Vaccine Abdala Dùng Cho Những Đối Tượng Nào Và Hiệu Quả Ra Sao?
Abdala đã trở thành loại vaccine COVID-19 thứ 8 và cũng là loại mới nhất tính tới thời điểm hiện tại được Bộ Y Tế cấp phép cho sử dụng khẩn cấp tại Việt Nam để phòng chống COVID-19. Mặc dù có mức độ phổ biến thấp hơn vaccine Astrazeneca hoặc Pfizer nhưng nó vẫn có những ưu điểm về miễn dịch nhất định.
Vaccin Abdala là gì, do nước nào sản xuất?
Theo thông tin được cung cấp từ Bộ Y Tế, Vaccine COVID-19 Abdala được sản xuất bởi công ty AICA Laboraries, Base Business Unit (BBU) AICA của Cuba. Vaccine được xuất bán thành phẩm và đóng gói cấp 2 tại Trung tâm Kỹ thuật Di truyền và Công nghệ Sinh học (CIGB) – Cuba. Đây cũng là một trong số 5 loại vaccine được Cuba tự phát triển và sản xuất.
Trong mỗi một liều Vaccine Abdala sẽ chứa 50mcg Vaccine protein tái tổ hợp, có chứa vùng liên kết với thụ thể (RBG) của virus SARS-CoV-2, được bào chế dưới dạng hỗn dịch tiêm bắp. Vắc xin Abdala được đóng gói theo quy cách hộp 10 lọ, mỗi lọ có chứa 10 liều và mỗi liều có 0,5ml.
Abdala không phải là vaccine vector và cũng không hoạt động với công nghệ mRNA, thay vào đó nó lại là một loại vaccine protein. Tức là nó mang một phần protein đột biến mà virus SARS-CoV-2 sử dụng để liên kết với các tế bào trong cơ thể con người, qua đó tạo ra biến thể trung hòa và ngăn chặn quá trình hình thành liên kết này.
Theo nguồn thông tin được đưa từ các trang thông tin y khoa PubMed và Precision Vaccinations thì Vaccin Abdala của Cuba là loại vaccine tiểu đơn vị, nó được điều chế chỉ trên một phần kháng nguyên từ miền liên kết thụ thể (RBD) của virus SARS-CoV-2 tăng đột biến protein. Các nhà khoa học cũng đã nghiên cứu bằng cách sử dụng nấm men Pichia pastoris là miền liên kết thụ thể.
Tới giữa tháng 8/2021, Cuba công bố thêm các dữ liệu bổ sung cho thấy “chỉ có 21.000 người” (tương đương 8,0%) trong tổng số 2,5 triệu ngày được tiêm Vaccine Abdala mắc bệnh cho đến nay. Và trong số 21.000 người bị nhiễm virus sau khi tiêm vaccine, có 99 người (chiếm 0,003%) tử vong, được tập đoàn BioCubaFarma công bố vào ngày 12/8.
Xem thêm: Vaccine Vero Cell: Đối tượng, hiệu quả và lưu ý khi tiêm
Vaccine Abdala có thể sử dụng cho nhóm đối tượng nào?
Giới chức Y tế của Cuba đã cho biết Vaccine Abdala của nước này không chỉ mang đến hiệu quả cao mà còn đảm bảo được độ an toàn khi sử dụng. Chủ tịch của BioCubaFarma là ông Eduardo Martinez nhận định, hàng nghìn người đã tiêm loại vaccine này cho thấy “phản ứng miễn dịch mạnh mẽ” trong khi không gây ra bất cứ tác dụng phụ nào.
Trong thời gian gần đây, Cuba cũng đã sử dụng loại vaccine sản xuất nội địa này cho chiến dịch tiêm chủng quốc gia phòng chống Covid-19 đối với trẻ em nhóm từ 2 – 18 tuổi. Trong đó trẻ em từ 12 tuổi trở lên sẽ là đối tượng đầu tiên được tiêm (theo AFP đưa tin). Như vậy, so với các loại vaccine đang được cấp phép hiện nay thì Abdala có nhóm đối tượng được phép sử dụng rộng nhất.
Ưu điểm của Abdala chính là độ an toàn cao. Nếu các loại vaccine cũ được làm từ virus sống hoặc giảm độc lực sẽ tồn tại một số rủi ro, bù lại thì khả năng miễn dịch mạnh mẽ hơn và cơ chế thường là một liều tiện lợi. Tuy nhiên, khi mầm bệnh không phổ biến thì các rủi ro lại thường lớn hơn. Chưa kể đến việc trong một số trường hợp vaccine sống có thể gây ra thay đổi về mặt di truyền, khiến virus hoạt động, gây hại cho cơ thể.
Trong khi đó Abdala là vaccine tiểu đơn vị lại có thể loại bỏ được 2 vấn đề hạn chế này. Thay vì sử dụng toàn mầm bệnh, nó chỉ chứa các mảnh thụ thể của virus, qua đó kích thích miễn dịch cơ thể. Đây được xem là phương án chủng ngừa vô cùng an toàn, có thể sử dụng cho hầu hết các đối tượng, bất kể tình trạng sức khỏe.
Công nghệ điều chế của vaccine
Như đã đề cập đến ở trên, Vaccine Abdala là vaccine tiểu đơn vị, gồm các mảnh (protein) vô hại của nCoV thay vì toàn bộ mầm bệnh. Sau khi được tiêm chủng, cơ thể chúng ta sẽ nhận diện ra các protein ngoại lai, từ đó giúp tự sản sinh ra kháng thể và tế bào bạch huyết nhằm tự bảo vệ (lympho T). Những tế bào này được ghi nhớ và chống lại virus nên chúng xâm nhập vào cơ thể trong tương lai.
Công nghệ điều chế của Abdala là công nghệ truyền thống, nó được sử dụng khá phổ biến cho hầu hết các loại vaccine ở trẻ em như uốn ván, ho gà, bạch cầu hay viêm màng não mô cầu.
Abdala được bảo quản ở nhiệt độ lý tưởng là từ 2 – 8 độ C, thay vì đòi hỏi cần phải có tủ đông như nhiều loại vaccine mRNA khác. Chính ưu điểm này cũng đã giải quyết được nhiều nỗi lo về hậu cần dành cho các khu vực mà điều kiện chưa cho phép. Mặc dù vậy thì vaccine tiểu đơn vị cũng ít có khả năng tạo miễn dịch lâu dài. Để giải quyết thì cần tiêm nhắc lại trong thời gian quy định để chống lại bệnh.
Cuba cũng trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực Mỹ Latin và vùng Caribê phát triển thành công vaccine COVID-19. Đồng thời nước này đã lên kế hoạch sản xuất 100 triệu liều vaccine Abdala ngay trong năm 2021.
Hiệu quả của vaccine Abdala như thế nào?
Theo dữ liệu từ kết quả thử nghiệm lâm sàng, Abdala là một trong những loại vaccine có hiệu quả nhất thế giới, được xếp cùng top với Pfizer/BioNTech (hiệu quả 95%), Sputnik V (hiệu quả 91,6%), Moderna (hiệu quả 94,1%).
Vào tháng 6/2021, tập đoàn dược phẩm nhà nước Cuba là BioCubaFarma đã cho biết Vaccine COVID-19 tự sản xuất là Abdala mang đến hiệu quả đạt 92,28% trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối với tiến trình tiêm 3 mũi. Kết quả này cao hơn rất nhiều của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đề ra ngưỡng là trên 50% đối với vaccine coronavirus.
Vaccine này được nghiên cứu và tiến hành tại miền đông Cuba, thử nghiệm ở giai đoạn đầu và thứ 2 diễn ra tại hài thành phố lớn của nước này Santiago de Cuba. Cho đến giai đoạn thứ ba, các nhà khoa học đã chuyển sang thủ phủ của tỉnh Granma và Guantánamo.
Thử nghiệm được thực hiện trên 48.000 người tham gia, triển khai bằng phương pháp mù đôi có đối chứng, tức cả tình nguyện viên và y bác sĩ tham gia đều không biết mình được tiêm vaccine hay giả dược. Đây cũng được xem là “tiêu chuẩn vàng” trong nghiên cứu khoa học. Trong thử nghiệm, vaccine Abdala được tiêm 3 liều, mỗi liều cách nhau 14 ngày.
Lưu ý trước và sau khi tiêm Abdala và vaccine COVID-19 nói chung
Chất lượng và mức độ hiệu quả của vaccine đã được kiểm định kỹ lưỡng trước khi được cấp phép sử dụng. Tuy nhiên, trong quá trình trước và sau khi tiêm vaccine chúng ta cần lưu ý tới một số yếu tố sau đây để đảm bảo an toàn cho bản thân.
Trước khi tiêm chủng
Trước khi có ý định đăng ký hoặc thông báo yêu cầu tiêm chủng phòng ngừa COVID-19, chúng ta cần:
- Chuẩn bị đầy đủ giấy tờ cần thiết như chứng minh thư/căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế để xác thực thông tin cá nhân, hoặc một số giấy tờ như sổ khám bệnh, giấy ra viện, phiếu tiêm các loại vaccine khác… sử dụng trong thời gian gần đây.
- Tải ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử ngay trên điện thoại thông minh (cả android và IOS) và khai báo các thông tin cần thiết.
- Luôn đeo khẩu trang, sát khuẩn, thực hiện đúng theo thông điệp 5K khi đi tiêm chủng.
- Trước khi tiêm không nên để bụng đói, hãy ăn đủ no và uống nhiều nước.
- Chủ động khai báo cho cán bộ y tế về thông tin sức khỏe cá nhân như: Tình trạng sức khỏe hiện tại, các loại thuốc hay liệu trình điều trị đã và đang sử dụng thời gian gần đây, tiền sử dị ứng hay phản vệ với bất kỳ tác nhân nào, nếu đã tiêm lần 2 cần báo lại các phản ứng sau tiêm, tình trạng nhiễm COVID-19 hoặc virus SARS-CoV-2 nếu có, có đang mang thai hay cho con bú không…
- Chủ động tìm hiểu thông tin hoặc hỏi cán bộ y tế về loại vaccine COVID-19 mà bạn được tiêm và lịch trình cụ thể cho mũi tiếp theo, các dấu hiệu phản vệ có thể xảy ra sau tiêm, cơ sở y tế và số điện thoại cần liên hệ trong trường hợp khẩn cấp…
Sau khi tiêm chủng
Thời điểm sau khi tiêm chủng vô cùng quan trọng, do đó chúng ta cần chú ý làm theo đúng hướng dẫn của nhân viên y tế và một số nội dung khác như:
- Tự theo dõi sức khỏe sau khi tiêm chủng bằng cách ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút sau khi tiêm chủng xong, mục đích là để được cán bộ y tế, theo dõi và sớm phát hiện được các phản ứng phụ sau tiêm, khi về nhà hoặc nơi làm việc cần chủ động theo dõi sức khỏe ít nhất 7 ngày sau tiêm.
- Bạn có thể xuất hiện một số dấu hiệu sau khi tiêm vacxin COVID-19 như: Đau bắp tay, sốt, mệt mỏi, đau đầu, ớn lạnh, bồn chồn… Đây đều là những phản ứng thường gặp, cho biết cơ thể bạn đang tạo ra các kháng thể chống lại virus.
- Một số phản ứng nghiêm trọng, hiếm gặp sau khi tiêm phòng vacxin có thể xảy ra như: Ngứa ở miệng, sưng môi, sưng lưỡi, da nổi phát ban, sưng, tím tái, ngứa họng, căng cứng, tắc nghẽn họng, khản đặc, tiêu chảy, nôn, co thắt đường ruột, thở dốc, thở khò khè, khó thở, mặt yếu, chóng mặt, đứng không vững, chân tay co quắp…
- Các dấu hiệu thông thường cũng có thể diễn biến nặng hơn như sốt cao trên 39 độ C, sưng, đỏ lan rộng tại khu vực tiêm, đau cơ dữ dội, tăng/tụt huyết áp hoặc kẹt huyết áp…
- Sau khi tiêm chủng, nếu bạn gặp các dấu hiệu nghiêm trọng hoặc bất thường kể trên thì nên tới ngay cơ sở y tế để được thăm khám và xử lý kịp thời, hoặc gọi tới đường dây nóng của Bộ Y Tế qua số điện thoại 1900 9095.
Theo đánh giá thì vaccine Abdala là loại vaccine an toàn đối với con người, nó còn có thể sử dụng cho trẻ nhỏ từ 2 tuổi. Đây cũng được xem là điểm sáng trong công cuộc phòng chống đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới. Hy vọng những thông tin có trong bài viết ngày hôm nay sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về loại vaccine này.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!