Phác Đồ Điều Trị Trào Ngược Dạ Dày Thực Quản
Nguyên tắc điều trị trào ngược dạ dày thực quản
Điều trị trào ngược dạ dày thực quản dựa trên 3 nguyên tắc sau:
- Cải thiện chức năng cơ thắt thực quản dưới: Cơ thắt thực quản dưới có chức năng ngăn cản axit dạ dày trào ngược lên thực quản. Khi cơ thắt này yếu, axit dạ dày sẽ dễ dàng trào ngược, gây ra các triệu chứng khó chịu.
- Dùng thuốc: Tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ bệnh, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp để giảm triệu chứng trào ngược.
- Hạn chế biến chứng: Một số biến chứng của trào ngược dạ dày thực quản bao gồm viêm loét thực quản, hẹp thực quản, ung thư thực quản. Do đó, cần điều trị bệnh triệt để để hạn chế các biến chứng nguy hiểm này.
Phác đồ điều trị trào ngược dạ dày thực quản
Điều trị nội khoa
Chỉ định: Hiệu quả điều trị cao đối với các trường hợp trào ngược nhẹ và trung bình.
- Thuốc ức chế bơm proton (PPI): Nhóm thuốc hiệu quả nhất trong điều trị trào ngược dạ dày. PPI ức chế bơm proton – enzyme thiết yếu trong quá trình sản sinh acid của dạ dày. Các thuốc thường dùng: Omeprazole, Lansoprazole, Esomeprazole,…
- Thuốc kháng histamin h2: Giảm tiết acid dạ dày nhưng hiệu quả yếu hơn PPI. Thường được sử dụng khi không dung nạp PPI hoặc các trường hợp trào ngược nhẹ. Thuốc thường dùng gồm có: Ranitidine, Famotidine,…
- Thuốc trung hòa acid dạ dày (Antacid): Nhóm thuốc này không ngăn ngừa trào ngược acid mà chỉ trung hòa acid có sẵn trong dạ dày, mang lại tác dụng giảm nhanh các triệu chứng ợ nóng, khó chịu. Tuy nhiên, hiệu quả của Antacid chỉ kéo dài ngắn hạn và không nên dùng thay thế các thuốc điều trị khác. Các thuốc thường dùng: Nhôm hydroxyd, Magnesi trisilicat,…
- Thuốc điều trị nhiễm hp: Nhiễm Hp là một trong những nguyên nhân gây viêm loét dạ dày, có thể làm nặng thêm trào ngược acid. Nếu bác sĩ chẩn đoán bạn nhiễm Hp, phác đồ điều trị sẽ bao gồm thuốc kháng sinh để loại bỏ vi khuẩn này.
Lưu ý: Mọi loại thuốc điều trị trào ngược dạ dày đều phải được sử dụng theo đơn của bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa. Liều lượng và thời gian điều trị tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và tình trạng sức khỏe của từng người. Không tự ý mua thuốc về dùng, tránh những tác dụng phụ không mong muốn.
Điều trị ngoại khoa
Chỉ định: Trường hợp điều trị nội khoa không hiệu quả hoặc người bệnh gặp các biến chứng của trào ngược dạ dày nguy hiểm.
Các phương pháp phẫu thuật:
- Phẫu thuật nội soi thắt chặt cơ thắt thực quản dưới (LES): Đây là thủ thuật phổ biến nhất trong điều trị ngoại khoa trào ngược dạ dày. Bác sĩ sẽ tiến hành nội soi qua đường miệng, sau đó khâu gia cố cơ thắt thực quản dưới (LES) để tăng áp lực, ngăn acid trào ngược lên thực quản.
- Phẫu thuật Fundoplication (Nissen hoặc Toupet): Thủ thuật này tạo ra một vòng thắt (cuff) bằng chính mô dạ dày xung quanh phần dưới của thực quản, giúp tăng áp lực và ngăn trào ngược acid.
Thay đổi lối sống
Người bệnh có thể cải thiện tình trạng trào ngược dạ dày bằng các biện pháp sau:
- Ăn uống khoa học: Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ, cà phê…vì chúng kích thích dạ dày sản sinh nhiều acid, làm tình trạng trào ngược thêm trầm trọng.
- Tăng cường bổ sung thêm chất xơ: Chất xơ trong rau xanh giúp trung hòa acid dạ dày, trái cây cung cấp vitamin và khoáng chất cần thiết để niêm mạc dạ dày khỏe mạnh.
- Chia nhỏ bữa ăn: Thay vì 3 bữa ăn chính, hãy chia thành 5-6 bữa ăn nhỏ trong ngày. Điều này giúp dạ dày tiêu hóa dễ dàng hơn, giảm áp lực lên cơ thắt thực quản dưới (LES), từ đó ngăn acid trào ngược.
- Tránh ăn đêm: Tránh ăn uống ít nhất 3 tiếng trước khi đi ngủ. Điều này giúp dạ dày có đủ thời gian tiêu hóa hết thức ăn, ngăn ngừa trào ngược acid về đêm.
- Duy trì cân nặng hợp lý: Béo phì gây áp lực lên ổ bụng, đẩy acid dạ dày lên thực quản.
- Ngừng hút thuốc lá: Các chất có hại trong thuốc lá làm yếu LES và kích thích sản sinh dịch acid.
- Mặc quần áo thoải mái: Tránh mặc quần áo quá chật, gây áp lực lên dạ dày.
- Nằm tư thế chống trào ngược: Nâng cao đầu khoảng 15-20cm bằng gối kê chuyên dụng khi ngủ sẽ giúp ngăn acid di chuyển ngược lên thực quản.
- Hạn chế căng thẳng: Căng thẳng, stress có thể làm nặng thêm các triệu chứng trào ngược dạ dày. Người bệnh có thể tập các bài yoga hoặc thiền để giúp thoải mái hơn.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!