Dấu Hiệu Sắp Có Kinh Và Có Thai: Điểm Giống, Khác Nhau
Các dấu hiệu sắp có kinh và có thai thường tương tự nhau và gây khó khăn cho nhiều phụ nữ trong việc phân biệt. Đôi khi các triệu chứng tiền kinh nguyệt có thể rất giống dấu hiệu mang thai sớm. Do đó, bạn nên tìm hiểu các dấu hiệu để có biện pháp xử lý phù hợp.
Dấu hiệu sắp có kinh nguyệt và có thai có giống nhau không?
Trước khi có kinh nguyệt, hầu hết các phụ nữ đều gặp Hội chứng tiền kinh nguyệt. Đây là một nhóm các dấu hiệu và triệu chứng liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt. Thông thường có triệu chứng xuất hiện trong vòng 2 tuần trước khi xuất hiện kinh nguyệt và được cải thiện khi kinh nguyệt bắt đầu.
Đôi khi các triệu chứng tiền kinh nguyệt rất giống như với dấu hiệu sớm khi mang thai. Trên thực tế, các dấu hiệu sắp có kinh và có thai thường tương tự nhau. Cụ thể, điểm giống nhau giữa hai tình trạng này thường bao gồm:
- Nhức đầu: Nhức đầu có thể là triệu chứng của thai kỳ nhưng nhiều phụ nữ trước khi có kinh cũng có thể bị đau đầu hoặc đau nửa đầu.
- Đau lưng: Đau lưng các triệu chứng xuất hiện các chu kỳ kinh nguyệt đến đến. Tuy nhiên, một số người cũng có thể bị đau lưng khi bào thai làm tổ ở niêm mạc tử cung.
- Thay đổi tâm trạng: Cả mang thai và sắp có kinh đều có thể khiến phụ nữ thay đổi tâm trạng. Nhiều người có thể trở nên dễ nổi giận, lo lắng, khóc lóc, trầm cảm hoặc khó chịu nói chung.
- Táo bón: Hormone progesterone có thể dẫn đến rối loạn tiêu hóa và táo bón. Nồng độ progesterone thường tăng trong nửa sau của chu kỳ kinh nguyệt. Do đó nhiều phụ nữ có thể gặp tình trạng táo bón trước khi có kinh nguyệt. Tương tự như vậy, sự thay đổi nội tiết tố ở thai kỳ cũng có thể dẫn đến táo bón.
- Đi tiểu nhiều: Phụ nữ sắp có kinh và phụ nữ mang thai đều đi tiểu nhiều lần hơn trong ngày.
- Căng và đau ngực: Đau, sưng ngực và đầu vú cũng thể xảy ra trong chu kỳ kinh nguyệt hoặc là dấu hiệu của thai kỳ. Bên cạnh đó, một số người có thể cảm thấy nặng ở ngực, đau hoặc mẩn cảm ở ngực khi mang thai và sắp có kinh.
Phân biệt dấu hiệu sắp có kinh và có thai
Mặc dù các dấu hiệu sắp có kinh và có thai thường dễ nhầm lẫn nhưng bạn vẫn có thể phân biệt thông qua một số biện pháp như:
1. Đau ngực
Mô ngực là các mô dày, đặc biệt là ở khu vực bên ngoài. Một người phụ nữ có thể cảm thấy đau hoặc khó chịu ở đầu ngực trước chu kỳ kinh nguyệt và khi mang thai.
Khi sắp có kinh nguyệt, phụ nữ thường bị đau và sưng ngực. Cơn đau có thể từ nhẹ đến nghiêm trọng và thường nghiêm trọng nhất trong chu kỳ kinh nguyệt. Bên cạnh đó, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản thường có xu hướng đau ngực nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, cơn đau thường có xu hướng được cải thiện sau vài ngày khi nồng độ progesterone giảm xuống.
Khi mang thai ngực có thể cảm thấy đau đớn, nhạy cảm khi chạm vào. Ngoài ra, phụ nữ mang thai có thể cảm thấy ngực đầy đặn và nặng nề hơn trong thời gian đầu sau khi mang thai. Các cơn đau và sưng ở ngực thường bắt đầu 2 tuần sau khi thụ thai và có thể kéo dài trong suốt một thời gian. Điều này thường là do nồng độ progesterone tăng lên khi mang thai.
2. Chảy máu âm đạo
Đối với chu kỳ kinh nguyệt, một số phụ nữ không bị chảy máu âm đạo hoặc xuất hiện các đốm máu trong thời kỳ tiền kinh nguyệt. Khi có kinh nguyệt, dòng chảy của máu sẽ nặng hơn đáng kể và kéo dài trong suốt 5 – 7 ngày liên tục.
Khi mang thai, một số người có thể bị chảy máu âm đạo nhẹ hoặc tiết dịch âm đạo màu hồng, nâu sẫm. Các triệu chứng thường xảy ra trong 10 – 14 ngày sau khi thụ thai. Lượng máu âm đạo do mang thai thường rất ít, không đủ để lấp đầy một miếng băng vệ sinh hàng ngày. Ngoài ra, thời gian chảy máu thường chỉ kéo dài trong 1 hoặc 2 ngày thay vì 5 – 7 ngày như chu kỳ kinh nguyệt bình thường.
3. Thay đổi tâm trạng
Phụ nữ sắp có kinh thường dễ nổi giận, khó chịu hoặc nhạy cảm và dễ lo lắng. Các triệu chứng này thường được cải thiện khi chu kỳ kinh nguyệt bắt đầu. Bên cạnh đó, một số động tác thể dục, vận động, nghỉ ngơi đầy đủ có thể cải thiện các triệu chứng này.
Ở phụ nữ mang thai, tình trạng thay đổi tâm trạng có thể kéo dài đến khi sinh con. Bên cạnh đó, cảm xúc ở phụ nữ mang thai thường không rõ ràng, có thể là lo lắng về gia đình mới, các mối quan hệ xã hội hoặc vui vẻ, mong chờ thành viên mới của gia đình.
Ngoài ra, bất kể là sắp có kinh hay mang thai, việc thay đổi tâm trạng có thể tăng nguy cơ trầm cảm. Do đó, nếu cảm thấy lo lắng về các triệu chứng hoặc các dấu hiệu trầm cảm, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
4. Buồn nôn
Trước chu kỳ kinh nguyệt, thông thường phụ nữ thường không cảm thấy buồn nôn. Tuy nhiên, đối với trường hợp chậm kinh, phụ nữ có thể cảm thấy một số vấn đề khó chịu về đường tiêu hóa bao gồm đau bụng và buồn nôn.
Ở phụ nữ mang thai ốm nghén là dấu hiệu phổ biến và rõ ràng nhất. Ốm nghén thường bắt đầu từ những cơn buồn nôn, xuất hiện trong vòng 1 tháng sau khi thụ thai. Tuy nhiên, một số phụ nữ mang thai có thể không bị ốm nghén.
5. Mệt mỏi
Mệt mỏi là dấu hiệu sắp có kinh và có thai phổ biến.
Khi sắp có kinh, phụ nữ thường gặp tình trạng mệt mỏi, khó ngủ cũng như rối loạn giấc ngủ. Những triệu chứng này thường được cải thiện khi kỳ kinh nguyệt bắt đầu. Bên cạnh đó tập thể dục cũng có thể cải thiện các triệu chứng, hạn chế tình trạng mất ngủ và giảm bớt sự mệt mỏi.
Ở phụ nữ mang thai, nồng độ hormone progesterone tăng cao có thể gây mệt mỏi kéo dài. Tình trạng này có thể nghiêm trọng hơn trong 3 tháng đầu của thai kỳ, tuy nhiên cũng có thể kéo dài trong suốt thai kỳ. Để cải thiện các triệu chứng, thai phụ có thể ăn uống lành mạnh và ngủ nhiều hơn.
6. Thèm ăn
Trước chu kỳ kinh nguyệt, phụ nữ có thể bị thay đổi thói quen ăn uống. Thông thường bạn có thể thèm chocolate, carbohydrate, đường và đồ ngọt nói chung. Tuy nhiên, một số người có thể thèm thức ăn mặn và các món khác một cách cuồng nhiệt.
Ở phụ nữ mang thai, cảm giác thèm ăn có thể đặc biệt cao. Tuy nhiên, bạn chỉ có hứng thú với một số món ăn và hoàn toàn không quan tâm đến các loại thực phẩm khác. Ngoài ra, phụ nữ mang thai có thể có ác cảm với một số món ăn, mùi vị nhất định, kể cả đối với món ăn từng rất yêu thích. Cảm giác này có thể kéo dài trong suốt thai kỳ và có thể dẫn đến thay đổi thói quen ăn uống sau khi sinh con.
Ngoài ra, một số người có thể phát triển Hội chứng Pica, là tình trạng thèm ăn những món ăn không có giá trị dinh dưỡng. Các món ăn này có thể bao gồm nước đá, bụi bẩn, bánh xà phòng, mảng sơn khô hoặc vụn kim loại gỉ sét. Nếu bạn có dấu hiệu thèm ăn những đồ vật phi thực phẩm, nên đến bệnh viện ngay lập tức.
7. Đau quặn bụng
Ở phụ nữ sắp có kinh nguyệt, tình trạng chuột rút hoặc đau quặn bụng được gọi là đau bụng kinh. Tình trạng này thường xảy ra trong 24 – 48 giờ trước khi có kinh. Cơn đau có thể kéo dài trong suốt chu kỳ kinh nguyệt, thường nghiêm trọng trong 1 – 2 ngày đầu và được cải thiện sau đó. Tình trạng đau bụng kinh sẽ biến mất khi kỳ kinh nguyệt kết thúc.
Ngoài ra, đau bụng kinh thường được cải thiện sau khi mang thai lần đầu hoặc khi cơ thể lão hóa. Tuy nhiên, một số phụ nữ có thể gặp các cơn đau bụng kinh dữ dội hôn khi bước vào thời kỳ mãn kinh.
Ở phụ nữ mang thai, cơn đau bụng có thể xuất hiện âm ỉ trong đầu thai kỳ. Các cơn đau thường không nghiêm trọng và thường giống như cơn đau dạ dày. Bên cạnh đó, các cơn đau thường xuất hiện ở bụng dưới, vùng chậu hoặc lưng dưới.
Nếu có tiền sử sẩy thai, bạn nên dành thời gian nghỉ ngơi và đến bệnh viện để kiểm tra các triệu chứng. Cơn đau có thể kéo dài trong vài tuần đến vài tháng khi mang thai. Do đó, nếu các cơn đau trở nên nghiêm trọng hoặc có dấu hiệu xuất huyết âm đạo, bạn nên đến bệnh viện ngay lập tức.
Các dấu hiệu chỉ có ở phụ nữ mang thai
Các dấu hiệu sắp có kinh và có thai có thể giống nhau. Tuy nhiên, có một số triệu chứng chỉ xuất hiện ở phụ nữ mang thai hoặc sắp mang thai. Tuy nhiên, các tốt nhất để xác định khả năng mang thai là thử thai và đến bệnh viện thực hiện các xét nghiệm.
Một số dấu hiệu chỉ xuất hiện ở phụ nữ có thai thường bao gồm:
1. Trễ kinh nguyệt
Mất một chu kỳ kinh nguyệt là dấu hiệu mang thai rõ ràng nhất. Những phụ nữ trễ chu kỳ kinh 1 tuần thường có khả năng mang thai tương đối cao, do đó đến bệnh viện thực hiện các xét nghiệm liên quan.
Tuy nhiên, trễ kinh có thể liên quan đến một số nguyên nhân và tình trạng y tế khác như:
- Stress
- Thiếu cân, suy dinh dưỡng
- Có các bệnh lý phát triển ở buồng trứng
- Thay đổi biện pháp kiểm soát sinh sản
- Có một số điều kiện y tế như bệnh tuyến giáp hoặc bệnh tiểu đường
- Mãn kinh hoặc mãn kinh sớm
2. Ốm nghén
Buồn nôn có thể là dấu hiệu sắp có kinh và có thai. Tuy nhiên ốm nghén là dấu hiệu xuất hiện ở 80% phụ nữ mang thai. Buồn nôn và nôn thường bắt đầu xuất hiện ở tuần thứ 9 của thai kỳ.
Thông thường các cơn ốm nghén sẽ giảm dần trong 3 tháng giữa của thai kỳ. Tuy nhiên, một số phụ nữ có thể ốm nghén trong suốt thai kỳ và một số phụ nữ có thể không bị ốm nghén khi mang thai.
3. Thay đổi đầu vú
Thay đổi cấu trúc ngực có thể là dấu hiệu sắp có kinh và có thai. Tuy nhiên, thay đổi đầu vú (núm vú) chỉ xuất hiện ở phụ nữ mang thai.
Nếu vầng vú, vùng da xung quanh núm vú trở nên to hơn, màu tối hơn, đây có thể là dấu hiệu của thai kỳ. Tình trạng này có thể xảy ra sau 1 – 2 tuần sau khi thụ thai.
Thời gian thụ thai và làm tổ trong niêm mạc tử cung thường là 2 tuần. Do đó, nếu xuất hiện các dấu hiệu mang thai và có phát sinh quan hệ tình dục trong khoảng thời gian này, bạn nên thực hiện các biện pháp thử thai hoặc đến bệnh viện thực hiện xét nghiệm.
“Điều quan trọng là bạn cần nắm rõ các dấu hiệu sắp có kinh và có thai để phân biệt hai tình trạng này. Nếu đang mang thai, bạn cần phát hiện sớm để có biện pháp chăm sóc phù hợp. Cách tốt nhất để phân biệt có kinh và có thai là thử thai hoặc xét nghiệm thai. Do đó, nếu cảm thấy nghi ngờ hoặc lo lắng, hãy đến bệnh viện để kiểm tra“, bác sĩ Đỗ Thanh Hà cho biết.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!