Ung Thư Phổi Di Căn Xương
Ung thư phổi di căn xương thường làm xuất hiện các khối u ở những vị trí như xương cột sống, xương cánh tay, xương sườn khiến sức khỏe người bệnh suy giảm nghiêm trọng. Nếu không nhanh chóng kiểm soát sẽ thường có tiên lượng rất xấu, thời gian sống của bệnh nhân còn rất ngắn do cơ thể đã quá suy nhược.
Định nghĩa
Ung thư phổi là một căn bệnh có rất nhiều gặp hiện nay, chiếm đến 12% số ca ung thư với tỷ lệ tử vong lên tới 28%. Các nguyên nhân gây ung thư phổi vô vùng đa dạng như hút thuốc hay hít phải khói thuốc lá; nhiễm độc nước; sống trong không khí ô nhiễm trong thời gian dài; môi trường làm việc không đảm bảo.. Trong đó có đến 90% bệnh nhân bị ung thư phổi có liên quan đến thuốc lá.
Có hai dạng ung thư phổi chính là ung thư tế bào nhỏ di căn (SCLC) và ung thư phổi không phải tế bào nhỏ di căn (NSCLC). Trong đó SCLC thường có tốc độ di căn nhanh chóng hơn, đặc biệt là ở các giai đoạn cuối. Các cơ quan dễ bị di căn từ các tế bào ung thư tại phổi thường là hạch bạch huyết, gan, xương, tuyến thượng thận hay não.
Trong đó ung thư phổi di căn xương là một trong những tình trạng cực kỳ thường gặp, có thể đã bắt đầu từ ung thư phổi ở giai đoạn 3. Các tế bào ung thư từ phổi xâm lấn sang xương và tạo ra các khối u ác tính tại xương làm phá hủy xương, khiến xương dễ gãy, người bệnh thường xuyên đau nhức nghiêm trọng. Đây là dạng ung thư xương thứ phát có tỷ lệ mắc bệnh khá cao.
Có đến hơn 50% bệnh nhân ung thư phổi có biến chứng là di căn sang xương kèm theo rất nhiều biến chứng nghiêm trọng. Các vị trí xương thường xuất hiện các tế bào ung thư từ phổi qua là xương cột sống, xương chậu, xương sườn hay xương cánh tay, xương đùi, đôi khi có thể lan lên cả xương sọ vì gần với vị trí phổi nên dễ lây lan nhanh hơn.
Hình ảnh
Triệu chứng
Các triệu chứng khi bị ung thư phổi di căn sang xương thường rõ ràng nhưng đôi khi cũng nhầm lẫn cho rằng đấy là biến chứng của ung thư phổi. Một số vùng xương có thể bị tiêu biến hay phá hủy khiến cơ thể đau nhức nghiêm trọng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chế độ sinh hoạt và làm việc hằng ngày.
Một số triệu chứng điển hình khi bị ung thư phổi di căn sang xương như
- Đau xương âm ỉ, chẳng hạn nếu tế bào ung thư lan sang tay có thể bị có cảm giác tay bị đau nhức trong xương khiến không thể hoạt động cầm nắm như bình thường. Cơn đau xương âm ỉ ngày càng tăng lên về đêm hay khi vận động, đôi lúc dù nghỉ ngơi cũng không thể cải thiện. Tế bào ung thư di căn đến cột sống sẽ khiến việc nằm nghỉ khó khăn do các khối u chèn ép lên xương
- Xuất hiện các khối u bất thường ở các vị xương có tế bào ung thư di căn, có thể nhìn thấy và cảm nhận được ấm nóng, tuy nhiên nếu khối u ở vị trí sâu sẽ khó nhìn thấy
- Khối u phát triển ở xương có thể làm chèn ép tủy sống với các triệu chứng như chân đi lại yếu, ngứa ngáy khó chịu bên trong, suy giảm chức năng ruột hoặc bàng quang .. Nếu không được kiểm soát kịp thời có thể dẫn đến các tổn thương vĩnh viễn
- Tăng nguy cơ gãy xương dù có va chạm rất nhẹ, đây cũng được coi là một trong những triệu chứng khá điển hình của ung thư xương nói chung. Các tế bào ung thư khi đã lan sang xương có tốc độ phát triển cực kỳ nhanh làm xương yếu, mỏng và rất dễ gãy, đôi khi việc bạn lăn lộn trên giường cũng có thể gãy xương.
- Tăng canxi máu do xương bị hủy khiến cho canxi dư thừa được giải phóng vào máu và khiến cho nồng độ máu cao hơn bình thường. Các triệu chứng điển hình của tình trạng này như hoa mắt, buồn nôn, khát nước, yếu cơ..
- Sức khỏe suy yếu nghiêm trọng khiến việc điều trị ung thư phổi hay ung thư xương đều gặp rất nhiều khó khăn
- Tê liệt nửa người tùy theo vị trí di căn, tuy nhiên người bệnh có khả năng cao phải nằm liệt giường
- Sốt cao, mất ngủ, ăn uống không ngon, tiêu cực, khó tiểu, khó thở cũng là một trong những triệu chứng điển hình của ung thư phổi di căn xương
- Bên cạnh đó các triệu chứng ung thư phổi vẫn tiếp tục diễn ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn như đau tức ngực, ho ra máu, khó thở khiến việc nghỉ ngơi hằng ngày cũng không thuận lợi.
Biện pháp điều trị
Như đã nói, ung thư phổi để di căn đến xương thường ở giai đoạn 4 kết hợp với tốc độ di căn của các tế bào ung thư tại xương quá nhanh chóng khiến việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn. Đa phần các liệu pháp điều trị lúc này thường mang mục đích giảm đau đớn, ngăn chặn các biến chứng diễn ra nhanh chóng để nâng cao chất lượng cuộc sống cho những tháng năm cuối đời của người bệnh.
Người bệnh vẫn cần thực hiện đầy đủ các xét nghiệm kiểm tra để xác định chính xác tình trạng sức khỏe, qua đó bác sĩ mới có thể đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Tìm đến các địa chỉ khám, xét nghiệm ung thư xương uy tín cũng là cách giúp bạn kiểm soát bệnh nhanh chóng và an toàn nhất.
Các phương pháp điều trị toàn diện
Hóa trị liệu, Liệu pháp nhắm trúng đích và Liệu pháp miễn dịch đều là những liệu pháp được dùng cho các bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối di căn có tiên lượng xấu nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư không cho di căn, giảm đau đớn và cải thiện chất lượng cuộc sống tạm thời. Các phương pháp này có thể kết hợp cả trước và sau phẫu thuật tùy vào mục đích của bác sĩ.
Tuy nhiên các phương pháp này cũng thường kèm theo nhiều tác dụng phụ như nôn ói, mệt mỏi, suy nhược, rụng tóc nên dễ khiến cơ thể người bệnh suy nhược nhanh hơn. Người bệnh không có sức khỏe ổn sẽ khó đáp ứng được việc điều trị bằng hóa trị hay các liệu pháp này.
Liệu pháp điều trị cục bộ
Các liệu pháp điều trị cục bộ này sẽ chỉ giải quyết các vấn đề liên quan tới xương, không giải quyết các vấn đề liên quan đến phổi. Tùy mức độ nghiêm trọng mà các phương pháp này có thể được sử dụng đơn độc hay kết hợp nhiều liệu pháp cùng lúc. Cụ thể
- Dùng thuốc giảm đau: nhằm mục đích giảm bớt đau đớn cho bệnh nhân khi bị các khối u chèn ép lên xương, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Các thuốc thường được dùng là thuốc chống viêm hoặc morphine, có thể phải dùng với liều cao tùy theo tình trạng. Tuy nhiên các nhóm thuốc này thường kèm theo rất nhiều tác dụng phụ nên cần tuân thủ đúng liều lượng theo chỉ định của bác sĩ.
- Phẫu thuật: nhằm loại bỏ các khối u trên xương, hạn chế được sự chèn ép nên cũng giảm đau đớn đáng kể. Mặt khác bác sĩ cũng thực hiện phẫu thuật để điều chỉnh xương ổn định hơn, hạn chế tình trạng xương tiếp tục bị gãy do tác động từ các khối u
- Xạ trị: sử dụng tia X hay tia năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư, giảm đau đớn và ngăn chặn sự di căn tiếp tục.
- Liệu pháp nhắm đích xương hay điều chỉnh xương: thường sử dụng bisphosphonates (dùng trong điều trị loãng xương) và denosumab để tiêu diệt được các tế bào ung thư trên xương, góp phần giúp xương ổn định hơn
- Liệu pháp điều trị bằng hạt nhân phóng xạ: thống kê cho thấy có đến khoảng 75% người bệnh được áp dụng phương pháp này trong khoảng 1–5 tuần có thể giảm đau đáng kể nên cũng đang được ứng dụng rất nhiều hiện nay.
- Phương pháp điều trị thay thế: hiện nay một số bệnh viện đang áp dụng giữa các liệu pháp điều trị ung thư và châm cứu để đem đến sự dễ chịu hơn cho bệnh nhân
Tùy theo từng tình trạng người bệnh, việc điều trị sẽ được lên phác đồ khác nhau, có thể kết hợp đồng thời nhiều phương pháp. Người bệnh ung thư phổi di căn xương cần tuân thủ tuyệt đối các chỉ định từ bác sĩ chuyên môn đồng thời thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe để có thể đáp ứng tốt nhất các liệu pháp này.
Chăm sóc tâm lý và sinh hoạt hằng ngày
Một vấn đề thường gặp ở các bệnh nhân ung thư nói chung chính là có tâm lý vô cùng tiêu cực, chán nản, tuyệt vọng, không ăn uống nếu khiến cơ thể suy nhược nhanh chóng. Nếu không có sức khỏe tốt, cơ thể ổn định thì rất khó để đáp ứng điều trị với hóa trị, xạ trị hay các phương pháp khác một các tốt nhất.
Nhận thấy vai trò của tinh thần trong điều trị ung thư, hiện nay rất nhiều bệnh viên đã có hoạt động giúp bệnh nhân ung thư thư giãn tinh thần, loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực. Người bị ung thư phổi di căn xương nếu quá bi quan thường được bác sĩ khuyến khích nên gặp gỡ nhà trị liệu tâm lý để được giải tỏa căng thẳng, vững tin hơn vào tương lai, nhờ đó nên cao hiệu quả điều trị.
Dù vậy khi cơ thể mệt mỏi, đau đớn, ăn uống khó khăn,tiên lượng không tốt thì rất khó để người bệnh có thể trở nên lạc quan. Sự hỗ trợ của gia đình, người chăm sóc lúc này mang đến một ý nghĩa quan trọng để người bệnh có những giai đoạn cuối đời vui vẻ, hạnh phúc. Thực tế nếu đáp ứng tốt với các liệu pháp điều trị, tinh thần lạc quan thì bạn hoàn toàn có thể kéo dài cuộc sống lâu hơn so với tiên lượng của bác sĩ.
Gia đình nên trao đổi với bác sĩ về chế độ ăn uống, sinh hoạt, chăm sóc phù hợp để đảm bảo phù hợp nhất với tình trạng của bệnh nhân. Bên cạnh đó cũng cần không ngừng động viên người bệnh tích cực, trò chuyện, chia sẻ hay đưa người bệnh đi dạo thường xuyên, đáp ứng các mong muốn của bệnh nhân cũng là điều rất nên làm.
- Chuyên gia
- Cơ sở