Phác Đồ Điều Trị Viêm Loét Dạ Dày Mới Nhất Theo Bộ Y Tế
Nguyên tắc của phác đồ điều trị viêm loét dạ dày
Phục hồi chức năng bình thường của dạ dày
Phục hồi chức năng bình thường của dạ dày là mục tiêu then chốt trong các phác đồ điều trị viêm loét. Quá trình này tập trung khắc phục ba khía cạnh:
Tiết acid dịch vị
- Mục tiêu: Kiểm soát lượng acid dạ dày, đảm bảo ở mức vừa đủ để tiêu hóa nhưng không gây tổn hại niêm mạc.
- Giải thích: Dạ dày tiết ra acid hydrochloric (HCl) hỗ trợ tiêu hóa thức ăn, đặc biệt là protein. Tuy nhiên, lượng acid dư thừa có thể làm tổn thương niêm mạc, dẫn đến viêm và loét.
Bảo vệ niêm mạc dạ dày
- Mục tiêu: Tăng cường khả năng tự vệ của niêm mạc, hạn chế tổn thương trước các tác nhân gây hại.
- Giải thích: Niêm mạc dạ dày có các cơ chế bảo vệ: tiết lớp chất nhầy, trung hòa acid dịch vị, tái sinh tế bào nhanh chóng. Khi hàng rào này bị phá vỡ (bởi vi khuẩn Hp, thuốc NSAID,…) sẽ dẫn đến viêm loét.
Tăng cường nhu động dạ dày
- Mục tiêu: Cải thiện khả năng đẩy thức ăn từ dạ dày xuống ruột non của hệ tiêu hóa.
- Giải thích: Sự phối hợp cơ học của dạ dày giúp trộn đều thức ăn với acid, đồng thời hỗ trợ quá trình tiêu hóa. Viêm loét dạ dày có thể làm suy giảm nhu động, gây đầy bụng, khó tiêu, cản trở dinh dưỡng hấp thu.
Xác định nguyên nhân gây bệnh
Các nguyên nhân phổ biến của viêm loét dạ dày bao gồm:
- Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (Hp): Vi khuẩn Hp là nguyên nhân hàng đầu gây viêm loét dạ dày.
- Sử dụng thuốc giảm đau không steroid (NSAID): NSAID như aspirin, ibuprofen có thể gây tổn thương niêm mạc dạ dày.
- Chế độ ăn uống và sinh hoạt không lành mạnh: Ăn nhiều thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, uống rượu bia, hút thuốc lá, căng thẳng có thể làm tăng nguy cơ viêm loét dạ dày.
Chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh cho phép:
- Điều trị trúng đích: Sử dụng phác đồ phù hợp với nguyên nhân cụ thể, mang lại hiệu quả cao.
- Ngăn ngừa tái phát: Đưa ra các biện pháp phòng ngừa phù hợp như tránh NSAID, diệt trừ Hp, điều chỉnh chế độ ăn uống, kiểm soát căng thẳng,…
- Phát hiện sớm các trường hợp nguy hiểm: Một số nguyên nhân đặc biệt (hội chứng Zollinger-Ellison,…) cần được phát hiện để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Phục hồi tổn thương và tái tạo niêm mạc dạ dày
Việc phục hồi tổn thương và tái tạo niêm mạc dạ dày giúp giảm triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng. Phác đồ điều trị sẽ bao gồm:
- Thuốc trung hòa acid: Giúp giảm lượng acid dịch vị, bảo vệ niêm mạc dạ dày.
- Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày: Giúp tăng cường khả năng bảo vệ của niêm mạc dạ dày.
- Thuốc kích thích tái tạo niêm mạc dạ dày: Giúp niêm mạc dạ dày lành lại nhanh hơn.
Phác đồ điều trị viêm loét dạ dày HP âm tính
Đối với trường hợp không nhiễm khuẩn Hp, phác đồ điều trị viêm loét dạ dày được chia thành 2 hướng chính, bao gồm:
Phác đồ điều trị không dùng thuốc
- Cân nhắc thay đổi loại thuốc giảm đau nếu người bệnh cần sử dụng thuốc giảm đau để điều trị các tình trạng sức khỏe khác.
- Kiểm soát căng thẳng bằng cách tập thể dục thường xuyên, nghe nhạc, đọc sách hoặc trò chuyện với người thân.
- Không hút thuốc, điều này có thể gây ảnh hưởng đến lớp màng bảo vệ của dạ dày, khiến vết loét dạ dày trở nên nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, khói thuốc lá cũng có thể làm tăng acid trong dạ dày.
- Tránh hoặc hạn chế uống rượu. Rượu có thể gây kích ứng và ăn mòn lớp màng nhầy bên trong dạ dày, dẫn đến viêm và chảy máu.
- Thay đổi chế độ ăn uống khoa học, ăn đúng giờ và tránh các món ăn có hại cho dạ dày, chẳng hạn như đồ ăn cay nóng, thức ăn đóng hộp hoặc chiên rán nhiều dầu mỡ. Bên cạnh đó, người bệnh nên tạo thói quen ăn chậm, nhai kỹ để hỗ trợ quá trình tiêu hóa.
- Không uống nước trái cây hoặc ăn tráng miệng sau bữa ăn chính. Điều này có thể góp phần dẫn đến khó tiêu, đau dạ dày và khiến các triệu chứng viêm loét trở nên nghiêm trọng hơn.
- Sử dụng thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, sạch, tươi khi chế biến thức ăn. Người bệnh có thể bổ sung thêm khoai tây, yến mạch, khoai lang để trung hòa acid trong dạ dày.
- Dành thời gian nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc để cải thiện sức khỏe tổng thể và góp phần giảm căng thẳng.
Điều trị dùng thuốc
Trong trường hợp các triệu chứng viêm loét dạ dày nghiêm trọng hoặc do lạm dụng thuốc giảm đau, bác sĩ có thể đề nghị phác đồ điều trị dùng thuốc. Phác đồ điều trị viêm loét dạ dày không nhiễm Hp dùng thuốc như sau:
Thuốc kháng acid:
- Giúp trung hòa axit dạ dày, giảm đau và kích ứng.
- Loại phổ biến: Nhôm hydroxyd, magie hydroxyd.
- Lưu ý: Uống cách xa các thuốc khác ít nhất 1-2 giờ. Hạn chế sử dụng kéo dài vì có thể gây táo bón.
Thuốc ức chế bơm proton (PPI):
- Ức chế mạnh mẽ quá trình tiết axit dạ dày.
- Lựa chọn hàng đầu trong điều trị viêm loét dạ dày.
- Loại phổ biến: Omeprazole, lansoprazole, esomeprazole.
- Lưu ý: Sử dụng theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý tăng liều. Có thể gây tác dụng phụ như buồn nôn, tiêu chảy, nhức đầu.
Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày:
- Tạo lớp màng bảo vệ trên tổn thương, giúp vết loét mau lành.
- Loại phổ biến: Sucralfate, bismuth subsalicylate.
- Lưu ý: Uống trước bữa ăn 30 phút hoặc 2 giờ sau bữa ăn. Có thể làm giảm hấp thu một số thuốc khác.
Thuốc giảm tiết dịch vị dạ dày (thuốc kháng Histamine H2):
- Ức chế tiết dịch vị dạ dày, tác dụng nhẹ hơn PPI.
- Loại phổ biến: Ranitidine, famotidine.
- Lưu ý: Có thể gây tác dụng phụ như buồn ngủ, chóng mặt. Không dùng cho phụ nữ mang thai và cho con bú.
Các thuốc khác:
- Thuốc chống co thắt: Giảm co thắt dạ dày, giảm đau.
- Thuốc chống nôn: Giảm buồn nôn, nôn.
- Thuốc kháng sinh: Dùng trong trường hợp có biến chứng do vi khuẩn.
Phác đồ điều trị viêm loét dạ dày có Hp
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và tình trạng cụ thể của người bệnh, bác sĩ có thể đề nghị các phác đồ điều trị như sau:
1. Phác đồ điều trị viêm loét dạ dày kết hợp 3 loại thuốc
Đối tượng áp dụng:
- Bệnh nhân phát bệnh lần đầu, các triệu chứng ở mức độ nhẹ;
- Bệnh nhân ở khu vực miền Trung và miền Bắc, bởi vì bệnh nhân có tỷ lệ kháng clarithromycin kém hơn bệnh nhân ở miền Nam.
Phác đồ điều trị: Phác đồ sử dụng 3 loại thuốc kết hợp để cải thiện vấn đề tiêu hóa và tiêu diệt vi khuẩn Hp mà không gây ảnh hưởng đến hoạt động của đường tiêu hóa. Phác đồ cũng hỗ trợ cân bằng nồng độ acid dạ dày và kiểm soát các triệu chứng viêm loét dạ dày.
Các đơn thuốc điều trị phổ biến như sau:
Đơn thuốc số 1:
- Amoxicillin mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 1 gram, uống thuốc sau bữa ăn chính.
- Thuốc PPI – Omeprazole mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 1 viên, sử dụng thuốc trước bữa ăn khoảng 30 phút.
- Metronidazole 250 mg uống trong hoặc sau bữa ăn, liều lượng tối đa mỗi ngày là 750ml.
Đơn thuốc số 2:
- Clarithromycin, mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 500 mg, uống thuốc sau bữa ăn.
- Amoxicillin, mỗi ngày sử dụng 2 lần, mỗi lần khoảng 1 gram, uống thuốc sau bữa ăn.
- Thuốc PPI – Omeprazole, mỗi ngày uống thuốc 2 lần, mỗi lần 1 viên, sử dụng thuốc trước bữa ăn khoảng 30 phút.
Tác dụng phụ:
- Đau bụng;
- Khó hấp thụ các chất dinh dưỡng và vitamin có trong chế độ ăn uống.
- Choáng váng.
Thời gian điều trị: Thông thường, người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị trong 10 – 14 ngày. Tuy nhiên tùy thuộc vào tình trạng cụ thể, bác sĩ có thể điều chỉnh thời gian điều trị để đạt hiệu quả tốt nhất. Trong quá trình điều trị, nếu nhận thấy các tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh nên thông báo cho bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
Phác đồ điều trị kết hợp 4 loại thuốc
Đối tượng áp dụng:
- Người bệnh viêm loét dạ dày tái phát hoặc đã từng sử dụng thuốc macrolid.
- Người bệnh không đáp ứng phác đồ điều trị viêm loét dạ dày kết hợp 3 loại thuốc.
Phác đồ điều trị: Phác đồ điều trị kết hợp 4 loại thuốc có thể loại bỏ đến 90% các triệu chứng viêm loét dạ dày. Tuy nhiên, do các loại thuốc điều trị viêm loét dạ dày trong phác đồ này có hàm lượng cao, do đó người bệnh nên tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh các rủi ro không mong muốn.
Đơn thuốc phổ biến:
Đơn thuốc số 1:
- Metronidazol, mỗi lần uống 500 mg, mỗi ngày 2 lần, sử dụng thuốc sau bữa ăn.
- Amoxicillin mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 1000 mg, sử dụng sau bữa ăn.
- Clarithromycin, mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 500 mg, uống thuốc sau bữa ăn.
- Thuốc PPI – Omeprazole, mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 1 viên, sử dụng thuốc trước bữa ăn khoảng 30 phút.
Đơn thuốc số 2:
- Metronidazol, mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 500 mg, uống thuốc sau bữa ăn.
- Tetracyclin, mỗi ngày 4 lần, mỗi lần khoảng 500 mg, sử dụng thuốc sau bữa ăn để tạo màng bọc bảo vệ dạ dày.
- Bismuth, mỗi ngày 4 lần, mỗi lần 120 mg, sử dụng thuốc trước bữa ăn.
- Thuốc PPI – Omeprazole, mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 1 viên, sử dụng thuốc trước bữa ăn khoảng 30 phút.
Tác dụng phụ: Phác đồ điều trị viêm loét dạ dày kết hợp 4 loại thuốc được chỉ định cho các trường hợp nghiêm trọng, do đó các loại thuốc thường có hàm lượng cao. Điều này khiến người bệnh dễ gặp các tác dụng phụ, chẳng hạn như:
- Suy giảm tinh thần.
- Cơ thể mệt mỏi.
- Nguy cơ vi khuẩn Hp kháng thuốc cao.
Để hạn chế các tác dụng phụ, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ chuyên môn để được hướng dẫn cụ thể. Ngoài ra, không tự ý thay đổi liều lượng thuốc hoặc ngưng sử dụng thuốc mà không có sự chỉ định của bác sĩ.
Thời gian điều trị: Điều trị kéo dài trong 10 – 14 ngày. Tuy nhiên, tùy vào kết quả điều trị và tình trạng cụ thể của người bệnh, bác sĩ có thể đề nghị thay đổi liều lượng phù hợp.
Phác đồ điều trị nối tiếp của Bộ Y tế
Đối tượng áp dụng: Tất cả bệnh nhân viêm loét dạ dày Hp dương tính không đáp ứng phác đồ 3 loại thuốc và 4 loại thuốc.
Phác đồ cụ thể: Phác đồ điều trị viêm loét dạ dày nối tiếp là phác đồ mới, được điều chỉnh từ các phác đồ trước đây. Người bệnh sử dụng các cột mốc 5 ngày để quan sát các triệu chứng và hiệu quả điều trị. Đặc điểm của phác đồ này là rút ngắn thời gian điều trị, ngăn ngừa các biến chứng và hỗ trợ phục hồi chức năng của hệ thống tiêu hóa.
Trong 5 ngày đầu tiên:
- Thuốc PPI – Omeprazole, mỗi ngầy 2 lần, mỗi lần 1 viên, uống thuốc trước bữa ăn khoảng 30 phút.
- Amoxicillin, mỗi ngày 2 lần, mỗi lần khoảng 1000 mg, sử dụng thuốc sau bữa ăn.
Trong 5 ngày tiếp theo:
- Thuốc PPI – Omeprazole, sử dụng 2 lần mỗi ngày, mỗi lần 1 viên, uống thuốc trước bữa ăn khoảng 30 phút.
- Clarithromycin, mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 500 mg, uống thuốc sau khi ăn.
- Tinidazole, mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 500 mg, uống thuốc sau bữa ăn.
Tác dụng phụ:
- Giảm cân.
- Buồn nôn.
- Mệt mỏi.
Thời gian áp dụng: Phác đồ điều trị viêm loét dạ dày tiếp nối được chỉ định tối đa trong 10 ngày. Sau quá trình điều trị, người bệnh nên tái khám theo hướng dẫn của bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
Tuân thủ phác đồ điều trị viêm loét dạ dày của Bộ Y tế là cách tốt nhất để điều trị các triệu chứng và phòng ngừa các biến chứng liên quan. Trong quá trình điều trị nếu nhận thấy các triệu chứng không mong muốn, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!