Chỉ số Protein trong máu cao
Chỉ số protein trong máu cao có nghĩa là nồng độ protein trong huyết tương của bạn cao hơn ngưỡng bình thường. Bất kỳ sự thay đổi nào về hàm lượng protein trong máu đều có thể cảnh báo bạn đang gặp phải một số căn bệnh nguy hiểm.
Định nghĩa
Protein là những phân tử phức tạp, đóng vai trò quan trọng đối với chức năng của các tế bào và mô. Chúng được tạo ra ở nhiều nơi trong cơ thể và lưu thông trong máu. Protein có nhiều dạng khác nhau như albumin, kháng thể và enzyme. Đồng thời nó cũng có các chức năng khác nhau, bao gồm:
- Chống chọi lại bệnh tật. 1
- Điều hòa chức năng trong cơ thể.
- Hình thành cơ bắp.
- Vận chuyển các chất dinh dưỡng, hormone và thuốc đi khắp cơ thể.
Chỉ số protein trong máu cao (hyperproteinemia) được hiểu là sự gia tăng nồng độ protein trong máu hơn bình thường. Protein máu cao không phải là một căn bệnh hay tình trạng cụ thể nhưng chỉ số này cho thấy cơ thể bạn đang bị bệnh.
Rất khó để người bệnh phát hiện ra tình trạng tăng protein trong máu thông qua các dấu hiệu lâm sàng. Đôi khi nó chỉ vô tình được phát hiện khi bạn làm các xét nghiệm máu để chẩn đoán những bệnh lý khác.
Tuy nhiên, người bệnh bị tăng protein trong máu có thể xuất hiện những triệu chứng sau:
- Đau trong xương.
- Sụt cân không rõ nguyên nhân.
- Khát nước thường xuyên.
- Đi tiểu khó.
- Tê bì chân tay, có dấu hiệu bị phù.
- Chán ăn, ăn không ngon.
- Dễ bị nhiễm trùng.
- Buồn nôn, nôn.
- Cơ thể mệt mỏi, thiếu năng lượng.
Nguyên nhân
Các nguyên nhân khiến định lượng protein toàn phần cao bao gồm:
- Bệnh rối loạn tủy xương.
- Bệnh đa u tủy.
- Bệnh viêm gan B.
- Bệnh viêm gan C.
- Bệnh xơ gan.
- Ung thư gan giai đoạn tiến triển.
- HIV/AIDS.
- Mất nước.
- Bệnh viêm mạn tính.
- Bệnh giao tử đơn dòng có ý nghĩa không xác định (MGUS)
- Bệnh thoái hóa tinh bột (amyloidosis).
- Đái tháo đường. 2
- Hội chứng thận hư, viêm cầu thận mạn.
- Viêm khớp dạng thấp.
- Lupus ban đỏ hệ thống.
- Bệnh viêm tụy cấp.
- Bệnh loét dạ dày tá tràng.
Chăm sóc tại nhà
Cách tốt nhất để làm giảm protein trong máu đó là thực hiện điều trị theo đúng liệu trình của bác sĩ. Kết hợp giữa việc uống thuốc và chăm sóc sức khỏe tại nhà. Một số giải pháp bao gồm:
- Xây dựng chế độ ăn uống ít đạm.
- Nên ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi như: Đu đủ, xoài, giá đỗ, cam, cà rốt,...
- Ăn các món nhạt có hàm lượng muối natri thấp.
- Hạn chế sử dụng muối trong các món ăn hàng ngày.
- Ăn nhiều chất xơ để điều chỉnh lượng đường huyết và hàm lượng cholesterol trong máu.
- Chia đều lượng protein trong các bữa ăn.
- Thường xuyên tập luyện thể thao mỗi ngày, ít nhất 3 buổi/tuần.
- Không sử dụng rượu, bia, thuốc lá.
- Thường xuyên kiểm tra lượng đường trong máu định kỳ.
- Tránh việc tự ý dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID).
Khi nào đi khám bác sĩ?
Protein trong máu cao không phải là một căn bệnh cụ thể. Người bệnh cũng không nên lo lắng quá mức nếu kết quả xét nghiệm cho thấy lượng protein trong máu của bạn cao hơn bình thường. Kết quả xét nghiệm cao không có nghĩa là bạn mắc một căn bệnh nghiêm trọng.
Tuy nhiên người bệnh không nên chủ quản trong việc điều trị. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện thêm xét nghiệm điện di protein huyết thanh (SPEP) để có thêm thông tin. Bác sĩ cũng sẽ giải thích nguyên nhân khiến chỉ số protein trong máu cao và những xét nghiệm khác mà họ sẽ yêu cầu để xác định tình trạng cơ bản.
Đặc biệt, người bệnh cần đến gặp bác sĩ khi cơ thể xuất hiện các vấn đề sau:
- Suy dinh dưỡng ở mức nghiêm trọng.
- Cơ thể sụt cân không kiểm soát.
- Mệt mỏi, thiếu sức sống, không có năng lượng làm việc.
- Xương khớp đau nhức, tay chân khó vận động.
Nhìn vào chỉ số protein trong máu cao sẽ giúp bác sĩ sớm phát hiện ra các bệnh lý về gan, thận, tiêu hóa,… một cách nhanh chóng. Từ đó đưa ra được phương pháp điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe.