Mổ Gai Cột Sống

Mổ gai cột sống là gì? Quy trình mổ chuẩn y khoa

Mổ gai cột sống là thủ thuật loại bỏ phần xương phát triển dư thừa (gai xương), nhằm giải phóng các rễ thần kinh bị chèn ép. Từ đó làm giảm các cơn đau dai dẳng, giúp người bệnh lấy lại khả năng vận động bình thường.

Hiện nay, phẫu thuật gai cột sống có thể ứng dụng nhiều kỹ thuật khác nhau, dưới đây là một số phương pháp phổ biến:

  • Mổ mở truyền thống.
  • Mổ nội soi ít xâm lấn.
  • Mổ bằng laser.
  • Mổ cố định cột sống.
Tùy tình trạng bệnh bác sĩ sẽ chỉ định bạn kỹ thuật mổ phù hợp
Tùy tình trạng bệnh bác sĩ sẽ chỉ định bạn kỹ thuật mổ phù hợp

Quy trình phẫu thuật gai cột sống tương đối phức tạp và bao gồm các bước sau:

Bước 1. Tiền phẫu

  • Bệnh nhân được khám lâm sàng, xét nghiệm máu và chẩn đoán hình ảnh toàn diện để đánh giá mức độ tổn thương cột sống.
  • Bác sĩ phẫu thuật sẽ giải thích quy trình can thiệp, những rủi ro có thể xảy ra và hướng dẫn bệnh nhân cách chăm sóc sau mổ.
  • Bệnh nhân cần ngưng sử dụng một số loại thuốc (thuốc chống đông,…) và nhịn ăn, uống trong một khoảng thời gian nhất định trước phẫu thuật.

Bước 2. Gây mê

Bệnh nhân thường được gây mê toàn thân trước khi phẫu thuật được thực hiện.

Bước 3. Tiến hành phẫu thuật

  • Phẫu thuật mở: Bác sĩ sẽ rạch một đường trên da ở vị trí cột sống cần can thiệp, bóc tách cơ, vén các cấu trúc khác để bộc lộ vị trí gai xương và tiến hành cắt bỏ gai.
  • Phẫu thuật nội soi/xâm lấn tối thiểu: Kỹ thuật hiện đại này dùng hệ thống camera siêu nhỏ để ghi hình trực tiếp bên trong cơ thể, từ đó bác sĩ thao tác loại bỏ gai xương qua các vết mổ nhỏ, xâm lấn ít, giảm tổn thương.
  • Trong trường hợp cần cố định cột sống: Bác sĩ sẽ sử dụng thêm vít hoặc dụng cụ cố định khác.
  • Đóng vết mổ.

Bước 4. Theo dõi và phục hồi sau mổ

Bệnh nhân cần nằm viện vài ngày để được theo dõi các chỉ số sức khỏe. Sau đó cần tuân thủ vật lý trị liệu và tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.

Những lưu ý quan trọng sau mổ gai cột sống:

  • Sau khi mổ, người bệnh cần nằm viện từ 3-7 ngày để bác sĩ theo dõi, ngăn ngừa biến chứng.
  • Trong những tuần đầu tiên, hạn chế các hoạt động mạnh, tránh mang vác vật nặng.
  • Thăm khám đúng lịch hẹn, tuân thủ tuyệt đối các chỉ định của bác sĩ về chăm sóc vết mổ và chế độ tập luyện phục hồi.

Chỉ định và chống chỉ định phẫu thuật gai cột sống

Không phải tất cả các trường hợp gai cột sống đều cần thiết phải can thiệp phẫu thuật. Cụ thể:

Những trường hợp cần phẫu thuật gai cột sống

  • Điều trị nội khoa không hiệu quả: Người bệnh đã áp dụng các phương pháp bảo tồn trong thời gian dài (thường trên 3 tháng) nhưng cơn đau vẫn nặng nề hoặc ảnh hưởng đến vận động, khả năng lao động.
  • Triệu chứng chèn ép thần kinh nghiêm trọng: Tê bì lan rộng, yếu liệt cơ chi rõ rệt.
  • Rối loạn cơ tròn (đại tiện, tiểu tiện): Có nguy cơ tổn thương thần kinh không hồi phục.
  • Các biến chứng khác: Teo cơ, có hội chứng đuôi ngựa,…
Trường hợp người bệnh xuất hiện triệu chứng chèn ép thần kinh nghiêm trọng cần phẫu thuật
Trường hợp người bệnh xuất hiện triệu chứng chèn ép thần kinh nghiêm trọng cần phẫu thuật

Mục tiêu chính của phẫu thuật là nhằm giải phóng sự chèn ép lên rễ thần kinh và tủy sống, do đó giảm đau và giúp người bệnh lấy lại khả năng vận động bình thường.

Chống chỉ định phẫu thuật gai cột sống

  • Tình trạng sức khỏe chung kém: Mắc các bệnh lý nặng về tim mạch, hô hấp, rối loạn đông máu,… khiến việc phẫu thuật và gây mê tiềm ẩn nguy cơ.
  • Gai cột sống không gây triệu chứng: Nhiều người lớn tuổi có hình thành gai xương nhưng vẫn sinh hoạt bình thường, không có dấu hiệu chèn ép thần kinh.
  • Đau cột sống do nguyên nhân khác: Như viêm đĩa đệm, lao cột sống, u cột sống,… Những trường hợp này cần được điều trị theo phác đồ chuyên biệt.
  • Loãng xương nặng: Xương kém vững chắc, có thể ảnh hưởng đến kết quả phẫu thuật.
  • Người cao tuổi, sức khỏe yếu: Tuổi tác cao làm tăng nguy cơ biến chứng của phẫu thuật, quá trình hồi phục cũng chậm hơn.

Biến chứng có thể gặp phải khi mổ gai cột sống

Mặc dù phẫu thuật gai cột sống được đánh giá là an toàn và hiệu quả, tuy nhiên cũng như mọi loại phẫu thuật khác, vẫn tồn tại một số rủi ro và biến chứng nhất định.

Các rủi ro và biến chứng có thể xảy ra

  • Nhiễm trùng vết mổ: Biến chứng thường gặp ở mọi vết mổ lớn, có thể xảy ra trước khi vết thương lành hẳn. Bệnh nhân sẽ có triệu chứng sốt, vết mổ sưng đỏ, chảy dịch bất thường,…
  • Tổn thương dây thần kinh: Mặc dù hiếm hơn, nhưng phẫu thuật có thể gây chèn ép hoặc tổn thương các rễ thần kinh lân cận, gây ra các triệu chứng đau, tê bì, yếu cơ mới.
  • Chảy máu trong phẫu thuật: Về lý thuyết mọi ca phẫu thuật đều tiềm ẩn nguy cơ mất máu, đòi hỏi bác sĩ và ekip có khả năng xử lý kịp thời.
  • Đông máu, tắc mạch: Một số người có nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu sau khi phẫu thuật. Cục máu đông nếu bong ra có thể đi tới phổi, gây tắc mạch phổi – một biến chứng vô cùng nguy hiểm.
  • Phản ứng với thuốc gây mê: Tình trạng dị ứng, sốc phản vệ tuy rất hiếm gặp nhưng vẫn có khả năng xảy ra trong quá trình gây mê toàn thân.
  • Các biến chứng khác: Tổn thương màng cứng, rò dịch não tủy, đau mạn tính sau phẫu thuật,…

Biện pháp phòng ngừa và giảm thiểu biến chứng

  • Cung cấp cho bác sĩ thông tin đầy đủ về tình trạng sức khỏe, các loại thuốc đang dùng.
  • Tuân thủ nghiêm ngặt điều trị các bệnh lý nền (nếu có).
  • Bỏ thuốc lá trước phẫu thuật (nếu có sử dụng).
  • Vận động nhẹ nhàng, tập phục hồi chức năng đúng cách sau khi mổ theo hướng dẫn.
  • Tái khám đúng lịch bác sĩ đã hẹn trước đó.
Người bệnh cần bỏ thuốc lá trước khi thực hiện phẫu thuật
Người bệnh cần bỏ thuốc lá trước khi thực hiện phẫu thuật

Chăm sóc và phục hồi sau mổ gai cột sống

Thành công của phẫu thuật gai cột sống không chỉ nằm ở kỹ thuật của các bác sĩ, mà còn đòi hỏi sự hợp tác tích cực từ người bệnh trong giai đoạn chăm sóc và phục hồi hậu phẫu.

Chăm sóc hậu phẫu trong giai đoạn nằm viện

  • Tuân thủ y lệnh: Người bệnh cần nghiêm túc làm theo các chỉ dẫn của bác sĩ về chăm sóc vết mổ, dùng thuốc (giảm đau, kháng viêm,…), truyền dịch, theo dõi các dấu hiệu sinh tồn.
  • Nghỉ ngơi hợp lý: Tránh vận động mạnh hoặc nằm bất động quá lâu, có thể đứng dậy đi lại nhẹ nhàng sớm nếu được bác sĩ cho phép.
  • Dinh dưỡng: Ăn các thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu hóa. Uống nhiều nước để bù dịch và bài tiết thuốc.

Phương pháp phục hồi chức năng cột sống tại nhà

  • Vật lý trị liệu: Khi điều kiện cho phép, nên bắt đầu tập các bài vật lý trị liệu dưới hướng dẫn của chuyên viên. Điều này giúp giảm đau, tăng cường sức mạnh cơ lưng, cải thiện tầm vận động. Một số bài tập như: Nâng cao đầu gối, xoay hông, gập người…
  • Tập thể dục: Duy trì các hoạt động nhẹ nhàng phù hợp thể trạng người bệnh như đi bộ chậm, bơi lội,…
  • Kiểm soát tư thế: Học cách ngồi, đứng, nằm đúng để giảm áp lực lên cột sống.
  • Sinh hoạt điều độ: Ngủ đủ giấc, quản lý căng thẳng, tránh mang vác vật nặng, làm việc quá sức.

Mổ gai cột sống là phương pháp điều trị hiệu quả cho các trường hợp gai cột sống gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng vận động và chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, để đạt được kết quả tốt nhất, người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn của bác sĩ trước, trong và sau khi phẫu thuật.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Ẩn

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android