Protein niệu
Protein là một hợp chất có nhiều chức năng quan trọng đối với cơ thể bao gồm xây dựng cơ và xương, điều chỉnh lượng chất lỏng trong máu, chống nhiễm trùng, sửa chữa các mô hư hỏng. Protein niệu là tình trạng lượng protein trong nước tiểu cao hơn bình thường. Dựa vào các nguyên nhân, triệu chứng của bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phương án điều trị cụ thể nhằm hạn chế các biến chứng nguy hiểm.
Định nghĩa
Protein niệu là thuật ngữ để chỉ hàm lượng protein dư thừa trong nước tiểu. Protein là một trong những hoạt chất quan trọng của cơ thể. Nhưng nếu trong nước tiểu có protein sẽ cảnh báo bạn đang gặp các vấn đề về thận. 1
Thận được coi là cơ quan bài tiết chính của cơ thể. Khi thận khỏe nó sẽ giúp lọc và đào thải các chất cặn bã dư thừa ra ngoài thông qua nước tiểu. Ngoài ra, thận còn giúp kiểm soát khối lượng dịch ngoại bài, điều hòa thể tích máu trong cơ thể.
Khi chức năng thận bị suy giảm, các phân tử protein trong máu sẽ có cơ hội xâm nhập vào nước tiểu. Loại protein trong nước tiểu có liên quan đến các bệnh về thận đó là albumin.
Người bệnh có thể nhận thấy các dấu hiệu nước tiểu có đạm như sau:
- Đi tiểu nhiều hơn bình thường.
- Đi tiểu có bọt.
- Cơ thể mệt mỏi, thở nông, hụt hơi.
- Buồn nôn, nôn mửa.
- Chán ăn.
- Sưng ở mặt, bụng, mắt cá chân, bàn chân.
- Mắt bị sưng, đặc biệt là vào buổi sáng.
- Chuột rút vào ban đêm.
Những triệu chứng này cũng là triệu chứng của bệnh thận mãn tính. Nếu bạn có những triệu chứng trên đặc biệt là nước tiểu có bọt và sưng, bạn cần liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám ngay lập tức.
Nguyên nhân
Thận có nhiệm vụ lọc các chất thải ra khỏi máu trong khi vẫn giữ lại những gì cơ thể cần, bao gồm cả protein. Tuy nhiên ở một số trường hợp nhất định, protein sẽ đi qua bộ lọc của thận, gây ra protein niệu.
Một lượng protein nhỏ trong nước tiểu sẽ không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên nếu hàm lượng này quá cao sẽ là dấu hiệu cảnh báo cơ thể bạn đang bị bệnh.
Các điều kiện có thể gây ra sự gia tăng tạm thời nồng độ protein trong nước tiểu, nhưng không nhất thiết chỉ ra tổn thương thận, bao gồm:
- Mất nước (là khi cơ thể không có đủ nước để hoạt động bình thường)
- Tiếp xúc với môi trường lạnh
- Sốt.
- Tập luyện quá mức.
- Căng thẳng.
Các xét nghiệm xác định protein trong nước tiểu rất quan trọng để chẩn đoán và sàng lọc các bệnh về thận hoặc các tình trạng khác ảnh hưởng đến chức năng thận. Các xét nghiệm này cũng được sử dụng để theo dõi tiến triển của bệnh và hiệu quả điều trị. Những bệnh và tình trạng này bao gồm:
- Bệnh thận mãn tính.
- Bệnh thận đái tháo đường.
- Xơ hóa cầu thận cục bộ (FSGS).
- Viêm cầu thận.
- Huyết áp cao.
- Bệnh thận IgA (viêm thận do tích tụ kháng thể immunoglobulin A)
- Lupus.
- Bệnh đa u tủy.
- Hội chứng thận hư.
- Tiền sản giật.
Các điều kiện và yếu tố khác có thể dẫn đến protein trong nước tiểu tăng cao bao gồm:
- Amyloidosis (tích tụ protein bất thường trong các cơ quan của bạn).
- Do dùng nhiều thuốc chống viêm không steroid.
- Bệnh tim.
- Suy tim.
- Ung thư hạch Hodgkin.
- Nhiễm trùng thận.
- Bệnh sốt rét.
- Protein niệu thế đứng (mức độ protein trong nước tiểu tăng lên khi ở tư thế thẳng đứng).
- Viêm khớp dạng thấp.
Chăm sóc tại nhà
Chỉ số protein nước tiểu của bạn sẽ được kiểm soát nếu áp dụng những thói quen như sau:
- Ăn nhạt, giảm lượng muối trong khẩu phần ăn hàng ngày.
- Uống đủ lượng nước cần thiết từ 2-3 lít/ngày.
- Ăn ít chất béo và những thực phẩm giàu carbohydrate.
- Tăng cường ăn nhiều rau củ quả để bổ sung chất xơ cho cơ thể.
- Tích cực tập luyện thể dục thể thao mỗi ngày ít nhất 30 phút..
- Có phương án giảm cân an toàn nếu bị thừa cân, béo phì.
- Từ thuốc lá.
- Tránh tự ý dùng các loại thuốc chống viêm không steroid khi chưa có sự khuyến nghị từ bác sĩ.
- Thường xuyên làm xét nghiệm kiểm tra lượng đường huyết.
Khi nào đi khám bác sĩ?
Khi đã xác định bản thân bị protein niệu, người bệnh cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ nếu nhận thấy cơ thể có các triệu chứng sau:
- Đi tiểu thường xuyên hơn.
- Đau khi đi tiểu.
- Nước tiểu bị sủi bọt.
- Buồn nôn hoặc nôn liên tục.
- Chóng mặt.
- Phần bụng dưới bị sưng to.
- Các triệu chứng của bệnh không thuyên giảm sau điều trị.
Câu hỏi thường gặp
Dưới đây là một số câu hỏi giúp bạn hiểu rõ hơn về căn bệnh này:
Làm cách nào để chẩn đoán protein niệu?
Nếu xét nghiệm nước tiểu cho thấy chỉ số protein trong nước tiểu cao, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện thêm một số xét nghiệm khác. Bởi chỉ số protein niệu có thể là tạm thời nên bạn cần phải làm lại xét nghiệm nước tiểu vào buổi sáng hoặc vài ngày sau đó. Bạn cũng có thể cần lấy nước tiểu trong vòng 24 giờ để xét nghiệm.
Bác sĩ sẽ dùng một chiếc que có chứa hóa chất để nhúng vào bên trong mẫu nước tiểu. Nếu que đổi màu có nghĩa là nước tiểu có chứa nhiều protein. 2
Ngoài ra, nước tiểu cũng sẽ được mang đi soi dưới kính hiển vi để kiểm tra các vấn đề bất thường của thận. Một số xét nghiệm bao gồm:
- Xét nghiệm độ thanh thải creatinin: Kiểm tra lượng creatinine trong máu và nước tiểu. Nếu thận hoạt động không bình thường, trong máu vẫn còn tồn đọng creatinine.
- Xét nghiệm máu đo lường protein trong huyết thanh: Huyết thanh là một phần trong máu có chứa protein.
- Xét nghiệm máu cố định miễn dịch (IFE): Bác sĩ sẽ lấy máu từ tĩnh mạch ở cánh tay hoặc bàn tay của bạn. Sau đó gửi đến phòng thí nghiệm để kiểm tra các protein cụ thể trong máu.
- Xét nghiệm máu tốc độ lọc cầu thận (GFR): GFR sẽ cho bác sĩ biết thận của bạn đang hoạt động như thế nào và bệnh thận đã tiến triển đến đâu.
- Điện di protein nước tiểu (UPEP): UPEP giúp bác sĩ tìm kiếm các loại protein cụ thể trong nước tiểu của bạn.
- Chụp CT và siêu âm: Kiểm tra xem có sỏi thận, khối u hoặc một số vấn đề tắc nghẽn khác.
- Sinh thiết thận: Lấy mẫu mô của thận mang đi kiểm tra dưới kính hiển vi để phát hiện các vấn đề bất thường.
Nếu bạn bị tiểu đường, bác sĩ có thể kiểm tra một lượng nhỏ protein trong nước tiểu - còn được gọi là microalbumin niệu. Lượng protein tăng lên trong nước tiểu có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm người bệnh bị tổn thương thận do tiểu đường.
Đạm niệu cảnh báo bệnh gì?
Protein trong nước tiểu là dấu hiệu cảnh báo bệnh thận. Ở trạng thái khỏe mạnh, thận sẽ có tác dụng lọc mọi chất thải dư thừa trong máu nhưng không làm rò rỉ chất dinh dưỡng hay protein ra ngoài. Ngược lại khi thận có vấn đề sẽ xuất hiện tình trạng protein niệu. Tùy theo vấn đề sức khỏe, khả năng chăm sóc và điều trị, lượng protein có thể tồn tại trong nước tiểu một thời gian ngắn hoặc kéo dài.
Chỉ số protein niệu 24h bình thường là bao nhiêu?
Nước tiểu ở người khỏe mạnh thường không có hoặc có rất ít protein. Cụ thể, ở người bình thường hàm lượng protein trong nước tiểu không vượt quá 0,2 gam/24 giờ. Vì thận của con người đều có khả năng tái hấp thu protein. Nếu lượng protein trong nước tiểu vượt quá 3 gam/24 giờ thì đây là dấu hiệu cảnh báo cho thấy thận đang có vấn đề. 3
Ai có nguy cơ bị protein niệu?
Bất kỳ ai cũng có thể bị protein niệu. Tuy nhiên bạn sẽ có nhiều khả năng gặp phải tình trạng này nếu bạn có các yếu tố sau:
- Từ 65 tuổi trở lên.
- Trong gia đình có ông bà cha mẹ đã hoặc đang mắc bệnh về thận.
- Bị tiểu đường.
- Là người da đen.
- Bị huyết áp cao.
- Bị thừa cân béo phì.
- Phụ nữ mang thai sau 40 tuổi.
Protein niệu có lây không?
Protein niệu không lây. Tuy nhiên, bạn có nhiều khả năng bị protein niệu nếu các thành viên khác trong gia đình ruột thịt của bạn mắc bệnh này.
Nước tiểu có đạm có nguy hiểm không?
Protein niệu có thể dẫn đến suy thận hoặc các bệnh thận mãn tính khác. Đây là tình trạng vô cùng nguy hiểm, có thể làm mất dần chức năng thận, khiến người bệnh phải tìm đến các liệu pháp như lọc máu hoặc ghép thận. Đặc biệt, protein niệu còn gây ra các bệnh tim mạch và làm tăng nguy cơ tử vong do bệnh tim.
Để kiểm soát được vấn đề protein niệu, người bệnh cần đi xét nghiệm máu và nước tiểu định kỳ 6 tháng một lần để đảm bảo bệnh không chuyển biến sang cấp độ nghiêm trọng. Nếu nhận thấy cơ thể có những dấu hiệu như giảm dần lượng nước tiểu, sưng mắt cá chân, sưng bàn chân, mệt mỏi, suy nhược, khó thở, nhịp tim không đều,... cần đi bệnh viện kiểm tra để tránh biến chứng nguy hiểm.