Các Loại Thảo Dược Trị Mất Ngủ
Sử dụng thảo dược trị mất ngủ là một giải pháp an toàn cho sức khỏe. Hơn nữa, các nguyên liệu được dùng đều rất dễ kiếm và dễ sử dụng. Dưới đây là các loại thảo dược bạn có thể sử dụng để khắc phục chứng mất ngủ tại nhà.
Các loại thảo dược trị mất ngủ dễ kiếm
Tình trạng mất ngủ kéo dài sẽ khiến người bệnh bị suy kiệt sức khỏe, uể oải, thiếu tập trung trong công việc. Một số loại thảo dược dễ kiếm có thể giúp hỗ trợ đẩy lùi bệnh một cách tự nhiên.
1. Cây xấu hổ
Xấu hổ là loại cây mọc hoang thường được người dân gọi với cái tên khác là cây trinh nữ. Nghiên cứu cho thấy, thảo dược này chứa các thành phần hóa học có tác dụng giảm căng thẳng, lo âu, chống trầm cảm, đồng thời hỗ trợ giảm đau, chống lại các chứng viêm nhiễm trong cơ thể. Điều này có thể mang đến cho bạn một giấc ngủ ngon hơn.
Bộ phận được sử dụng làm thuốc chữa mất ngủ của cây xấu hổ chính là lá và cành. Dược liệu được thu hái quanh năm mang về phơi khô, bảo quản nơi khô ráo để sử dụng hàng ngày trong một thời gian dài.
Cách sử dụng:
- Dùng 6 – 12 cây trinh nữ khô đem rửa cho sạch bụi bẩn
- Bỏ vào ấm đun sôi với 500ml nước
- Vặn lửa nhỏ liu riu trong 10 phút rồi tắt bếp.
- Để nước nguội, chia uống mỗi ngày từ 2 – 3 lần
- Áp dụng một tuần liên tục để tìm lại được giấc ngủ ngon trọn vẹn.
2. Hoa hòe
Hoa hèo cũng là một trong những loại thảo dược trị mất ngủ đang được sử dụng phổ biến trong dân gian. Vào thời điểm từ tháng 5 – tháng 8 trong năm là lúc hoa hòe bắt đầu nở rộ. Những bông hoa còn nguyên nụ chưa mở hẳn sẽ được hái về phơi khô, sao vàng để dùng dần.
Người dân thường sử dụng hoa hòe hãm trà uống hàng ngày. Trà hoa hòe có mùi thơm đặc trưng, vị đắng nhẹ, hậu ngọt rất dễ uống. Nó có tác dụng thanh nhiệt, tiêu độc, làm thư giãn thần kinh trung ương, giúp người sử dụng dễ ngủ và ngủ sâu giấc hơn. Ngoài ra, hoa hòe còn được kết hợp chung với hạt muồng nhằm nâng cao hiệu quả trị bệnh.
Có 2 cách dùng hoa hòe chữa mất ngủ như sau:
Cách 1: Dùng trà hoa hòe
- Chuẩn bị 10 – 15g nụ hoa hòe khô
- Đem sao vàng cho dậy mùi thơm
- Bỏ hoa hòe vào bình pha trà, đổ lượng nước sôi vừa đủ vào
- Đậy nắp lại để khoảng 10 phút là có thể dùng được
- Rót rà ra uống vài lần trong ngày
Cách 2: Kết hợp hoa hòe với hạt muồng
Hạt muồng còn có tên gọi khác là thảo thuyết minh. Vị thuốc này cũng có tác dụng an thần nên được kết hợp với hoa hòe làm thuốc trị mất ngủ nhằm đẩy nhanh hiệu quả điều trị.
- Chuẩn bị hoa hòe và hạt muồng mỗi vị 40 – 50 gram
- Đem cả hai phơi khô, nghiền thành bột mịn và trộn chung với nhau cho đều
- Mỗi lần lấy 4g (tương đương 1 thìa cà phê) đem pha với nước sôi uống
- Sử dụng đều đặn mỗi ngày 2 lần vào buổi trưa và buổi tối để nhanh chóng tìm lại được giấc ngủ trọn vẹn.
** Lưu ý: Không sử dụng hoa hòe trị mất ngủ cho những trường hợp sau:
- Phụ nữ có thai
- Người đang cho con bú
- Bệnh nhân có tỳ vị hư hàn
- Huyết áp thấp
- Đau bụng, tiêu chảy
3. Gừng
Nhắc đến các thảo dược trị mất ngủ chúng ta cần kể đến gừng. Thảo dược này có tính ấm, giúp tăng cường lưu thông máu và oxy lên não, giảm căng thẳng, xoa dịu cơn đau đầu và hỗ trợ điều trị mất ngủ.
Ngoài ra, gừng còn có đặc tính giảm đau, chống viêm tự nhiên. Sử dụng thảo dược này đúng cách sẽ giúp cải thiện tình trạng đau nhức xương khớp và các chứng đau mãn tính trong cơ thể là nguyên nhân khiến cho nhiều người bệnh không có được giấc ngủ ngon trọn vẹn vào ban đêm.
Cách 1: Uống trà gừng trị mất ngủ
- Lấy 1 nhánh gừng nhỏ rửa sạch, để nguyên cả vỏ bằm nhuyễn
- Bỏ gừng vào ấm đun sôi với 200ml nước trong 5 phút
- Lọc bỏ bã, để cho trà gừng nguội còn khoảng 40 độ
- Thêm vào 2 thìa mật ong quấy đều, uống khi trà còn ấm
- Sử dụng mỗi ngày 2 tách trà gừng vào buổi sáng và buổi chiều để bệnh mất ngủ nhanh chóng bị đẩy lùi.
Cách 2: Ngâm chân với nước gừng
Ngâm chân vào nước gừng vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ có tác dụng giữ ấm cơ thể, tăng cường lưu thông khí huyết, làm thư giãn cơ bắp và các dây thần kinh, giúp bạn dễ đi vào giấc ngủ hơn.
- Dùng 2 củ gừng đập dập
- Đun sôi 1,5 lít nước rồi cho gừng vào tiếp tục nấu thêm 10 phút nữa để các hoạt chất trong gừng tiết hết vào trong nước.
- Thêm vào 1 thìa cà phê muối, quấy tan rồi tắt bếp
- Gạn nước gừng ra một cái chậu nhỏ, chờ cho nước nguội bớt rồi ngồi nhúng cả hai chân vào ngâm trong 15 phút.
4. Lạc tiên
Cây lạc tiên là thảo dược nổi tiếng với tác dụng trị mất ngủ. Loại cây này mọc hoang ở các vùng đồi núi, khu đất trống và thường leo trên thân cây bụi để phát triển. Phần lá và ngọn non của cây được sử dụng như một loại rau thông thường, có thể luộc hay nấu canh ăn.
Phần thân già cũng được cắt về chặt khúc ngắn, sấy khô dùng làm trà hoặc làm thuốc chữa nhiều bệnh, bao gồm cả bệnh mất ngủ.
Cách 1: Kết hợp lạc tiên với cam thảo
- Dùng 1 nắm dây lạc tiên khô cho vào ấm hãm với nước sôi và vài lát cam thảo
- Đậy kín nắp ấm lại, ủ trong 15 phút khi thấy nước trà chuyển sang màu vàng nhạt có thể uống được.
- Trà lạc tiên cam thảo có thể uống ấm hoặc để ngăn mát tủ lạnh uống hết trong ngày.
Cách 2: Cây lạc tiên chữa mất ngủ, tim đập nhanh, hồi hộp
- Chuẩn bị thang thuốc gồm: Cây lạc tiên khô 50g, lá hải đồng bì 30 gram, lá dâu tằm 10 gram, liên tâm 2 gram, đường trắng 90 gram.
- Các vị thảo dược đem sắc lấy nước đặc, sau đó pha thêm đường vào uống
- Dùng mỗi ngày 1 thang với liệu trình từ 7 – 10 ngày.
5. Tâm sen
Tâm sen là thảo dược trị mất ngủ được sử dụng trong nhiều bài thuốc của y học cổ truyền. Đông y ghi nhận, tâm sen có tính hàn, vị đắng, có khả năng quy vào kinh tâm giúp trấn an, định thần, làm thư giãn thần kinh.
Nghiên cứu hiện đại cũng cho thấy, tâm sen chứa một hợp chất quý là alcaloid. Chất này có tác dụng an thần, chống oxy hóa, bảo vệ các tế bào thần kinh, ổn định huyết áp, cải thiện sức khỏe tim mạch và tăng cường lưu thông máu lên não.
Chính nhờ tác dụng tuyệt vời trên mà tâm sen được tin dùng làm thuốc trị mất ngủ. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng hoạt chất alcaloid khi được bổ sung với hàm lượng cao có thể gây ngộ độc. Trước khi sử dụng, cần sao vàng tâm sen để giảm bớt độc tính của hoạt chất này. Ngoài ra bạn cũng cần chú ý sử dụng tâm sen đúng cách, đúng liều lượng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Cách chữa mất ngủ bằng tâm sen như sau:
- Lấy 2 thìa tâm sen rửa sạch, bỏ vào ấm chế nước sôi vào
- Ủ khoảng 10 phút có thể rót uống dần
- Trà tâm sen lúc mới uống vào có vị đắng nhưng sau đọng lại vị ngọt nơi cổ họng. Mỗi một liệu trình điều trị mất ngủ bạn nên uống từ 5 – 7 ngày. Sau đó nghỉ 7 ngày rồi mới tiếp tục uống trở lại.
6. Hoa nhài
Hoa nhài còn có nhiều tên gọi khác như mạt lợi hay hoa lài. Hoa có màu trắng tinh khiết và hương thơm ngào ngạt nên thường được người dân trồng trong chậu làm cảnh.
Theo ghi chép trong các tài liệu y học cổ truyền, hoa nhài là dược liệu có tính bình, hàn nhẹ, giúp thanh nhiệt, bài trừ độc tố, giảm viêm, an thần, tăng cường lưu thông tuần hoàn máu lên não. Chủ trị mất ngủ, sưng đau do chấn thương, cao huyết áp…
Ngoài ra, hoa nhài còn mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe như: Giảm căng thẳng, ngăn ngừa ung thư, chống cảm cúm, giảm cân, điều hòa đường huyết, giảm cholesterol trong máu, bảo vệ tim mạch. Sức khỏe được cải thiện một cách toàn diện chính là nền tảng để giúp bạn có một giấc ngủ ngon, chất lượng.
Để trị mất ngủ, bạn có thể hãm hoa nhài tươi hoặc khô lấy nước uống thay trà hàng ngày. Ngoài ra, hoa nhài còn được kết hợp với các thảo dược khác giúp mang lại hiệu quả nhanh hơn.
Cách sử dụng:
- Chuẩn bị hoa nhài tươi và táo nhân mỗi vị 10 gram, liên tử tâm 5 gram, lá vông 20 gram.
- Trước tiên đem táo nhân bỏ vào chảo nóng sao đen, tán nhỏ
- Lá vông phôi khô, tán thành bột mịn
- Đun sôi 1 lít nước rồi cho tất cả vào nấu thêm 5 phút nữa
- Gạn lấy nước sắc uống nhiều lần trong ngày.
7. Hoa cúc
Hoa cúc không chỉ đơn thuần dùng làm cảnh mà còn có nhiều tác dụng chữa bệnh như chống dị ứng, sát khuẩn, kháng viêm, điều hòa huyết áp, giảm đau đầu, chữa mất ngủ. Dân gian có 2 cách sử dụng thảo dược này trị mất ngủ như sau:
Cách 1:
- Hoa cúc tươi đem phơi hoặc sấy khô với số lượng lớn dùng dần
- Mỗi ngày lấy 2 thìa bỏ vào bình hãm với nước sôi trong 15 phút
- Cuối cùng thêm một chút đường hoặc mật ong vào khuấy đều lên và thưởng thức
- Duy trì uống mỗi ngày 3 tách trà hoa cúc để thần kinh được thư giãn, thoải mái và ngủ ngon giấc hơn.
Cách 2:
- Lấy hoa cúc phơi khô, nhét vào trong một cái gối
- Sử dụng gối này để gối đầu mỗi khi đi ngủ
- Mùi hương nhẹ nhàng, dễ chịu của hoa cúc sẽ mang đến cho bạn cảm giác thư thái, nhẹ nhàng và nhanh chóng chìm vào giấc ngủ.
8. Cam thảo
Nếu bạn đang tìm kiếm một loại thảo dược trị mất ngủ an toàn thì có thể cân nhắc sử dụng cam thảo. Các hoạt chất được tìm thấy trong thảo dược này có tác dụng an thần, giúp dễ ngủ và ngủ sâu giấc hơn.
Ngoài ra, cam thảo còn có tác dụng diệt khuẩn, ức chế virus, giúp khắc phục các bệnh lý ở đường hô hấp như cảm cúm, ho, viêm họng. Đây đều là những nguyên nhân gây mất ngủ, rối loạn giấc ngủ.
Cách sử dụng:
- Rễ cam thảo thái lát mỏng, phơi khô
- Mỗi lần lấy vài lát đem hãm với nước sôi trong 15 phút là có thể uống được
- Mỗi ngày uống 2 ly trà cam thảo vào buổi sáng và buổi tối để tình trạng mất ngủ nhanh chóng được cải thiện.
9. Thảo dược hương thảo
Cây hương thảo trong dân gian còn có các tên gọi khác là lan thảo hay trạch lan. Cây có vị hơi đắng, cay nhẹ, quy vào các kinh Can, Tì giúp kích thích lưu thông máu lên não, chống ứ trệ khí huyết, giảm căng thẳng, mệt mỏi, chữa sưng đau, mất ngủ.
Cách 1: Uống trà hương thảo trị mất ngủ
- Dùng ngọn cây hương thảo có hoa, đem phơi vài nắng to cho khô rồi đập lấy lá
- Mỗi lần sử dụng lấy 1 ít lá hãm với 200ml nước sôi trong 10 phút
- Uống ngày 2 tách trà để cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Cách 2: Điều trị mất ngủ cho phụ nữ sau sinh
- Kết hợp 20 gram hương thảo với 20 gram mạch môn, hoắc hương núi 6 gram, ngải cứu 10 gram, xạ can và vỏ quả bưởi đào đã được phơi khô mỗi vị 4 gram.
- Tất cả đem sắc chung với nửa lít nước
- Đun sôi, hạ nhỏ lửa cho đến khi lượng nước ban đầu cạn còn 250 ml
- Gạn thuốc uống khi còn ấm mỗi ngày 2 lần trong 10 ngày liên tục
10. Cây bình vôi
Cây bình vôi sử dụng củ để chữa mất ngủ. Loại cây này thường phát triển trên các vùng sườn đồi và có thể được tìm thấy ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Nghiên cứu được các nhà khoa học Liên Xô thực hiện vào năm 1961 cho thấy, củ bình bôi thể hiện rõ tác dụng an thần. Thảo dược này có thể gây buồn ngủ và ổn định huyết áp trong cơ thể.
Cách sử dụng bình vôi chữa mất ngủ:
- Củ bình vôi rửa sạch, gọt vỏ, thái mỏng phơi khô
- Mỗi ngày lấy 8 – 10g đem sắc với 1/2 lít nước uống
- Kiên trì áp dụng một thời gian để thấy được hiệu quả
11. Cây tam thất
Cây tam thất là thảo dược trị mất ngủ nổi tiếng trong dân gian. Cây thuộc họ nhân sâm, thường được thu hoạch củ hoặc hoa để chữa bệnh nhờ có tác dụng an thần và nhiều công dụng quý cho sức khỏe.
Để cải thiện chất lượng giấc ngủ, bạn có thể dùng hoa tam thất. Bộ phận này được đem phơi khô, hãm uống tương tự như trà.
Cách sử dụng rất đơn giản như sau:
- Mỗi ngày, lấy 3 – 4 bông hoa tam thất khô bỏ vào ấm
- Đổ thêm lượng nước sôi vừa đủ vào, đậy nắp kín lại ủ khoảng 15 phút
- Rót trà hoa tam thất uống 2 – 3 lần trong ngày để cải thiện tình trạng mất ngủ, khó ngủ vào ban đêm.
12. Cây xạ đen
Xạ đen được xem là cứu cánh cho nhiều bệnh nhân bị mất ngủ. Thảo dược này còn có các tên gọi khác như bách giải, vạn hoa, đông chiều. Cây có tính hàn giúp giải nhiệt, trị nóng trong, đào thải độc tố, cải thiện khả năng miễn dịch và xoa dịu các chứng đau có liên quan đến sự khởi phát của bệnh mất ngủ.
Ngoài ra, cây xạ đen còn được biết đến với tác dụng an thần, kích thích vị giác, giúp bệnh nhân ăn uống ngon miệng và có một giấc ngủ sâu hơn.
Cả thân và lá xạ đen đều được sử dụng làm thuốc trị mất ngủ. Thảo dược này được dùng theo hình thức sắc uống. Bạn nên dùng đều đặn hàng ngày trong một thời gian nhất định để thấy được hiệu quả.
Cách thực hiện:
- Dùng 100g cây xạ đen rửa sạch
- Bỏ vào ấm, thêm 2 lít nước, nấu sôi
- Sắc thuốc trên lửa nhỏ liu riu trong 20 phút
- Vớt bỏ bã, chia uống ngày 3 lần trước các bữa ăn chính khoảng 20 phút
13. Đinh lăng
Thêm một loại thảo dược trị mất ngủ an toàn cho sức khỏe đó chính là cây đinh lăng. Trong rễ cây chứa nhiều hoạt chất tương tự như nhân sâm nên thường được ví von là “nhân sâm của người nghèo”.
Theo y học cổ truyền, rễ đinh lăng có tính mát giúp bồi bổ khí huyết, kích thích lưu thông máu, bổ sung năng lượng, chống mệt mỏi, suy nhược cơ thể, cải thiện tình trạng mất ngủ cho người sử dụng. Ngoài ra, các hoạt chất saponin, lysin, alcaloit, tanin cùng nhiều loại vitamin và axit amin có trong cây đinh lăng còn có tác dụng lợi tiểu, kháng viêm, giảm đau nhức xương khớp, ổn định huyết áp. Những đặc tính tuyệt vời này có thể giúp ích trong việc đẩy nhanh hiệu quả điều trị mất ngủ cho người bệnh.
Thường xuyên sử dụng lá đinh lăng làm rau ăn hàng ngày chính là một cách đơn giản để đẩy lùi tình trạng mất ngủ. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng cây đinh lăng trị bệnh theo những cách sau:
Cách 1: Làm gối đinh lăng
- Hái lá non của cây đinh lăng đem rửa sạch
- Phơi trong bóng râm cho lá héo rồi đem sao khô
- Kết hợp lá đinh lăng với một ít bông gòn để làm ruột gối
- Sử dụng gối đầu hàng ngày giúp mang lại cảm giác dễ chịu và kích thích cơn buồn ngủ nhanh đến hơn.
Cách 2: Điều trị mất ngủ do ảnh hưởng của bệnh suy nhược cơ thể
- Dùng thang thuốc gồm: Cây đinh lăng 20 gram, lá dâu tằm 20 gram, cỏ nhọ nồi 20 gram, lá vông 20 gram, cây trinh nữ 16 gram, hoàng liên 10 gram, rau má 20 gram, nghiệt bì 10 gram, bạch linh 10 gram.
- Sắc thuốc với 700ml cho cạn còn một nửa
- Chia làm 2 lần uống vào buổi sáng và buổi chiều trong 7 ngày liên tục.
- Chuẩn bị lá đinh lăng 24 gram, lá dâu tằm 20 gram, lá vông 20 gram, liên tử tâm 12 gram, liên nhục 16 gram.
- Cho tất cả vào ấm, đổ thêm 400ml sắc cạn còn 150ml
- Chia làm 2 phần đều nhau uống vào buổi sáng và buổi tối
Điều quan trọng là bạn cần phải tìm ra nguyên nhân gây mất ngủ để có biện pháp khắc phục, điều trị phù hợp. Song song với quá trình sử dụng thảo dược, cần có chế độ ăn uống khoa học, tránh sử dụng các chất kích thích, đi ngủ sớm và đúng giờ , lựa chọn không gian yên tĩnh sẽ giúp giấc ngủ được sâu và không bị gián đoạn.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!