Xét nghiệm creatinin
Chỉ số Creatinin là một thuật ngữ y khoa rất quen thuộc trong những vấn đề liên quan đến chức năng thận nói chung cũng như tình trạng suy thận nói riêng.
Tổng quan
Creatinin là sản phẩm của sự thoái hóa creatin phosphat – dạng dự trữ năng lượng có nhiều trong các cơ. Creatinin nội sinh có nguồn gốc chủ yếu từ thận, gan, tụy và được tổng hợp từ Arginin và Methionin. Còn creatinin ngoại sinh có nguồn gốc từ thức ăn dung nạp mỗi ngày.
Creatinin ra khỏi cơ đi vào máu, được thanh thải tại cầu thận rồi sau đó bài xuất ra nước tiểu. Thận đóng vai trò duy trì nồng độ này trong máu ở một phạm vi bình thường. Chất này được đào thải qua thận nên nồng độ của nó phản ánh chính xác chức năng lọc của thận.
Vì vậy, nồng độ Creatinin máu ở trong phạm vi cho phép nếu chức năng lọc cầu thận hoạt động bình thường. Ngoài tình trạng mất nước do sốt cao, chỉ những rối loạn ở thận như viêm cầu thận, hoại tử ống thận cấp tính, viêm bể thận, sỏi thận tắc nghẽn đường nước tiểu,… mới khiến chỉ số này tăng bất thường.
Ngoài ra, sau bữa ăn, Creatinin thường sẽ tăng nhẹ, đặc biệt là sau khi cơ thể dược bổ sung một lượng lớn protein. Creatinin thường thấp nhất lúc 7 giờ sáng và cao nhất lúc 7 giờ tối.
Tại sao nó được thực hiện
Khi chức năng lọc cầu thận giảm, mức độ Creatinin trong máu của bệnh nhân sẽ tăng lên. Chính vì vậy, chẩn đoán và đánh giá chức năng thận, các bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm định lượng Creatinin máu.
Tuy nhiên, tùy từng thời điểm mà lượng creatinin máu có thể bị ảnh hưởng. Lúc này, người bệnh sẽ được chỉ định thêm xét nghiệm đánh giá tốc độ lọc của thận – độ thanh thải Creatinin. Tức là tính toán hàm lượng bao nhiêu Creatinin được đào thải khỏi cơ thể bởi thận.
Xét nghiệm Creatinin trong máu và nước tiểu vẫn luôn được xem là những xét nghiệm sinh hóa cơ bản và được thực hiện một cách thường quy.
Đặc biệt, trong một số trường hợp nhất định sau thì xét nghiệm này sẽ được ưu tiên chỉ định:
- Mệt mỏi, ăn ngủ kém, thiếu tập trung.
- Sưng, phù ở vùng mặt, bụng, tay và mắt cá chân.
- Nước tiểu đậm màu, xuất hiện nhiều bọt hoặc có máu
- Đau vùng hố lưng lan sang 2 bên sườn
- Tăng huyết áp thế đứng.
Ngoài ra, một số đối tượng bệnh nhân nên thực hiện xét nghiệm creatinin định kỳ là:
- Bệnh nhân tiểu đường: tối thiểu 1 lần/năm.
- Bệnh nhân có bệnh lý nền ở thận.
- Người mắc bệnh có thể ảnh hưởng tới chức năng lọc của thận như tăng huyết áp do suy thận, tiểu đường, dùng nhiều thuốc giảm đau chống viêm,…
Nguy cơ
Nhiều bệnh nhân suy thận chỉ phát hiện ra bệnh một cách bị động do các triệu chứng thường dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Đa số các người bệnh khi xét nghiệm cho ra kết quả nồng độ creatinin tăng cao nhưng lại không có biểu hiện cụ thể nào.
Một số triệu chứng bệnh có xuất hiện nhưng biểu hiện không quá rõ ràng như: phù nề chân tay, mệt mỏi, thiếu máu, nước tiểu đậm màu, huyết áp tăng, buồn nôn, da khô,…
Trường hợp tốc độ tăng creatinin cao trong vòng 48 giờ vượt quá ngưỡng 42,5 µmol/l được coi là tình trạng suy thận cấp. Bệnh sẽ tiến triển xấu đi rất nhanh trong thời gian ngắn nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Khi bệnh suy thận có những triệu chứng điển hình trông thấy thì đây cũng là thời điểm bệnh đã chuyển biến xấu. Lúc này, để ổn định được nồng độ creatinin về giới hạn bình thường cần một quá trình rất khó khăn và đòi hỏi những biện pháp nhân tạo để thay thế chức năng thận.
Thực hiện
Các xét nghiệm creatinin máu, creatinin niệu và độ thanh thải creatinin sẽ cho biết thận hoạt động như thế nào.
Xét nghiệm Creatinin máu
Khi bệnh nhân mắc các bệnh lý cấp tính hoặc nghi ngờ về hoạt động của thận thì sẽ được chỉ định xét nghiệm Creatinin máu.
Chỉ số creatinin bình thường trong máu của một người sẽ nằm trong khoảng:
- Nam giới trưởng thành: 74 – 110 µmol/l hoặc 0,6 – 1,2 mg/dl.
- Nữ giới trưởng thành: 58 – 96 µmol/l hoặc 0,5 – 1,1 mg/dl.
- Tuổi vị thành niên:44 – 88,4 µmol/l hoặc 0,5 – 1,0 mg/dl.
- Trẻ em: 26,52 – 61,99 µmol/l hoặc 0,3 – 0,7 mg/dl.
Như vậy có thể thấy chỉ số creatinin sẽ có sự khác nhau ít nhiều ở từng lứa tuổi. Ngoài ra, kết quả xét nghiệm cũng bị ảnh hưởng khi:
- Sử dụng một số loại thuốc khiến nồng độ creatinin trong máu tăng lên như cimetidine, aminoglycosides, thuốc cao huyết áp, hoá trị hay các loại thuốc gây độc cho thận khác như giảm đau chống viêm nhóm NSAIDS.
- Chấn thương cơ làm vỡ hồng cầu và tăng giải phóng Creatinin vào máu
- Phụ nữ mang thai có nồng độ Creatinin thấp hơn bình thường.
Xét nghiệm thanh thải creatinin
Xét nghiệm thanh thải creatinin đánh giá tốt hơn so với xét nghiệm trong máu về việc thận hoạt động như thế nào. Xét nghiệm này được thực hiện trên cả mẫu máu và nước tiểu thu thập trong 24 giờ.
Chỉ số này trong giới hạn cho phép khi:
- Người lớn dưới 40 tuổi: Ở nam: 107 – 139 ml/phút hoặc 1,78 – 2,32 ml/s. Ở nữ: 87 – 107 ml/phút hoặc 1,45-1,78 ml/s (đơn vị SI).
- Trẻ sơ sinh: 40 – 65 ml/phút.
- Bệnh nhân trên 40 tuổi: Chỉ số này giảm 6,5 ml/phút/mỗi 10 năm tuổi.
- Độ lọc cầu thận dự đoán (eGFR): >60 ml/phút/1,73 m2.
Một số yếu tố làm độ thanh thải creatinin thay đổi bất thường có thể kể đến như:
- Tăng nồng độ trong trường hợp mới tập thể dục, mang thai hoặc ở hội chứng cung lượng tim cao.
- Giảm nồng độ khi có suy giảm chức năng thận (xơ vữa động mạch thận, viêm cầu thận, tắc ống dẫn nước tiểu, hoại tử ống thận cấp tính) và các tình trạng gây giảm tốc độ lọc cầu thận (suy tim sung huyết, xơ gan, sốc).
Xét nghiệm xác định tỷ lệ nitơ ure – creatinin trong máu
Xét nghiệm BUN được thực hiện để đo lường hàm lượng ure trong máu. Ure là một sản phẩm bị đào thải tạo ra khi protein phân hủy trong cơ thể. Ure được sản xuất ra ở gan và thông qua nước tiểu ra khỏi cơ thể.
Tỷ lệ này trong khoảng 6 – 25 là bình thường và ở giá trị 15,5 là tốt nhất.
Kết quả
Hiện nay có 4 mức độ suy thận theo Creatinin để đánh giá diễn tiến của bệnh theo cấp độ từ nhẹ đến nặng. Cụ thể là:
- Suy thận độ 1 (mức độ nhẹ nhất, chức năng thận suy giảm 25% so với bình thường): nồng độ creatinin <130 µmol/l hoặc <1.5 mg/dl.
- Suy thận độ 2 (mức độ vừa, chức năng thận suy giảm 50%): 130 – 300 µmol/l hoặc 1.5 – 3.4 mg/dl .
- Suy thận độ 3a (mức độ tiến triển nặng): 300 – 500 µmol/ hoặc 3,5 -6 mg/dl.
- Suy thận độ 3b (mức độ tiến triển bệnh nặng): 500 – 900 µmol/l hoặc 6 – 10 mg/dl.
- Suy thận độ 4 (suy thận giai đoạn cuối, thận gần như không hoạt động): >900 µmol/l hoặc >10 mg/dl.
Khi bệnh suy thận tiến triển đến giai đoạn 3b, người bệnh đã phải tiến hành chạy thận nhân tạo hoặc thẩm phân phúc mạc. Vì lúc này thận đã không thể đảm đương được chức năng vốn có của nó. Nếu không tiến hành các biện pháp thay thế chức năng thận, người bệnh sẽ phải đối mặt với nguy cơ tử vong rất cao.