Cây Gối Hạc: Đặc Điểm, Công Dụng, Cách Dùng
Cây Gối hạc là loại cây được sử dụng nhiều trong Đông y để điều trị các bệnh về xương khớp, đau bụng, rong kinh ở phụ nữ. Tuy nhiên không có nhiều người thực sự hiểu về loại dược liệu này. Vậy thực chất cây Gối hạc có đặc điểm như thế nào, công dụng là gì và cách dùng ra sao, bạn đọc hãy cùng tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
Cây Gối hạc là loại cây được sử dụng nhiều trong Đông y để điều trị các bệnh về xương khớp, đau bụng, rong kinh ở phụ nữ. Tuy nhiên không có nhiều người thực sự hiểu về loại dược liệu này. Vậy thực chất cây Gối hạc có đặc điểm như thế nào, công dụng là gì và cách dùng ra sao, bạn đọc hãy cùng tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
Cây Gối hạc là cây gì?
Cây Gối hạc thuộc họ Gối hạc, có tên khoa học là Leea rubra Blume. Dân gian thường hay gọi loại dược liệu này với những cái tên khác như: Kim lê, phi tử, bí đại, đơn gối hạc, gối hạc tía, mũn, củ đen, củ rối ấn.
Đặc điểm của cây
Gối hạc thuộc dạng thân gỗ, thường mọc thành bụi, có chiều cao trung bình từ 1 – 1,5m và phân thành nhiều nhánh. Thân của Gối hạc có hình zíc zắc, tiết diện tròn và tồn tại với 6 – 7 cạnh lồi. Thân non có chứa dịch nhầy màu xanh lục, xuất hiện nhiều chấm với màu tía. Lá của dược liệu có hình bầu dục thuôn, thuộc dạng lá kép có chiều dài từ 4 – 11cm, chiều rộng từ 25 – 60cm. Phiến lá có hình răng cưa và gần như không có cuống lá.
Rễ Gối hạc có dạng hình củ với 3 màu là vàng, hồng, trắng. Hoa của cây có kích thước nhỏ, màu hồng, mọc thành từng cụm ở đầu cành cây.
Cây Gối hạc thường mọc hoang ở vùng đồi núi, phân bố nhiều tại Campuchia, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia. Tại Việt Nam, loại cây này xuất hiện nhiều ở Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Thái Nguyên, Hòa Bình, Hà Tiên.
Bộ phận của Gối hạc chủ yếu được làm thuốc là rễ. Người ta thường thu hoạch cây vào mùa thu đông, sau đó rửa sạch, thái thành từng miếng mỏng rồi đem phơi khô hoặc sấy khô để làm thuốc.
Thành phần
Theo một số nghiên cứu, thành phần hóa học có trong loại cây này bao gồm:
- Lá Gối hạc: Các hoạt chất chính có trong bộ phận này là flavonoid, tanin, sterol, acid hữu cơ, carbohydrate, nhóm triterpenoid. Bên cạnh đó, các nhà khoa học còn phân lập từ lá của loại cây này và tìm thấy các chất như: Kaempferol, myricetin, europetin-3-O-α-L-rhamnopyranoside, rhamnetin-3-O-α-L-rhamnopyranoside, quercetin, juglanin, acid protocatechuic, artabotrys id B, acid gallic, acid p-hydroxybenzoic, acid ursolic, arctiin, β-sitosterol, daucosterol,acid oleanolic, β-amyrin, acid maslinic, huzhangoside D.
- Thân Gối hạc: Các hoạt chất có trong thân của loại cây này bao gồm: Sterol, tanin, carbohydrate và acid hữu cơ (acid gallic, β-sitosterol, acid protocatechuic, daucosterol, goniothalamin, lup-20(29)-en-3β, 6α-diol, stigmast-4-en-3,6-dion).
- Rễ Gối hạc: Thành phần có trong rễ cây bao gồm: Sterol, carbohydrate, tanin, acid hữu cơ, β-sitosterol, acid gallic và daucosterol.
Cây Gối hạc có tác dụng gì?
Cây Gối hạc chữa được bệnh gì là thắc mắc của nhiều người. Theo Đông y, bộ phận chính của Gối hạc được dùng để làm thuốc là rễ. Rễ Gối hạc có vị ngọt, tính mát, có thể tiêu sưng, thông huyết. Một số tác dụng của loại dược liệu này bao gồm:
Gối hạc trị bệnh thấp khớp
Một trong những tác dụng nổi bật nhất của cây Gối hạc đó là hỗ trợ điều trị bệnh thấp khớp. Theo Y học cổ truyền, Gối hạc có chữa nhiều tinh dầu và hợp chất flavonoid, có khả năng giảm đau, chống viêm, tiêu sưng, dùng trong trường hợp bệnh khớp cấp tính và mãn tính. Người bệnh bị thấp khớp kiên trì sử dụng dược liệu trong thời gian dài sẽ thấy được hiệu quả cải thiện rõ rệt.
Chữa trị bệnh đau bụng kinh
Cây Gối hạc có khả năng chữa bệnh đau bụng kinh hiệu quả vì thành phần flavonoid của dược liệu mang đến công dụng giảm các cơn đau, chống co thắt, đồng thời chống viêm, do đó chị em trong những ngày đèn đỏ thường tìm đến loại cây này để giảm đau nhanh chóng.
Hỗ trợ trị bệnh phong thấp sưng đầu gối
Từ lâu, rất nhiều người đã dùng Gối hạc để chữa bệnh phong thấp sưng đầu gối cũng bởi những hoạt tính chống viêm, tiêu sưng. Khi dùng dược liệu này làm thuốc có thể giảm được các triệu chứng của bệnh nhanh chóng.
Chữa bệnh đau bụng, tiêu chảy
Rễ cây có chứa nhiều hoạt chất sát khuẩn, có khả năng tiêu diệt một số vi khuẩn có hại ở đường tiêu hóa, đồng thời cải thiện chứng đau bụng và tiêu chảy ở người bệnh.
Một số bài thuốc từ cây Gối hạc
Dân gian dùng Gối hạc trị xương khớp và cho thấy hiệu quả cao, tuy nhiên không phải bất kỳ bệnh xương khớp nào cũng dùng được cây Gối hạc. Ngoài ra, dược liệu này có thể dùng được dưới nhiều dạng như ngâm rượu, sắc thuốc uống. Khi kết hợp Gối hạc với một số vị thuốc khác sẽ cho hiệu quả cải thiện nhanh chóng. Bạn đọc có thể tìm hiểu một số bài thuốc quý từ Gối hạc được lưu truyền và sử dụng nhiều như sau:
Bài thuốc trị thấp khớp cấp tính
Đối với bài thuốc này, bạn cần chuẩn bị các dược liệu sau: Rễ cây Gối hạc (15g), ké đầu ngựa (15g), lá đơn tướng quân, dây kim ngân, lá cây đơn đỏ, lá bạc thau đã sao vàng, mỗi loại 10g, lá thông (7g).
Cách thực hiện:
- Bạn rửa sạch các nguyên liệu trên với nước muối pha loãng.
- Tiếp đến, cho vào nồi sắc cùng 800ml nước, để lửa nhỏ trong khoảng 30 phút.
- Đun đến khi lượng thuốc trong nồi còn khoảng 200ml thì tắt bếp.
- Mỗi ngày bạn dùng lượng nước thuốc trên chia thành 3 lần và nên uống trước bữa ăn khoảng 15 phút.
Lưu ý:
- Đối với những người bị bệnh nhiễm hàn nặng, cần thêm 15g tỳ giải và 15g phục linh.
- Đối với những người bị nhiễm phong nặng, cần thâm 15g vòi voi và 10g kinh giới.
Cây Gối hạc chữa thấp khớp mãn tính
Những bệnh nhân bị chứng thấp khớp mãn tính có thể dùng Gối hạc để giảm đau, cải thiện tình trạng bệnh của mình. Bạn đọc trong trường hợp này có thể tham khảo 4 bài thuốc sau:
Bài thuốc 1:
- Chuẩn bị rễ cây Gối hạc (15), tử thiên tuế (15g), găng bầu, rễ bươm bướm, nam đằng sao vàng, mỗi loại 10g, rễ rung rúc, rễ tơ mảnh, mỗi loại 7g.
- Đem các dược liệu trên rửa sạch với nước, sau đó sắc cùng 800ml nước, chú ý đun nhỏ lửa cho đến khi còn khoảng 200ml nước thuốc thì tắt bếp.
- Lượng nước thuốc thu được có thể chia thành 3 lần uống trong ngày và dùng trước khi ăn.
- Nếu người bệnh có khí huyết kém thì cần sắc chung với rễ gấm và vương tôn, mỗi loại 15g.
Bài thuốc 2:
- Bạn chuẩn bị rễ Gối hạc (20g), rễ gấc, tỳ giải, ngưu tất, cỏ xước, mỗi loại 15g.
- Cho vào nồi sắc cùng 1 lít nước, đun nhỏ lửa đến khi còn khoảng 300ml nước thì tắt bếp.
- Bạn chia nước thuốc Gối hạc thành 3 lần uống trong ngày.
Bài thuốc 3:
- Chuẩn bị 45g rễ cây Gối hạc, rửa sạch.
- Cho vào nồi sắc cùng 800ml nước đến khi còn khoảng 40ml nước, bạn tắt bếp.
- Lượng nước thuốc thu được dùng mỗi ngày 1 lần.
Bài thuốc 4:
Bên cạnh các bài thuốc sắc, bạn có thể ngâm rượu rễ dược liệu này để trị bệnh, đều cho hiệu quả cao.
- Dùng khoảng 1kg rễ cây Gối hạc đã phơi khô, rửa sạch, để ráo.
- Cho vào bình thủy tinh ngâm cùng 4 lít rượu trắng trong khoảng 1 tháng.
- Sau đó, bạn dùng mỗi bữa ăn khoảng 2 ly nhỏ và kiên trì dùng hàng ngày.
Bài thuốc hỗ trợ điều trị viêm khớp
Đối với bài thuốc này, bạn chỉ cần dùng rễ Gối hạc và không cần dùng thêm bất kỳ nguyên liệu nào khác.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị khoảng 40 – 50g rễ Gối hạc, rửa sạch, sau đó sắc cùng 800 – 1000ml nước.
- Cho lửa nhỏ đến khi lượng nước trong nồi còn 400ml thì tắt bếp.
- Lượng nước thuốc thu được chia thành 3 lần uống trong ngày.
- Người bệnh nên kiên trì dùng thuốc trong thời gian dài để nhanh chóng cải thiện các triệu chứng của bệnh.
Bài thuốc chữa phong thấp, sưng đầu gối
Khi dùng Gối hạc trị phong thấp, sưng đầu gối, bạn cũng thực hiện tương tự như đối với bài thuốc trị thấp khớp mãn tính.
Cách thực hiện:
- Rửa sạch khoảng 45g rễ cây Gối hạc, sắc cùng 800ml nước, đun nhỏ lửa cho đến khi còn khoảng 400ml nước.
- Người bệnh để nguội và dùng hết lượng thuốc này trong ngày.
Bài thuốc từ Gối hạc chữa đau bụng, rong kinh ở phụ nữ
Phụ nữ thường hay gặp tình trạng đau bụng kinh, rong kinh. Trong trường hợp này, bạn có thể dùng rễ cây Gối hạc để giảm đau và chữa bệnh.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị 15g rễ cây Gối hạc khô, tán thành bột hoặc sắc cùng 400ml nước để uống trong ngày.
- Ngoài ra, bạn có thể cho 15g rễ cây Gối hạc đã rửa sạch, để ráo, ngâm cùng rượu 45 độ trong 7 ngày.
- Mỗi lần người bệnh dùng 2 lần và kiên trì thời gian dài để bệnh được cải thiện.
Mua cây Gối hạc ở đâu?
Gối hạc là loại cây có nhiều công dụng, do đó rất nhiều người tìm mua loại dược liệu này để làm bài thuốc chữa bệnh. Bạn có thể mua được cây Gối hạc ở dạng khô và tươi ở các cơ sở bán thuốc Đông y hoặc tìm mua trực tiếp tại nơi người dân thu hái. Mức giá của cây Gối hạc còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Bạn nên tham khảo kỹ để có thể mua được giá phù hợp nhất.
Những lưu ý khi dùng cây Gối hạc
Mặc dù cây Gối hạc là dược liệu lành tính và đa công dụng, tuy nhiên bạn không nên lạm dụng vì có thể gây ra những tác dụng phụ và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Để đảm bảo an toàn, trong quá trình sử dụng lược liệu, bạn cần chú ý:
- Không dùng Gối hạc cho những người bị dị ứng với các thành phần trong dược liệu.
- Những đối tượng trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, cho con bú không nên dùng.
- Không tùy tiện dùng các bài thuốc từ cây Gối hạc khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ và các chuyên gia.
- Trong khi dùng Gối hạc, nếu có bất kỳ triệu chứng lạ, cần dừng thuốc và đến bệnh viện để kiểm tra.
- Hạn chế dùng đồ uống có cồn và chất kích thích khi đang dùng các bài thuốc từ Gối hạc.
Cây Gối hạc mang đến nhiều tác dụng, đặc biệt chữa bệnh đau nhức xương khớp, tuy nhiên hiện nay trên thị trường xuất hiện nhiều hàng giả. Vì vậy bạn nên tìm hiểu kỹ để chọn mua được hàng chất lượng, đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!