Hoa Tam Thất: Đặc Điểm, Công Dụng, Cách Dùng
Hoa tam thất là loại dược liệu quý hiếm mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe con người. Vị thuốc thường được sử dụng trong cải thiện giấc ngủ, hỗ trợ giảm mỡ thừa, cân bằng huyết áp, giải độc gan…
Hoa tam thất là loại dược liệu quý hiếm mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe con người. Vị thuốc thường được sử dụng trong cải thiện giấc ngủ, hỗ trợ giảm mỡ thừa, cân bằng huyết áp, giải độc gan… Để hiểu rõ hơn về loại thần dược thiên nhiên này, hãy cùng theo dõi bài biết dưới đây.
Hoa tam thất là gì? Đặc điểm, phân loại cụ thể
Hoa tam thất là bộ phận thu hái từ cây tam thất – Loài thực vật thân thảo, họ Nhân Sâm có tên khoa học là Panax pseudoginseng. Do có vị ngọt, tính mát, quy vào Kinh, Can, giúp tán ứ huyết, thanh nhiệt, tiêu trừ tà khí nên dược liệu này được Y học cổ truyền rất coi trọng, sử dụng phổ biến trong hỗ trợ điều trị huyết áp thấp, mỡ máu, mất ngủ…
Đặc điểm dược liệu
Nụ non bao tử tam thất xuất hiện vào khoảng tháng 6 và bắt đầu nở vào tháng 7 hàng năm, tới khoảng tháng 8 sẽ bắt đầu nở rộ. Dược liệu có màu xanh lục nhạt bắt mắt, đường kính trung bình từ 3 – 5 cm.
Khi mới nở, hoa tam thất có kích thước tương đối nhỏ nhưng khi nở bung có thể đạt tới 8cm. Hoa thường mọc thành những đóa lớn, mỗi đóa chứa nhiều đài hoa nhỏ dài khoảng 3cm, phần cuống của mỗi đài thường dày hơn phần cuống tại nhụy.
Dược liệu có giá trị tốt nhất khi vừa chớm nở, chưa bung bào tử hay còn gọi là nụ non bao tử tam thất. Loại hoa này có kích thước nhỏ, xuất hiện sau 30 ngày kể từ khi cây có nụ, cho mùi thơm đặc trưng, bề ngoài màu xanh lục, đạt hàm lượng dưỡng chất ở mức tốt nhất.
Trái lại, hoa tam thất đã nở bung (vẫn còn giữ nguyên cành hoặc bông) không có hương thơm bằng loại bao tử. Đặc biệt, dược liệu khi đem sấy khô sẽ để lại nhiều vụn, cho giá trị dinh dưỡng kém.
Khu vực phân bố
Cây tam thất ưa sống tại những vùng có khí hậu ôn hòa, mát mẻ. Do vậy, dược liệu chủ yếu được tìm thấy tại khu vực các tỉnh vùng núi phía Bắc nước ta như Lào Cai, Hà Giang, Lạng Sơn. Tuy nhiên do quá trình khai thác quá mức, vị thuốc này rất hiếm trong tự nhiên, thay vào đó người dân đã bắt đầu thực hiện các dự án phát triển vườn tam thất để duy trì sản lượng.
Ngoài Việt Nam, tam thất cũng được tìm thấy ở nhiều tỉnh có khí hậu mát mẻ của Trung Quốc như Vân Nam, Hồ Bắc, Quảng Tây, Giang Tây. Trong đó, Vân Nam được giới khoa học nhắc tới là “thánh địa” của cây tam thất do cho giá trị dược chất tốt và luôn đáp ứng được sản lượng lớn.
Phân loại vị thuốc
Đông y chia dược liệu thành các nhóm chính như sau:
Theo dạng trạng thái tươi – khô
Phân theo dạng bào chế, vị thuốc được chia thành dạng tươi và khô với những đặc điểm sau:
- Hoa tam thất tươi: Là dược liệu còn xanh, nguyên chất 100% chưa qua bất cứ bước sơ chế nào, giá thành rẻ hơn loại khô. Tuy nhiên, vị thuốc rất ít khi được bán trên thị trường do bảo quản khó khăn, ít người có nhu cầu sử dụng, nếu muốn mua người dùng bắt buộc phải đến tận vườn hoặc đặt trước với người đi rừng.
- Hoa tam thất khô: Là loại hoa đã được sấy khô và rao bán phổ biến trên thị trường, cho hiệu quả sử dụng, bảo quản lâu dài không lo hư hỏng. Tuy nhiên, giá thành của dược liệu dạng khô cao hơn dạng tươi gấp nhiều lần.
Theo đặc điểm tên gọi, hàm lượng dược chất
Căn cứ vào đặc điểm tên gọi, hàm lượng dược chất có thể chia vị thuốc thành 2 loại sau:
- Hoa tam thất nam: Là loại hoa có màu trắng tím, được tìm thấy nhiều trong tự nhiên. Vậy hoa tam thất nam có tác dụng gì với sức khỏe? Thực tế, dược liệu chứa nhiều hoạt chất tốt cho xương khớp, hỗ trợ cầm máu, tiêu viêm sưng hiệu quả.
- Hoa tam thất bắc: Dược liệu có giá trị tương tự như nhân sâm do chứa hàm lượng lớn chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe, giúp phòng ngừa đột quỵ, bồi bổ sức khỏe, chữa đau lưng, bảo vệ tim mạch, giảm mỡ máu, trị mất ngủ…
Trong đó, giá trị dược liệu và hiệu quả chữa bệnh của tam thất bắc cao hơn tam thất nam. Hơn nữa, giá bán hoa tam thất bắc cũng cao gấp 6 – 7 lần so với tam thất nam. Do vậy, người dùng cần hết sức lưu ý khi chọn mua vị thuốc này.
Bảo quản dược liệu
Với mỗi trạng thái tươi hoặc khô của dược liệu có thể bảo quản theo những cách sau:
- Trạng thái tươi: Cho dược liệu vào túi buộc kín và cất trữ trong ngăn mát tủ lạnh. Chỉ nên bảo quản và sử dụng hết hoa tam thất tươi trong vòng 1 tuần, vì nếu để lâu sẽ làm giảm tác dụng của hoa.
- Trạng thái khô: Cất trữ dược liệu trong túi hoặc lọ kín, để nơi khô ráo thoáng mát không bị mặt trời chiếu trực tiếp. Thời gian bảo quản và sử dụng có thể lên tới 5 – 6 tháng, nếu quá 6 tháng nụ hoa tam thất có thể mất đi độ ngọt và bị giảm hàm lượng dược chất.
Hướng dẫn xử lý hoa tam thất bị mốc:
Khi thấy dược liệu bị mốc rất nhiều người có thói quen mang rửa sạch, phơi khô để tái sử dụng. Tuy nhiên, việc làm này chỉ có tác dụng loại bỏ nấm mốc ở bên ngoài mà không thể loại bỏ Aflatoxin đã ngấm sâu vào bên trong.
Do vậy, việc sử dụng nụ hoa tam thất khi đã bị mốc là việc làm nguy hại, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe. Tốt nhất khi phát hiện dược liệu bị mốc nên vứt bỏ, tránh vì “tiếc của” mà gây họa cho cơ thể.
Uống hoa tam thất có tác dụng gì, trị bệnh nào tốt?
Trong Y học cổ truyền, hoa dược liệu là bộ phận quý và được sử dụng phổ biến. Do có vị ngọt, tính mát nên hoa tam thất giúp điều hòa máu tốt, hỗ trợ điều trị mất ngủ kinh niên hiệu quả, những người có giấc ngủ kém thì nên sử dụng vị thuốc này hằng ngày.
Theo các nghiên cứu hiện đại, dược liệu có chứa hoạt chất tương tự như nhân sâm, điển hình là RB1, RB2 – Những chất có tác dụng trị bệnh tim mạch, an thần, khử các chất vô cơ như Fe, Can cùng nhiều acid amin khác. Vậy cụ thể hoa tam thất chữa bệnh gì? Dưới đây là chi tiết tác dụng hoa tam thất đối với sức khỏe:
- Hỗ trợ giảm chứng mất ngủ
Dược liệu giàu Saponin Ginsenoside – Hợp chất thuộc nhóm RB có tác dụng an thần, cải thiện giấc ngủ thông qua khả năng ức chế thần kinh trung ương, thúc đẩy lưu thông máu. Nhờ vậy người dùng đẩy lùi tình trạng khó ngủ, nhanh chóng vào giấc tốt hơn.
- Hỗ trợ bệnh nhân xơ vữa động mạch, huyết áp cao
Trong loại “thần dược” thiên nhiên này có chứa nhiều hoạt chất rutin. Đây là vitamin P có công dụng ổn định mạch máu, hỗ trợ tốt cho bệnh nhân có tiền sử bị huyết áp cao, giúp ngăn chặn xơ vữa động mạch, tai biến mạch máu não… Chính vì vậy mà công dụng của hoa tam thất trong cải thiện xơ vữa động mạch, huyết áp được đánh giá cao.
- Hỗ trợ bệnh nhân bị tiểu đường, mỡ máu
Hoạt chất GS4 trong hoa tam thất tác động mạnh mẽ vào 4 quá trình: Giảm hấp thu ở đường ruột, tăng men sử dụng đường tại mô cơ, tăng bài tiết cholesterol qua phân, giảm lipid trong máu. Nhờ đó, dược liệu vừa hạ đường huyết, vừa ổn định đường huyết, ngăn chặn biến chứng bệnh tiểu đường và mỡ máu.
- Tác dụng của hoa tam thất trong giải độc, bảo vệ gan
Vị thuốc có tính mát, giúp can hóa, giải nhiệt, giải độc gan hiệu quả. Khi sử dụng thường xuyên, dược liệu sẽ giúp bảo vệ tế bào gan khỏi các tác nhân gây hại, tránh tổn thương. Vì vậy, bệnh nhân bị tổn thương gan, gan bị nhiễm độc, nóng trong, vàng da, xơ gan, viêm gan, gan nhiễm mỡ… cũng có thể sử dụng hoa tam thất để cải thiện tình trạng.
- Phòng tránh bệnh về tim mạch
Noto ginsenosid trong hoa tam thất giúp giãn mạch, phòng tránh nguy cơ xơ vữa động mạch. Hoạt chất này khi được cơ thể hấp thụ sẽ giảm lượng homocysteine trong máu, hỗ trợ giảm các biến chứng nguy hiểm của bệnh tim mạch như nhồi máu cơ tim, co thắt ngực…
- Phòng ngừa ung thư
Hoa dược liệu chứa hàm lượng lớn saponin và chất chống oxy có khả năng ngăn chặn hình thành khối u, ức chế sự hình thành tế bào ung thư. Do vậy, khi sử dụng vị thuốc lâu dài sẽ giúp nâng cao đề kháng, phòng ngừa ung thư hiệu quả.
Ngoài những lợi ích trên, hoa tam thất có cũng cho hiệu quả cao trong hỗ trợ giảm cân, giảm béo, làm đẹp da,… Đặc biệt là công dụng cải thiện sức khỏe ở phụ nữ sau sinh, kích thích tuyến sữa hoạt động hiệu quả.
Hướng dẫn sử dụng hoa tam thất hiệu quả nhất
Công dụng của nụ hoa tam thất trong cải thiện sức khỏe, hỗ trợ điều trị bệnh lý đã được chứng minh. Để tận dụng tối đa dược chất của vị thuốc này, người dùng có thể tham khảo một số cách dùng sau:
Trà hoa tam thất chữa mất ngủ, giúp an thần
Cách pha trà hoa tam thất tương đối đơn giản, cụ thể như sau:
Nguyên liệu chuẩn bị: Hoa tam thất khô, ngọn lạc tiên, lá dâu tằm.
Cách thực hiện:
- Rửa sạch tất cả các nguyên liệu rồi cho vào ấm hãm cùng 1,5 lít nước.
- Hãm trà trong khoảng 15 phút là có thể sử dụng, lượng nước thu được uống hết trong ngày.
- Để giấc ngủ được cải thiện tốt nhất bạn nên sử dụng trà hoa tam thất đặn mỗi ngày, duy trì khoảng 1 tháng sẽ thấy hiệu quả tích cực.
Bài thuốc giảm mỡ thừa, giảm cân
Chúng ta có thể tận dụng hoa tam thất giúp giảm cân và giảm mỡ thừa với cách dưới đây.
Nguyên liệu chuẩn bị: 5g dược liệu khô, 350ml nước sôi.
Cách thực hiện:
- Cho dược liệu vào ấm rồi thêm 100ml nước sôi để rửa sơ, sau đó chắt bỏ phần nước.
- Tiếp đến, thêm 250ml nước sôi vào ấm, đậy kín nắp và hãm hoa trong vòng 15 phút là có thể thưởng thức.
- Sử dụng trà dược liệu để uống trước khi đi ngủ 1 tiếng, nên duy trì đều đặn 2 tháng kết hợp chế độ ăn uống, tập luyện khoa học để giảm mỡ hiệu quả.
Bài thuốc tăng huyết áp
Những người bị tăng huyết áp nên sử dụng hoa tam thất làm bài thuốc để cải thiện bệnh.
Nguyên liệu chuẩn bị: 2-3g dược liệu khô, 150ml nước sôi.
Cách thực hiện:
- Hãm dược liệu với 150ml nước sôi trong 15 phút, sau đó sử dụng như nước trà bình thường.
- Kiên trì sử dụng trà hoa tam thất với công thức pha như trên trong 2 – 3 tháng để ổn định huyết áp.
Lưu ý: Trà dược liệu chỉ có tác dụng hỗ trợ điều chỉnh huyết áp, không thể thay thế thuốc chữa bệnh. Để đạt được hiệu quả ổn định huyết áp, an toàn cho sức khỏe người bệnh nên tham khảo thêm chỉ dẫn của bác sĩ.
Bài thuốc phòng ngừa đau thắt ngực
Thuốc uống từ hoa tam thất có cách sử dụng khá đơn giản, các bạn có thể áp dụng theo phương pháp dưới đây.
Nguyên liệu chuẩn bị: 20g mỗi vị hoa tam thất, đan sâm.
Cách thực hiện:
- Đem rửa sạch các dược liệu, sau đó sắc cùng 500ml.
- Đun thuốc với lửa nhỏ cho đến khi nước cạn còn 150ml thì tắt bếp.
- Trút nước thuốc thu được ra bát và sử dụng hết trong ngày. Nên dùng bài thuốc này đều đặn để cải thiện cơn đau thắt ngực hiệu quả.
Bài thuốc bồi bổ cơ thể, trị suy nhược
Kết hợp hoa tam thất với các vị dược liệu khác sẽ giúp bồi bổ cho cơ thể vô cùng hiệu quả.
Nguyên liệu chuẩn bị: Hoa tam thất 12g, sâm bố chính 40g, ích mẫu 40g, kê huyết đằng 20g và hương phụ 12g.
Cách thực hiện:
- Đem tất cả các nguyên liệu đi nghiền mịn, sau đó trộn lẫn chúng với nhau và bảo quản trong lọ kín.
- Mỗi lần sử dụng 30g hỗn hợp bột sắc cùng nước uống, ngày dùng 1 lần như vậy để cải thiện tình trạng suy nhược.
Lưu ý: Tùy thuộc vào thể trạng, cơ chế bệnh sinh của mỗi người mà liều dùng có thể thay đổi. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng bài thuốc trên.
Hoa tam thất ngâm rượu trị bệnh
Tận dụng rượu ngâm với hoa để giảm triệu chứng của rất nhiều bệnh lý, cách thực hiện như sau:
Nguyên liệu chuẩn bị: Dược liệu khô và rượu trắng loại 40 độ theo tỷ lệ 1:20 (1kg hoa tam thất khô ngâm với 20 lít rượu trắng).
Cách thực hiện:
- Hoa khô đem rửa sạch, để vài tiếng cho ráo nước.
- Tiếp đến xếp dược liệu vào bình thủy tinh, rót thêm rượu rồi đậy kín nắp.
- Ngâm rượu trong 3 – 6 tháng là có thể đem ra sử dụng.
Tác hại của hoa tam thất, những kiêng kỵ và lưu ý khi sử dụng
Hoa tam thất là dược liệu thiên nhiên quý hiếm, giá trị đã được khẳng định. Tuy nhiên để đảm bảo sức khỏe, trước khi sử dụng vị thuốc này nên chú ý một số vấn đề sau:
Tác dụng phụ của dược liệu
Vị thuốc có thể làm phát sinh một số phản ứng phụ như:
- Đau bụng.
- Buồn nôn.
- Đi ngoài nhiều.
- Bủn rủn chân tay.
- Chóng mặt, đau đầu.
Các đối tượng tránh sử dụng
Dược liệu không phù hợp cho các đối tượng sau:
- Người có thể hàn, đại tiện lỏng, tứ chi lạnh: Bản thân dược liệu đã có tính hàn, làm mát nên nếu sử dụng cho những đối tượng này sẽ gây lạnh bụng tiêu chảy, thậm chí là hóa phong, sinh bệnh.
- Phụ nữ trong thời kỳ hành kinh: Tam thất có tác dụng hoạt huyết, hóa ứ, nếu nữ giới đang có kinh sử dụng sẽ khiến máu kinh ra nhiều hơn bình thường.
- Bệnh nhân cảm lạnh, thương hàn: Vì có thể khiến tình trạng cảm lạnh nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe.
- Trẻ dưới 5 tuổi: Đây là đối tượng có cơ địa yếu, nếu hấp thu dược liệu tính hàn sẽ gây chán ăn, mệt mỏi, suy nhược.
- Phụ nữ mang thai: Tính hoạt huyết của dược liệu gây ảnh hưởng không tốt tới thai nhi, thậm chí đe dọa sảy thai. Do vậy, nữ giới đang trong thai kỳ tuyệt đối không sử dụng hoa tam thất và các chế phẩm từ vị thuốc này.
Một số câu hỏi thường gặp
Bên cạnh các thắc mắc về thành phần, công dụng, đông đảo người dùng cũng quan tâm tới cách sử dụng, thời điểm dùng hoa tam thất và đặt ra rất nhiều câu hỏi. Dưới đây là một số vấn đề thường gặp và giải đáp tương ứng của chuyên gia:
- Uống hoa tam thất có tốt không: Cả Y học cổ truyền và khoa học hiện đại đều chứng minh tác dụng của dược liệu với sức khỏe, do vậy bạn hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng để bồi bổ và phòng ngừa bệnh tật.
- Tam thất nóng hay mát: Tam thất có tính hàn (mát), vị ngọt, giúp hoạt huyết, hóa ứ.
- Uống tam thất nhiều có hại không: Tam thất tốt cho sức khỏe nhưng việc lạm dụng có thể gây ảnh hưởng đến vị khí của cơ thể. Tốt nhất trước khi sử dụng mỗi người nên tham khảo ý kiến thầy thuốc để được tư vấn liều lượng phù hợp.
- Ăn tam thất lúc nào thì tốt: Thời điểm sử dụng dược liệu tốt nhất là vào buổi sáng trước bữa ăn. Trong trường hợp trị mất ngủ, người bệnh nên uống vào buổi tối trước khi đi ngủ 1 giờ để dễ dàng vào giấc hơn.
- Có bầu uống hoa tam thất được không: Phụ nữ mang thai không nên dùng dược liệu vì có thể ảnh hưởng đến thai nhi, thậm chí sảy thai nếu ở những tháng đầu thai kỳ.
- Uống tam thất có béo không: Vị thuốc này có tác dụng đẩy nhanh quá trình tiêu hao mỡ, giảm mỡ thừa hiệu quả nên giúp giảm cân nếu kết hợp ăn uống điều độ, tập luyện khoa học.
Như vậy, hoa tam thất là vị thuốc đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, mỗi người nên sử dụng đúng liều lượng, tránh phạm phải các kiêng kỵ. Đồng thời, khi tìm mua dược liệu nên lựa chọn cơ sở uy tín, chứng minh được nguồn gốc sản phẩm, tránh tâm lý “ham rẻ” mà lâm vào cảnh “tiền mất, tật mang”.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!