Cách Xoa Bóp Bấm Huyệt Điều Trị Thoái Hóa Khớp Gối
Hiệu quả của xoa bóp bấm huyệt trong điều trị thoái hóa khớp gối
Xoa bóp bấm huyệt là một phương pháp tác động vật lý lên cơ thể thông qua các động tác xoa, ấn, day, miết lên da, cơ và các huyệt đạo. Trong điều trị thoái hóa khớp gối, xoa bóp bấm huyệt mang lại những tác dụng sau:
- Tăng cường tuần hoàn máu: Các động tác xoa bóp giúp giãn mạch, tăng cường lưu lượng máu đến vùng khớp gối, giúp giảm tình trạng ứ trệ, giảm viêm, từ đó hỗ trợ giảm đau tại chỗ.
- Giảm co cứng cơ: Tình trạng đau nhức khiến người bệnh thoái hóa khớp gối có xu hướng hạn chế vận động, lâu ngày dẫn đến co cứng các cơ xung quanh khớp. Xoa bóp bấm huyệt giúp làm giãn cơ, giảm co cứng, tăng cường độ linh hoạt cho khớp.
- Điều hòa khí huyết, thông kinh lạc (theo quan điểm y học cổ truyền): Xoa bóp bấm huyệt tác động lên các huyệt đạo quan trọng liên quan đến khớp gối như Huyết hải, Dương Lăng Tuyền, Âm Lăng Tuyền, Túc Tam Lý,… giúp điều hòa khí huyết, lưu thông kinh lạc, góp phần giảm đau và hỗ trợ hồi phục chức năng vận động của khớp.
Xoa bóp bấm huyệt có tác dụng tích cực trong việc giảm đau và cải thiện vận động ở người bệnh thoái hóa khớp gối. Tuy nhiên, hiệu quả của xoa bóp bấm huyệt sẽ tùy thuộc vào một số yếu tố như mức độ thoái hóa khớp, kỹ thuật thực hiện, kết hợp với các phương pháp khác…
Kỹ thuật xoa bóp bấm huyệt điều trị thoái hóa khớp gối
Dưới đây là các bước hướng dẫn xoa bóp và bấm các huyệt quan trọng cho người bị thoái hóa khớp gối:
- Xoa: Dùng lòng bàn tay xoa nhẹ nhàng lên vùng khớp gối trong khoảng 1 phút.
- Day: Xoa mạnh hơn vùng đầu gối, chú trọng khu vực bị đau. Thực hiện trong 1 phút.
- Miết: Dùng hai ngón cái miết vùng đầu gối từ trong ra ngoài. Lặp lại 5-10 lần.
- Bóp: Dùng các ngón tay bóp nhẹ nhàng vùng đầu gối và cơ đùi xung quanh.
Bấm các huyệt quan trọng
- Huyệt độc tỵ: Ở vị trí chỗ lõm giữa xương bánh chè và đầu trên xương chày, phía ngoài cẳng chân.
- Huyệt huyết hải: Mặt trong đùi, phía trên lồi cầu trong xương đùi khoảng 3cm, nơi cơ may và cơ rộng trong gặp nhau.
- Huyệt dương lăng tuyền: Nằm ở ngay dưới lồi cầu ngoài xương chày khoảng 3 – 4cm.
- Huyệt túc tam lý: Dưới lồi cầu ngoài xương chày khoảng 8cm, bờ ngoài xương chày.
- Huyệt a thị: Không cố định vị trí, xác định theo cảm giác đau của người bệnh.
- Huyệt lương khâu: Cách xương bánh chè khoảng 6 cm.
- Huyệt tất nhãn: Nằm ở dưới đầu gối 3cm.
- Huyền âm lăng tuyền: Vị trí thuộc mặt trong của cẳng chân.
- Huyệt hạc đỉnh: Chính giữa xương bánh chè và toàn bộ khớp gối.
- Huyệt ủy trung: Ở vị trí trên nếp gấp phía sau đầu gối thuộc nhóm cơ bắp chi dưới.
- Huyệt thừa sơn: Nằm ở vùng lõm giữa khe cơ sinh đôi ngoài và trong.
- Huyệt tất dương quan: Vùng lõm phía trên bên ngoài đầu gối.
Với mỗi huyệt, dùng ngón tay cái day ấn trong khoảng 1-2 phút. Thực hiện đều đặn ngày 2 lần.
Những điều cần lưu ý
- Xoa bóp bấm huyệt chỉ là phương pháp hỗ trợ, cần phải kết hợp với điều trị y tế và tập luyện phục hồi phù hợp để đạt hiệu quả tốt nhất.
- Tránh xoa bóp, bấm huyệt quá mạnh có thể gây đau và tổn thương thêm cho khớp.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng, đặc biệt với những người có các bệnh lý nền khác.
- Nếu có hiện tượng đau tăng lên, sưng nóng khớp, nên ngừng lại và liên hệ với bác sĩ để được thăm khám.
- Người bị thoái hóa khớp gối ở mức độ nhẹ đến trung bình có thể áp dụng xoa bóp bấm huyệt điều trị thoái hóa khớp gối.
- Người có vết thương hở, gãy xương vùng khớp gối, viêm khớp do bệnh lý tự miễn, nhiễm trùng, phụ nữ có thai…nên tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị trước khi thực hiện xoa bóp bấm huyệt.
Xoa bóp bấm huyệt có thể là một liệu pháp hỗ trợ hữu ích giúp giảm đau và cải thiện phần nào chức năng khớp gối ở người bệnh. Tuy nhiên, người bệnh thoái hóa khớp gối cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa, kết hợp với rèn luyện thể chất và sinh hoạt hợp lý để có thể kiểm soát tốt bệnh lý này.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!