc này người bệnh cần chú ý:
- Chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ chuyên môn, không tự ý dùng thuốc khi chưa nắm rõ tình trạng bệnh lý và tác dụng của thuốc.
- Tuân thủ liều lượng và thời gian dùng thuốc theo đơn để đảm bảo hiệu quả điều trị.
- Trong quá trình dùng thuốc chú ý theo dõi phản ứng của cơ thể, nếu phát sinh tác dụng phụ thì cần ngưng sử dụng thuốc và tìm gặp bác sĩ điều trị ngay lập tức.
Mẹo dân gian trị bệnh hiệu quả tại nhà
Bên cạnh việc sử dụng thuốc điều trị, người bệnh có thể áp dụng những mẹo dân gian để giảm bớt tình trạng mẩn ngứa trên da như:
- Điều trị viêm da tiếp xúc bằng lá trầu không: Lá trầu không giàu hàm lượng polyphenol, catalase và superoxide effutase có tác dụng kích thích tế bào da phục hồi. Thành phần Eugenol trong lá trầu có khả năng sát khuẩn mạnh với vi khuẩn gây nhiễm trùng da, từ đó làm giảm nguy cơ bội nhiễm. Rửa sạch 1 nắm lá trầu không và vò nát, đun sôi cùng 2 lít nước trong khoảng 10 phút. Để nước nguội và ngâm rửa vùng da bị viêm với nước lá trầu không.
- Đắp bột yến mạch chữa viêm da tiếp xúc: Bột yến mạch có khả năng làm sạch và dịu mát da mà không gây kích ứng trên da; thúc đẩy da tái hồi phục cấu trúc, ngăn ngừa tổn thương lan rộng. Bạn có thể hòa bột yến mạch với một chút nước, rồi đắp hỗn hợp này lên da. Thực hiện mỗi ngày 1 lần đến khi da khỏi hẳn.
- Massage da bằng mật ong: Trong mật ong chứa thành phần lợi khuẩn có tác dụng hỗ trợ hỗ trợ hệ miễn dịch da khỏe mạnh, cân bằng độ ẩm và pH trên da, phục hồi da tổn thương. Dùng mật ong thoa trực tiếp lên khu vực bị viêm da tiếp xúc và massage nhẹ nhàng trong 20 phút, rồi rửa sạch lại với nước ấm. Kiên trì thực hiện 1 lần/ngày để da nhanh hồi phục.
- Sử dụng gel nha đam dưỡng ẩm cho da: Nha đam có chứa nhiều hoạt chất chống oxy hóa có tác dụng hỗ trợ hồi phục hàng rào bảo vệ da, làm chậm quá trình lão hóa và mức độ tổn thương trên da. Rửa sạch nha đam, gọt bỏ vỏ ngoài và lấy toàn bộ phàn gel trong suốt thoa lên vùng da bị viêm. Giữ nguyên trong khoảng 15 phút để tinh chất trong gel thấm vào da, rồi rửa lại với nước ấm. Thực hiện hàng ngày sẽ đem lại hiệu quả nhanh hơn.
Đông y chữa bệnh toàn diện
Trong Đông y cũng có nhiều bài thuốc điều trị viêm da tiếp xúc an toàn, tận gốc và lành tính cho da như:
- Bài thuốc 1: 12g bồ công anh và sài đất, 4g cam thảo, 10g kim ngân và thương nhĩ tử làm sạch, cho vào đun sôi. Chắt nước uống hàng ngày, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, chống viêm loét, sưng ngứa.
- Bài thuốc 2: Dùng 30g rau má; 10g sài đất, đan sâm, liên kiều; 20g trúc diệp, mạch đông. Làm sạch và cho vào nồi sắc nước uống hàng ngày cho đến khi bệnh giảm hẳn.
- Bài thuốc 3: Chuẩn bị 10g đương quy, khổ sâm, kinh giới; 8g phòng phong, tri mẫu, ngưu bàng tử, thạch cao; 6g thuyền thoái, cam thảo; 12g hương truật, sinh địa, kim ngân hoa, bồ công anh. Rửa sạch và phơi khô, đem vào sắc cùng 2 lít nước cho đến khi còn khoảng 2/3. Chia thuốc uống thành 3 lần, sau khi ăn.
Những lưu ý khi chữa viêm da tiếp xúc
Viêm da tiếp xúc là bệnh da liễu rất thường gặp và thường diễn tiến qua nhiều giai đoạn và cần nhiều thời gian để điều trị. Để quá trình điều trị viêm da tiếp xúc mang lại hiệu quả và an toàn, người bệnh nên lưu ý những vấn đề sau:
- Trong thời gian điều trị, người bệnh nên bổ sung những chất dinh dưỡng (vitamin, chất khoáng, chất xơ, chất chống oxy hóa,…) có lợi cho cơ thể để cơ thể tiếp nhận thuốc tốt hơn, hạn chế cơn ngứa, kháng viêm hiệu quả.
- Hạn chế tiếp xúc với vùng da bị viêm, tránh chà xát, gãi cào mạnh lên da.
- Không để da tiếp xúc trực tiếp với các tác nhân gây dị ứng/kích ứng như hóa chất, mỹ phẩm, phấn hoa, lông thú cưng, bụi bẩn,…
- Tắm rửa, vệ sinh da sạch sẽ để hạn chế vi khuẩn bám trên da.
- Uống đủ 2-2,5 lít nước mỗi ngày để da được cấp đủ ẩm.
- Dùng máy tạo độ ẩm trong nhà để giảm thiểu nguy cơ khô da, bong tróc da.
Tùy theo tình trạng bệnh lý, người bệnh có thể điều trị viêm da tiếp xúc bằng thuốc Tây y, mẹo chữa dân gian hoặc sử dụng bài thuốc Đông y. Tuy nhiên để việc điều trị đạt hiệu quả cao, bạn nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa thăm khám can thiệp điều trị trong thời gian sớm nhất.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!