Thiểu Sản Men Răng Là Gì? Nguyên Nhân Biểu Hiện và Cách Điều Trị
Thiểu sản men răng là một bệnh lý thường xảy ra ở cả đối tượng trẻ em lẫn người lớn. Tuy nhiên, đây vẫn là một khái niệm nha khoa khá xa lạ với nhiều người. Bài viết sau đây sẽ mang đến những thông tin đầy đủ nhất để bạn có được cái nhìn tổng quan cũng như cách điều trị và phòng tránh.
Thiểu sản men răng là bệnh gì? Triệu chứng
Thiểu sản men răng là hiện tượng cấu trúc men răng bị lỗi, hoặc không hoàn thiện trong giai đoạn men răng hình thành dẫn tới thiếu hụt lượng men răng. Thiểu sản men răng được phân ra làm hai loại theo nguyên nhân gây bệnh là thiểu sản men răng do di truyền và do tác động của môi trường, cụ thể.
Thiểu sản men răng do di truyền còn có tên gọi là “sinh men bất toàn”, xảy ra khi có sự gián đoạn trung bì ởở giai đoạn phôi của men răng, bệnh lý chỉ tác động đến men răng, các thành phần nội bì vẫn phát triển như bình thường. Bệnh sẽ ảnh hưởng đến cả răng sữa và răng vĩnh viễn, thiểu sản men răng di truyền được chia làm 3 loại, cụ thể là:
- Thiểu sản men: Hiện tượng bất thường xảy ra trong quá trình hình thành khung hữu cơ.
- Dạng kém khoáng hóa: Bất thường xảy ra trong giai đoạn khoáng hóa khung hữu cơ.
- Dạng kém trưởng thành: Bất thường xảy ra trong giai đoạn trưởng thành của khung hữu cơ.
Thiểu sản men răng do tác động từ môi trường là do các yếu tố từ môi trường tác động tới các tế bào tạo men răng, có thể tác động đến các răng sữa và răng vĩnh viễn. Bệnh sẽ ảnh hưởng đến cả ngà răng và men răng ở những mức độ khác nhau.
Các triệu chứng của bệnh
Các triệu chứng của bệnh thiểu sản men răng có thể kể đến như sau:
- Men răng không đầy đủ, mềm mỏng, dễ bị vỡ để lộ lớp ngà răng ở bên dưới.
- Thiểu sản men răng ở trẻ em sẽ làm cho răng sữa của bé bị mủn, cụt dần, thường là bị cụt ở phía gần chân răng, dễ gãy răng.
- Bề mặt răng xuất hiện đốm màu đen, vàng, hoặc nâu nằm rải rác. Tình trạng này sẽ ngày càng nặng hơn không thể khắc phục bằng biện pháp tẩy trắng răng thông thường.
- Thiểu sản men răng do nhiễm trùng hoặc chấn thương trong quá trình răng hình thành, răng sẽ bị đổi sang màu nâu nhạt, đồng thời trên bề mặt răng xuất hiện các vết lõm. Nếu tình trạng này tác động lên một răng riêng biệt, răng đó sẽ được gọi là “răng Turner”.
- Răng bị ê buốt, đau nhức khi ăn đồ ăn nóng hoặc lạnh. Tình trạng ê buốt tăng theo mức độ phát triển của bệnh. Vào giai đoạn đầu, chỉ là những cơn ê buốt nhẹ xuất hiện, lâu dần sẽ trở thành những cơn ê buốt kéo dài ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh.
- Trong trường hợp bị thiểu sản men răng kéo dài, chân răng của người bệnh sẽ bị ăn mòn đến sát nướu, có thể sẽ dẫn đến tụt nướu, tạo điều kiện cho sâu răng phát triển.
- Thiểu sản men răng do bệnh giang mai là hiện tượng đặc trưng với 2 chiếc răng cửa hàm trên bị lệch hướng, phần bề mặt lõm có hình bán nguyệt, những chiếc răng này được gọi là “răng Hutchinson”.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiểu sản men răng?
Nguyên nhân dẫn tới thiểu sản men răng cũng được chia ra làm hai nhóm, cụ thể như sau:
Do yếu tố di truyền: Nguyên nhân xuất phát từ bộ gen di truyền từ đời này sang đời khác trong gia đình.
Do tác động của môi trường: Nguyên nhân sẽ bao gồm các yếu tố như sau:
- Mẹ không được cung cấp đầy đủ canxi và flour trong quá trình mang thai hoặc các bé không được bổ sung các chất này trong chế độ dinh dưỡng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng răng sữa của trẻ bị thiểu sản.
- Chế độ dinh dưỡng thiếu các vitamin A, C, D.
- Một số bệnh có thể gây ra triệu chứng thiểu sản men răng như giang mai, thủy đậu, sởi, tinh hồng nhiệt.
- Chấn thương hoặc nhiễm trùng trong quá trình răng hình thành.
- Vệ sinh răng sai cách khiến cho lớp men răng bị bào mòn, đồng thời răng không được bổ sung thêm canxi và flour từ bên ngoài dẫn đến lớp men răng bị yếu đi.
- Sử dụng đồ ăn, thức uống có chứa thành phần axit trong thời gian dài khiến cho men răng bị bào mòn.
Bị thiểu sản men răng có gây nguy hiểm không? Đối tượng nào dễ mắc phải
Ở các bệnh nhân bị thiểu sản men răng, lớp men răng không hình thành đủ, rất mềm và mỏng dễ bị vỡ làm lộ ra lớp ngà răng ở bên dưới. Bệnh lý này sẽ làm giảm chức năng ăn nhai của răng, gây ra cảm giác khó chịu khi ăn. Ngoài ra, trên bề mặt răng cũng sẽ xuất hiện các đốm có màu trắng, vàng đục hoặc đen gây ảnh hưởng rất lớn đến thẩm mỹ.
Thiểu sản men răng có thể gặp ở cả đối tượng người lớn lẫn trẻ em ở nhiều mức độ khác nhau. Một khi men răng đã bị mất đi sẽ không thể phục hồi lại được dẫn tới nhiều hệ lụy nghiêm trọng khác. Chính vì vậy, khi nhận thấy răng xuất hiện các biểu hiện bất thường kể trên, hãy đến gặp bác sĩ để được khám, tư vấn phương án điều trị.
Đối tượng có nguy cơ cao mắc thiểu sản men răng bao gồm có:
- Các bà mẹ có chế độ dinh dưỡng kém trong thai kỳ rất dễ sinh ra con bị thiểu sản men răng.
- Người sử dụng nguồn nước sinh hoạt có nồng độ fluor cao (hơn 4mg/l đối với người lớn và 2mg/lít đối với trẻ em) có nguy cơ mắc các bệnh về men răng cao hơn.
- Người có chế độ ăn uống thiếu chất.
- Người tiêu thụ nhiều đồ ăn có tính axit, kiềm, phá hủy men răng.
Các phương pháp điều trị
Tùy vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, các bác sĩ sẽ đưa ra những giải pháp phù hợp để ngăn ngừa sâu răng, bảo tồn cấu trúc răng, duy trì chức năng ăn nhai và khôi phục răng về mặt thẩm mỹ. Các phương pháp điều trị thiểu sản men răng hiện nay bao gồm:
Bổ sung fluor
Trong trường hợp bệnh nhân bị thiểu sản men răng ở mức độ nhẹ, các bác sĩ sẽ hướng dẫn bổ sung fluor nhằm cải thiện tình trạng men răng. Fluor sẽ được bổ sung bằng hai cách là dùng tại chỗ và dùng toàn thân.
- Dùng tại chỗ: Đây là phương pháp thoa fluor trực tiếp lên men răng thông qua các sản phẩm như kem đánh răng, nước súc miệng có chứa fluor, sử dụng hằng ngày.
- Dùng toàn thân: Sử dụng thông qua hấp thu ở đường tiêu hóa, cụ thể là sử dụng muối ăn, thuốc dạng viên hoặc dạng giọt. Lưu ý phương pháp này chỉ áp dụng trong một thời điểm, không bổ sung fluor thông qua nhiều phương pháp cùng lúc vì fluor có thể gây ngộ độc.
Trám răng
Trám răng là phương pháp hiệu quả giúp bù đắp men răng bị tổn thương, giúp răng chắc khỏe và khôi phục lại tính thẩm mỹ cho răng.
Bọc răng sứ
Bọc răng sứ là giải pháp điều trị toàn diện mang lại hiệu quả lâu dài nhất đặc biệt là đối với các trường hợp nặng. Răng sứ bọc ở bên ngoài sẽ bảo vệ men răng khỏi các tác động bên ngoài, đồng thời đảm bảo được khả năng ăn nhai và tính thẩm mỹ cao.
Lưu ý phòng tránh bệnh thiểu sản men răng
Theo lời khuyên từ các chuyên gia, phòng ngừa bệnh lý này không hề khó, bạn cần lưu ý một số điều trong chế độ sinh hoạt và ăn uống dưới đây:
- Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng như canxi, các loại vitamin A, D, C để giúp cho răng chắc khỏe.
- Dùng bàn chải lông mềm, chải răng 2 lần mỗi ngày, đánh răng đúng cách để vừa làm sạch răng vừa không gây hại đến men răng.
- Không nên sử dụng thường xuyên các thức ăn có tính kiềm hoặc axit sẽ gây hại đến men răng.
- Thường xuyên đi khám định kỳ tại cơ sở nha khoa để phát hiện sớm và điều trị các triệu chứng của bệnh.
Trên đây là những thông tin cần thiết về chứng thiểu sản men răng bao gồm triệu chứng, nguyên nhân, cách điều trị cũng như phòng tránh. Để có được hàm răng chắc khỏe cũng như phòng ngừa các bệnh lý răng miệng, ý thức được nguy cơ và điều chỉnh chế độ ăn uống vệ sinh răng miệng là rất quan trọng.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!