Viêm Gan B Có Chữa Được Không? Các Cách Điều Trị Bệnh
Đánh giá khả năng chữa khỏi bệnh viêm gan B cần dựa trên thể bệnh:
- Viêm gan B cấp tính (thời gian nhiễm HBV dưới 6 tháng) có thể tự khỏi theo thời gian nhờ hệ miễn dịch của người bệnh.
- Viêm gan B mãn tính (thời gian nhiễm HBV trên 6 tháng) không thể chữa khỏi hoàn toàn, chỉ có thể ức chế sự phát tán và tấn công của virus viêm gan B.
Trường hợp người bị viêm gan B mãn tính có nhóm virus không hoạt động thì chưa cần can thiệp điều trị mà phải theo dõi định kỳ.
Viêm gan B có chữa được không?
Viêm gan B là một bệnh nguy hiểm có tính lây nhiễm cao do siêu vi B (HBV) gây ra. Đến thời điểm hiện nay, CHƯA CÓ cách điều trị dứt điểm bệnh viêm gan B nào được công bố. Người bệnh khi điều trị viêm gan B chỉ có thể ức chế sự phát tán và lan rộng của virus viêm gan B cũng như thuyên giảm các triệu chứng, tăng cường bảo vệ hoạt động của gan.
Mặc dù không có phương pháp điều trị dứt điểm nhưng trong một số trường hợp, người bệnh có thể tự khỏi bệnh. Kết quả này phụ thuộc vào loại viêm gan B người bệnh mắc phải. Cụ thể:
Viêm gan B cấp tính
- Người bệnh bị nhiễm virus viêm gan B dưới 6 tháng, xuất hiện các triệu chứng trong khoảng 1-4 tháng sau khi nhiễm bệnh như: Mệt mỏi, đau bụng phải, buồn nôn, vàng da.
- 95% viêm gan B cấp tính có thể tự khỏi nếu hệ miễn dịch của người bệnh đủ tốt, đảm bảo chế độ ăn uống, lối sống khoa học. Tỷ lệ viêm gan B cấp tính phát triển lên mãn tính chỉ có 0,1% – 0,5%.
Viêm gan B mãn tính
- Người bệnh bị nhiễm virus viêm gan B trên 6 tháng, thường không có triệu chứng hoặc xuất hiện triệu chứng không đặc hiệu: Tăng men gan, buồn nôn, chán ăn.
- Người bệnh có nhóm virus viêm gan B không hoạt động: Theo dõi định kỳ và chưa cần can thiệp điều trị.
- Người bệnh có nhóm virus viêm gan B hoạt động: Cần điều trị chuyên sâu ngăn chặn HBV phát triển nhưng không thể chữa khỏi hoàn toàn, tỷ lệ chữa khỏi cực kỳ thấp.
Viêm gan B điều trị như thế nào cho an toàn, hiệu quả?
Quá trình điều trị viêm gan B sẽ tùy thuộc vào tình trạng hoạt động của virus viêm gan B và chức năng, tình trạng gan của từng bệnh nhân cụ thể. Trong đó có một số phương pháp hiện đang được sử dụng phổ biến và mang đến nhiều hiệu quả tích cực như:
Sử dụng thuốc
Hiện nay, để điều trị viêm gan B chuyên sâu chúng ta sẽ được chỉ định sử dụng đến 2 nhóm thuốc. Gồm:
Nhóm thuốc tác động tới hệ miễn dịch của cơ thể
- Thymosin, corticoid, levamisol và các cytokine: Đây là những loại thuốc từng được dùng rộng rãi trong điều trị viêm gan B, tuy nhiên hiệu quả đạt được chưa thực sự cao.
- Interferon: Là một chất vốn sẵn có trong cơ thể người, khi người bệnh bị nhiễm virus viêm gan B, một số tế bào sẽ sản xuất ra thêm chất này để chống lại virus. Chức năng chính của Interferon là tiêu diệt các tác nhân gây bệnh, vì vậy mà virus siêu vi B sẽ bị tiêu diệt tương tự như cơ chế đào thải tự nhiên của cơ thể con người.
Nhóm kháng virus NAs
Các loại thuốc thuộc nhóm này có tác dụng ức chế polymerase – một loại men xúc tác cho quá trình sao chép ADN của virus. Chính nhờ đó mà nó có thể ức chế virus nhân lên và lan rộng. Tuy nhiên, nhóm thuốc này rất khó có thể loại bỏ được HBsAg sau 1 năm điều trị, vậy nên chúng thường được chỉ định sử dụng trong thời gian lâu dài, gây ra nguy cơ tăng tỉ lệ kháng thuốc do virus.
Nhìn chung, đa phần các loại thuốc tân dược dùng để điều trị viêm gan B sẽ xuất hiện tác dụng phụ thường xuyên, tỉ lệ chuyển đổi HBsAg thấp, tác dụng ức chế virus HBV trong quá trình điều trị ngắn bằng nhóm thuốc kháng virus NAs lại không kéo dài mà khi dùng kéo dài thì tỉ lệ kháng thuốc lại tăng cao…
Bên cạnh đó, chi phí để điều trị bằng thuốc cũng là rào cản lớn đối với nhiều bệnh nhân hiện nay. Chẳng hạn như một liệu trình 6 tháng điều trị với Interferon có giá rơi vào khoảng 150 triệu đồng. Đây là một mức chi phí khá lớn với đa phần người dân hiện nay.
Điều trị bằng Đông y
Theo Y học cổ truyền, nguyên nhân gây viêm gan B là do công năng của tỳ vị, can bị rối loạn, gây ra những ảnh hưởng xấu tới âm huyết hoặc tân dịch, từ đó gây ra những ảnh hưởng xấu đối với hoạt động của cơ thể. Dựa trên nguyên lý này, trong Đông y có nhiều bài thuốc mang lại hiệu quả cao trong việc điều trị vào nguyên căn gây bệnh như:
Trị thể can nhiệt tỳ thấp
Biểu hiện của nó là viêm gan kèm theo vàng da kéo dài, người bệnh thường xuyên thấy đắng miệng, chán ăn, trướng bụng, ngực sườn đầy tức, đau nóng tại vùng gan, da sạm, miệng khô nhợt nhạt, tiểu tiện ít, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch huyền… Phương pháp chữa sẽ tập trung vào thanh nhiệt lợi thấp, kiện tỳ trừ thấp, thoái hoàng. Người bệnh có thể dùng:
- Bài thuốc 1: 20g nhân trần, 16g ý dĩ, chi tử, đinh lăng, hoài sơn, biển đậu, rễ cỏ tranh, sa tiền tử, ngũ gia bì mỗi loại 12g, ngưu tất, uất kim mỗi loại 8g, dùng để sắc uống mỗi ngày 1 thang.
- Bài thuốc 2 (Nhân trần ngũ linh tán gia giảm): 20g nhân trần, 16g đẳng sâm, sa tiền, bạch truật, phục linh, trạch tả, ý dĩ mỗi loại 12g, dùng sắc uống mỗi ngày 1 thang.
- Bài thuốc 3 (Hoàng cầm hoạt thạch thang gia giảm): 20g nhân trần, 16g kim ngân, hoàng cầm, hoạt thạch, đại phúc bì, mộc thông mỗi loại 12g, phục linh, trư linh, bạch đậu khấu mỗi loại 8g, 4g cam thảo, dùng sắc uống mỗi ngày 1 thang.
Can uất tỳ hư, khí trệ
Thường gặp ở người bệnh bị viêm gan mạn do viêm gan siêu vi gây ra. Các triệu chứng phổ biến kèm theo thường là đau mạn sườn phải, ngực sườn đau tức, người mệt mỏi, đại tiện ra phân nát, miệng đắng, chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi mỏng, mạch huyền, ăn không ngon… Cách trị sẽ tập trung vào việc sơ can kiện tỳ lý khí, người bệnh có thể sử dụng một trong các bài thuốc sau đây:
- Bài thuốc 1: Ý dĩ, đinh lăng, hoài sơn mỗi loại 16g, rau má, mướp đắng, biển đậu mỗi loại 12g, thanh bì, chỉ thực, uất kim, hậu phác mỗi loại 8g, dùng sắc uống mỗi ngày 1 thang.
- Bài thuốc 2 (Sài hồ sơ can thang gia giảm): 12g sài hồ, bạch thược, xuyên khung, đại táo mỗi loại 8g, chỉ thược, hậu phác, cam thảo, đương quy mỗi loại 6g, dùng sắc uống mỗi ngày 1 thang.
- Bài thuốc 3 (Sài thược lục quân thang): Bạch truật, đẳng sâm, sài hồ, bạch thược mỗi loại 12g, 8g phục linh, cam thảo, trần bì, bán hạ mỗi loại 6g, dùng sắc uống mỗi ngày 1 thang.
Thể can âm bị thương tổn
Với thể này, người bệnh có biểu hiện đầu óc choáng váng, hồi hộp, tim đập nhanh, ngủ ít, hay mê man, lòng bàn tay, bàn chân nóng đỏ, táo bón, nước tiểu vàng, chất lưỡi đỏ, mạch huyền sắc. Phương pháp này tập trung vào tư âm dưỡng can, người bệnh có thể dùng một trong số những bài thuốc sau đây:
- Bài thuốc 1: Huyết dụ, hoài sơn, ý dĩ mỗi loại 16g, sa sâm, mạch môn, thục địa, kỷ tử, hà thủ ô mỗi loại 12g, thiên môn, tang thầm mỗi loại 8g, dùng để sắc uống mỗi ngày 1 thang.
- Bài thuốc 2 (Nhất quán tiễn gia giảm): Sa sâm, sinh địa, nữ trinh tử, mạch môn, bạch thược, kỷ tử, hà thủ ô mỗi loại 12g, đem sắc uống mỗi ngày 1 thang. Trường hợp mất ngủ nặng có thể thêm 10g táo nhân, sốt hâm hấp cho thêm 12g gia địa cốt bì và 8g thanh hao.
Thế khí trệ huyết ứ
Thường gặp ở thể viêm gan mạn có đi kèm với một vài triệu chứng như tăng áp lực tĩnh mạch chủ, người bệnh còn kèm theo sắc mặt tối sạm, lưỡi tím, môi thâm, lách to, nước tiểu vàng ít, đại tiện phân nát, người gầy gò, ốm yếu, kém ăn, tuần hoàn máu bằng hệ bụng, chất lưỡi đỏ hoặc có điểm ứ huyết, rêu lưỡi vàng dính… Khi này cần trị vào sơ can lý khí hoạt huyết, người bệnh có thể áp dụng một số bài thuốc sau đây:
- Bài thuốc 1: Kê huyết đằng, cỏ nhọ nồi, sinh địa mỗi loại 12g, uất kim, tam lăng, nga truật, chỉ xác mỗi loại 8g, 16g mẫu lệ, 10g quy bản, sắc lấy nước uống mỗi ngày 1 thang.
- Bài thuốc 2 (Tứ vật đào hồng gia giảm): Bạch thược, xuyên khung, đan sâm mỗi loại 12g, đương quy, đào nhân, hồng hoa, diên hồ sách mỗi loại 8g, dùng sắc uống mỗi ngày 1 thang. Nếu trong trường hợp lách to thì thêm tam lăng, nga truật mỗi loại 12g, mai ba ba, mẫu lệ mỗi loại 20g.
Dùng phương pháp dân gian
Khi viêm gan B đang ở giai đoạn cấp tính, chưa gây ra nhiều ảnh hưởng đối với người bệnh, đồng thời chưa có biến chứng nghiêm trọng nên người bệnh có thể áp dụng một số phương pháp điều trị tại nhà theo dân gian sau đây:
Dùng cây diệp hạ châu
Diệp hạ châu hay còn được gọi là chó đẻ, đây là loại cây mọc dại có thể dễ dàng bắt gặp tại những vùng đất hoang, đồng ruộng… Theo Đông y, nó có vị ngọt, tính hàn, có công dụng thông huyết, thanh nhiệt, tiêu độc rất tốt. Mặt khác, trong thành phần của diệp hạ châu cũng chứa nhiều hoạt chất chống lại virus viêm gan B đã được khoa học chứng minh và công nhận.
Cách dùng: Chuẩn bị khoảng 20g diệp hạ châu, đem sao khô rồi sắc lấy 3 lần nước, trộn các lần nước lại với nhau, thêm một chút đường và đun sôi, dùng nước này để uống trong 4 buổi hàng ngày.
Dùng cây cà gai leo
Một mẹo khác được dân gian lưu truyền chữa viêm gan B khá hữu hiệu chính là dùng cây cà gai leo. Bởi trong loại cây này có chứa nhiều hoạt chất Glycoalcaloid, có khả năng làm giảm và ức chế hoạt động của virus viêm gan B, giúp phục hồi nhanh chóng chức năng của gan.
Cách dùng: Chuẩn bị 30g cà gai leo, 10g dừa cạn và 10g diệp hạ châu, toàn bộ đem sao vàng rồi sắc lấy nước uống hàng ngày.
Dùng cây lá gan
Cây lá gan là loại cây chuyên được sử dụng để trị các bệnh về gan, giải độc bia rượu và đặc biệt tối đối với những người bị viêm gan B. Loại cây này sinh trưởng chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Điện Biên, Hòa Bình, Sơn La, Bắc Kạn, Phú Thọ… Đặc biệt, nó có tác dụng đào thải độc tố trong cơ thể, kiểm soát và ức chế sự hình thành của các tế bào gây bệnh viêm gan B, gan nhiễm mỡ, xơ gan, phá hủy Cholesterol gây hại tới gan…
Cách dùng: Phương pháp phổ biến được đồng bào Tây Bắc sử dụng để trị bệnh đó là đun nước cây lá gan để tắm hàng ngày, hoặc sắc thành nước uống bồi bổ cho gan, tăng cường sức khỏe mỗi ngày.
Dùng cây an xoa
An xoa là vị thuốc Nam được phát hiện bởi dân tộc người Miên thuộc tỉnh Bình Phước. Ngoài ra, loại cây này còn được gọi với nhiều cái tên khác như: Dó lông, tổ kén cái bởi hình dạng bên ngoài của nó.
Sở dĩ nó được dùng để trị viêm gan B là nhờ vào các hoạt chất Alcaloid và Flavonoid dồi dào, có khả năng hỗ trợ kháng lại ung thư, ngăn chặn sự phát triển của các khối u, bảo vệ gan nhờ vào tác dụng chống oxy hóa. Bên cạnh đó, an xoa còn chứa enzyme cùng nhiều hoạt chất quý khác, giúp người bệnh có thể hồi phục sức khỏe một cách nhanh chóng.
Cách dùng: Chuẩn bị 50g an xoa, 30g cà gai leo, 30g bán chi liên, đen đi rửa sạch rồi cho vào sắc cùng với nước, nên kiên trì uống mỗi ngày 1 chén trong khoảng 2 – 3 tháng liên tục.
Viêm gan B không thể chữa khỏi hoàn toàn nên mọi người cần chủ động phòng tránh để bảo vệ sức khỏe bản thân một cách tốt nhất. Qua những chia sẻ trên mong rằng giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về các phương pháp hỗ trợ điều trị viêm gan B cũng như chủ động phòng tránh, bảo vệ sức khỏe bản thân tốt nhất.