Cách Điều Trị Rò Hậu Môn An Toàn, Hiệu Quả

Điều trị bảo tồn

Các phương pháp điều trị bảo tồn thường được áp dụng trong các trường hợp:

  • Rò hậu môn giai đoạn viêm nhiễm cấp tính: Điều trị bảo tồn bước đầu nhằm kiểm soát nhiễm trùng, giảm triệu chứng trước khi tiến hành điều trị triệt để bằng phẫu thuật.
  • Rò hậu môn đơn giản: Giúp cải thiện triệu chứng và hỗ trợ cho quá trình lành vết thương.
  • Chuẩn bị cho phẫu thuật rò phức tạp: Giảm bớt viêm nhiễm, thu nhỏ kích thước đường rò để phẫu thuật dễ dàng và tăng tỷ lệ thành công.

Bệnh nhân có chống chỉ định phẫu thuật: Người cao tuổi, người có các bệnh lý nền nặng, không thể chịu được phẫu thuật

Sử dụng thuốc

Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị bảo tồn rò hậu môn nhằm mục đích: giảm đau, kiểm soát nhiễm trùng, hỗ trợ làm lành ổ viêm, hoặc kiểm soát bệnh nền (đặc biệt là bệnh Crohn). Bác sĩ sẽ kê đơn dựa trên tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân.

Kháng sinh:

  • Chỉ định: Dùng khi có biểu hiện nhiễm trùng nặng như sốt cao, tăng bạch cầu, hoặc có dấu hiệu viêm mô tế bào xung quanh đường rò.
  • Các loại kháng sinh sử dụng: Lựa chọn dựa trên phổ kháng khuẩn và tình trạng kháng thuốc tại địa phương. Một số kháng sinh thường được lựa chọn bao gồm:
  • Nhóm Cephalosporin: cefuroxim, ceftriaxone,…
  • Nhóm Quinolone: ciprofloxacin, levofloxacin, …
  • Metronidazole, Clindamycin
Metronidazole được chỉ định trong điều trị rò hậu môn
Metronidazole được chỉ định trong điều trị rò hậu môn

Thuốc giảm đau, chống viêm:

  • Nhóm thuốc giảm đau thông thường: Paracetamol (acetaminophen) được lựa chọn đầu tiên do tính an toàn tương đối.
  • Nhóm thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs): Diclofenac, ibuprofen, meloxicam,… Tuy nhiên, nhóm thuốc này cần thận trọng ở người có tiền sử bệnh lý tiêu hóa do nguy cơ gây viêm loét dạ dày – tá tràng.

Thuốc điều trị bệnh Crohn:

Đối với trường hợp rò hậu môn thứ phát do bệnh Crohn, mục tiêu điều trị chính là kiểm soát tốt tình trạng viêm của bệnh nền. Các thuốc hay được sử dụng bao gồm:

  • Thuốc ức chế miễn dịch: Các dẫn chất 5-aminosalicylic acid (5-ASA) như: sulfasalazine, mesalamine,…; Corticosteroid: prednisolone, methylprednisolone,… Thiopurine: azathioprine, 6-mercaptopurine; Methotrexate
  • Thuốc sinh học: Nhắm chính xác các chất gây viêm, hiệu quả cao nhưng chi phí đắt đỏ, ví dụ như: Thuốc kháng TNF-alpha: infliximab, adalimumab,…, thuốc kháng integrin: vedolizumab, thuốc kháng IL-12/IL-23: ustekinumab.

Lưu ý quan trọng:

  • Thuốc là một phương pháp hỗ trợ quan trọng trong điều trị bảo tồn, không thay thế phẫu thuật triệt để, đặc biệt với các rò hậu môn phức tạp.
  • Các loại thuốc trên có nhiều tác dụng phụ và cần được kê đơn phù hợp với tình trạng bệnh, cơ địa của từng bệnh nhân.
  • Tránh tự mua và sử dụng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ để ngăn ngừa nguy cơ tác dụng phụ và tình trạng kháng thuốc.

Nong hậu môn

Nong hậu môn là một biện pháp điều trị bảo tồn quan trọng, thường được sử dụng ở các trường hợp rò hậu môn kèm theo hẹp hậu môn. Thủ thuật này có vai trò quan trọng trong việc làm giảm triệu chứng và đóng góp vào quá trình hỗ trợ chữa lành rò hậu môn.

Mục đích:

  • Giảm đau: Làm giãn nhẹ nhàng cơ thắt hậu môn, giảm tình trạng co thắt cơ gây đau đớn, đặc biệt khi bệnh nhân đi đại tiện.
  • Dẫn lưu dịch mủ: Làm rộng miệng đường rò, thúc đẩy quá trình thoát dịch (mủ, dịch viêm) ra ngoài, giảm áp lực trong đường rò và tránh hình thành ổ áp xe.
  • Chuẩn bị cho phẫu thuật rò: Trong các trường hợp hẹp hậu môn nặng, việc nong hậu môn trước khi tiến hành phẫu thuật triệt để giúp can thiệp dễ dàng hơn, giảm nguy cơ tổn thương cơ thắt và đem lại tỷ lệ thành công cao hơn.
Dụng cụ dùng để nong hậu môn
Dụng cụ dùng để nong hậu môn

Đối tượng áp dụng:

  • Rò hậu môn có hẹp hậu môn. Tình trạng hẹp hậu môn đi kèm là một trong những chỉ định chính của việc nong hậu môn.
  • Một phần trong quá trình điều trị bảo tồn rò hậu môn trước khi tiến hành các can thiệp triệt để hơn như phẫu thuật.
  • Kỹ thuật thực hiện
  • Thủ thuật nong hậu môn được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa hoặc bác sĩ ngoại khoa trực tràng – hậu môn.

Chuẩn bị:

  • Bệnh nhân được giải thích quy trình.
  • Bệnh nhân có thể được dùng thuốc giãn cơ để giúp thủ thuật dễ dàng hơn.
  • Vệ sinh vùng hậu môn.

Thực hiện:

  • Dùng dụng cụ nong chuyên dụng hoặc ngón tay đeo găng (đã bôi trơn) đưa vào ống hậu môn.
  • Nong dần dần ở các hướng khác nhau để làm giãn hậu môn đến độ rộng thích hợp
  • Sau khi nong, có thể đặt thuốc hoặc gạc có tẩm thuốc vào đường rò để hỗ trợ điều trị.

Chăm sóc sau thủ thuật

  • Bệnh nhân có thể cảm thấy hơi đau hoặc tức nhẹ ở vùng hậu môn vài giờ sau khi nong, có thể được dùng thuốc giảm đau.
  • Chú trọng vệ sinh vùng hậu môn, thay băng, vệ sinh vết thương theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Tái khám đúng hẹn.
  • Thủ thuật nong hậu môn thường cần phải thực hiện nhiều lần để mang lại hiệu quả tốt.

Nong hậu môn là một trong những biện pháp điều trị bảo tồn, không nhằm mục đích chữa lành dứt điểm. Nong hậu môn chỉ giúp giảm triệu chứng và góp phần hỗ trợ điều trị chứ không thể thay thế phẫu thuật triệt để rò hậu môn, đặc biệt trong các trường hợp rò phức tạp, rò tái đi tái lại.

Nong hậu môn có thể gây ra một số tác dụng phụ như chảy máu nhẹ tại chỗ, tăng nguy cơ nhiễm trùng nếu không vệ sinh cẩn thận sau thủ thuật, đặc biệt ở những bệnh nhân có hệ miễn dịch suy yếu.

Các biện pháp tại chỗ

Các biện pháp tại chỗ có vai trò thiết yếu trong việc hỗ trợ điều trị rò hậu môn, giảm triệu chứng khó chịu, kiểm soát viêm nhiễm và góp phần thúc đẩy quá trình lành thương.

Ngâm rửa vùng hậu môn

Mục đích:

  • Giảm đau: Nước ấm giúp làm dịu các mô viêm, giảm kích thích cơ vòng, từ đó giảm cảm giác đau nhức, nặng nề vùng hậu môn
  • Làm sạch dịch mủ, dịch tiết tại lỗ rò: Ngăn ngừa ứ đọng dịch, từ đó giảm nhiễm trùng và nguy cơ hình thành áp xe.
  • Tạo môi trường thuận lợi cho vết thương: Vùng hậu môn sạch sẽ giúp hạn chế sự xâm nhập của vi khuẩn, tăng hiệu quả của các thuốc điều trị tại chỗ khác (nếu có).

Dung dịch sử dụng:

  • Nước muối sinh lý 0.9%: An toàn, không gây kích ứng, có tính sát khuẩn nhẹ.
  • Các dung dịch sát khuẩn pha loãng: Povidone iodine (Betadine): Cần được pha loãng theo đúng hướng dẫn để tránh kích ứng, tác động tiêu cực lên quá trình lành thương; Chlorhexidine: Có phổ kháng khuẩn rộng, tuy nhiên cần lưu ý nguy cơ dị ứng ở một số người; thuốc tím pha loãng 1/10000

Cách thực hiện:

  • Chuẩn bị nước ấm (38 – 40 độ C), chậu ngâm sạch sẽ, hoặc có thể ngâm trực tiếp tại bồn tắm.
  • Pha loãng nước muối sinh lý hoặc dung dịch sát khuẩn tuân thủ chính xác hướng dẫn của bác sĩ hoặc nhà sản xuất.
  • Ngâm vùng hậu môn trong dung dịch đã chuẩn bị khoảng 15-20 phút.
  • Thấm khô nhẹ nhàng bằng khăn mềm, sạch. Tránh chà xát mạnh gây tổn thương.
Ngâm rửa vùng hậu môn là biện pháp hỗ trợ điều trị rò hậu môn
Ngâm rửa vùng hậu môn là biện pháp hỗ trợ điều trị rò hậu môn

Tần suất: Thực hiện 2-3 lần mỗi ngày, đặc biệt là sau mỗi khi đi đại tiện hoặc khi có cảm giác vùng rò hậu môn ẩm ướt, khó chịu.

Thay băng và thuốc bôi

Mục đích:

  • Giữ cho vết thương, vùng lỗ rò luôn sạch sẽ, khô ráo, ngăn ngừa viêm nhiễm.
  • Hỗ trợ giảm viêm, kích thích lành thương với các loại thuốc bôi chuyên dụng.

Chuẩn bị:

  • Gạc y tế vô trùng
  • Băng cuộn y tế
  • Nước muối sinh lý
  • Thuốc mỡ kháng sinh hoặc các loại kem bôi làm lành vết thương (nếu được bác sĩ chỉ định): Ví dụ: chứa Metronidazol, Betadin, Gentrisone,…

Cách thực hiện:

  • Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn trước và sau mỗi lần chăm sóc.
  • Tháo băng cũ, làm sạch vùng hậu môn và lỗ rò bằng nước muối sinh lý.
  • Lau khô bằng gạc vô trùng.
  • Thoa thuốc bôi (nếu có) theo đúng hướng dẫn của bác sĩ về liều lượng và tần suất.
  • Đặt gạc mới lên lỗ rò và các vết thương hở, cố định bằng băng cuộn y tế. Dùng băng với kích thước phù hợp, đảm bảo thấm hút tốt nhưng không gây chèn ép, khó chịu tại chỗ.

Tần suất: Thay băng gạc 1-2 lần mỗi ngày, hoặc nhiều hơn nếu dịch mủ ra nhiều, băng bị ướt,…

Lưu ý quan trọng

  • Tuân thủ vệ sinh tay trước và sau khi tiếp xúc với vết thương.
  • Thao tác nhẹ nhàng, tránh chà xát mạnh làm tổn thương thêm vùng da nhạy cảm quanh hậu môn.
  • Sử dụng vật liệu vô trùng, thay băng gạc đảm bảo tần suất, tránh để gạc tẩm đẫm dịch mủ, gây nhiễm trùng ngược.
  • Nếu có dấu hiệu nhiễm trùng nặng lên: Đau dữ dội, sưng đỏ lan rộng, sốt cao, dịch mủ hôi nhiều,… báo cho bác sĩ ngay lập tức.
  • Bệnh nhân cần tuân thủ tái khám định kì và theo dõi điều trị. Các biện pháp tại chỗ không thể thay thế điều trị triệt để bằng phẫu thuật, đặc biệt trong các trường hợp rò hậu môn phức tạp.

Điều trị phẫu thuật rò hậu môn

Khi nào cần phẫu thuật rò hậu môn?

Không phải mọi trường hợp rò hậu môn đều cần phải phẫu thuật ngay lập tức. Tuy nhiên, phẫu thuật sẽ được chỉ định khi:

Các biện pháp điều trị bảo tồn thất bại:

  • Sau một thời gian dùng thuốc (kháng sinh, giảm đau, chống viêm, thuốc đặc trị cho bệnh Crohn,…), nong hậu môn, và chăm sóc vết thương đúng cách mà tình trạng rò hậu môn không thuyên giảm, các triệu chứng (đau, chảy mủ, ngứa rát,…) vẫn dai dẳng, thậm chí nặng hơn, cần cân nhắc phẫu thuật.
  • Các phương pháp điều trị bảo tồn chỉ có tác dụng kiểm soát triệu chứng tạm thời và chưa thể chữa khỏi rò hậu môn triệt để.

Rò hậu môn phức tạp:

  • Đường rò có cấu trúc phức tạp với nhiều nhánh, lỗ rò thông ra nhiều vị trí ngoài da, nằm sâu trong lòng ống hậu môn – trực tràng hoặc thông vào các cơ quan lân cận (âm đạo, bàng quang,…).
  • Những đường rò thuộc vị trí cao trên cơ thắt hậu môn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tổn thương cơ thắt trong quá trình điều trị.
  • Trường hợp phức tạp thường đáp ứng kém với điều trị bảo tồn và cần can thiệp phẫu thuật kỹ thuật cao hơn để giảm nguy cơ tái phát.

Xuất hiện các biến chứng nghiêm trọng:

  • Áp xe tái phát nhiều lần: Mỗi đợt áp xe bùng phát gây đau đớn dữ dội, tăng nguy cơ hình thành các ổ viêm và đường rò mới, khiến tình trạng bệnh phức tạp hơn.
  • Rò hậu môn lan rộng, nhiễm trùng nặng: Viêm nhiễm có thể lan sang các mô xung quanh, thậm chí vào máu, gây nhiễm trùng huyết nguy hiểm đe dọa tính mạng.
  • Hẹp hậu môn: Các tổn thương viêm, sẹo hóa kéo dài có thể gây chít hẹp ống hậu môn, khiến việc đại tiện trở nên khó khăn.
Tình trạng hẹp hậu môn thường được chỉ định phẫu thuật
Tình trạng hẹp hậu môn thường được chỉ định phẫu thuật

Mục đích của phẫu thuật rò hậu môn

Phẫu thuật điều trị rò hậu môn đặt ra các mục tiêu quan trọng sau đây:

Loại bỏ hoàn toàn đường rò:

  • Đường rò hậu môn là nguồn gốc gây viêm nhiễm tái đi tái lại. Việc loại bỏ đường rò giúp cắt đứt chuỗi viêm mạn tính, tạo điều kiện thuận lợi để các ổ viêm và mô tổn thương phục hồi, phòng ngừa nhiễm trùng lan rộng.
  • Ngăn chặn dịch mủ, dịch viêm tiếp tục chảy ra ngoài, giúp giảm triệu chứng đau, ngứa, khó chịu ở vùng hậu môn và hạn chế nguy cơ hình thành các ổ áp xe mới.

Bảo tồn chức năng cơ thắt hậu môn:

  • Cơ thắt hậu môn đóng vai trò hết sức quan trọng trong kiểm soát việc đại tiện. Phẫu thuật rò hậu môn, đặc biệt là các trường hợp rò phức tạp, lỗ rò trong cao, luôn đặt ra mục tiêu hạn chế tối đa việc xâm lấn, cắt vào các cơ thắt.
  • Các kỹ thuật như đặt Seton, phẫu thuật tạo hình (vá trực tràng, vá da,…) giúp bảo vệ cơ thắt, nhờ đó, bệnh nhân giảm thiểu nguy cơ bị rò rỉ phân, mất kiểm soát đại tiện sau phẫu thuật.

Phòng ngừa tái phát:

  • Mặc dù không thể đảm bảo 100%, nhưng phẫu thuật triệt để giúp loại bỏ đường rò (nguồn gốc của bệnh) làm giảm đáng kể khả năng rò hậu môn quay trở lại so với các phương pháp điều trị bảo tồn.
  • Việc tuân thủ chế độ chăm sóc hậu phẫu, kiểm soát bệnh lý nền (nếu có), và tái khám định kỳ góp phần quan trọng trong việc hạn chế tái phát sau phẫu thuật.

Các kỹ thuật rò hậu môn

Bác sĩ sẽ thăm khám kỹ lưỡng, thực hiện các xét nghiệm hỗ trợ (nội soi, siêu âm, MRI,…) để đánh giá toàn diện tình trạng rò hậu môn về vị trí, độ phức tạp, các tổn thương đi kèm. Từ đó, bác sĩ sẽ tư vấn cho bệnh nhân biết khi nào cần phẫu thuật và lựa chọn phương pháp phẫu thuật phù hợp. Dưới đây là mô tả chi tiết một số kỹ thuật phẫu thuật rò hậu môn phổ biến:

Cắt bỏ đường rò (Fistulectomy)

Đối tượng áp dụng: Rò hậu môn đơn giản, nông, nằm dưới cơ thắt, đặc biệt khi không có bằng chứng viêm nhiễm vùng hậu môn đáng kể.

Phương pháp:

  • Phẫu thuật viên tiến hành xác định đường đi của đường rò.
  • Đường rò được cắt bỏ hoàn toàn cùng với các mô viêm nhiễm xung quanh.
  • Vết thương được xử lý và có thể để hở để tự lành hoặc đóng lại một phần tùy thuộc vào kích thước và vị trí của rò.

Ưu điểm:

  • Triệt để, tỷ lệ tái phát thấp.
  • Thời gian hồi phục tương đối nhanh.

Nhược điểm:

  • Có thể gây đau sau phẫu thuật.
  • Nguy cơ tổn thương cơ thắt (thấp nếu tuân thủ đúng chỉ định).

Rạch và dẫn lưu (Fistulotomy)

Đối tượng áp dụng: Đường rò đơn giản, vị trí thấp dưới cơ thắt, các trường hợp có viêm nhiễm đường rò.

Phương pháp:

  • Bác sĩ sẽ xác định đường đi của rò và mở rộng, bóc tách toàn bộ đường rò để dẫn lưu dịch mủ và làm sạch ổ nhiễm trùng.
  • Vết thương sẽ lành dần từ trong ra ngoài theo cơ chế lành thương tự nhiên.

Ưu điểm:

  • Kỹ thuật khá đơn giản.
  • Giảm đau nhanh sau phẫu thuật do đường rò đã được mở, loại bỏ áp lực của mủ.

Nhược điểm:

  • Có thể để lại sẹo
  • Thời gian lành thương lâu.
  • Nguy cơ tổn thương cơ thắt hậu môn (mức độ tổn thương phụ thuộc vị trí của đường rò và kỹ thuật của bác sĩ phẫu thuật).

Đặt chỉ Seton

Đối tượng áp dụng:

  • Rò hậu môn phức tạp (rất hiếm khi dùng cho rò đơn giản, chỉ dùng khi có chống chỉ định với phẫu thuật triệt để)
  • Điều trị nhiều giai đoạn giúp thu nhỏ đường rò, hạn chế viêm nhiễm, chuẩn bị cho phẫu thuật rò phức tạp sau đó.
  • Một số trường hợp rò cao, phức tạp ở bệnh nhân có yếu tố làm tăng nguy cơ tổn thương cơ thắt.

Phương pháp:

  • Một sợi chỉ phẫu thuật đặc biệt (Seton) được luồn qua toàn bộ đường rò.
  • Seton được thắt nhẹ để vừa cố định, vừa hỗ trợ dẫn lưu dịch, đồng thời giúp tạo ra phản ứng xơ hóa xung quanh làm cho đường rò nhỏ lại.
  • Seton có thể được duy trì trong thời gian vài tuần đến vài tháng, trong thời gian đó bệnh nhân có thể cần quay lại bệnh viện để điều chỉnh độ thắt của chỉ Seton.

Ưu điểm:

  • Hạn chế việc cắt cơ thắt
  • Giảm viêm.
  • Thu nhỏ kích thước các loại rò phức tạp, tạo điều kiện thuận lợi cho phẫu thuật triệt để về sau.

Nhược điểm:

  • Cần phẫu thuật nhiều lần
  • Chi phí cao, dụng cụ đặc thù.
  • Có thể gây khó chịu cho bệnh nhân do có dị vật (chỉ Seton) tồn tại trong một thời gian dài.

Phẫu thuật nút sinh học (Fistula plug)

Đối tượng áp dụng: Chủ yếu cho các trường hợp rò đơn giản, lỗ rò trong không quá lớn. Một số bác sĩ có thể sử dụng trong các ca rò phức tạp có chọn lọc.

Phương pháp: Nút sinh học làm từ chất liệu tự tiêu hoặc không tự tiêu được đưa vào đường rò, nút có tác dụng bịt kín đường rò và kích thích sự phát triển của các mô lành xung quanh.

Ưu điểm:

  • Kỹ thuật ít xâm lấn, hạn chế cắt cơ thắt.
  • Tỷ lệ thành công khá cao ở những trường hợp được chỉ định đúng.

Nhược điểm:

  • Chi phí thường cao.
  • Vẫn tiềm ẩn nguy cơ tái phát, đặc biệt khi dùng cho rò phức tạp hoặc ở những bệnh nhân có bệnh lý nền chưa kiểm soát tốt.

Các kỹ thuật phẫu thuật tạo hình

Đối tượng áp dụng: Hầu hết áp dụng cho các trường hợp rò hậu môn lỗ trong cao (trên cơ thắt), rò phức tạp

Phương pháp: Có nhiều kỹ thuật khác nhau, nhưng chung quy đều dựa trên nguyên tắc đóng kín lỗ rò trong, sau đó tạo hình phục hồi lại cấu trúc giải phẫu của ống hậu môn. Một số kỹ thuật phổ biến:

  • Vá trực tràng: Phẫu thuật viên sẽ cắt bỏ lỗ rò trong, khâu lỗ rò và sử dụng một vạt niêm mạc trực tràng trượt xuống để che phủ, làm lành tổn thương, tạo thành một ống hậu môn mới.
  • Vá da: Phẫu thuật sử dụng vạt da gần lỗ rò để che phủ và tạo hình lại vùng thương tổn.
  • Kỹ thuật LIFT
  • VAAFT
  • Kỹ thuật tạo hình VAAFT trong điều trị
    Kỹ thuật tạo hình VAAFT trong điều trị

Ưu điểm: Giúp đóng kín đường rò phức tạp, bảo tồn chức năng cơ thắt, phục hồi giải phẫu.

Nhược điểm:

  • Kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi bác sĩ phẫu thuật có tay nghề cao.
  • Chi phí điều trị lớn.

Nguy cơ của phẫu thuật

  • Nhiễm trùng vết mổ: Có thể xảy ra nếu chăm sóc sau phẫu thuật không đúng cách.
  • Tổn thương cơ thắt: Nguy cơ này phụ thuộc vào vị trí, tính chất đường rò và kỹ thuật của phẫu thuật viên. Khi tổn thương cơ thắt không được xử lý tốt có thể dẫn đến rò rỉ phân, mất kiểm soát đại tiện.
  • Tái phát: Mặc dù phẫu thuật làm giảm đáng kể khả năng rò hậu môn tái phát, nhưng vẫn có một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân gặp phải tình trạng này.

Phòng ngừa rò hậu môn

Mặc dù không thể phòng ngừa hoàn toàn rò hậu môn trong mọi trường hợp, tuân thủ những biện pháp sau đây có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh và ngăn ngừa bệnh tái phát sau điều trị:

Xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp

  • Ăn uống đủ chất, giàu chất xơ: Chế độ ăn nhiều rau xanh, hoa quả, ngũ cốc nguyên hạt giúp cung cấp đủ chất xơ, ngăn ngừa táo bón và tiêu chảy – những yếu tố thúc đẩy viêm nhiễm và hình thành rò hậu môn.
  • Uống đủ nước: Duy trì thói quen uống đủ nước mỗi ngày (khoảng 1.5-2 lít) giúp phân mềm, dễ đào thải hơn, giảm áp lực lên vùng hậu môn.
  • Tránh các thực phẩm gây kích thích: Hạn chế đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, rượu bia, cà phê,… vốn có thể gây rối loạn tiêu hóa, tăng nguy cơ viêm nhiễm vùng hậu môn.
  • Tập thể dục thường xuyên: Duy trì hoạt động thể chất đều đặn (30 phút mỗi ngày, hầu hết các ngày trong tuần) giúp cải thiện nhu động ruột, phòng chống táo bón và tốt cho sức khoẻ toàn diện.
  • Vệ sinh vùng hậu môn đúng cách: Vệ sinh sạch sẽ vùng hậu môn sau khi đi đại tiện, chú ý làm sạch nhẹ nhàng từ trước ra sau, tránh chà xát mạnh gây kích ứng.
  • Không nhịn đại tiện: Trì hoãn việc đi vệ khi có nhu cầu có thể dẫn đến táo bón và tăng áp lực vùng trực tràng – hậu môn.

Các lưu ý khác

  • Điều trị kịp thời các bệnh lý nền: Các bệnh lý hậu môn – trực tràng như áp xe hậu môn, nứt kẽ hậu môn,… cần được phát hiện và điều trị sớm, triệt để để ngăn ngừa biến chứng thành rò hậu môn; các bệnh đường tiêu hoá như viêm loét đại tràng, bệnh Crohn,… cần được kiểm soát tốt để giảm nguy cơ biến chứng rò hậu môn.
  • Quan hệ tình dục an toàn: Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, đặc biệt là quan hệ qua đường hậu môn, để phòng tránh các bệnh lây qua đường tình dục có thể làm tăng nguy cơ rò hậu môn.
  • Khám sức khỏe định kỳ: Thăm khám phát hiện sớm các dấu hiệu nghi ngờ, đặc biệt khi bạn thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao hoặc có yếu tố nguy cơ mắc bệnh rò hậu môn.

Rò hậu môn là một bệnh lý dai dẳng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi hoàn toàn. Do đó, khi có bất kỳ dấu hiệu nào nghi ngờ rò hậu môn, bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Ẩn

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android