Thuốc Đông Y Trị Huyết Trắng
Các vị thuốc Đông y thường dùng
Y học cổ truyền phân biệt nhiều thể huyết trắng khác nhau, từ đó lựa chọn vị thuốc có công dụng phù hợp nhằm đem lại hiệu quả cao, bền vững. Một số vị thuốc thường dùng trong các bài thuốc trị huyết trắng:
Nhóm thuốc thanh nhiệt, giải độc
- Hoàng bá: Tính vị đắng, hàn. Quy kinh Can, Thận. Công dụng thanh nhiệt táo thấp, tả hỏa giải độc, thường dùng trị chứng thấp nhiệt hạ chú.
- Kim ngân hoa: Tính vị cam, hàn. Quy kinh Phế, Vị. Mang đến hiệu quả thanh nhiệt, giải độc, tán phong nhiệt.
- Bồ công anh: Tính vị đắng, hàn. Quy kinh Can, Vị. Công năng thanh nhiệt giải độc, tiêu thũng bài nùng, lợi tiểu thông lâm.
- Diếp cá: Tính vị cay, hơi lạnh. Quy kinh Phế, Đại tràng. Có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu thũng bài nùng, lợi tiểu.
- Xa tiền tử: Tính vị cam, hàn. Quy kinh Bàng quang, Thận. Công dụng thanh nhiệt, lợi niệu, thông lâm, trừ thấp nhiệt.
Nhóm thuốc bổ khí huyết, kiện tỳ, trừ thấp
- Bạch truật: Tính vị đắng, ôn. Quy kinh Tỳ, Vị. Công dụng kiện tỳ táo thấp, ích khí chỉ hãn (mồ hôi), an thai.
- Đương quy: Tính vị cam, ôn. Quy kinh Can, Tâm, Tỳ. Có công dụng bổ huyết hoạt huyết, điều kinh chỉ thống.
- Thục địa: Tính vị cam, vi ôn. Quy kinh Can, Thận. Có tác dụng tư bổ Can Thận, dưỡng huyết ích tinh.
- Sơn thù: Tính vị toan, sáp, bình. Quy kinh Can, Thận. Có tác dụng bổ ích Can Thận, cố tinh sáp niệu.
- Sơn dược: Tính vị cam, bình. Quy kinh Tỳ, Phế, Thận. Công năng bổ Tỳ dưỡng Vị, bổ Phế sinh tân, bổ Thận cố tinh
Nhóm thuốc hoạt huyết, điều kinh
- Ích mẫu: Tính vị cay đắng, vi hàn. Quy kinh Tâm, Can, Bàng quang. Có tác dụng hoạt huyết điều kinh, lợi niệu tiêu thũng.
- Hương phụ: Tính vị cay, hơi đắng, bình. Quy kinh Can, Tam tiêu. Công dụng hành khí giải uất, điều kinh chỉ thống.
- Ngải cứu: Tính vị cay, ấm. Quy kinh Tỳ, Can, Thận. Công năng ôn kinh chỉ huyết (làm ấm kinh mạch, cầm máu), tán hàn trừ thấp, an thai.
Các bài thuốc đông y trị huyết trắng phổ biến
Bài thuốc trị huyết trắng do thấp nhiệt
Công dụng: Thanh nhiệt, giải độc, trừ thấp, giảm các triệu chứng khí hư ra nhiều, mùi hôi, ngứa rát.
Thành phần:
- Hoàng bá: 10g.
- Khổ sâm: 10g.
- Bạch truật: 15g.
- Xa tiền tử: 10g.
- Bạch linh: 10g.
- Cam thảo: 5g.
- Gừng tươi: 3 lát.
Cách dùng:
- Rửa sạch các vị thuốc đã được chuẩn bị và để ráo.
- Cho tất cả nguyên liệu vào ấm sắc với 500ml nước, sắc đến khi còn 200ml.
- Chia thành 2-3 lần uống sau bữa ăn, thuốc dùng hết trong ngày, không để qua đêm.
Bài thuốc trị huyết trắng do khí hư
Công dụng: Bổ khí huyết, kiện tỳ, trừ thấp, giảm các triệu chứng khí hư ra nhiều, loãng, mệt mỏi, đau lưng.
Thành phần:
- Nhân sâm: 10g.
- Bạch truật: 20g.
- Hoàng kỳ: 15g.
- Thăng ma: 10g.
- Sài hồ: 10g.
- Cam thảo: 5g.
- Gừng tươi: 3 lát.
Cách dùng:
- Rửa sạch các vị thuốc đã được chuẩn bị và để ráo.
- Cho tất cả nguyên liệu vào ấm sắc với 500ml nước, sắc đến khi còn 200ml.
- Chia thành 2-3 lần uống sau bữa ăn, thuốc dùng hết trong ngày, không để qua đêm.
Bài thuốc hoạt huyết điều kinh
Công dụng: Hoạt huyết, hành khí, giảm đau bụng kinh, khí hư ra nhiều, bế kinh.
Thành phần:
- Hương phụ: 15g.
- Ích mẫu: 15g.
- Ngải cứu: 10g.
- Đan sâm: 10g.
- Xích thược: 10g.
- Cam thảo: 5g.
- Gừng tươi: 3 lát.
Cách dùng:
- Rửa sạch các vị thuốc đã được chuẩn bị và để ráo.
- Cho tất cả nguyên liệu vào ấm sắc với 500ml nước, sắc đến khi còn 200ml.
- Chia thành 2-3 lần uống sau bữa ăn, thuốc dùng hết trong ngày, không để qua đêm.
Bài thuốc trị huyết trắng do huyết ứ
Công dụng: Hóa ứ, thông huyết, giảm khí hư ra nhiều, vón cục, màu đỏ sẫm.
Thành phần:
- Đào nhân: 10g.
- Trạch tả: 15g.
- Ngưu tất: 10g.
- Đương quy: 10g.
- Xích thược: 10g.
Cách dùng:
- Rửa sạch các vị thuốc đã chuẩn bị ở trên, để ráo.
- Cho tất cả nguyên liệu vào ấm sắc với 500ml nước, sắc đến khi còn 200ml.
- Chia thành 2-3 lần uống trong ngày, sau bữa ăn.
Bài thuốc trị huyết trắng do thận hư
Công dụng: Bổ thận, ích khí, giảm khí hư ra nhiều, loãng, màu trắng.
Thành phần:
- Thục địa: 15g.
- Quy địa: 15g.
- Sơn thù: 10g.
- Sơn dược: 10g.
- Bạch truật: 10g.
Cách dùng:
- Các dược liệu trên đem rửa sạch sau đó sắc cùng 1 lít nước.
- Đun sôi trên lửa nhỏ cho đến khi cạn còn khoảng 300ml thì dừng lại.
- Chắc thuốc ra bát uống thành 2-3 lần trong ngày.
Chỉ định và chống chỉ định
Mặc dù các vị thuốc Đông y khá lành tính nhưng vẫn tiềm ẩn những nguy hiểm nhất định. Người bệnh cần nắm rõ chỉ định và chống chỉ định để việc điều trị mang đến hiệu quả tốt nhất.
Chỉ định
- Huyết trắng sinh lý tăng tiết: Thường gặp ở thời điểm trước và sau kỳ kinh nguyệt, khí hư loãng, ít mùi, dùng thuốc giúp giảm tiết dịch, cải thiện triệu chứng.
- Huyết trắng do viêm nhiễm nhẹ: Hỗ trợ các biện pháp điều trị khác, giúp tiêu viêm, giảm ngứa rát, hạn chế bệnh tiến triển nặng.
- Hỗ trợ điều trị bệnh viêm nhiễm phụ khoa: Kết hợp cùng Tây y để tăng hiệu quả điều trị, rút ngắn thời gian hồi phục, giảm nguy cơ tái phát.
- Bồi dưỡng khí huyết, điều hòa kinh nguyệt: Một số bài thuốc Đông y được sử dụng để hỗ trợ điều trị rối loạn kinh nguyệt kèm theo huyết trắng, phù hợp cho phụ nữ có cơ địa khí hư, tỳ hư, huyết hư…
Chống chỉ định
- Nguyên nhân huyết trắng chưa được xác định: Điều trị sẽ không hiệu quả và có thể che lấp triệu chứng gây trì hoãn việc chẩn đoán bệnh lý nền.
- Huyết trắng do viêm nhiễm nặng: Thuốc Đông y không có tác dụng điều trị đặc hiệu các tác nhân gây viêm (vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng…), dễ dẫn đến kháng thuốc nếu tự ý lạm dụng.
- Phụ nữ có thai hoặc cho con bú: Cần thận trọng vì một số dược liệu có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé. Chỉ dùng thuốc Đông y khi có sự tư vấn của bác sĩ.
- Người dị ứng với thành phần trong thuốc: Cần trao đổi với thầy thuốc để có sự điều chỉnh phù hợp, tránh nguy cơ dị ứng.
- Người mắc bệnh lý nền: Bệnh gan, thận, tim mạch, rối loạn chuyển hóa… cần thông báo với thầy thuốc để được tư vấn cụ thể, cân chỉnh liều lượng hoặc hạn chế sử dụng một số vị thuốc cụ thể.
Huyết trắng là vấn đề tế nhị ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của nhiều chị em phụ nữ. Thuốc Đông y với kho tàng dược liệu quý giá, cùng triết lý y học cổ truyền “vị bệnh trị bệnh” được xem như giải pháp hỗ trợ điều trị huyết trắng hiệu quả. Tuy nhiên, cần khẳng định rằng đây chỉ là phương pháp hỗ trợ, cần kết hợp cùng chẩn đoán và điều trị y khoa hiện đại để đạt hiệu quả tối ưu.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!