Massage Trị Liệu Đau Vai Gáy
Massage trị liệu là gì? Các kỹ thuật massage
Massage trị liệu, hay còn được gọi là vật lý trị liệu, sử dụng các kỹ thuật xoa bóp, day ấn các mô mềm, cơ bắp, kết hợp với vận động khớp để cải thiện một số vấn đề sức khỏe. Mục đích của massage trị liệu là tác động đến hệ cơ xương khớp, hệ thần kinh, mạch máu,… từ đó đem lại hiệu quả chữa bệnh cụ thể.
Massage trị liệu đòi hỏi người thực hiện phải có kiến thức chuyên môn về giải phẫu, hệ thống huyệt vị, và bệnh lý.
Các kỹ thuật massage thường dùng như:
- Xoa vuốt: Động tác trượt nhẹ trên da theo nhiều hướng khác nhau, giảm căng cơ, kích thích lưu thông máu.
- Xoa bóp: Kỹ thuật day ấn sâu hơn vào các bó cơ nhằm tăng độ đàn hồi và giảm tình trạng ứ trệ.
- Bấm huyệt: Tác động lên các huyệt vị nhằm tác động đến cơ quan nội tạng và hỗ trợ điều trị bệnh chuyên sâu.
- Xoa nắn: Kỹ thuật xoay tròn trên các khớp xương, tăng sự linh hoạt, giảm triệu chứng đau khớp.
Lợi ích của massage trị liệu trong điều trị đau vai gáy
- Giảm đau nhức: Massage giúp kích thích tuần hoàn máu tại chỗ, tăng sản sinh các chất giảm đau nội sinh, giảm căng cứng cơ, hỗ trợ giảm đau vai gáy tức thì và kéo dài.
- Thư giãn tinh thần: Massage trị liệu đúng cách có thể giúp giảm stress, giải tỏa căng thẳng – những yếu tố khiến tình trạng đau vai gáy thêm trầm trọng.
- Cải thiện tuần hoàn: Các động tác xoa bóp, bấm huyệt giúp tăng cường lưu thông máu và oxy đến các cơ vùng vai gáy, cổ, từ đó giảm thiểu tình trạng đau mỏi.
- Tăng cường vận động: Massage giúp giảm cứng khớp, tăng độ dẻo dai của cơ, hỗ trợ phục hồi và cải thiện khả năng vận động của vùng cổ – vai – gáy.
- Cải thiện giấc ngủ: Nhờ giảm căng thẳng, giảm đau, liệu pháp massage có thể giúp bạn thư giãn và có những giấc ngủ ngon, sâu hơn.
Hướng dẫn kỹ thuật massage trị liệu đau vai gáy
Dưới đây là các kỹ thuật massage cơ bản, dễ thực hiện tại nhà để cải thiện tình trạng đau mỏi vai gáy. Tùy vào mức độ đau nhức, người bệnh có thể lựa chọn một hoặc kết hợp các kỹ thuật trong một lần xoa bóp để đạt hiệu quả tốt nhất.
Kỹ thuật xoa vuốt
Mục đích: Làm giãn cơ, tăng lưu thông máu, giảm ứ trệ và hỗ trợ đưa dưỡng chất đến các cơ quan, giảm đau do đó giúp người bệnh cảm thấy thư giãn hơn
Thực hiện:
- Người bệnh ngồi ở tư thế thả lỏng, thoải mái toàn thân. Người thực hiện xoa bóp đứng phía sau người bệnh.
- Dùng gốc bàn tay/đốt ngón tay, ấn nhẹ và di chuyển từ trên xuống dưới 2 bên vùng cổ gáy. Lặp lại 5-7 lần.
Kỹ thuật xoa bóp
Mục đích: Giảm sự co cứng của cơ, loại bỏ các điểm đau, kích thích cơ vùng cổ vai gáy từ đó giảm đau nhức.
Thực hiện:
- Dùng đầu ngón tay cái xoa bóp vùng cơ vai gáy theo hình tròn, xoay từ trong ra ngoài và lan dần sang 2 bên.
- Có thể kết hợp day các điểm đau trong 3-5 phút.
Kỹ thuật xoa nắn
Mục đích: Cải thiện tầm vận động ở vùng cổ vai gáy, giảm đau và giúp phục hồi chức năng vùng bị bệnh.
Thực hiện:
- Người bệnh ở tư thế ngồi. Người thực hiện đứng sau hoặc ngồi bên cạnh bệnh nhân.
- Dùng lòng bàn tay day ấn nhẹ nhàng vùng cơ vai gáy theo chuyển động tròn nhỏ, từ các điểm cơ bám trên cổ xuống vai, dọc bả vai. Đổi bên và thực hiện tương tự.
Kỹ thuật bấm huyệt
Bấm huyệt là phương pháp tác động lực lên những điểm huyệt trên cơ thể. Xoa bóp vùng cổ vai gáy kết hợp bấm một số huyệt vị sẽ giúp khai thông khí huyết, giảm đau nhức hiệu quả. Một số huyệt vị bạn có thể tham khảo:
- Huyệt Phong Trì: Nằm sau cổ, chỗ lõm giữa xương chũm và cơ thang hai bên.
- Huyệt Kiên Tỉnh: Ở điểm cao nhất của vai, giữa cổ và vai (vị trí bờ ngoài cơ thang, bám tận xương đòn và mỏm cùng vai).
Thực hiện:
- Dùng tay xác định và day ấn các huyệt Phong trì, Kiên Tỉnh.
- Kết thúc bằng động tác xoa nhẹ nhàng và vỗ toàn vùng vai gáy trong vài phút.
Các lưu ý khi massage trị liệu
- Thông báo tình trạng sức khỏe: Trước khi thực hiện massage, hãy thông báo cho kỹ thuật viên trị liệu biết về các vấn đề sức khỏe bạn đang gặp phải như: chấn thương, bệnh lý xương khớp, tiểu đường, mang thai,… Điều này giúp điều chỉnh kỹ thuật và lực massage phù hợp.
- Uống đủ nước: Uống nước giúp cơ thể được cấp ẩm, làm mềm cơ bắp, từ đó thao tác xoa bóp dễ dàng và đem lại hiệu quả hơn. Ngay sau khi massage bạn cũng nên uống nhiều nước để tăng khả năng đào thải độc tố.
- Hít thở sâu và thư giãn: Để có trải nghiệm massage hiệu quả nhất, bạn cần phối hợp thả lỏng cơ bắp và hít thở thật sâu, đều đặn. Tránh căng cứng vì điều này sẽ gây cản trở quá trình trị liệu.
- Không ăn quá no trước khi massage: Tránh đến buổi trị liệu khi vừa ăn no, điều này sẽ khiến bạn dễ buồn nôn, khó chịu. Tốt nhất là nên để bụng đói nhẹ hoặc ăn nhẹ trước khi massage khoảng 1-2 tiếng.
- Nghỉ ngơi sau khi massage: Sau khi massage thường có cảm giác thư thái, hãy dành chút thời gian nghỉ ngơi, thay vì tham gia các hoạt động thể chất hoặc lao động nặng ngay lập tức.
- Không tắm ngay sau massage: Các chuyên gia trị liệu khuyên rằng nên đợi khoảng 30 phút – 1 tiếng sau khi massage mới tắm, đặc biệt là tắm bằng nước nóng.
Massage trị liệu chống chỉ định trong một số trường hợp, bao gồm:
- Người mắc bệnh tim mạch nghiêm trọng, huyết áp không ổn định.
- Người đang bị sốt, nhiễm trùng, chấn thương hở.
- Người có vết thương ngoài da, gãy xương chưa được điều trị
- Phụ nữ đang mang thai, người rối loạn đông máu,…
Hy vọng bài viết này đã cung cấp cho bạn thông tin hữu ích về massage trị liệu đau vai gáy. Hãy chăm sóc sức khỏe bản thân và đừng quên dành thời gian thư giãn để cơ thể luôn khỏe mạnh.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!