Phác Đồ Điều Trị Đau Thần Kinh Tọa

Phác đồ điều trị đau thần kinh tọa được xây dựng dựa trên nguyên nhân, mức độ đau và ảnh hưởng của cơn đau tới khả năng vận động của cơ thể. Bệnh nhân cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để khắc phục triệt để cơn đau trong thời gian nhanh nhất.

Tìm hiểu về bệnh đau thần kinh tọa

Đau thần kinh tọa là thuật ngữ y khoa dùng để chỉ cơn đau xuất hiện dọc theo đường đi của dây thần kinh khi bộ phận này bị chèn ép, tổn thương. Cảm giác đau thường chỉ xuất hiện ở một bên cơ thể, kéo dài từ thắt lưng qua hông đến mông và lan tỏa xuống chân, hiếm khi ảnh hưởng đến cả hai bên cơ thể.

Phác Đồ Điều Trị Đau Thần Kinh Tọa
Tuân thủ phác đồ điều trị đau thần kinh tọa sẽ giúp bệnh nhanh được chữa khỏi

Nguyên nhân gây đau thần kinh tọa

  • Do vận động sai cách gây tổn thương cho dây thần kinh
  • Căng thẳng, stress kéo dài
  • Ít vận động
  • Lạm dụng các chất kích thích như thuốc lá, rượu, bia
  • Chấn thương
  • Béo phì
  • Mang thai
  • Nhiễm trùng
  • Mắc các bệnh lý: Tiểu đường, gai cột sống, thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, u cột sống, hẹp ống sống…

Triệu chứng đau thần kinh tọa

  • Đau âm ỉ, đau buốt hoặc đau nhói dọc đường đi của dây thần kinh.
  • Tê chân
  • Đau chân
  • Ngứa ran
  • Yếu cơ chân
  • Đi lại khó khăn
  • Không thể tự kiểm soát được hoạt động ở ruột và bàng quang gây ra các bất thường trong tiểu tiện, đại tiện.

Chẩn đoán đau dây thần kinh tọa và xây dựng phác đồ điều trị

Chẩn đoán là bước quan trọng được thực hiện để làm căn cứ xây dựng phác đồ điều trị đau dây thần kinh tọa. Các bước được thực hiện để xác định bệnh bao gồm:

Bước 1: Chẩn đoán lâm sàng

Bệnh đau thần kinh tọa gây ra cảm giác đau dọc theo đường đi của dây thần kinh. Cơn đau bắt đầu từ vùng thắt lưng kéo qua hông và lan tỏa xuống mông, mặt sau của chân và kết thúc ở bàn chân. Tính chất và cường độ đau ở mỗi bệnh nhân cũng không giống nhau. Một số trường hợp chỉ bị đau âm ỉ nhưng có người cho biết họ thường xuyên có cảm giác đau dữ dội, đau nhói như dao đâm.

Người bệnh có thể bị đau ở rễ thần kinh L5 hay S1. Trường hợp đau rễ L5, cơn đau thường kết thúc ở ngón giữa hoặc ngón chân cái. Trong khi đó, người bị đau rễ S1 lại bị đau ở thắt lưng cho đến ngón út. Cảm giác đau tăng nặng khi vận động, đi lại hoặc khi dùng tay ấn vào vị trí của dây thần kinh.

Các dấu hiệu lâm sàng khác:

  • Vận động, di chuyển khó khăn
  • Rối loạn cảm giác
  • Ngứa ran, tê bì hoặc châm chích như có kiến bò tại khu vực bị ảnh hưởng.
  • Bí tiểu, tiểu khó, táo bón hoặc són phân do hội chứng chùm đuôi ngựa – một biến chứng thường gặp khi bị đau dây thần kinh tọa.
  • Mệt mỏi
  • Sụt cân
  • Đau thắt lưng, đau nhức ở các đốt sống khác
  •  Sốt…
chẩn đoán xây dựng phác đồ điều trị đau thần kinh tọa
Thăm khám, chẩn đoán là một bước quan trọng cho phép bác sĩ xây dựng được phác đồ điều trị đau thần kinh tọa phù hợp với mỗi bệnh nhân

Bước 2: Chẩn đoán cận lâm sàng

  • Các xét nghiệm sinh hóa, huyết học
  • Chụp X-quang cột sống
  • Chụp CT scanner
  • Chụp cộng hưởng từ MRI
  • Ghi điện cơ (EMG)

Các xét nghiệm trên có thể giúp bác sĩ phát hiện ra nhiễm trùng, tiểu đường hay những sự thay đổi bất thường trong cấu trúc của cột sống, chẳng hạn như thoái hóa cột sống lưng, thoát vị đĩa đệm, u cột sống chèn ép thần kinh… Đây chính là những nguyên nhân gây đau thần kinh tọa thường gặp.

Bước 3: Chẩn đoán phân biệt bệnh

Bệnh đau thần kinh tọa có nhiều triệu chứng tương đồng với các bệnh lý khác. Vì vậy mà bác sĩ cần tiến hành bước chẩn đoán phân biệt nhằm xác định chính xác nguyên nhân gây ra cơn đau và các triệu chứng người bệnh đang gặp phải. Sau khi có kết luận chính thức mới lựa chọn phác đồ điều trị đau thần kinh tọa phù hợp cho mỗi bệnh nhân.

Các vấn đề y tế cần phân biệt với đau thần kinh tọa bao gồm:

  • Đau thần kinh bắp đùi
  • Đau thần kinh bắp chân
  • Thoái hóa khớp háng
  • Hoại tử vô khuẩn khớp háng
  • Viêm cột sống dính khớp
  • Viêm khớp cùng chậu…

Bước 4: Xây dựng phác đồ điều trị đau thần kinh tọa

Phác đồ điều trị đau thần kinh tọa được xây dựng dựa trên các nguyên tắc sau:

  • Điều trị nguyên nhân gây đau: Thống kê cho thấy, có khoảng 80% các trường hợp bị đau thần kinh tọa có liên quan đến bệnh thoát vị đĩa đệm. Số còn lại bị bệnh do các nguyên nhân khác như tiểu đường, u cột sống, gai đôi cột sống, viêm dây thần kinh, nhiễm trùng hay thoái hóa cột sống… Cần chú trọng điều trị, kiểm soát tốt nguyên nhân để chứng đau thần kinh tọa được khắc phục tận gốc.
  • Giảm đau dây thần kinh và điều trị các triệu chứng khác đi kèm, cải thiện chất lượng sống cho người bệnh.
  • Phục hồi chức năng vận động ở khu vực bị ảnh hưởng.
  • Điều trị bảo tồn hoặc can thiệp ngoại khoa tùy theo tình trạng bệnh.

Phác đồ điều trị đau thần kinh tọa

Các phác đồ điều trị bệnh đau thần kinh tọa thường được áp dụng là:

1. Phác đồ điều trị đau thần kinh tọa bằng phương pháp bảo tồn

Điều trị bảo tồn là phương pháp nội khoa được chỉ định cho hầu hết bệnh nhân trong giai đoạn ban đầu. Bác sĩ chuyên khoa có thể kê đơn thuốc kết hợp với vật lý trị liệu nhằm giảm đau và duy trì chức năng vận động cho người bệnh.

 Thuốc chữa đau thần kinh tọa:

+ Thuốc giảm đau thông thường:

Paracetamol là loại thuốc giảm đau không kê đơn có thể giúp tạm thời cắt đứt cơn đau thần kinh tọa ở mức độ nhẹ đến trung bình. Liều lượng được khuyến cáo từ 1 – 3g mỗi ngày chia làm 2 – 4 lần dùng.

Các tác dụng phụ có thể gặp khi dùng Paracetamol: Ngứa da, phát ban, nước tiểu sẫm màu, đau dạ dày, sưng mặt, khó thở… Tránh sử dụng thuốc quá liều.

+ Thuốc kháng viêm không steroid:

Nhóm thuốc này có tác dụng cải thiện tình trạng viêm nhiễm ở dây thần kinh và các chứng viêm khác liên quan đến cơn đau thần kinh tọa. Ngoài ra, thuốc kháng viêm không steroid còn giúp hỗ trợ giảm đau cho người bệnh.

Các loại thuốc kháng viêm không steroid thường được chỉ định trong phác đồ điều trị đau thần kinh tọa bao gồm:

  • Ibuprofen: Ngày uống 3 – 4 lần với liều tối đa 400mg. Khoảng cách giữa 2 lần dùng thuốc cách nhau tối thiểu 4 tiếng.
  • Etoricoxib: Ngày dùng 60mg.
  • Naproxen: Ngày dùng 2 lần. Liều lượng tối đa không được vượt quá 500mg/ngày.
  • Piroxicam: dùng 20mg/ ngày

Do có thể gây hại cho gan, thận và nhiều tác dụng phụ tiềm ẩn khác, thuốc kháng viêm steroid chỉ được kê đơn để điều trị đau thần kinh tọa trong ngắn hạn. Bệnh nhân không nên tự ý lạm dụng quá mức.

+ Thuốc giãn cơ:

Một số bệnh nhân có biểu hiện co thắt các cơ cạnh cột sống hay cơ mông, cơ đùi… Điều này có thể làm tăng nặng cơn đau và ảnh hưởng đến khả năng vận động. Lúc này, bác sĩ có thể kê đơn thuốc giãn cơ để cải thiện tình trạng co thắt cơ, giúp người bệnh bớt đau.

Dưới đây là các loại thuốc giãn cơ thường được sử dụng:

  • Eperisone: Uống 50mg x 2 – 3 lần/ngày.
  • Tolperisone: Uống 100 – 150 mg x 3 lần/ ngày.
Phác đồ điều trị đau thần kinh tọa bằng thuốc Eperisone
Thuốc Eperisone thường được chỉ định trong phác đồ điều trị đau thần kinh tọa

+ Thuốc corticosteroid:

Một số trường hợp bị đau nặng và không đáp ứng được với các loại thuốc trên có thể được chỉ định tiêm thuốc corticosteroid ngoài màng cứng. Nhóm thuốc này có tác dụng mạnh trong việc ức chế phản ứng viêm, qua đó giảm nhanh cơn đau thần kinh tọa.

Quá trình tiêm corticosteroid ngoài màng cứng được tiến hành tại phòng vô khuẩn của bệnh viện để đề phòng nhiễm trùng. Phương pháp này có thể tiềm ẩn một số rủi ro nhất định. Người bệnh nên trao đổi kỹ với bác sĩ và cân nhắc giữa lợi hại trước khi áp dụng.

2. Vật lý trị liệu chữa đau thần kinh tọa

Vật lý trị liệu có thể được kết hợp với phác đồ điều trị đau thần kinh tọa bằng thuốc để nâng cao hiệu quả giảm đau, đồng thời phục hồi chức năng vận động cho người bệnh. Các phương pháp thường được áp dụng bao gồm:

Liệu pháp nhiệt: 

Bệnh nhân được trị liệu bằng nhiệt nóng hoặc nhiệt lạnh tùy theo nguyên nhân và triệu chứng cụ thể. Cả hai đều có tác dụng làm dịu cơn đau thần kinh tọa. Trong khi nhiệt lạnh có tác dụng giảm sưng viêm thì nhiệt nóng lại phát huy công dụng làm thư giãn thần kinh, giảm co cơ, kích thích lưu thông máu đến sửa chữa tổn thương ở cột sống và dây thần kinh tọa.

Bài tập vật lý trị liệu:

Bệnh nhân được hướng dẫn thực hiện các bài tập kéo giãn cơ và cột sống, qua đó giảm áp lực lên đĩa đệm và dây thần kinh. Việc tập luyện đều đặn, đúng cách còn giúp cải thiện độ linh hoạt, chắc khỏe cho xương khớp, cải thiện sức đề kháng, xoa dịu cơn đau và các triệu chứng khác do đau thần kinh tọa gây ra.

3. Phác đồ điều trị đau thần kinh tọa bằng ngoại khoa

Phẫu thuật là phương pháp ngoại khoa được lựa chọn sau cùng để điều trị cho bệnh nhân bị đau thần kinh tọa. Người bệnh được chỉ định mổ nếu bị đau nặng kéo dài quá 4 – 6 tuần, không đáp ứng với điều trị nội khoa, vận động hạn chế hoặc có nguy cơ bị tàn phế.

Phác đồ điều trị đau thần kinh tọa bằng phẫu thuật ngoại khoa
Phẫu thuật được chỉ định cho một số bệnh nhân bị đau dây thần kinh tọa.

Có hai hình thức phẫu thuật thường được chỉ định là phẫu thuật vi phẫu loại bỏ đĩa đệm và một phần xương để giải phóng áp lực cho dây thần kinh hoặc phẫu thuật cắt đốt sống thắt lưng. Phương pháp được lựa chọn còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.

4. Theo dõi kết quả điều trị

Bệnh nhân được yêu cầu tái khám định kỳ trong và sau khi thực hiện phác đồ điều trị đau dây thần kinh tọa để bác sĩ đánh giá được kết quả. Trong hầu hết các trường hợp, cơn đau được kiểm soát tốt sau khi thực hiện các phương pháp nội khoa mà không phải làm phẫu thuật.

Để nâng cao hiệu quả của phác đồ điều trị đau thần kinh tọa và ngăn ngừa cơn đau tái phát, bệnh nhân cần được chăm sóc đúng cách và xây dựng lối sống lạnh mạnh. Trong sinh hoạt hàng ngày cần lưu ý:

  • Tránh stress bởi căng thẳng có thể làm tăng nặng cơn đau thần kinh tọa.
  • Giảm cân nếu béo phì
  • Tránh khiêng vác đồ nặng hoặc thực hiện các tư thế vận động xấu làm gia tăng áp lực lên dây thần kinh tọa.
  • Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin nhóm B, canxi, chất chống oxy hóa hay omega 3 vào trong thực đơn. Chúng có tác dụng hỗ trợ kháng viêm, giảm đau rễ thần kinh và giúp xương khớp chắc khỏe hơn.
  • Thực hiện các bài tập vật lý trị liệu trong thời gian điều trị và sau điều trị đến khi chức năng của dây thần kinh tọa được khôi phục hoàn toàn.
  • Chăm chỉ tập thể dục mỗi ngày với các bài tập phù hợp với sức khỏe để giảm đau và cải thiện thể trạng.
  • Tuân thủ tuyệt đối theo phác đồ điều trị đau dây thần kinh tọa của bác sĩ để bệnh nhanh chóng có sự chuyển biến tốt

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Ẩn

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android