Đan Sâm: Thành Phần, Công Dụng, Cách Dùng Và Giá Bán Chi Tiết Nhất
Đan sâm là một trong những loại dược liệu quý hiếm với tác dụng giải khí trệ và khí ứ, bổ huyết. Ngoài ra nó còn giúp trị kinh nguyệt không đều, mất kinh, bế kinh, đau bụng kinh, suy tim… hoặc được tận dụng để làm giảm các cơn đau do viêm khớp cấp, thấp khớp thể nhiệt và hàn.
Từ lâu đan sâm đã được biết đến là một trong những vị thuốc quý hiếm trong Đông y, nó mang đến công dụng tuyệt vời đối với việc chữa bệnh, bồi bổ cơ thể, tăng cường hệ miễn dịch và hỗ trợ điều trị rất nhiều bệnh lý khác. Ngoài ra đan sâm cũng là “thần dược gối đầu” của người già, người bệnh, ốm yếu, vậy tác dụng của nó là gì, có thực sự tốt hay không, phải dùng như thế nào cho hiệu quả?
Đan sâm là gì? Đặc tính dược liệu
Đan sâm là tên thường gọi của rễ cây đan sâm, tên khoa học của nó là Salvia miltiorrhiza Bge thuộc họ Lamiaceae. Ngoài ra, loại cây này còn được gọi bằng các tên khác như tử đan sâm, huyết sâm, xích sâm, huyết căn… Đan sâm được trồng nhiều tại một số tỉnh của Trung Quốc như: Sơn Tây, An Huy, Tứ Xuyên, Giang Tô, Hà Bắc…
Đan sâm dùng làm dược liệu được ghi lần đầu tiên trong sách “Bản kinh” là dùng rễ cây phơi khô của cây Đan sâm. Trong số các loại cây thuốc Nam thì đây là một trong những loại dược liệu quý hiếm với tác dụng giải khí trệ và khí ứ, bổ huyết. Ngoài ra nó còn xuất hiện trong các bài thuốc trị kinh nguyệt không đều, mất kinh, bế kinh, đau bụng kinh, suy tim… hoặc được tận dụng để làm giảm các cơn đau do viêm khớp cấp, thấp khớp thể nhiệt và hàn.
Đặc điểm thực vật
Đan sâm là loại thực vật thân thảo, mọc hoang, xuất hiện khá hiếm tại nước ta. Cây có thân vuông, nhỏ hình trụ màu xanh đôi khi sẽ có màu tía nâu đỏ, độ cao trong khoảng từ 30 – 80cm, trên thân có các gân dọc. Lá cây mọc kép, đối xứng với nhau thường có 3, 5 hoặc 7 lá chét. Phiến lá có màu xanh tro, trên bề mặt được phủ một lớp lông ngắn và nhỏ, mép lá có răng cưa tù.
Mùa ra hoa của đan sâm thường là từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm. Hoa mọc thành từng chùm tại đầu cành, có chiều dài khoảng 10 – 15cm, cánh hoa màu trắng hoặc đỏ tím nhạt. Sang tới đầu tháng 7 cho đến 9 là thời gian cây kết quả, quả đan sâm khá nhỏ, chỉ dài vài mm.
Bộ phận sử dụng
Bộ phận được dùng làm thuốc của cây đan sâm chủ yếu là phần rễ. Rễ cây dài từ 10 – 20cm, có hình trụ dài, thon nhỏ, ít phân nhánh mà có nhiều rễ con dạng tua rua bám xung quanh. Phần vỏ của rễ có màu đỏ hoặc nâu đen, khi già lớp vỏ ngoài sẽ bong tróc để lộ tra lớp vỏ trong màu trắng ngà.
Khu vực phân bố
Như đã đề cập tới ở trên, đan sâu đã xuất hiện từ rất lâu ở một số tỉnh của Trung Quốc và Nhật Bản, sau đó chúng được di thực vào Việt Nam. Tuy nhiên tại nước ta đan sâm xuất hiện rất ít trong tự nhiên mà được nuôi trồng là chủ yếu.
Hiện nay, loại dược liệu này được trồng nhiều nhất tại khu vực Tam Đảo và một số tỉnh thành khác của cùng núi phía Bắc của nước ta. Nhưng sản lượng vẫn chưa thực sự cao, vì vậy hầu hết dược liệu sử dụng là được nhập khẩu từ Trung Quốc.
Thu hái và bào chế
Đan sâm được khai thác phần rễ để sử dụng trong Đông y. Dược liệu đạt thành phần dược tính cao nhất ở các cây đã trưởng thành có tuổi đời ít nhất là 3 năm. Mùa thu hoạch là vào mùa đông, vì cây có đặc tính đâm sâu rễ vào lòng đất nên khi thu hoạch cần phải đào sâu xuống để tránh rễ bị đứt gãy hay bỏ sót.
Sau khi thu hái, rễ cây sẽ được sơ chế trước khi bào chế. Đầu tiên là sẽ được rửa sạch đất cát, loại bỏ tạp chất và bụi bẩn, côn trùng rồi ủ mềm trong một đêm. Sau đó rễ cây được xử lý theo 4 cách sau:
- Cách 1: Rễ cây đem thái thành các lát dày từ 1 – 2cm, sau đó đem phơi trực tiếp dưới nắng to trong vòng 2 – 3 ngày, hoặc đem đi sấy cho khô hoàn toàn. Dược liệu khô thu được sẽ mang bảo quản trong túi hoặc lọ kín để tránh ẩm mốc, côn trùng gây hại.
- Cách 2: Sau khi ủ mềm xong, rễ cây mang đi thái thành các lát mỏng, ủ với rượu trắng trong 1 tiếng đồng hồ rồi sao vàng lên cho tới khi khô hoàn toàn. Tiếp đến đem rễ cây đã sao khô đi tán thành bột mịn, bảo quản trong lọ kín để sử dụng lâu dài.
- Cách 3: Dùng rễ đan sâm để ngâm với rượu là bài thuốc giúp bồi bổ sức khỏe vô cùng hiệu quả. Rễ cây đem đi phơi khô rồi ngâm với rượu theo tỷ lệ 1kg dược liệu : 1 lít rượu trắng 40 – 42 độ trong bình thủy tinh có nắp đậy. Ủ rượu ở nhiệt độ phòng và bảo quản nơi thoáng mát, sau khoảng 1 tuần là có thể sử dụng. Ngoài ra tùy vào mục đích sử dụng mà chúng ta có thể ngâm kết hợp cùng một số loại dược liệu khác để tăng độ hiệu quả.
- Cách 4: Nấu thành cao hoặc viên hoàn, tuy nhiên đây đều là các cách bào chế phức tạp, độ khó cao, do đó mà chúng thường được thực hiện trong các nhà máy sản xuất dược liệu, ít được bào chế theo cách thủ công.
Những tác dụng tuyệt vời của đan sâm đối với sức khỏe con người
Không phải ngẫu nhiên mà đan sâm trở thành cây thuốc quý được nhiều người tìm kiếm và tiên tưởng sử dụng. Loại dược liệu tưởng chừng như nhỏ bé, bình thường này lại có những công dụng vô cùng tuyệt vời đối với sức khỏe con người. Cụ thể đó là:
Trong Y học cổ truyền
Đan sâm được ghi chép rất nhiều trong các tài liệu Đông y với đặc tính như vị đắng, tính hàn nhẹ, không chứa các độc tố, được quy vào kinh Tâm, Can, Tâm Bào là chủ yếu. Chính vì vậy mà nó được sử dụng khá phổ biến trong các bài thuốc chủ trị nhiều chứng bệnh, điển hình như:
- Dưỡng huyết an tâm, thanh nhiệt, hoạt huyết ứ, lương huyết tiêu ung.
- Trị sán thống (bản thảo cương mục), hoạt huyết, thông tâm bào lạc.
- Dưỡng huyết, phúc kết khí, yêu tích cường, khử tâm, cước tý, trừ phong tà lưu nhiệt, uống lâu có lợi (Danh y biệt lục).
- Chủ tâm phúc tà khí, hàn nhiệt tích tụ, trường minh, chỉ phiền mạn, phá trường trừ hà, ích khí (Bản kinh).
- Dưỡng thần định chí, trị lãnh nhiệt lao, phá ứ huyết, thông lợi quan mạch, đau nhức khớp, viêm khớp, chân tay không linh hoạt, khó cử động, tống tử thai, bổ tân sinh huyết an thai, đơn đọc, nhọt đọc, ôn nhiệt sinh cuồng, đau đày mắt đỏ… (nhật hoa tử bản thảo).
- Tứ vật thang trị bệnh phụ nhân, trước và sau sinh, tổng tử thai, bổ tân huyết, an sinh thái, phá súc huyết, điền kinh mạch, chỉ băng trung đới hạ… (Phụ nhân minh lý luận viết).
- An thần thai, dưỡng thần định chí, điều kinh trừ phiền, phong tý, mục xích, băng đới, sưng đau, sán thống, tác dụng khu ứ (Bản thảo cầu chân).
Theo Y học hiện đại
Y học hiện đại cũng đã có nhiều nghiên cứu khoa học về thành phần dược chất có trong đan sâm. Trong đó, loại cây này có chứa rất nhiều dưỡng chất thiết yếu, quý hiếm và có lợi cho sức khỏe con người. Nổi bật trong số đó phải kể đến như: Tinh thể vàng (Methyl-tanshinon, Cryptotanshinone, Iso Cryptotanshinone), dẫn xuất Ceton (Tasinon I. II, III), Acid lactic, Phenol, Vitamin E…
Chúng đều mang lại nhiều công dụng tuyệt vời cho người dùng trong việc hỗ trợ điều trị nhiều bệnh khác nhau, cải thiện sức khỏe, tăng cường hệ miễn dịch… Cụ thể như:
- Giúp máu lưu thông tới các cơ quan chức năng tốt hơn, làm giãn động mạch vành, tăng cường chức năng cho tim. Nhờ đó mà hỗ trợ việc phòng ngừa, điều trị và làm giảm triệu chứng của các bệnh lý về tim mạch, tai biến mạch máu não, đột quỵ… một cách hiệu quả.
- Giúp điều hòa huyết áp, làm giảm và loại bỏ những cholesterol xấu có trong máu, chống đông máu.
- Trị khó ngủ, mất ngủ lâu ngày, rối loạn kinh nguyệt, bế kinh, đau nhức xương khớp, cử động khó khăn, không linh hoạt.
- Tiêu viêm, trị mụn ung, mụn nhọt.
- Loại bỏ căng thẳng mệt mỏi, stress kéo dài, suy nhược thần kinh.
Ứng dụng của đan sâm trong việc điều trị bệnh
Nhờ vào thành phần dược tính dồi dào mà đan sâm thường được kết hợp cùng với các dược liệu khác để điều trị bệnh. Trong đó có một số cách sử dụng được chuyên gia đánh giá cao vì mang lại hiệu quả tốt cho người bệnh như:
Điều hòa kinh nguyệt và điều trị nhiều loại bệnh phụ khoa
Đan sâm nếu được sử dụng đúng cách sẽ giúp phụ nữ điều hoà kinh nguyệt, giảm các triệu chứng trong thời kỳ kinh nguyệt như đau lưng, đau bụng, mệt mỏi, tâm trạng không ổn định… Ngoài ra nó còn có khả năng hỗ trợ cho quá trình điều trị nhiều bệnh phụ khoa khác.
Cách thực hiện:
- Cách 1: Dùng 20 – 40g đan sâm khô đem tán thành bột mịn, bảo quản trong hộp kín để dùng dần. Mỗi ngày sử dụng khoảng 3 – 4g bột thuốc uống cùng với rượu nóng hoặc hòa vào đường mía, ngày uống 2 lần sẽ giúp nữ giới điều hòa kinh nguyệt và dễ dàng bài tiết dịch ứ bên trong.
- Cách 2: Chuẩn bị 15g đan sâm, 15g đương quy, 8g hương phụ và 12g trạch lan (hoặc có thể dùng 8g tiểu hồi). Đem toàn bộ dược liệu trên tán thành bột mịn và sử dụng với liều lượng tương tự như cách 1 ở trên.
- Cách 3: Chuẩn bị 15g đan sâm, 15g đương quy và 8g tiểu hồi, cho tất cả vào ấm sắc cùng với nước. Sau đó loại bỏ bã, chắt lấy phần nước thuốc và uống trong ngày trước và trong kỳ kinh.
Trị chứng đau bụng
Đối với các trường hợp đau bụng tại vùng thượng vị nguyên nhân là do huyết ứ khí trệ, người bệnh có thể dùng đan sâm để làm giảm và loại bỏ cơn đau một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị: 40g đan sâm, 6g đàn hương và 6g sa nhân.
- Cho toàn bộ dược liệu kể trên vào nồi sắc cùng khoảng 500ml nước rồi sắc nhỏ lửa cho tới khi trong nồi còn lại khoản 200ml thì dừng lại.
- Loại bỏ phần bã và lấy phần nước thuốc thu được chia làm 2 lần uống trong ngày.
Ngoài ra, đối với các triệu chứng đau bụng do nhiều nguyên nhân khác nhau thì người bệnh có thể dùng theo phương pháp sau:
- Chuẩn bị: 12 – 20g đan sâm, 8 – 12g xích thược, 8g nhũ hương, 8g mộc dược và 8g sa nhân. Trong trường hợp cơn đau dữ dội và âm ỉ thì có thể cho thêm diên hồ sách, còn nếu huyết áp không ổn định thì cho thêm nhân sâm.
- Cho toàn bộ nguyên liệu vào nồi cùng khoảng 500ml nước, đem đi sắc trên lửa nhỏ cho tới khi còn lại khoảng 200ml nước.
- Chắt lấy phần nước thuốc và loại bỏ bã, nên uống khi thuốc vẫn còn ấm.
Chữa thiếu máu, suy nhược cơ thể, mất máu ở phụ nữ sau sinh
Đan sâm có chứa rất nhiều thành phần dược tính có lợi đối với sức khỏe. Nó giúp bổ sung các hoạt chất thiết yếu, cải thiện thể lực, tăng cường sức đề kháng đối với những người ốm yếu, suy nhược cơ thể. Đặc biệt còn thúc đẩy tuần hoàn máu, kích thích cơ thể sản sinh lượng máu thiếu hụt, nhất là ở phụ nữ sau sinh nở.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị: 8g đan sâm, 12g địa hoàng, 12g huyền sâm, 10g mạch môn, 10g thiên môn, 8g phục linh, 8g đương quy, 8g bá tử nhàn, 8g viễn chí, 8g toan táo nhân, 6g ngũ vị tử, 6g cát cánh, và 0,6g chu sa.
- Cho chu sa ra riêng, còn các vị thuốc khác đem đi sắc, nước thuốc thu được dùng uống cùng chu sa, uống khi còn nóng. Hoặc đen đi tán bột và vo thành viên hoàn, mỗi ngày dùng khoảng 20g.
Chữa bệnh suy tim
Đan sâm có khả năng bảo vệ các tế bào ở cơ tim, mạch máu khỏi sự gây hại của gốc tự do và giúp giảm tiêu thụ năng lượng cũng như nhu cầu oxy ở cơ tim. Nhờ đó mà giúp nâng cao sức chịu đựng cho cơ tim, chống lại bệnh suy tim, rối loạn chức năng và chuyển hóa do thiếu hụt oxy gây ra.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị: Đan sâm, bạch truật, trạch tả, xuyên khung, mã đề, ngưu tất, ý dĩ, mộc thông mỗi loại 16g và 20g đảng sâm.
- Toàn bộ dược liệu cho vào nồi sắc cùng với khoảng 800ml nước, mỗi ngày sắc 1 thang uống hết trong ngày sẽ thấy bệnh có những chuyển biến tích cực.
Chữa dày thất trái, đau nhói tim, suy tim, đau tức ngực
Dày thất trái là hậu quả của việc tim phải làm việc quá sức để thắng được sức cải của thành mạch, khi đó thành mạch sẽ dày lên và mất dần tính đàn hồi. Còn tim không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể và dẫn tới suy tim, các cơn đau tại tim, vùng ngực. Trong khi đó, đan sâm lại chứa hoạt chất Tanshinone IIA có khả năng chống lại quá trình phì đại cơ tim, ngăm dày thất trái, có hiệu quả cao đối với việc dự phòng và điều trị suy tim, đặc biệt là bệnh nhân suy huyết áp.
Cách thực hiện:
- Cách 1: Chuẩn bị 32g đan sâm, 20g xuyên khung, 20g uất kim, 20g trầm hương, 12g phụ chế, 12g xích thược, 12g hẹ, 12g qua lâu và 10g đương quy vĩ. Đem toàn bộ dược liệu đi sắc lấy nước uống trong ngày, các biểu hiện của bệnh sẽ dần được cải thiện.
- Cách 2: Chuẩn bị 32g đan sâm, 20g uất kim, 20g xuyên khung, 20g hoàng kỳ, 20g hồng hoa, 20g xích thược, 16g đương quy, 16g đẳng sâm, 12g hương phụ và 12g mạch môn. Đem toàn bộ các vị thuốc kể trên sắc thành nước để uống, mỗi ngày uống 1 thang khi nước thuốc còn ấm.
Chữa viêm khớp cấp tính với đan sâm
Đan sâm trong Đông y nổi tiếng là cây thuốc Nam trị bệnh đau nhức xương khớp được lưu truyền qua nhiều đời. Sử sách cũng ghi lại nó có khả năng thông kinh mạch, tăng cường sức khỏe cho gân cốt, tốt cho cả gan và thận.
Cách sử dụng:
- Chuẩn bị: 12g đơn sâm, 16g tỳ giải, 16g kê huyết, 12g ý dĩ, 12g cam thảo nam, hy thiên thảo, kim ngân hoa, ké đầu ngựa mỗi thứ 20g.
- Đem toàn bộ các vị thuốc kể trên đi sắc cùng với 1000ml nước, sắc nhỏ lửa cho tới khi trong nồi còn lại khoảng 250ml nước thì dừng lại. Lấy phần nước thuốc, loại bỏ bã chia đều thành 2 phần uống hết trong ngày, nên uống khi nước thuốc còn ấm nóng.
Đan sâm bổ Tư can
Đan sâm khi được kết hợp cùng một số dược liệu phù hợp và sử dụng đúng cách sẽ mang tới hiệu quả bất ngờ trong việc bổ Tư can.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị: 200g đan sâm, đương quy, thù nhục, thanh bì, chỉ thực, đơn bì, mạch môn, bạch linh, trạch tả mỗi loại 200g, 400g hà thủ ô đỏ, 400g ngọc trúc, 400g hoài sơn.
- Đem toàn bộ các vị thuốc kể trên tán nhuyễn thành dạng bột mịn, cho thêm một ít mật ong, trộn đều và nhào thành viên hoàn (trọng lượng khoảng 5g), mỗi ngày uống khoảng 4 – 6 viên.
Chữa bệnh viêm khớp kèm theo tổn thương ở tim
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, đan sâm có khả năng cải thiện chức năng tim và tuần hoàn máu hiệu quả hơn cả Nitroglycerin – một loại thuốc được sử dụng điều trị đau thắt ngực. Mặt khác nó cũng là bài thuốc chữa đau viêm khớp kèm theo tổn thương ở tim vô cùng hữu hiệu, nhờ vào khả năng tăng cường gân cốt, tăng lực, giảm đau.
Cách thực hiện:
- Cách 1: Chuẩn bị 20g đan sâm, 20g kim ngân hoa, đảng sâm, hoàng kỳ, bạch truật mỗi loại 16g, đương quy, hoàng bá, kiên kiều, hoàng cầm mỗi loại 12g, 8g táo nhân, 8g phục linh, 6g viễn chí, 6g mộc hương. Tất các đem đi sắc để lấy nước thuốc uống, uống ngay khi thuốc còn ấm nóng.
- Cách 2 (sử dụng khi người bệnh có dấu hiệu loạn nhịp tim): Chuẩn bị 16g đan sâm, 16g đảng sâm, 20g sinh địa, 20g kim ngân, hạt vừng, a giao, liên kiều, mạch môn, đại táo mỗi loại 12g. Đem tất cả đi sắc chung với nhau, lấy nước thuốc uống khi còn ấm nóng và uống trong ngày, mỗi ngày uống 1 thang cho tới khi khỏi bệnh.
- Cách 3: Chuẩn bị 12g đan sâm, ké đầu ngựa, kim ngân hoa, đảng sâm, thổ phục linh, ý dĩ mỗi loại 20g, 16g bạch truật, 16g kê huyết đằng. Đem tất cả các vị thuốc kể trên sắc lấy nước thuốc trong ngày, mỗi ngày uống 1 thang cho đến khi khỏi bệnh.
Trị chứng thấp khớp mãn tính bằng đan sâm
Chứng thấp khớp mãn tính thể nhiệt thuộc chứng tý, gây ra do phong – hàn – thấp xâm nhập, kết hợp với việc cơ thể suy nhược, phủ tạng yếu đã làm cho kinh mạch tắc nghẽn, dẫn đến các cơn đau nhức. Lúc này đan sâm sẽ giúp tác động từ trong ra ngoài, thông kinh hoạt lạc, khiến triệu chứng của bệnh dần thuyên giảm, đồng thời còn bồi bổ sức khỏe và phục hồi can thận.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị: Đan sâm, cốt toái bổ, hy thiêm, độc hoại, kê huyết đắng, rau máu, thổ thục linh, thạch cao, địa hoàng, uy linh tiên, thiên hoa phấn, thạch cao mỗi loại 12g, 4g cam thảo, 8g bạch chỉ nam.
- Đem toàn bộ các vị thuốc kể trên đi sắc lấy nước uống, mỗi ngày uống đều đặn 1 thang, nên uống khi nước thuốc đang còn ấm nóng.
Còn đối với chứng thấp khớp mãn tính thể hàn, người bệnh có thể thực hiện theo cách sau đây để trị dứt điểm:
- Chuẩn bị: 12g đan sâm, 20g đảng sâm, 16g hoài sâm, 8g nhục quế, 10g ngưu tất, thục địa, u chát chìu, thổ phục linh, độc hoạt, kê huyết đằng, thiên niên kiện, xích thược, tang ký kinh, khương hoạt, đỗ trọng mỗi loại 12g.
- Lấy toàn bộ các vị thuốc kể trên cho vào nồi sắc với khoảng 1000ml nước trong 30 – 40 phút. Lọc bỏ bã thuốc, lấy nước uống mỗi ngày, nên uống khi thuốc vẫn còn đang ấm nóng.
Chữa chứng mất ngủ, khó ngủ, suy nhược thần kinh
Theo Đông y, Đan sâm có khả năng làm giảm căng thẳng, mệt mỏi kéo dài, xoa dịu các cơn đau đầu và tăng cường quá trình lưu thông máu và oxy lên não một cách hiệu quả. Nhờ đó mà nó có thể chữa được chứng mất ngủ, khó ngủ, suy nhược cơ thể kéo dài, giúp người bệnh được thư giãn và thoải mái hơn.
Cách thực hiện:
- Cách 1: Chuẩn bị đan sâm, viễn chí, táo nhân sao, liên tân, quả trắc bá mỗi loại 8g. Đem toàn bộ đi sắc lấy nước để uống, mỗi ngày sử dụng 1 thang cho tới khi các triệu chứng được khắc phục hoàn toàn.
- Cách 2: Chuẩn bị đan sâm, bạch thược, ngưu tất, hạt muồng sao, đại táo, mạch môn, huyền sâm mỗi loại 16g, 8g toan táo nhân, 8g huyền sâm, toàn bộ đem đi sắc mỗi ngày uống 1 thang cho tới khi bệnh có tiến triển và khỏi hẳn.
Đan sâm chữa xơ gan giai đoạn đầu
Trong danh sách các loại dược liệu chữa xơ gan, viêm gan cấp hiệu quả, chúng ta không thể bỏ qua đan sâm – “khắc tinh” của bệnh xơ gan. Theo Đông y, cây có vị đắng, tính hàn nhẹ, không chứa các độc tố, ngoài ra còn giúp thanh nhiệt cơ thể, giải độc gan và phục hồi các tổn thương ở gan một cách vô cùng hiệu quả.
Cách thực hiện
- Chuẩn bị: 16g đan sâm, 20g nhân trần, 12g bạch truật, cam thảo, đại táo, đại phúc bì, gừng mỗi loại 6g, bạch thược, bạch linh, hoàng kỳ, sài hồ mỗi loại 10g, 8g chi tử, 16g ý dĩ, 8g ngũ gia bì.
- Đem toàn bộ các vị thuốc ở trên cho vào nồi sắc cùng với khoảng 1000ml nước, sắc nhỏ lửa cho tới khi trong nồi còn lại khoảng 200ml nước thì tắt bếp.
- Nước thuốc thu được lọc bỏ bã và chia làm 2 lần uống trong ngày, uống khi còn ấm nóng, mỗi ngày uống 1 thang.
Đan sâm chữa bệnh động kinh
Đan sâm cũng được sử dụng phổ biến trong việc điều trị bệnh động kinh, bởi trong thành phần của nó có chứa nhiều chất chống oxy hóa, ngăn chặn quá trình lão hóa, bảo vệ các tế bào thần kinh, ổn định huyết áp và hạn chế tình trạng co giật, trấn kinh rất tốt.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị: Đan sâm, phục linh, viễn chí, bột rau thai mỗi loại 8g, đẳng sâm, bạch truật, hà thủ ô, kỷ tử mỗi loại 12g và 6g trần bì.
- Cho toàn bộ các vị thuốc trên vào nồi sắc cùng với khoảng 700ml nước, sắc nhỏ lửa trong khoảng 30 phút rồi lấy nước thu được uống trong ngày khi còn ấm nóng. Hoặc tán các vị thuốc thành bột mịn, pha cùng một chút mật ong, trộn đều và vo thành viên hoàn để uống.
Trị viêm tắc động mạch chi
Theo Y học cổ truyền, viêm tắc động mạch thường được gọi là “cốt thư” hay “thoái cốt thư”. Tình trạng này xảy ra do 3 nguyên nhân chính là: Ngoại nhân do hàn tà, thấp tà, hỏa tà, nội nhân do đàm ẩm, khí huyết, bất nội ngoại nhân do việc ăn uống, lao thương. Trong trường hợp này, đan sâm sẽ giúp trị các nguyên nhân từ bên trong cơ thể, từ đó cải thiện các triệu chứng và trị bệnh.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị: 20g đan sâm, hoàng kỳ 20g, đương quy vĩ 16g, đào nhân, tô mộc, hồng hoa, nhũ hương, bạch chỉ, tô mộc, bạch chỉ, xích thược, một dược, quế chi, nghệ mỗi loại 12g.
- Đem toàn bộ dược liệu cho vào nồi sắc cùng 1000ml nước, sắc trong khoảng 30 phút, rồi bỏ bã, lấy nước thuốc thu được chia làm 2 lần uống hết trong ngày, nên uống khi nước thuốc còn ấm nóng.
Một số lưu ý khi sử dụng đan sâm để trị bệnh
Đan sâm là vị thuốc quý mang nhiều công dụng tuyệt vời và không chứa độc tố, lành tính đối với người sử dụng. Tuy nhiên, để đảm bảo mức độ an toàn tuyệt đối và có được hiệu quả cao nhất khi dùng đan sâm để trị bệnh, chúng ta cần đặc biệt quan tâm tới một số lưu ý quan trọng sau đây:
- Hiện nay trên thị trường dược liệu, các loại sản phẩm vô cùng phong phú, vì vậy cần chọn mua ở những nơi uy tín để mua được hàng chuẩn, chất lượng, tránh dùng phải hàng nhái, hàng giả gây hại cho sức khỏe.
- Chỉ sử dụng sản phẩm có chất lượng tốt, không dùng khi có dấu hiệu bị ẩm mốc, có côn trùng, mùi lạ. màu sắc lạ…
- Tuyệt đối không kết hợp với uý diêm thủy, phản lê lô, giấm để tránh gây ngộ độc cho cơ thể,
- Trẻ em và phụ nữ đang trong thời gian thai kỳ hoặc cho con bú nên tránh sử dụng, nếu có nhu cầu dùng thì nên tham khảo qua ý kiến của bác sĩ, dược sĩ trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn và có được liều lượng phù hợp nhất.
- Dù không chứa độc tố nhưng vẫn có khả năng xuất hiện một số tác dụng phụ khi dùng đan sâm như đau bụng, buồn nôn, cơ thể khó chịu… Do đó chúng ta nên theo dõi sức khỏe sau khi dùng và thông báo với bác sĩ ngay nếu xuất hiện các triệu chứng lạ.
- Khi đun sắc thuốc, nên sử dụng nồi đất, nồi sứ thay vì nồi bằng kim loại để không làm giảm bớt đi thành phần dược liệu của đan sâm.
Đan sâm giá bao nhiêu, mua ở đâu uy tín?
Như đã đề cập đến ở trên, đan sâm được nuôi trồng tại Việt Nam khá hiếm vì không được nuôi trồng phổ biến và cho sản lượng không cao. Chính vì vậy mà đa phần các dược liệu đang được phân phối trên thị trường hiện nay đều được nhập khẩu từ Trung Quốc. Giá bán của đan sâm hiện nay đang giao động trong khoảng 500.000 – 700.000 VNĐ/kg, giá có sự chênh lệch tùy vào chất lượng sản phẩm, mùa vụ và nơi bán.
Tuy nhiên, với một loại dược liệu quý và được ưa chuộng trên thị trường như đan sâm thì việc bị làm giả, hoặc pha trộn hàng kém chất lượng là vô cùng phổ biến. Khi sử dụng loại dược liệu này không những không chữa được bệnh mà còn có thể gây hại cho sức khỏe. Do đó mà chúng ta cần tìm được địa chỉ bán uy tín, đảm bảo, cung cấp được đầy đủ thông tin, xuất xứ của dược liệu.
Trên đây chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về đặc điểm, công dụng, cách dùng và giá bán chi tiết của đan sâm. Quả thực không quá lời khi ví loại thảo dược này là lá chắn bảo vệ trái tim và sức khỏe của con người. Hy vọng qua bài viết này bạn sẽ biết thêm cách sử dụng đan sâm cho các vấn đề về sức khỏe một cách hiệu quả nhất và biết được địa chỉ mua dược liệu an toàn, uy tín.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!