Xét Nghiệm Acid Uric
Xét nghiệm acid uric được chỉ định thực hiện để theo dõi nồng độ acid uric trong máu, giúp hỗ trợ chẩn đoán một số bệnh lý có liên quan. Bài viết dưới đây là tổng hợp những thông tin cần biết về phương pháp xét nghiệm này bạn có thể tham khảo để hiểu rõ hơn.
Tổng quan
Acid uric là một loại acid hữu cơ được sản sinh ra trong quá trình phân hủy và chuyển hóa Nucleotide Purin có trong thực phẩm. Thông thường, acid uric sẽ được hoàn tan trong máu, lọc qua thận và đào thải ra ngoài thông qua nước tiểu hoặc mồ hôi. Nếu cơ thể sản sinh ra quá nhiều acid uric mà thận không thể đào thải hết sẽ gây ra tình trạng tăng acid uric trong máu. Điều này đã tạo cơ hội cho một số rối loạn và bệnh lý bên trong cơ thể khởi phát.
Xét nghiệm acid uric hay còn được gọi là định lượng acid uric. Đây là kỹ thuật y khoa dùng để kiểm tra nồng độ acid có trong máu hoặc nước tiểu để sớm phát hiện các vấn đề về sức khỏe có liên quan. Xét nghiệm acid uric thường được áp dụng để chẩn đoán và điều trị bệnh lý.
Tại sao nó được thực hiện
Xét nghiệm acid uric là một loại xét nghiệm y khoa đơn giản. Tuy nhiên, bạn vẫn nên nắm rõ về loại xét nghiệm này để quá trình thực hiện diễn ra thuận lợi hơn. Dưới đây là những thông tin cần biết về xét nghiệm acid uric mà chúng tôi tổng hợp được bạn có thể tham khảo:
Xét nghiệm acid uric không được thực hiện như xét nghiệm máu thông thường. Khi thăm khám, loại xét nghiệm này sẽ được chỉ định thực hiện nếu nghi ngờ mắc các bệnh lý sau đây:
- Gout: Bệnh khởi phát khi nồng độ acid uric trong máu tăng cao do rối loạn chuyển hóa. Khi gặp điều kiện thuận lợi, chúng sẽ kết tinh lại với nhau dưới dạng tinh thể muối rồi lắng đọng tại khớp gây viêm sưng và đau nhức.
- Sỏi thận: Nồng độ acid uric tăng cao sẽ ảnh hưởng đến chức năng thận và gây ra bệnh sỏi thận. Lúc này, người bệnh sẽ có triệu chứng đau dữ dội ở vùng lưng dưới, đi tiểu ra máu, đau bụng hoặc nôn mửa. Ngoài ra, xét nghiệm acid uric còn được thực hiện với những trường hợp mắc các bệnh lý có liên quan đến tình trạng rối loạn chức năng thận.
- Nồng độ acid uric cao: Thường xảy ra ở những người đang hóa trị hoặc xạ trị điều trị ung thư. Làm xét nghiệm kiểm tra nồng độ acid uric cần được thực hiện thường xuyên để có thể điều chỉnh kế hoạch điều trị cho phù hợp.
Ngoài ra, bạn cũng nên làm xét nghiệm acid uric nếu thấy cơ thể có các triệu chứng sau đây:
- Bị đau và sưng khớp.
- Có dấu hiệu của bệnh gút.
- Tiền sử mắc bệnh gút.
- Đang xạ trị điều trị ung thư.
- Đã hoặc đang bị sỏi thận.
Nguy cơ
Làm xét nghiệm acid uric bằng máu hoặc nước tiểu có độ an toàn cao và ít gây ra rủi ro. Xét nghiệm acid uric trong máu thuộc nhóm xét nghiệm xâm lấn, khi thực hiện có thể gây ra một số rủi ro nhưng không đáng kể. Cụ thể là:
- Đau hoặc khó chịu nhẹ ngay tại vị trí đâm kim.
- Chảy máu nhẹ, tụ máu và bầm tím da.
- Choáng váng nhẹ hoặc ngất.
- Nhiễm trùng khu vực lấy máu.
Có một số trường hợp bị chảy máu không ngừng sau khi lấy mẫu làm xét nghiệm nhưng rất ít khi xảy ra. Nếu chẳng may rơi vào tình trạng này, bạn cần báo với bác sĩ hoặc nhân viên y tế để được hướng dẫn xử lý đúng cách.
Chuẩn bị
Thường thì người bệnh không cần phải chuẩn bị gì trước khi làm xét nghiệm acid uric. Với một số trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ yêu cầu không ăn uống trong vòng 4 tiếng trước khi xét nghiệm (đặc biệt là nhóm thực phẩm chứa chất kích thích ) để có thể mang lại kết quả xét nghiệm chính xác nhất.
Ngoài ra, người bệnh cũng không nên sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng, viên uống bổ sung vitamin,… trước đó. Khi đi xét nghiệm, bạn nên mặc quần áo rộng rãi để các thao tác có thể diễn ra một cách dễ dàng nhất.
Thực hiện
Các phương pháp xét nghiệm acid uric
Hiện nay, y khoa có hai phương pháp xét nghiệm acid uric được áp dụng phổ biến là xét nghiệm acid uric trong máu và xét nghiệm acid uric trong nước tiểu. Dựa vào tình trạng sức khỏe của người bệnh, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện một trong hai hoặc cả hai loại xét nghiệm này. Cụ thể là:
- Xét nghiệm acid uric trong máu: Bác sĩ thường chỉ định thực hiện để chẩn đoán tăng acid uric trong máu, hỗ trợ chẩn đoán bệnh gout, theo dõi quá trình hóa trị hoặc xạ trị, đánh giá chức năng thận và chẩn đoán các bệnh lý về thận
- Xét nghiệm acid uric trong nước tiểu: Thường được chỉ định thực hiện để chẩn đoán các bệnh lý về thận (suy thận, thận ứ nước, đau quặn thận), các bệnh lý liên quan đến khớp, theo dõi quá trình xạ trị, theo dõi tình trạng thiếu máu, tiên lượng nhiễm độc thai nghén ở thai phụ,…
Quy trình xét nghiệm acid uric
Xét nghiệm acid uric là một xét nghiệm cơ bản, chỉ mất vài phút để nhân viên y tế tiến hành lấy mẫu rồi đem đi làm kiểm tra trong phòng thí nghiệm. Dưới đây là quy trình thực hiện bạn có thể tham khảo:
- Làm xét nghiệm: Bác sĩ sẽ lấy mẫu máu hoặc lấy mẫu nước tiểu của người bệnh rồi tiến hành kiểm tra và phân tích bên trong phòng thí nghiệm để xác định nồng độ acid uric.
- Sau xét nghiệm: Người bệnh hoàn toàn có thể hoạt động bình thường sau khi làm xét nghiệm. Nếu bị chóng mặt sau khi lấy máu, bạn hãy ngồi nghỉ ngơi hoặc ăn uống để cung cấp năng lượng cho cơ thể.
Kết quả
Sau khi đã có kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ dựa vào đó để chẩn đoán bệnh và đưa ra hướng dẫn điều trị phù hợp. Thông thường, nồng độ acid uric trong máu của nam và nữ giới là khác nhau. Với trường hợp bình thường, nam giới sẽ có nồng độ acid uric trong máu từ 210 – 420 umol/L và nữ giới là 150 – 350 umol/L. Còn nồng độ acid uric trong nước tiểu của người bình thường sẽ dao động từ 1200 – 5900 umol/24h.
Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ acid uric trong máu hoặc nước tiểu cao hơn các chỉ số này nghĩa là cơ thể bạn đang tạo ra quá nhiều acid uric hoặc chức năng đào thải acid uric của thận bị suy giảm. Đây có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý như gout, tiểu đường, bệnh lý về thận hoặc tuyến giáp, chế độ ăn nhiều purin, ung thư di căn,…
Nếu nồng độ acid uric trong máu thấp hơn mức bình thường có thể là dấu hiệu của bệnh Wilson, hội chứng Fanconi, rối loạn gan, mắc bệnh gan thận, chế độ ăn uống thiếu purin, lạm dụng rượu bia,…
Xét nghiệm acid uric có tác dụng hỗ trợ chẩn đoán bệnh lý để có thể đưa ra phương pháp điều trị sao cho phù hợp. Trên thực tế, loại xét nghiệm này còn được thực hiện để kiểm soát nguy cơ thừa hoặc thiếu acid uric. Vì thế, bạn nên làm xét nghiệm acid uric định kỳ hoặc làm xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Câu hỏi thường gặp
Bị bệnh gout vẫn có thể ăn được thịt gà, vịt. Tuy nhiên cần ăn một lượng vừa đủ, lựa chọn những phần thịt có hàm lượng purin thấp để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Nên ăn ức gà có hàm lượng purin thấp (khoảng 120mg/100g thịt), phù hợp với người bệnh gút.
- Nên hạn chế ăn thịt vịt vì thịt vịt có hàm lượng purin cao (khoảng 128mg/100g thịt), có thể làm tăng nguy cơ tái phát cơn gút.