Sốt Khi Mang Thai 3 Tháng Cuối – Mẹ Chớ Chủ Quan Dẫn Đến Mất Con
Sau khi kết thúc tốt đẹp 2/3 chặng đường mang thai, nhiều mẹ dường như tin rằng con yêu đã chắc chắn nằm trong tay mình. Thế nhưng, không ít trường hợp mang thai ở thời kỳ tam cá nguyệt thứ 3, thậm chí là đến ngày cận sinh, mẹ vẫn phải đau đớn nói lời tạm biệt với con. Có rất nhiều lý do khiến mẹ bị sảy thai, một trong số đó chính là do mẹ bị sốt khi mang thai 3 tháng cuối.
Sốt khi mang thai 3 tháng cuối có nguy hiểm không?
Khi mang thai, hệ miễn dịch, sức đề kháng của chị em phụ nữ thường kém hơn so với người bình thường nên nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn hẳn. Nếu mẹ không chú ý nghỉ ngơi, ăn uống đủ chất thì khó có thể tránh khỏi việc ngã bệnh. Cảm cúm, sốt chính là một trong những đe dọa thường trực đối với bà bầu.
Bên cạnh đó, khi bước vào những tháng cuối cùng của thai kỳ, vòng 2 của mẹ lớn dần lên cộng với một loạt các rắc rối khác như phù chân, chuột rút, mất ngủ, đau nhức mỏi lưng… khiến mẹ thường xuyên cảm thấy mệt mỏi và ăn không ngon miệng. Trong giai đoạn này nếu mẹ không được cung cấp đủ dinh dưỡng thì khả năng bị cảm cúm, sốt là rất cao.
Đặc biệt trong thời điểm giao mùa như hiện nay ở khu vực miền Bắc, việc nắng mưa, nóng lạnh thất thường cũng là nguyên nhân khiến các mẹ bầu dễ bị ốm. Vậy sốt khi mang thai 3 tháng cuối có nguy hiểm không?
Nhiều mẹ chủ quan cho rằng ở tam cá nguyệt thứ 3, thai nhi sẽ không gặp phải bất kỳ vấn đề bất thường nào về sự hình thành cũng như phát triển. Song, trên thực tế không phải như vậy. Theo các chuyên gia sản phụ khoa, nếu mẹ bầu chỉ bị sốt nhẹ thì không có gì đáng lo ngại.
Thế nhưng, nếu mẹ bị sốt virus khi mang thai 3 tháng cuối hoặc sốt liên tục vài ngày với nhiệt độ trên 39 độ C thì cực kỳ nguy hiểm. Thai nhi có thể gặp phải một số vấn đề về não, van tim, suy dinh dưỡng bào thai hoặc các bất thường khác về hệ sinh dục… Tất cả những bất thường này đều ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sau này của trẻ.
Đặc biệt, nếu mẹ sốt kéo dài nhiều ngày sẽ khiến cho tử cung bị co bóp mạnh và dẫn đến sảy thai hoặc sinh non. Trẻ sinh non ở tháng thứ 7 và 8 của thai kỳ sẽ cần phải nhận được sự chăm sóc đặc biệt để đảm bảo con có thể sớm “đuổi kịp” bạn bè cùng trang lứa – những đứa trẻ sinh đủ ngày đủ tháng.
Bị sốt khi mang thai 3 tháng cuối cần làm gì?
Như các mẹ đã thấy việc sốt khi mang thai 3 tháng cuối không phải là vấn đề bình thường mà để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Chính vì thế, ngay tại thời điểm, mẹ bắt đầu chớm cảm cúm, cảm lạnh và sốt, mẹ cần phải tìm cách “tiêu diệt” nó ngay.
Do đang mang thai, các mẹ không nên tự ý dùng thuốc kháng sinh bởi lẽ có những loại thuốc được chống chỉ định cho bà bầu. Tốt nhất mẹ nên đi bệnh viện kiểm tra để nhận được tư vấn chính xác nhất của bác sĩ. Trong trường hợp mẹ không có điều kiện đi bệnh viện, hãy đến các hiệu thuốc uy tín để hỏi ý kiến của các dược sĩ ở đó.
Được biết, trong thời gian này, mẹ có thể sử dụng thuốc giảm sốt tạm thời paracetamol, loại thuốc an toàn cho phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, mẹ cũng không nên lạm dụng và chỉ sử dụng theo đúng liều lượng, hướng dẫn của người có chuyên môn. Sau khi uống, nếu cơn sốt không có dấu hiệu hạ, mẹ hãy đi kiểm tra lại.
Ngoài ra, mẹ bầu có thể áp dụng một số mẹo hạ sốt nổi tiếng trong dân gian. Ví dụ, như cho 20 lá húng quế đã rửa sạch cùng 5g gừng băm, 200ml nước vào một chiếc nồi đun sôi cho đến khi lượng nước còn lại ½. Mẹ lọc lấy nước, cho thêm một chút mật ong rồi uống 2-3 lần ngày. Hoặc mẹ có thể sử dụng giấm táo, lá bạc hà, nghệ…
Kết hợp với các mẹo hạ sốt trên, chúng tôi khuyên các mẹ nên:
- Uống nhiều nước mỗi ngày để tránh tình trạng bị mất nước
- Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, tránh làm việc nặng vất cả
- Hạn chế đi ra ngoài trừ khi có việc gấp
- Tránh ở một mình, ít nhất cần có một người thân ở cạnh để nếu không may bị ngất, mẹ sẽ được đưa đi bệnh viện kịp thời
- Dùng khăn ấm lau một số bộ phận trên cơ thể như ngực, cổ, nách, bẹn
- Hạn chế thay quần áo quá nhiều lần trong ngày vì mỗi lần cởi quần áo sẽ làm tăng nguy cơ mẹ bị nhiễm lạnh
- Thường xuyên kiểm tra nhiệt độ thân thể để kiểm soát được thân nhiệt, tránh tình trạng để sốt quá cao
- Ăn các món ăn dễ tiêu hóa như cháo, ngũ cốc, hoa quả, sinh tố…
- Mẹ bầu không nên ăn các đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ
- Ngôi nhà mà mẹ sinh sống cần thông thoáng, sạch sẽ
- Mẹ hạn chế ngồi hoặc nằm ở chỗ có gió bên ngoài thổi trực tiếp vào người. Khi bên ngoài có gió to, mẹ không được mở cửa sổ.
Làm thế nào để phòng tránh bị sốt khi mang thai 3 tháng cuối
Để giảm thiểu tối đa nguy cơ bị sốt trong những tháng cuối cùng của thai kỳ, chuyên gia VietmecGroup khuyên các mẹ nên:
1. Ăn uống đủ chất để tăng cường hệ miễn dịch
Không chỉ 3 tháng cuối mà trong suốt hành trình mang thai, chế độ ăn uống là một vấn đề quan trọng đối với thai phụ. Có lẽ ít có trường hợp nào mẹ bầu lại khỏe mạnh, sinh con lành lặn nếu ăn uống thiếu khoa học, không đủ chất.
Thông thường, trong thời gian “bụng mang dạ chửa”, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực sản phụ khoa đều khuyến cáo mẹ bầu nên ăn thường xuyên các thực phẩm chứa axit folic (các loại hạt, bông cải xanh, măng tây, các loại đậu, bơ, lòng đỏ trứng, khoai tây…); sắt (đậu tương, rau bina, củ cải đỏ, ức gà, thịt gà, thịt bò…); vitamin (hoa quả, sữa chua, các loại hạt…)…
2. Uống thêm thuốc bổ dành cho bà bầu để không sốt virus khi mang thai 3 tháng cuối
Trong suốt thời gian mang thai, mẹ bầu vẫn nên uống bổ sung thêm một số loại thuốc bổ, chẳng hạn như vitamin tổng hợp cho bà bầu; thuốc sắt (obimin plus, ferrovit, fogyma…), thuốc bổ sung canxi, axit folic cùng nhiều loại vitamin và khoáng chất quan trọng khác.
Mỗi mẹ bầu sẽ cần lượng chất bổ khác nhau chính vì thế các mẹ nên thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe để biết chính xác cơ thể mình đang thừa hoặc thiếu chất gì. Thông qua các chỉ số chăm sóc sức khỏe, bác sĩ sẽ tư vấn cho mẹ biết hàm lượng dinh dưỡng mẹ bầu cần bổ sung bao nhiêu cho đủ.
3. Dành thời gian rèn luyện sức khỏe mỗi ngày
Vẫn biết càng về cuối thai kỳ, cơ thể mẹ bầu càng nặng nề kèm theo một loạt các phiền toái như chuột rút, đau lưng, sưng phù chân… nhưng không phải vì thế mà mẹ bầu lười vận động. Chỉ cần dành khoảng 30 phút đến 1 tiếng mỗi ngày để đi bộ hoặc tập bơi, yoga sẽ giúp mẹ tăng cường sức đề kháng rất tốt, từ đó giảm thiểu nguy cơ bị sốt khi mang thai 3 tháng cuối.
4. Một số biện pháp khác
Bên cạnh một số lời khuyên trên, để không bị bệnh sốt “ghé thăm”, chúng tôi khuyên các mẹ bầu nên:
- Cố gắng uống khoảng 2 lít nước mỗi ngày
- Hạn chế đến những chỗ đông người
- Hạn chế ăn đồ ăn lạnh
- Nếu có người trong nhà mắc bệnh hãy tạm thời không nên tiếp xúc quá gần với họ
- Thiết lập một chế độ nghỉ ngơi hợp lý, đi ngủ đúng giờ
Sốt khi mang thai 3 tháng cuối sẽ không thể trở thành “thủ phạm” cướp đi sinh mạng của con yêu nếu như mẹ bầu biết phòng tránh và điều trị đúng cách. Càng về cuối thai kỳ, chị em không nên chủ quan với bất cứ vấn đề bất thường nào xuất hiện trên cơ thể. Vì con yêu, tuyệt đối các mẹ không để mình bị sốt kéo dài trên 39 độ C nhé.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!