Xét Nghiệm Chẩn Đoán Ung Thư Dạ Dày
Các xét nghiệm chẩn đoán ung thư dạ dày sẽ giúp phát hiện sớm hoặc xác định chính xác giai đoạn ung thư, từ đó mới có thể đưa ra hướng điều trị phù hợp nhất cho từng bệnh nhân. Đặc biệt ở những đối tượng có nguy cơ càng nên thực hiện tầm soát chẩn đoán ung thư sớm để có các biện pháp can thiệp kịp thời, phòng tránh nguy cơ các biến chứng có thể xuất hiện.
Tổng quan
Thống kê cho thấy mỗi năm có đến hơn 700.000 người mắc ung thư dạ dày đồng thời tỷ lệ bệnh nhân tử vong liên quan đến bệnh lý này cũng cực kỳ cao. Nguyên nhân là do bệnh nhân ung thư dạ dày thường phát hiện bệnh rất muộn, thường chỉ trong những giai đoạn 3, 4 mới có thể phát hiện, lúc này các khối u ác tính đã phát triển kích thước lớn đồng thời xâm lấn sang các cơ quan lân cận khiến sức khỏe suy giảm trầm trọng.
Bất cứ ai cũng có thể mắc ung thư dạ dày bởi các yếu tố gây bệnh đều bắt nguồn từ các vấn đề trong cuộc sống như người lạm dụng bia rượu, ăn uống không đảm bảo, người thường xuyên nhịn ăn.. Các biến chứng do ung thư dạ dày không chỉ ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa mà còn ảnh hưởng đến các cơ quan lân cận như gan, ruột non, tuyến tụy…
Nguy cơ
Việc xét nghiệm – chẩn đoán ung thư dạ dày nên được thực hiện sớm với những đối tượng sau:
- Người có tiền sử nhiễm vi khuẩn HP: hầu hết các bệnh nhân ung thư dạ dày đều tìm thấy vi khuẩn Hp bên trong dạ dày. Đồng thời những người nhiễm vi khuẩn Hp có nguy cơ rất cao mắc bệnh nên những người từng nhiễm khuẩn này nên thực hiện tầm soát ung thư sớm.
- Người có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư dạ dày: ung thư dạ dày do các gen đột biến gây ra, tuy nhiên khả năng di truyền trực tiếp khá thấp mà thường liên quan đến một số yếu tố khác như di truyền viêm teo dạ dày mãn tính; đa polyp tuyến, loét bờ cong nhỏ; sử dụng cùng nguồn nước nguồn thực phẩm ô nhiễm hay lây truyền vi khuẩn Hp từ những người trong gia đình.
- Người có tiền sử mắc các bệnh dạ dày: bệnh nhân đã từng bị viêm loét dạ dày mãn tính; dị sản ruột, người từng thực hiện phẫu thuật cắt dạ dày hay những vấn đề liên quan đến dạ dày kéo dài cần thực hiện tầm soát càng sớm càng tốt.
- Người có chế độ ăn uống thiếu khoa học: người thường xuyên lạm dụng rượu bia; người hút thuốc lá và hít phải khói thuốc lá; người sử dụng thực phẩm kém chất lượng; sống trong khu vực ô nhiễm; người có thói quen ăn mặn, ăn các thực phẩm hun khói; đồ ăn muối chua; chế độ ăn thiếu chất xơ…
- Tính chất công việc: người thường xuyên tiếp xúc với hóa chất, chất thải công nghiệp; người làm việc trong các ngành cao su, than trong thời gian dài..
- Bệnh nhân phát hiện những bất thường liên quan đến dạ dày: thường xuyên đau bụng không rõ lý do, sụt cân nhanh, xuất huyết, nôn ra máu, đi ngoài ra máu, cảm giác có khối u ở bụng…
Đây đều là những đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày, đặc biệt nếu những người có yếu tố này lại trên 50 tuổi thì càng nên thực hiện tầm soát sớm để bảo vệ cho chính bản thân mình. Ngoài ra nếu có điều kiện hơn người bệnh cũng nên tiến hàng thăm khám và tầm soát sớm để phát hiện nguy cơ cũng như có biện pháp can thiệp cho từng trường hợp.
Thực hiện
Với sự phát triển của nền y học, hiện nay có rất nhiều các phương pháp xét nghiệm – chẩn đoán ung thư dạ dày giúp phát hiện sớm và chính xác giai đoạn ung thư. Người bệnh nên tìm đến các cơ sở y tế uy tín, hiện đại, có đầy đủ thiết bị cơ sở vật chất để đảm bảo quá trình xét nghiệm chẩn đoán đạt kết quả chính xác nhất.
Khám lâm sàng
Bệnh nhân muốn thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán đối với bất cứ bệnh nào cũng cần thực hiện khám lâm sàng với bác sĩ chính. Thông qua việc trao đổi về triệu chứng, tiền sử bệnh, tiền sử gia đình, tình trạng sức khỏe bác sĩ mới đưa ra các biện pháp chẩn đoán phù hợp cho từng bệnh nhân.
Tầm soát ung thư dạ dày bằng xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu để chẩn đoán bệnh ung thư dạ dày còn được gọi với thuật ngữ khác là phương pháp tìm dấu ấn ung thư dạ dày ( marker ung thư dạ dày). Thông qua việc coi các chỉ số máu, các chất trong máu bác sĩ có thể tìm thấy như protein đặc biệt do tế bào ung thư gây ra hoặc xác định các gen bình thường (bởi nguyên nhân gây ung thư dạ dày chính là do đột biến gen).
Theo đó việc xét nghiệm máu sẽ chỉ ra các thông số bất thường như
- Chỉ số CA 72-4: là một glycoprotein khá nhạy trong dạ dày, nếu chỉ số này có nồng độ vượt mức 6,9 U / mL sẽ có ung cơ ung thư dạ dày rất cao. Đặc biệt trong tầm soát ung thư dạ dày chỉ số này cho độ đặc hiệu được chuẩn đoán trên 98% và đặc biệt độ nhạy chẩn đoán chính xác khoảng từ 28 cho tới 80% nên rất thường được tiến hành kiểm tra.
- Chỉ số CEA: cũng là một glycoprotein có trong máu có khả năng bám dính hay liên kết với các tế bào. Chỉ số này thường tăng cao ở những bệnh nhân ung thư dạ dày hay ung thư trực tràng, đặc biệt ở những người có thuốc lá.
- Chỉ số CA 19-9: là kháng nguyên carbohydrate thường có nồng độ ổn định nhỏ 37 U/ mL, sự tăng bất thường của chỉ số này cũng liên quan đến ung thư dạ dày, tuy nhiên khoảng 10% bệnh nhân có thể không có dấu hiệu này.
Ngoài ra xét nghiệm máu còn nhằm xác định chỉ số pepsinogen huyết thanh (gồm pepsinogen II (PgI) và pepsinogen II (PgII)) giúp phản ánh tình trạng của dạ dày. Thông thường nếu PgI nhỏ hơn 70ng/ml sẽ cho thấy những vấn đề bất thường tại dạ dày và thuộc đối tượng có nguy cơ cao.
Tuy nhiên xét nghiệm máu không thể hiện được 100% dấu hiệu hay bản chất của ung thư dạ dày nên cần được phối hợp thêm nhiều phương pháp khác để đưa đến kết quả tốt nhất.
Phương pháp nội soi sinh thiết giúp xét nghiệm – chẩn đoán ung thư dạ dày
Nội soi sinh thiết là phương pháp được chỉ định ở hầu hết các bệnh nhân khám bệnh về dạ dày, bao gồm cả ung thư dạ dày. Với phương pháp này bác sĩ sẽ sử dụng một ống nhỏ có gắn camera đưa xuống dạ dày thông qua miệng hoặc mũi để quan sát bên trong dạ dày. Thông qua màn hình hiển thị được phóng to bên trong bác sĩ có thể nhìn thấy những bất thường, tổn thương hay các khối u trên dạ dày.
Nội soi dạ dày sẽ giúp phát hiện các vùng loét, sùi trên bề mặt niêm mạc. Tuy nhiên để xác định có phải khối u ác tính không bác sĩ cũng tiến hành lấy mẫu tế bào trong dạ dày để sinh thiết. Mẫu sinh thiết lấy được sẽ nhanh chóng được đem đi nhuộm và quan sát chi tiết hơn dưới kính hiển vi nhằm xác định các tổn thương là lành tính hay ác tính.
Các máy nội soi hiện đại nhất hiện nay có thể cho độ chính xác có thể đạt tới 90-96%. Đặc biệt bên cạnh phương pháp nội soi truyền thống thường khiến người bệnh đau và khó chịu thì hiện nay còn có phương pháp nội soi không đau. Bác sĩ sẽ tiến hành gây mê trước khi đưa ống nội soi vào bên trong để giảm bớt sự khó chịu cho bệnh nhân. Tuy nhiên phương pháp này có thể gây mất thời gian hơn phương pháp truyền thống.
Một số phương pháp nội soi khác hiện cũng đang được ứng dụng tại một số bệnh viện như
- Nội soi 1/4: mỗi lần chụp hình nội soi sẽ chỉ tập trung vào 1/ 4 dạ dày để có thể cho hình ảnh rõ nét hơn xác định được các tổn thương nhỏ
- Nội soi dải tần ánh sáng hẹp (NBI): bác sĩ sẽ sử dụng ánh sáng với dải mày nhất định để đạt được sự tương phản phù hợp giữ niêm mạc và mô.
- Nội soi nhuộm màu
- Nội soi huỳnh quang
Chụp X quang dạ dày
Chụp X quang sẽ cho phép nhìn thấy các bất thường ở dạ dày từ bên ngoài, có thể nhìn được khối u tuy nhiên không thể hiện được kết quả rõ ràng nên hiện nay thường được ít áp dụng hơn với bệnh nhân ung thư dạ dày. Hầu hết phương pháp này thường được áp dụng khi người bệnh thăm khám tại một số cơ sở y tế không trang bị thiết bị nội soi hay người bệnh không đủ điều kiện sức khỏe để thực hiện nội soi.
Theo đó bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân uống dung dịch có chứa chứa kim loại kiềm Barit trước khi thực hiện X quang dạ dày thực quản. Sau đó bác sĩ sẽ tiến hành đưa vào máy chụp x quang và xem xét hình ảnh rõ nét hơn.
Chụp CT giúp xét nghiệm – chẩn đoán ung thư dạ dày
Chụp CT cắt lớp vi tính cũng là phương pháp được sử dụng chủ yếu trong các phương pháp chẩn đoán ung thư dạ dày vì đem lại kết quả khá chính xác. Thông qua hình ảnh chụp lại được bác sĩ có thể xác định rõ mức độ thương tổn, vị trí, kích thước khối u, mức độ di căn hay đã xâm lấn đến các cơ quan khác hay chưa.
Một ưu điểm khác của xét nghiệm ung thư dạ dày bằng chụp CT chính không can thiệp sâu đến cơ thể nên sẽ không khó chịu khi thực hiện. Tuy nhiên người bệnh có thể gặp các tác dụng phụ không tốt do nhiễm xạ hoặc dị ứng với thuốc cản quang trước khi chụp CT.