Hóa Trị Ung Thư Đại Tràng Và Các Thông Tin Cần Biết
Hóa trị ung thư đại tràng sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Hóa trị có thể được thực hiện trước hoặc sau khi phẫu thuật hoặc cùng với phương pháp xạ trị để kiểm soát ung thư và kéo dài sự sống cho người bệnh.
Hóa trị ung thư đại tràng là gì?
Hóa trị là việc sử dụng thuốc gây độc tế bào (tiêu diệt tế bào) nhằm mục đích loại bỏ các tế bào ung thư. Thuốc có thể được sử dụng theo nhiều cách khác nhau, bao gồm đường truyền tĩnh mạch (tiêm tĩnh mạch) hoặc thuốc đường uống. Mỗi loại thuốc có tác dụng, hiệu quả, liều lượng và liệu trình sử dụng khác nhau.
Tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của người bệnh, bác sĩ có thể đề nghị các phương pháp hóa trị như:
- Hóa trị bổ trợ trước khi phẫu thuật: Phương pháp này được thực hiện để thu nhỏ khối u, điều này nhằm đảm bảo phẫu thuật an toàn và ít biến chứng hơn. Đôi khi hóa trị bổ trợ được áp dụng cùng với xạ trị để bức xạ mang lại hiệu quả tốt nhất.
- Hóa trị bổ trợ sau khi phẫu thuật: Phẫu thuật có thể không loại bỏ được hết tất cả các tế bào ung thư. Do đó, hóa trị thường được chỉ định sau phẫu thuật để tiêu diệt các tế bào còn sót lại, chẳng hạn như tế bào ung thư đã di căn đến gan.
- Hóa trị giảm nhẹ: Phương pháp này được thực hiện khi tế bào ung thư đại tràng đã di căn đến nhiều bộ phận khác nhau của cơ thể. Trong trường hợp này, phẫu thuật không thể loại bỏ tất cả khối u. Do đó, thuốc hóa trị thường được sử dụng để thu nhỏ khối u, giảm bớt các triệu chứng và giúp người bệnh sống lâu hơn.
Hóa trị ung thư đại tràng hoạt động như thế nào?
Thuốc hóa trị hoạt động bằng cách giết chết các tế bào đang phân chia nhanh chóng. Vì các tế bào ung thư phân chia nhanh chóng hơn hầu hết các tế bào khác, do đó tế bào ung thư đặc biệt nhạy cảm với thuốc hóa trị.
Các loại thuốc hóa trị khác nhau hoạt động ở các giai đoạn phân chia tế bào khác nhau. Do đó, người bệnh thường được sử dụng hai hoặc nhiều loại thuốc hóa trị ung thư đại tràng cùng lúc để tiêu diệt càng nhiều tế bào ung thư càng tốt. Phương pháp này được gọi là hóa trị kết hợp.
Kết hợp các loại thuốc hóa trị có thể mang lại một số lợi ích, chẳng hạn như:
- Tăng cường hiệu quả điều trị ung thư đại tràng;
- Giảm khả năng khối u trở nên kháng điều trị;
- Nhắm mục tiêu ở các khía cạnh khác nhau của tế bào ung thư cùng một lúc;
- Tiêu diệt các tế bào ung thư thay đổi liên tục và các tế bào khác có thể phản ứng kháng thuốc.
Thuốc hóa trị ung thư đại tràng tiêu diệt các tế bào ung thư ngay khi các khối u hình thành. Điều này có thể hạn chế ung thư phát triển, giảm thiểu các triệu chứng ung thư đại tràng và kéo dài thời gian sống của người bệnh.
Thuốc hóa trị ung thư đại tràng
Có nhiều loại thuốc hóa trị ung thư đại tràng với hiệu quả, liều lượng và cách sử dụng khác nhau. Tuy nhiên, các loại thuốc phổ biến thường bao gồm:
- Thuốc 5- fluorouracil (5-FU): Đây là thuốc hóa trị ung thư đại tràng hàng đầu trong nhiều năm gần đây. Thuốc thường được truyền qua đường tĩnh mạch kết hợp với leucovorin (một loại vitamin), để giúp 5-FU hiệu quả hơn.
- Capecitabine: Capecitabine là một loại thuốc viên, sử dụng qua đường uống và sẽ chuyển đổi thành 5-FU khi đến khối u.
- Xeloda: Xeloda là thuốc dạng viên được chỉ định để hỗ trợ điều trị ung thư đại trực tràng. Thuốc hoạt động bằng cách ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư và hạn chế ung thư đại tràng di căn.
Các loại thuốc khác bao gồm irinotecan (Camptosar) và oxaliplatin (Eloxatin). Các loại thuốc này được sử dụng kết hợp với 5-FU hoặc Xeloda cho các trường hợp nghiêm trọng hoặc sau khi người bệnh được phẫu thuật. Trifluridine và tipiracil (Lonsurf) là những loại thuốc kết hợp khác và được sử dụng dưới dạng viên nén.
Người bệnh có thể được hóa trị dưới dạng thuốc viên trong 2 tuần, tiêm tĩnh mạch trong vài giờ hoặc vài ngày. Đôi khi người bệnh có thể được chỉ định hóa trị ung thư đại tràng kết hợp dạng viên và tiêm tĩnh mạch. Thuốc thường được sử dụng theo chu kỳ từ 2 đến 3 tuần trong tối đa 6 tháng hoặc dựa trên hiệu quả và mức độ hoạt động của thuốc.
Ngoài ra, có một dạng hóa trị ung thư đại tràng khác, được gọi là hóa trị duy trì. Điều này có nghĩa là người bệnh sẽ sử dụng một liều lượng thuốc nhỏ hơn trong một thời gian dài.
Thuốc hóa trị sau khi được tiêm vào tĩnh mạch hoặc ở dạng đường uống, sẽ đi thẳng vào máu và tiếp cận các tế bào ung thư khắp cơ thể. Điều này được gọi là hóa trị toàn thân.
Ngoài ra, hóa trị có thể được sử dụng để nhắm vào một cơ quan hoặc bộ phận cơ thể riêng biệt, chẳng hạn như bụng, thậm chí là chất lỏng hoặc chất dịch cơ thể. Trong phương pháp này, thuốc có xu hướng khu trú tại khu vực nhắm mục tiêu. Loại hóa trị này được gọi là hóa trị khu vực.
Trong trường hợp ung thư đại tràng di căn qua gan, bác sĩ có thể đề nghị một phương pháp được gọi là hóa trị động mạch gan. Động mạch gan cung cấp máu cho gan. Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ làm tắc nghẽn (tạm thời hoặc vĩnh viễn) động mạch gan và thuốc hóa trị sẽ được tiêm vào giữa vị trí tắc nghẽn và gan. Điều này đưa thuốc trực tiếp vào gan và tránh gây ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể.
Bên cạnh đó, các liệu pháp nhắm trúng đích cũng có thể được sử dụng kết hợp. Điều này dẫn đến các thay đổi liên tục trong gen và protein, giúp tiêu diệt tế bào ung thư hiệu quả hơn.
Liệu pháp nhắm trúng đích sẽ được kết hợp với hóa trị liệu hoặc được chỉ định khi thuốc hóa trị không mang lại tác dụng. Các loại thuốc nhắm trúng đích phổ biến cho ung thư đại tràng bao gồm:
- Aflibercept (Zaltrap);
- Cetuximab (Erbitux);
- Bevacizumab (Avastin);
- Panitumumab (Vectibix);
- Ramucirumab (Cyramza);
- Regorafenib (Stivarga).
Các loại thuốc hóa trị được chỉ định sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn. Điều quan trọng là sử dụng thuốc đúng liều lượng và liệu trình, tránh lạm dụng hoặc thay đổi liều lượng. Nếu có bất cứ thắc mắc hoặc dấu hiệu tác dụng phụ nào, người bệnh vui lòng liên hệ với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
Tác dụng phụ của hóa trị liệu ung thư đại tràng
Thuốc hóa trị hoạt động bằng cách tiêu diệt các tế bào ung thư đang phân chia nhanh chóng trong cơ thể. Tuy nhiên thuốc cũng có thể tiêu diệt các tế bào khỏe mạnh đang phân chia nhanh chóng, chẳng hạn như tế bào niêm mạc miệng, niêm mạc ruột, tủy xương hoặc các nang tóc.
Do đó, các tác dụng phụ thường liên quan đến các khu vực phân chia nhanh chóng. Cụ thể, người bệnh thường gặp một số phản ứng như:
- Buồn nôn và nôn mửa;
- Tiêu chảy;
- Ăn mất ngon, chán ăn dẫn đến sụt cân;
- Rụng tóc;
- Lỡ miệng, đau và viêm niêm mạc miệng;
- Thay đổi khả năng nhận biết hương vị;
- Phát ban trên bàn tay và bàn chân;
- Thiếu máu, số lượng hồng cầu thấp;
- Thay đổi móng tay, tính chất da;
- Trầm cảm;
- Các bệnh lý thần kinh ngoại biên;
- Vấn đề sinh sản;
- Vấn đề về thận.
Các tác dụng phụ khác thường liên quan đến hóa trị liệu trên tủy xương, chẳng hạn như khả năng nhiễm trùng cao, chảy máu, bầm tím do các chấn thương nhỏ hoặc mệt mỏi liên quan đến số lượng tiểu cầu trong máu thấp.
Tác dụng phụ cũng phụ thuộc vào loại thuốc hóa trị được sử dụng, chẳng hạn như:
- Capecitabine và 5-FU có thể dẫn đến Hội chứng tay chân miệng. Các đặc điểm phổ biến bao gồm đỏ và đau trên bàn tay hoặc bàn chân phồng rộp và lở loét.
- Oxaliplatin có thể dẫn đến tổn thương thần kinh và phản ứng dị ứng thuốc.
Các tác dụng phụ có thể có nhiều mức độ khác nhau. Điều quan trọng là người bệnh nên trao đổi với bác sĩ chuyên môn để có kế hoạch xử lý phù hợp. Trong nhiều trường hợp, người bệnh có thể cần thay đổi loại thuốc, chế độ ăn uống hoặc phong cách sinh hoạt để điều trị và ngăn ngừa các triệu chứng.
Chăm sóc người bệnh hóa trị ung thư đại tràng
Có chế độ dinh dưỡng tốt là một trong những điều quan trọng nhất để giữ sức khỏe và tránh các rủi ro khi thực hiện hóa trị ung thư. Đôi khi bác sĩ có thể đề nghị các phương pháp bổ sung dinh dưỡng vào chế độ ăn uống để hỗ trợ điều trị ung thư đại tràng.
Về tác dụng phụ, người bệnh có thể phản ứng nghiêm trọng hoặc phản ứng nhẹ với các loại thuốc. Phản ứng cũng khác nhau ở mỗi người bệnh và có thể được giảm nhẹ hoặc nghiêm trọng theo thời gian. Do đó, trước khi thực hiện hóa trị, người bệnh nên thảo luận với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
Đôi khi người bệnh có thể cần thay đổi loại thuốc. Tuy nhiên thông thường bác sĩ sẽ kê các loại thuốc bổ sung hoặc đề nghị các phương pháp khác để kiểm soát các triệu chứng và giúp người bệnh cảm thấy thoải mái hơn.
Ngoài ra để quản lý các tác dụng phụ và tăng cường chất lượng cuộc sống khi hóa trị ung thư đại trực tràng, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề như:
- Sử dụng thuốc chống buồn nôn: Các loại thuốc này thường được chỉ định kết hợp với một số loại thuốc hóa trị. Điều này giúp người bệnh tránh bị đau dạ dày, khó chịu ở bụng, buồn nôn cũng như ngăn ngừa tình trạng nôn mửa.
- Vệ sinh răng miệng: Điều này có thể kiểm soát tình trạng loét miệng và ngăn ngừa nhiễm trùng trong miệng.
- Thuốc bổ sung sắt: Các loại thuốc bổ sung sắt sẽ được kê đơn để cải thiện tình trạng thiếu máu và mệt mỏi. Tuy nhiên, người bệnh thường được đề nghị nghỉ ngơi, thay đổi lối sống và bổ sung thực phẩm giàu sắt trước khi được chỉ định thuốc.
- Các bài tập tăng cường trí não: Bác sĩ có thể hướng dẫn người bệnh chơi các trò chơi ô chữ hoặc các hoạt động kích thích khác. Điều này nhằm mục đích chống lại cảm giác mơ hồ, hay quên, đãng trí, lú lẫn ở bệnh nhân hóa trị. Ngoài ra, các bài tập này cũng giúp trí não của người bệnh luôn hoạt động và ngăn ngừa nguy cơ trầm cảm.
Các phương pháp phòng ngừa có thể kiểm soát các tác dụng phụ và tăng cường chất lượng cuộc sống của người bệnh. Tuy nhiên, các tác dụng phụ và phản ứng của thuốc hóa trị có thể nghiêm trọng hơn, do đó người bệnh có thể tham gia vào các nhóm hỗ trợ bệnh nhân ung thư để trò chuyện hoặc trao đổi với những người có cuộc sống tương tự.
Ăn gì khi hóa trị ung thư trực tràng?
Trong khi thực hiện hóa trị ung thư đại tràng, người bệnh cần có chế độ ăn uống lành mạnh để cần bằng các chất trong cơ thể. Người bệnh nên chọn thực phẩm có hương vị nhẹ nhàng, dễ ăn và giàu chất dinh dưỡng.
Cụ thể, người bệnh nên bổ sung các loại thực phẩm như:
- Bột yến mạch: Yến mạch cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho cơ thể, chẳng hạn như carbs, protein, chất chống oxy hóa và các chất béo lành mạnh. Ngoài ra, yến mạch cũng chứa chất xơ, có thể điều trị táo bón và giúp người bệnh đi ngoài đều đặn.
- Bơ: Bơ chứa nhiều chất béo lành mạnh và chất xơ, có thể giúp người bệnh no lâu. Bơ cũng cung cấp nhiều calo cần thiết khi người bệnh cảm thấy thèm ăn.
- Trứng: Trứng chứa nhiều protein và chất béo có thể làm dịu cảm giác mệt mỏi. Ngoài ra, trứng thường dễ ăn và tiêu hóa nếu người bệnh bị lở miệng.
- Nước dùng: Súp và các loại nước hầm xương, rau củ có thể bổ sung nước, đặc biệt là khi người bệnh bắt đầu quá trình hóa trị.
- Các loại hạt: Các loại hạt, chẳng hạn như hạnh nhân, chứa một lượng lớn các chất dinh dưỡng, bao gồm đồng, mangan, có thể sử dụng như một món ăn nhẹ.
- Các loại rau họ cải: Các loại rau họ cải, bao gồm cải xoăn, bông cải xanh, súp lơ và bắp cải, chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Đặc biệt, bông cải xanh có chứa sulforaphane, là một hợp chất thực vật có thể bảo vệ sức khỏe não bộ.
- Sinh tố: Sinh tố có thể bổ sung chất dinh dưỡng cho người bệnh bị khó tiêu, chán ăn hoặc ăn mất ngon. Thêm sinh lý trái cây hoặc rau củ vào chế độ ăn uống cũng có thể tăng cường chất xơ, cải thiện hệ thống tiêu hóa, chống táo bón và các bệnh lý khác.
- Các loại cá: Cá có chứa axit béo omega-3 và vitamin D, có thể tăng cường hệ thống miễn dịch và phòng ngừa tình trạng giảm cân. Người bệnh có thể ăn hai khẩu phần cá mỗi tuần để tăng cường sức khỏe.
Khi thực hiện hóa trị ung thư đại tràng, người bệnh nên tìm hiểu về hiệu quả và tác dụng phụ để có kế hoạch xử lý phù hợp. Điều quan trọng là giữ tinh thần lạc quan và có chế độ dinh dưỡng phù hợp để tăng cường sức khỏe. Nếu có thắc mắc hoặc các vấn đề liên quan, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!