Tiền mãn kinh là gì? Tiền mãn kinh sớm phải làm sao?
Trong cuộc đời của phụ nữ, họ phải trải qua nhiều giai đoạn khác nhau: Từ khi còn là một bé gái, bắt đầu dậy thì, mang thai, sinh con, tiền mãn kinh, mãn kinh cho tới khi nhắm mắt xuôi tay. Mỗi giai đoạn đều có những khó khăn riêng mà người khác giới sẽ khó có thể hiểu nổi. Khó chịu bậc nhất phải nói tới tiền mãn kinh. Vậy tiền mãn kinh là gì? Tiền mãn kinh sớm phải làm sao?… Tìm ngay câu trả lời trong bài viết dưới đây:
Tiền mãn kinh là gì?
Theo thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Thanh Hà – Nguyên Trưởng khoa Phụ Bệnh viện YHCT TW, Nguyên Giám đốc Chuyên môn Phòng khám Đông y Việt Nam, có 3 thời điểm đánh dấu sự thay đổi tâm sinh lý quan trọng nhất trong đời người phụ nữ là:
- Tuổi dậy thì
- Thời kỳ mang thai
- Giai đoạn mãn kinh
Sự thay đổi này có liên quan chặt chẽ đến biến động hormone/nội tiết tố trong cơ thể và tuổi tác.
Quá trình mà hầu hết mọi người gọi là mãn kinh có thể được chia tiếp thành 3 giai đoạn: Tiền mãn kinh, mãn kinh và sau mãn kinh. Mãn kinh là khoảng thời gian bắt đầu 12 tháng sau chu kỳ kinh nguyệt hay kỳ kinh cuối cùng của phụ nữ. Trong khi đó, tiền mãn kinh (Perimenopause) là khoảng thời gian trước khi bắt đầu mãn kinh. Đối với một số chị em, tiền mãn kinh có thể đến âm thầm, không gây khó chịu và các triệu chứng tiền mãn kinh không quá rõ ràng.
Tuổi tiền mãn kinh là gì hay tiền mãn kinh bao nhiêu tuổi?
Giai đoạn này bắt đầu vào khi nào còn tùy thuộc vào từng người và thường gặp nhất ở độ tuổi 40. Tuy nhiên, nhiều chị em mới chỉ ngoài 30 thậm chí còn trẻ hơn cũng đã phải đối mặt với thời kỳ này – còn gọi là tiền mãn kinh sớm.
Để không bị sốc và bỡ ngỡ khi bị mãn kinh đột ngột, chị em ngoài 30 hãy quan tâm tới bản thân, lắng nghe tiếng nói từ cơ thể để nhận biết các dấu hiệu tiền mãn kinh sớm.
Tiền mãn kinh có thai được không?
Tiền mãn kinh được đánh dấu bằng sự sụt giảm nội tiết tố nữ estrogen. Mức độ estrogen cũng có thể lên xuống thất thường trong chu kỳ 28 ngày. Điều này có thể gây ra rối loạn kinh nguyệt và các triệu chứng khác.
Trong giai đoạn cuối của tiền mãn kinh, cơ thể sẽ ngày càng sản xuất ít estrogen hơn. Mặc dù lượng estrogen giảm mạnh nhưng vẫn chị em vẫn có khả năng mang thai.
Tiền mãn kinh kéo dài bao lâu?
Thời gian trung bình của giai đoạn tiền mãn kinh là 4 năm. Nhưng ở một số người, giai đoạn này có thể chỉ kéo dài vài tháng hoặc tiếp tục trong 10 năm. Giai đoạn tiền mãn kinh kết thúc khi phụ nữ không có kinh nguyệt trong 12 tháng liên tiếp.
Tiền mãn kinh và mãn kinh khác nhau thế nào?
Thời kỳ mãn kinh thường chính thức bắt đầu ở độ tuổi từ 44 – 55, ngay sau khi giai đoạn tiền mãn kinh kết thúc. Một nghiên cứu cho thấy có khoảng 8% phụ nữ chuyển tiếp từ tiền mãn kinh sang mãn kinh trước năm 40 tuổi. Khoảng 5% không chuyển hoàn toàn từ tiền mãn kinh sang mãn kinh, họ vẫn ra hành kinh cho đến khi 60 tuổi.
34 triệu chứng tiền mãn kinh điển hình
Khi nói về tiền mãn kinh, phần lớn chị em đều nghĩ ngay tới bốc hỏa – triệu chứng điển hình nhất của giai đoạn này. Đó là cảm giác nóng đột ngột, lan ra khắp mặt, cổ và ngực, đồng thời đổ nhiều mồ hôi. Chị em có thể gặp vài cơn đến vài chục cơn bốc hỏa mỗi ngày, nhiều nhất vào ban đêm khiến họ tỉnh giấc đột ngột và khó ngủ trở lại. Ngoài ra, chị em còn có thể 34 triệu chứng rối loạn tiền mãn kinh khác được liệt kê dưới đây:
Các vấn đề liên quan tới tinh thần và tâm lý:
- Đổ mồ hôi đêm
- Bốc hỏa, nóng bừng
- Mệt mỏi
- Hay quên
- Mất tập trung
- Chóng mặt
- Tâm trạng thất thường, hay cáu gắt
- Rối loạn hoảng sợ
- Lo lắng
- Trầm cảm
- Rối loạn giấc ngủ
Các vấn đề sức khỏe sinh sản:
- Giảm ham muốn ở nữ
- Khô âm đạo (khô hạn) hoặc teo âm đạo (thành âm đạo mỏng đi)
- Dễ bị các bệnh sản phụ khoa
- Rối loạn kinh nguyệt
Thay đổi ngoại hình:
- Tăng cân, tích mỡ ở bụng, đùi…
- Rụng tóc, tóc mỏng đi
- Móng tay/chân giòn, dễ gãy
- Thay đổi mùi cơ thể hoặc ra nhiều mồ hôi
- Da bị ngứa, khô, dễ nám, sạm, tàn nhang, đồi mồi…
- Dấu hiệu lão hóa trên da, như giảm đàn hồi, xuất hiện nhiều nếp nhăn, đường chân chim…
- Thay đổi ở vú, như vú bị xệ, không săn chắc
Các vấn đề về tiêu hóa:
- Rối loạn tiêu hóa
- Đầy hơi
- Mất vị giác hoặc miệng có vị kim loại
Các vấn đề sức khỏe khác:
- Đau đầu, đau nửa đầu
- Tiểu không tự chủ
- Căng cơ
- Dị ứng
- Nhịp tim không đều, có xu hướng đập nhanh
- Đau vú
- Đau khớp
- Nhiễm trùng đường tiết niệu
- Loãng xương, mất xương
Đặc biệt, rong huyết ở tuổi tiền mãn kinh là triệu chứng thường gặp. Khác với rong kinh (hiện tượng máu kinh kéo dài trên 7 ngày trong kỳ kinh), rong huyết là tình trạng chảy máu bất thường ở âm đạo mà không tuân theo chu kỳ kinh nguyệt, kéo dài trên 7 ngày. Lượng máu do rong huyết ít hay nhiều tùy từng người và căn nguyên.
Hiện tượng này khiến chị em bị thiếu máu, mệt mỏi và cảnh báo nhiều bệnh nghiêm trọng, như u xơ tử cung, polyp tử cung, lạc nội mạc tử cung và nặng nhất là ung thư tử cung. Bởi vậy, chị em cần đi khám sớm khi bị rong huyết để loại trừ những bệnh lý nguy hiểm.
Nguyên nhân gây rối loạn tiền mãn kinh
Trong mỗi dấu mốc thay đổi tâm sinh lý của người phụ nữ, các tuyến nội tiết tố khác nhau trong cơ thể sẽ phối kết hợp với nhau để kiểm soát lượng hormone được sản xuất, bao gồm: Tuyến yên, buồng trứng và tuyến giáp. Ngay cả các cơ quan và các mô khác, như tử cung, mô vú và tế bào chất béo (mô mỡ) đều có khả năng tiết ra các hormone ảnh hưởng đến sinh sản.
Những hormone chính liên quan đến tiền mãn kinh bao gồm estrogen, progesterone và testosterone. Trong đó, estrogen là hormone quan trọng bậc nhất tới sức khỏe phụ nữ.
Khi buồng trứng dần sản xuất ít estrogen trong cơ thể, chị em sẽ bước vào thời kỳ tiền mãn kinh. Bởi vì estrogen có ảnh hưởng quan trọng đến tâm trạng, giấc ngủ, ham muốn tình dục, chức năng nhận thức, trí nhớ, lưu lượng máu, thành phần và trọng lượng cơ thể… nên sự sụt giảm hormone này sẽ gây ra nhiều triệu chứng khác nhau.
Đối với tiền mãn kinh sớm, có nhiều nguyên nhân có thể thúc đẩy thời kỳ này, bao gồm:
- Di truyền: Nếu mẹ của bạn bị mãn kinh sớm thì có nhiều khả năng bạn cũng sẽ bị tiền mãn kinh và mãn kinh sớm
- Lối sống: Hút thuốc lá, ăn chay, suy dinh dưỡng, quá gầy hoặc ít tiếp xúc với ánh sáng mặt trời có thể thúc đẩy tiền mãn kinh sớm
- Đột biến gene: Tiền mãn kinh sớm thường xảy ra ở phụ nữ mắc hội chứng Turner
- Không sinh con: Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây tiền mãn kinh sớm
- Các vấn đề sức khỏe: Bao gồm bệnh tự miễn (như bệnh tuyến giáp, viêm khớp dạng thấp), xạ trị hoặc hóa trị ung thư, u nang buồng trứng, cắt bỏ tử cung sớm…
Tiền mãn kinh sớm phải làm sao?
Rối loạn tiền mãn kinh gây ra những ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nếu không kịp thời điều trị, chúng sẽ gây ra những hậu quả khó đảo ngược và gánh nặng tiền bạc.
Để mang lại hiệu quả điều trị cao nhất, mỗi người bệnh sẽ được bác sĩ Hà chỉ định áp dụng phác đồ điều trị riêng. Phác đồ dài – ngắn thế nào, dùng bài thuốc nào, gia giảm vị thuốc ra sao… sẽ tùy thuộc theo thể bệnh, cơ địa, thể trạng, nhu cầu của mỗi người bệnh:
- Thể thận tinh hư tổn do thận âm hư: Dùng phép trị tư âm thanh nhiệt
- Thể thận tinh hư tổn do âm hư dương vượng: Dùng phép trị tư thận, bình can, tiềm dương
- Thể thận dương hư: Dùng phép trị ôn bổ thận dương
- Thể can kinh uất nhiệt: Phép trị thư can giải uất
- Thể tâm tỳ lưỡng hư: Phép trị kiện tỳ bổ huyết dưỡng tâm
Trong quá trình điều trị, bác sĩ Đỗ Thanh Hà luôn lắng nghe tâm tư và tháo gỡ những khúc mắc về tâm sinh lý cho các chị em, đồng thời tư vấn cho chị em cách thiết lập chế độ ăn và lối sống sinh hoạt lành mạnh.
Phụ nữ tiền mãn kinh nên uống thuốc gì?
Hiện có rất nhiều sản phẩm và thuốc giúp kiểm soát các triệu chứng tiền mãn kinh ở phụ nữ, thường gặp nhất là liệu pháp hormone thay thế estrogen.
Liệu pháp này giúp cân bằng estrogen trong cơ thể, qua đó giảm các triệu chứng khó chịu. Một số dạng estrogen còn có thể giúp giảm nguy cơ loãng xương. Estrogen thay thế có bán dưới nhiều hình thức, bao gồm thuốc uống, kem bôi, gel hoặc miếng dán ngoài da.
Tuy nhiên, những phương pháp điều trị này cũng tiềm ẩn những rủi ro cho sức khỏe. Nhiều nghiên cứu cho thấy việc áp dụng các liệu pháp thay thế hormone có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh nghiêm trọng ở nữ giới, bao gồm:
- Ung thư vú
- Bệnh tim
- Đột quỵ
- Huyết khối/cục máu đông
- Tiểu không tự chủ
- Sa sút trí tuệ và mất trí nhớ
Bởi vậy, nếu băn khoăn tiền mãn kinh nên dùng thuốc gì, chị em cần đi khám chuyên khoa và thực hiện theo đúng chỉ định dùng thuốc của bác sĩ, không nên tự ý dùng hoặc lạm dụng thuốc.
Phụ nữ tiền mãn kinh nên bổ sung gì?
Nhiều loại thực phẩm chức năng hoặc thực phẩm bảo vệ sức khỏe có thể giúp kiểm soát các triệu chứng mãn kinh và tăng cường sức khỏe. Dưới đây là một số lựa chọn phổ biến:
- Tinh dầu hoa anh thảo: Giúp giảm các triệu chứng bốc hỏa và ngăn chặn quá trình mất xương ở phụ nữ trước – sau mãn kinh.
- Thiên ma (black cohosh): Cải thiện triệu chứng hội chứng tiền kinh nguyệt, bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm, giảm đầy hơi, giúp giảm lo lắng, giảm cân, ngăn ngừa loãng xương và hỗ trợ giấc ngủ tốt.
- Cỏ ba lá đỏ: Giàu isoflavone – hợp chất hoạt động tương tự như estrogen.
- Đương quy: Khi kết hợp với cỏ ba lá đỏ, thiên ma và hoa cúc có thể giảm bốc hỏa và đổ mồ hôi đêm hiệu quả.
- Sâm maca (sâm Peru): Giảm khô âm đạo, tăng ham muốn tình duch, cải thiện tâm trạng và ngăn ngừa trầm cảm.
- Đậu nành: Là nguồn cung cấp isoflavone dồi dào.
- Nhân sâm: Tăng cường miễn dịch, thúc đẩy ham muốn tình dục và cải thiện tâm trạng.
- Rễ cây nữ lang: Cải thiện chất lượng giấc ngủ và giảm mức độ nghiêm trọng của các cơn bốc hỏa.
- Canxi: Phụ nữ dưới 51 tuổi cần bổ sung 1.000mg canxi/ngày và phụ nữ trên 51 tuổi cần 1.200mg canxi/ngày để ngăn ngừa loãng xương, mất xương.
- Vitamin D: Vitamin D rất cần để cơ thể có thể hấp thụ canxi. Người trưởng thành cần bổ sung đủ 600IU vitamin D/ngày. Đặc biệt, phụ nữ trên 71 tuổi cần 800IU vitamin D/ngày.
- DHEA: Giảm bốc hỏa và tăng ham muốn tình dục.
Lưu ý khi dùng thực phẩm chức năng để hỗ trợ quá trình tiền mãn kinh, chị em cần ghi nhớ những điều sau:
- Một số thành phần trong thực phẩm chức năng có thể tương tác với một số loại thuốc bạn đang dùng.
- Một số loại thảo mộc có thể gây dị ứng.
- Thực phẩm chức năng chỉ có tác dụng hỗ trợ và phòng ngừa.
- Lạm dụng thực phẩm chức năng hoặc sử dụng sai cách có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng. Ví dụ, thiên ma có thể gây hại cho bệnh nhân bị ung thư vú, đậu nành không nên dùng cho chị em có u nhú…
Tốt nhất, để biết tiền mãn kinh nên bổ sung gì, tiền mãn kinh uống gì hay tiền mãn kinh uống gì tốt, chị em nên tham vấn bác sĩ, chuyên gia sản phụ khoa uy tín.
Phòng ngừa các rối loạn tiền mãn kinh
Tiền mãn kinh là một quá trình tự nhiên mà chị em không thể tránh khỏi. Tuy vậy, chị em vẫn hoàn toàn có thể ngăn ngừa tiền mãn kinh sớm và có một giai đoạn tiền mãn kinh lành mạnh, dễ chịu nếu thực hiện theo những lời khuyên sau:
- Chế độ dinh dưỡng hợp lý
- Duy trì cân nặng lành mạnh
- Tập thể dục thường xuyên
- Quản lý căng thẳng, lo âu
- Ngủ đủ 7 – 9 tiếng/ngày
- Tránh các thói quen xấu, như thức đêm, uống rượu bia, dùng chất kích thích, hút thuốc lá…
- Khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là khám phụ khoa, khám vú, tầm soát ung thư và đo mật độ xương
Tóm lại, tiền mãn kinh là giai đoạn đặc biệt trong cuộc đời của người phụ nữ. Không phải lúc nào nó cũng gây ra bất tiện và khó khăn, nhưng bạn vẫn cần trang bị đầy đủ kiến thức để có thể vượt qua giai đoạn này một cách thoải mái và tự tin.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!