Táo Đỏ: Đặc Điểm, Công Dụng, Cách Dùng
Táo đỏ hay còn được gọi là hồng táo, đây là một loại quả có mùi vị thơm ngon, khá thông dụng trong việc chế biến thức uống, món ăn bổ dưỡng. Bên cạnh đó, nó còn là vị thuốc quý trong Đông y, mang đến nhiều công dụng tuyệt vời. Táo đỏ không chỉ cực kỳ tốt cho sức khỏe mà còn có thể giảm mỡ trong máu, giải độc gan, bổ tỳ, mát vị…
Táo đỏ hay còn được gọi là hồng táo, đây là một loại quả có mùi vị thơm ngon, khá thông dụng trong việc chế biến thức uống, món ăn bổ dưỡng. Bên cạnh đó, nó còn là vị thuốc quý trong Đông y, mang đến nhiều công dụng tuyệt vời. Táo đỏ không chỉ cực kỳ tốt cho sức khỏe mà còn có thể giảm mỡ trong máu, giải độc gan, bổ tỳ, mát vị… Để hiểu rõ hơn về táo đỏ, công dụng và cách dùng của nó, mời các bạn theo dõi bài viết sau đây.
Táo đỏ là gì và các đặc điểm nổi bật
Táo đỏ và là loại cây ăn quả phổ biến, vừa là vị thuốc quý đặc trưng trong nền Y học cổ truyền Trung Hoa từ xa xưa.
Táo đỏ là gì?
Táo đỏ hay còn biết đến với những cái tên gọi khác như hồng táo, táo tàu, can táo, mỹ táo…, ngoài ra còn có tên khoa học là Zizyphus sativa Mill, nguồn gốc thuộc họ nhà Táo (Rhamnaceae). Nó được thu hái từ những quả táo đỏ chín rồi mang đi phơi hoặc sấy khô.
Táo đỏ là dược liệu thiên nhiên, có tác dụng bổ tỳ, tăng cường máu huyết, dưỡng nhan, chống lão hóa, tăng cường hệ miễn dịch, phòng chống ung thư. Đây cũng là vị thuốc quý lâu đời, được sử dụng khá phổ biến trong các bài thuốc Y học cổ truyền của Trung Hoa, Hàn Quốc và Việt Nam. Bên cạnh đó, nó cũng xuất hiện nhiều trong các món chè thanh nhiệt, món hầm thuốc bắc bồi bổ sức khỏe, trà thảo dược…
Đặc điểm nổi bật
Rất nhiều người vẫn đang nhầm lẫn giữa vị thuốc táo đỏ với quả táo đỏ (loại quả được bán rất phổ biến ở nước ta). Tuy nhiên, táo đỏ có các đặc điểm thực vật, thành phần dược liệu riêng biệt và chủ yếu sinh trưởng tại Trung Quốc do sự cá biệt của nó về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng.
- Đặc điểm thực vật
Táo đỏ thuộc cây thân gỗ vừa và nhỏ, có chiều cao trung bình khoảng 6 – 7m, nhưng cũng có những cây sinh trưởng mạnh lên đến 10 – 12m. Trên thân cây sẽ phân tán thành nhiều cành nhỏ, trên các cành sẽ có nhiều nhánh nhỏ khác. Lá mọc đơn, so le với nhau trên các nhánh và cành, hình dạng thuôn dài ở hai đầu, dài khoảng 3 – 7cm, bề mặt có 3 gân lớn, các gân phụ cũng nổi lên rõ ràng, cạnh lá có răng cưa.
Hoa của cây táo đỏ mọc thành tán từ kẽ lá, mỗi tán thường có khoảng 7 – 8 bông hoa nhỏ, cánh hoa có màu vàng hoặc vàng xanh nhạt. Mùa ra hoa vào khoảng tháng 4, tháng 5 hàng năm, sau đó kết quả vào tầm tháng 7 đến tháng 9 hàng năm. Quả táo đỏ có hình cầu hoặc hình trứng, lõm hai đầu, vỏ nhẵn bóng, chiều dài từ 2 – 3cm. Khi còn xanh thì quả có màu xanh nhạt hoặc nâu nhạt, tới khi chín thì chuyển sang đỏ sẫm hoặc đỏ nâu ánh tía.
Khác với nhiều loại quả khác, cần thu hái rồi đem phơi hoặc sấy khô, còn táo đỏ lại có thể tự chín khô tự nhiên ngay trên cây. Nguyên nhân là do sự chênh lệch về điều kiện thời tiết khắc nghiệt của một số vùng tại Trung Quốc như Cam Túc, Tân Cương… Nhiệt độ giữa ngày và đêm ở những nơi này chênh lệch rất lớn, thời gian ban ngày có thể kéo đến 15 tiếng, không có sương nên táo dễ dàng tự chín và khô quắt lại ngay trên cây.
- Khu vực phân bố
Táo đỏ có nguồn gốc từ Bắc Phi, sau đó được di thực qua Trung Quốc, Ấn Độ, và trở thành một loại cây đặc trưng của Trung Quốc, nhất là táo đỏ Tân Cương. Hiện nay, loại cây này được trồng khá rộng rãi tại các quốc gia vùng nhiệt đới, trong đó có cả Việt Nam.
Bên cạnh táo đỏ của Trung Quốc thì táo đỏ Hàn Quốc cũng đang rất được ưa chuộng và có giá trị không hề kém cạnh. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, giữa hai loại táo đỏ này đều có giá trị, thành phần và dược tính giống nhau, rất tốt cho cơ thể.
Riêng tại Việt Nam, do đặc trưng của thời tiết và thổ nhưỡng chưa thực sự phù hợp để trồng loại cây này nên vẫn còn khá hiếm táo đỏ Việt Nam. Tuy nhiên tại một số tỉnh thành ở Phía Bắc đã trồng thử nhưng chưa thực sự có hiệu quả về sản lượng. Do đó mà nguồn táo đỏ nước ta đang tiêu thụ chủ yếu được nhập khẩu từ các tỉnh tại Trung Quốc như Tân Cương, Hà Nam, Hà Bắc, Vân Nam, Tứ Xuyên, Phúc Kiến, Sơn Đông, Thiềm Tây…
- Thu hoạch và bào chế
Bộ phận được thu hái của cây táo đỏ phần lớn là quả, thời gian thu hoạch thường vào tháng 9, tháng 10 hàng năm, bởi lúc này quả đã chín và chứa nhiều dưỡng chất nhất. Như đã nói ở trên, quả táo đỏ có thể tự chín và khô ngay trên cây, do vậy khi thu hoạch thì chỉ cần dùng gậy đập mạnh vào cành để quả rụng xuống. Sau đó đem đi phơi khô thêm khoảng 2 – 3 ngày nữa là có thể bảo quản và dùng tới 3 năm.
Quả sau khi thu hoạch xong thường được ăn tươi hoặc chế biến thành dược liệu. Cách thực hiện như sau:
- Cách 1: Phơi ngoài nắng to hoặc sấy khô ở nhiệt độ từ 70 – 80 độ C, đến khi quả nhăn lại và loại bỏ hết nước là được. Đây cũng chính là hồng táo được sử dụng vô cùng phổ biến trong Y học cổ truyền. Khi táo đã khô thì đem bảo quản trong lọ kín, để ở nơi khô ráo, tránh ẩm ướt để không gây ảnh hưởng tới công dụng của nó.
- Cách 2: Táo sau khi thu hoạch thì đem đi phơi nắng cho tới khi vỏ ngoài nhăn lại. Sau đó cho vào thùng có gai rồi lắc đều để châm thành các lỗ nhỏ xung quanh quả táo. Lấy thân, rễ con và lá của cây địa hoàng sắc lên, lấy nước đặc cho thêm một ít đường. Đem nước địa hoàng thu được trộn với táo đỏ rồi tiếp tục phơi khô hoàn toàn, lúc này táo sẽ chuyển thành màu đen, gọi là đại táo hoặc hắc táo.
Những công dụng tuyệt vời mà táo đỏ mang lại
Táo đỏ đã xuất hiện trong các bài thuốc Đông y từ ngàn năm trước, đồng thời được sử dụng vô cùng phổ biến hàng ngày. Theo y học hiện đại, loại dược liệu này đã được chứng minh chứa rất nhiều dưỡng chất và mang lại hiệu quả rất tốt cho sức khỏe.
Theo Y học cổ truyền
Rất nhiều tài liệu cổ có ghi chép về công dụng của táo đỏ. Cụ thể loại dược liệu này có vị ngọt, tính bình ấm, không chứa độc tố, được quy vào Kinh Tỳ, Can, Thận và Vị. Do đó mà nó mang đến hiệu quả cao trong việc bồi bổ cơ thể, cường lực, thông cửu khiếu, dưỡng huyết, an trung, bổ trung, ích khí, bổ can, chỉ thấu, giải độc dược, nhuận tâm phế…
Trong Đông y, táo đỏ còn được sử dụng nhiều trong các bài thuốc trị tỳ vị hư nhược, kiết lỵ, bồi bổ sức khỏe, thần kinh suy nhược, chứng hồi hộp…
Theo Y học hiện đại
Y học hiện đại đã có rất nhiều cuộc nghiên cứu về thành phần, hợp chất có trong táo đỏ. Kết quả đã chỉ ra rằng, trong loại quả này có rất nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe con người. Cụ thể là:
- Hoạt chất Saponin, Kali, Natri, Polyphenol, chất xơ rất tốt cho não bộ và hệ tuần hoàn.
- Calcium, Sắt và Phốt pho đều rất cần thiết cho xương và máu.
- Ngoài ra còn chứa rất nhiều hoạt chất thiết yếu khác như: Valine, Aspartic acid, Lysine, Oleic acid, Proline, Desmosterol, Vitamin A, B2, C…
Những dưỡng chất này mang tới rất nhiều công dụng tuyệt vời như:
- Cải thiện giấc ngủ, cải thiện trí nhớ: Trong thịt và hạt táo đỏ chứa thành phần làm tăng chất lượng giấc ngủ, giúp ngủ ngon và sâu giấc hơn. Đồng thời với hoạt chất saponin dồi dào còn hỗ trợ làm giảm lo âu, căng thẳng, an thần và cải thiện trí nhớ.
- Tốt cho tim mạch: Chứa nhiều Natri, Kali nên sẽ giúp các mạch máu được thư giãn, ổn định huyết áp. Bên cạnh đó, polyphenol và chất xơ có khả năng hòa tan cholesterol nên rất tốt cho những ai bị huyết áp cao. Sử dụng 2 – 3 quả mỗi ngày là bí quyết giảm cholesterol, giảm các dấu hiệu liên quan đến mảng bám và viêm tại thành mạch.
- Phòng bệnh Alzheimer: Các thử nghiệm trên chuột đã cho kết quả về mức độ thông minh, tăng trí nhớ bằng cách cho táo đỏ vào thức ăn của chúng. Điều này chứng tỏ trong loại quả này mà đặc biệt là vỏ có chứa nhiều dưỡng chất thiết yếu cho não và chống lại các tác nhân gây hại đối với não.
- Kiểm soát cân nặng: Nó đã được chứng minh có hiệu quả tương đương với nước ép hạt chia hay nước ép củ cải đường, hỗ trợ tốt cho hệ tiêu hóa. Ăn một quả trước bữa ăn giúp chuyển hóa đường và cholesterol trong thực phẩm, làm giảm đáng kể lượng calo nhờ vào hàm lượng chất xơ lớn. Uống trà táo mỗi ngày cũng có thể giúp bạn kiểm soát cân nặng hiệu quả.
- Tăng cường miễn dịch: Chứa nhiều enzyme có khả năng chống oxy hóa, chống viêm và loại bỏ gốc tự do. Nhờ vậy mà giảm thiểu viêm nhiễm, ngăn ngừa, tiêu diệt các tác nhân gây bệnh, trong đó có cả ung thư. Mặt khác, vitamin A, B, C và Magie cũng có tác động giúp hệ miễn dịch mạnh mẽ, hoạt động tốt hơn.
- Tốt cho hệ tiêu hóa: Nhờ vào hàm lượng chất xơ cao mà táo đỏ rất tốt cho hệ tiêu hóa. Lượng carbohydrate dồi dào cũng làm mềm và tăng tốc độ di chuyển của thức ăn, qua đó giúp nhuận tràng, giảm táo bón. Còn hoạt chất polysaccharide có khả năng tăng cường sức khỏe đường ruột, dạ dày, làm giảm mức độ tổn thương do viêm loét, chấn thương hay vi khuẩn HP gây ra, giảm đau dạ dày.
- Tốt cho xương khớp: Phốt pho và Canxi trong táo đỏ là dưỡng chất quan trọng để củng cố cho xương chắc khỏe, cải thiện chức năng, sức khỏe tổng thể của xương khớp, hỗ trợ điều trị viêm khớp, đau nhức xương khớp.
- Kháng khuẩn: Lượng lớn flavonoid trong loại quả này có khả năng chống lại vi khuẩn, đồng thời acid betulinic cũng giúp ức chế và tiêu diệt nhiều loại virus gây cảm cúm.
- Dưỡng nhan, đẹp da, mượt tóc: Nhờ vào đặc tính chống viêm, chống oxy hóa, tiêu diệt các gốc tự do mà táo đỏ có thể cải thiện các vấn đề về da như nám, sẹo, mụn, tàn nhang, vết thâm, làm chậm quá trình lão hóa. Ngoài ra còn giúp tóc chắc khỏe, mềm mượt hơn.
- Chống hen suyễn: Thành phần giàu chất chống oxy hóa còn giúp bảo vệ phổi khỏi những tổn thương do quá trình oxy hóa gây ra. Vỏ táo còn chứa nhiều quercetin flavonoid giúp cải thiện hệ miễn dịch, giảm viêm, nhờ đó mà giảm hen suyễn và các phản ứng dị ứng.
Nên sử dụng táo đỏ như thế nào cho đúng và hiệu quả?
Táo đỏ có khá nhiều cách sử dụng, đơn giản nhất là ăn trực tiếp như một loại trái cây thông thường hàng ngày. Ngoài ra có thể làm món tráng miệng, làm siro, giấm táo, rượu táo, hoặc kết hợp cùng một số loại dược liệu khác để điều trị bệnh. Cụ thể:
Cách pha trà táo đỏ
Táo đỏ khô khi pha trà hoặc kết hợp thêm cùng một số vị thuốc khác có thể giúp bạn thư giãn đầu óc, giảm căng thẳng và có giấc ngủ sâu, ngon hơn. Mặt khác nó còn giúp làm đẹp da và tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể. Trong đó có một số loại trà từ táo đỏ, thơm ngon dễ thực hiện sau đây:
- Trà táo đỏ pha với gừng, quế và lê
Khi kết hợp táo đỏ với những loại dược liệu kể trên sẽ cho ra loại trà vô cùng thích hợp cho những ngày mùa đông lạnh buốt. Uống trà này giúp cơ thể được làm ấm từ bên trong, bên cạnh đó nó còn có hiệu quả kháng viêm, kháng khuẩn, an thần, giải tỏa căng thẳng, stress và rất tốt cho dạ dày.
Đầu tiên chúng ta cần chuẩn bị khoảng 6 quả táo đỏ khô, 3 lát gừng, 10g quế và 20g lê. Sau đó lấy khoảng 1 lít nước đun sôi, khi nước sôi thì thả gừng đã thái lát vào nồi, thêm quế và lê vào, cuối cùng là cho táo đỏ.
Đun liên tục trên lửa nhỏ trong khoảng 4 giờ rồi tắt bếp. Lọc bỏ bã, giữ lại phần nước cốt rồi rót ra cốc để thưởng thức. Nếu thích uống ngọt, bạn có thể thêm vào trà một ít mật ong hoặc đường.
- Trà táo đỏ và kỷ tử
Kỷ tử vốn nổi tiếng là loại dược liệu có công dụng dưỡng nhan và rất tốt cho sức khỏe. Khi kết hợp cùng táo đỏ sẽ mang tới hiệu quả vượt trội trong việc cải thiện làn da, giữ dáng, giúp tóc suôn mượt, chắc khỏe.
Bạn cần chuẩn bị 2 trái táo và 5 trải kỷ tử khô, đem rửa sạch để loại bỏ bụi bẩn, tập chất. Đem tất cả đi thái thành các lát vừa rồi cho vào tách. Rót thêm khoảng 200ml nước sôi vào tách, đậy nắp lại và hãm trong khoảng 10 phút là có thể thưởng thức được.
- Trà táo đỏ và hoa cúc
Uống loại trà này thường xuyên sẽ giúp thanh nhiệt, giải độc cho cơ thể, bổ sung khí huyết, vô cùng phù hợp với những ngày hè oi bức, nóng nực. Mặt khác, đây cũng là phương pháp giúp trẻ hóa, chống lão hóa rất hiệu quả đối với chị em phụ nữ.
Chuẩn bị 2 trái táo đỏ khô cùng một muỗng canh hoa cúc khô, đem rửa sạch để loại bỏ bụi bẩn. Táo cắt thành các lát vừa rồi cho vào tách cùng với hoa cúc, rót thêm khoảng 200ml nước sôi vào và đậy nắp lại. hãm như hãm trà trong khoảng 10 phút để các dưỡng chất ngấm hết rồi thưởng thức.
- Trà táo đỏ và gừng
Khi kết hợp táo đỏ và gừng sẽ cho ra một loại trà có vị ngọt thanh, mùi thơm dễ chịu và dễ uống. Nó còn rất phù hợp để chữa cảm lạnh, chống viêm, giảm đau, phòng ngừa tiểu đường, giảm căng thẳng mệt mỏi và giúp ngủ ngon giấc hơn.
Chuẩn bị 2 trái táo đỏ khô và khoảng 5 lát gừng nhỏ. Cách pha cũng tương tự như các loại trà trên, bạn cho táo và gừng vào tách. Tiếp đến thêm khoảng 200ml nước sôi vào, đậy nắp và chờ trong khoảng 10 phút là có thể lấy uống được.
- Trà táo đỏ, mật ong
Mật ong nổi tiếng với công dụng làm đẹp từ ngoài vào trong, bên cạnh đó nó cũng rất tốt cho dạ dày, làm giảm viêm nhiễm ở viêm mạc dạ dày và vô cùng tốt cho sức khỏe. Mật ong kết hợp với táo đỏ tuy không đậm đà và đặc trưng như các loại trà khác nhưng lại đặc biệt tốt cho đường ruột cũng như chống lão hóa.
Bạn chỉ cần chuẩn bị vài quả táo khô cho vào ấm, sau đó đổ nước sôi và hãm trong khoảng 15 – 20 phút. Hãm xong thì cho thêm một thìa cà phê mật ong vào, khuấy đều và thưởng thức.
Chế biến món ăn bổ dưỡng từ táo khô
Trong ẩm thực, táo đỏ cũng là nguyên liệu không hề xa lạ gì khi nó xuất hiện trong rất nhiều món ăn. Với hương vị thơm ngon, bổ dưỡng chúng ta có thể chế biến một số món ăn tốt cho sức khỏe từ táo đỏ sau đây:
- Táo đỏ hầm đậu phộng tốt cho gan
Đây là món ăn rất tốt cho những ai bị viêm gan, xơ gan hay men gan cao, nó sẽ làm giảm triệu chứng của bệnh và rất tốt cho quá trình điều trị.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị khoảng 200g đậu phộng cùng 10 quả táo đỏ.
- Đem rửa sạch rồi cho đậu phộng vào nồi hầm trước, khi đậu phộng chín thì cho thêm 10 quả táo đỏ vào hầm tiếp tới khi cả hai đều chính như.
- Nêm nếm sao cho vừa miệng và ăn món hầm ngay khi nó đang còn nóng.
Người bệnh nên duy trì ăn liên tục trong 20 ngày lúc trước khi đi ngủ, nó sẽ giúp hạ huyết thanh và tốt cho người bị viêm gan.
- Cháo táo đỏ hà thủ ô
Táo đỏ khi kết hợp cùng hà thủ ô sẽ tạo nên món ăn có khả năng bổ thận, tráng dương, sinh tinh, giải độc, thông tiện rất hữu hiệu. Ngoài ra thì người bị thiếu máu dẫn tới triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, suy giảm trí nhớ, mất ngủ, mộng tinh, người già bị huyết áp cao… đều có thể sử dụng món ăn này để cải thiện các tình trạng và bồi bổ cơ thể.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị khoảng 50g gạo tẻ, 50g táo khô, 25g bột hà thủ ô, 20g đường cát.
- Nguyên liệu đem đi rửa sạch, đầu tiên cho gạo vào nồi, thêm nước và nấu thành cháo chín nhuyễn.
- Tiếp đến thêm táo vào hầm cùng, tới khi vừa chín cho thêm bột hà thủ ô vào, khuấy đều cho tới khi đặc sền sệt thì tắt bếp. Cho thêm đường cát vào, khuấy đều để tạo hương vị và dễ ăn hơn.
Nếu không muốn dùng hà thủ ô thì bạn cũng có thể dùng hạt sen, long nhãn hoặc kỷ tử để nấu cháo cùng, chúng đều rất tốt cho sức khỏe.
- Canh táo đỏ bổ huyết
Đây là món ăn có từ rất lâu đời, được ông cha ta dùng để bồi bổ khí huyết, rất bổ dưỡng cho những người bị thiếu máu, chảy máu dạ dày, loét dạ dày đại tràng, cầm máu vết thương và đặc biệt tốt cho người mới phẫu thuật xong. Với món canh từ táo đỏ, có hai cách để chế biến.
Cách thực hiện:
- Cách 1: Chuẩn bị 25 quả táo khô, 50g cỏ nhọ nồi, đem rửa sạch, để ráo nước. Sau đó cho tất cả vào nồi, đun cùng một lượng nước vừa đủ, tới khi nước sôi lăn tăn thì lọc bỏ bã cỏ nhọ nồi. Người bệnh dùng nước canh này để uống rồi vớt táo để ăn.
- Cách 2: Chuẩn bị 30 quả táo đỏ, 15 quả kỷ tử, 6 quả ô mai, 30g nguyên sâm. Cho tất cả nguyên liệu vào nồi, thêm khoảng 4 bát nước rồi hầm canh trong vòng 30 phút, hầm xong cho thêm ít đường để dễ uống hơn.
Người bệnh nên ăn món này mỗi ngày hai lần, các cơn đau ở dạ dày hoặc tình trạng thiếu máu sẽ được cải thiện rõ rệt.
- Táo đỏ hầm bổ tâm huyết trị cao huyết áp và tốt cho người bệnh tim
Táo đỏ hầm không chỉ là món ăn thơm ngon, bổ dưỡng mà nó còn rất tốt cho người bị trúng gió, bệnh nhân mạch vành, bị bệnh tim, cao huyết áp.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị 25g táo khô, 30g lá bạch quả tươi hoặc 12g lá khô, 65g đậu xanh.
- Lá bạch quả đem giã nát rồi cho vào nồi đun sôi với khoảng 1000ml nước trên lửa nhỏ trong 20 phút, sau đó lọc lấy nước cốt, bỏ bã.
- Táo khô và đậu xanh đem ngâm trong nước khoảng 20 phút, rồi vớt ra cho vào đun cùng nước bạch quả.
- Đun nhỏ lửa trong khoảng 20 – 30 phút để táo và đậu đều chín nhừ là được, lấy ra ăn ngay khi còn nóng.
Người bệnh có thể sử dụng món hầm này trong các bữa ăn hàng ngày, kiên trì sử dụng sẽ thấy sức khỏe được cải thiện, các vấn đề về tim, huyết áp cũng thuyên giảm.
- Nấu chè dưỡng nhan
Món chè độc đáo này rất được chị em yêu chuộng, bởi nó không chỉ tốt cho sức khỏe, giải tỏa căng thẳng mà còn giúp làm đẹp da, duy trì nhan sắc, sự trẻ trung, mặt khác còn thanh nhiệt, giải độc vào mùa hè oi nóng.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị: Táo khô, kỷ tử, long nhãn, tuyết yến, tuyết liên tử, hạt é, hạt chia…
- Sơ chế sạch sẽ tất cả các nguyên liệu kể trên, cho vào nồi và thêm nước để hầm thành chè.
- Cho thêm một ít đường phèn vừa khẩu vị vào đun cho tới khi hỗn hợp đặc sệt lại thì tắt bếp, chờ cho nguội bớt rồi ăn.
Bên cạnh đó thì chị em cũng có thể dùng táo đỏ hấp cùng mộc nhĩ và đường để dưỡng da, giảm nám, tàn nhang và tăng độ đàn hồi cho da.
- Canh táo đỏ hầm gà mái tơ
Canh gà từ trước tới nay vẫn luôn là món ăn bổ dưỡng, thường dùng cho người ốm hồi phục sức khỏe. Khi kết hợp cùng táo khô thì lại càng tăng độ hiệu quả và tốt đối với những ai bị huyết áp thấp.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị 1 con gà mái tơ đã được sơ chế sạch sẽ, loại bỏ nội tạng rồi chặt thành các khúc nhỏ, tẩm gia vị vừa ăn và ướp trong khoảng 15 – 20 phút.
- Cho gà vào hầm với lửa to, đến khi chín thì thêm 20 quả táo khô vào hầm cùng cho tới khi cả hai cùng chín nhừ.
- Nêm nếm thêm gia vị cho vừa với khẩu vị rồi ăn ngay khi canh hầm đang còn nóng, nên uống luôn cả phần nước.
Táo đỏ ngâm với rượu
Có thể bạn chưa biết, táo đỏ không chỉ là thức uống, món ăn hàng ngày mà còn là loại rượu quý trong Đông y. Rượu có vị thanh ngọt nhẹ, uống mêm và có mùi đặc trưng của táo nên rất dễ uống và được cả nam và nữ yêu thích. Nó có tác dụng bổ máu, hỗ trợ cho quá trình tuần hoàn máu, làm ấm cơ thể từ bên trong, giúp phòng chống nhiều loại bệnh và tăng cường trí nhớ.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị 1kg táo khô loại ngon, đem rửa sạch với nước loãng để loại bỏ hết bụi bẩn, tạp chất, để ráo nước rồi dùng dao khứa, hoặc cắt đôi bỏ hạt.
- Bình thủy tinh rửa sạch, lau khô nước, xếp táo vào và đổ thêm 3 – 4 lít rượu ngon vào, đậy kín nắp, để ngâm trong khoảng 3 tháng ở nơi khô ráo, thoáng mát.
Với rượu ngâm thì ủ càng lâu lại càng ngon, nhất là rượu hạ thổ hoặc ngâm hơn 1 năm. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể kết hợp cùng kỷ tử, đẳng sâm… ngâm cùng để gia tăng hiệu quả.
Một số bài thuốc tốt cho sức khỏe từ táo khô
Có thể thấy, táo đỏ mang lại vô vàn công dụng tốt cho sức khỏe con người, chính vì vậy mà nó được ví như thần dược trong Y học cổ truyền. Khi được kết hợp cùng một số loại dược liệu khác sẽ mang đến bài thuốc trị bệnh vô cùng hiệu quả.
- Bài thuốc trị bệnh mạch vành, chống ứ
Chuẩn bị 3 quả táo khô, 30g xính xâm, 50g gạo nếp, đường vừa đủ. Đầu tiên cho xích xâm vào nồi, thêm một ít nước rồi đun kĩ trong khoảng 20 phút, lọc bỏ bã lấy phần nước cốt. Tiếp đến bỏ gạo nếp và táo vào phần nước thu được, đun kỹ cho tới khi nhừ rồi tắt bếp, cho ra bát, ăn ngay khi còn nóng.
Để đạt được hiệu quả cao nhất thì người bệnh nên chia làm 2 lần ăn trong ngày. Kiên trì thực hiện trong khoảng 10 ngày sẽ thấy các triệu chứng của bệnh diễn biến tích cực. Nếu bệnh chưa thể trị dứt điểm thì cách khoảng 3 ngày lại tiếp tục thực hiện trong vòng 10 ngày nữa.
- Bài thuốc trị tiêu chảy, tả lỵ
Chuẩn bị khoảng 50g táo đỏ, cho vào nồi sắc cùng 300ml nước. Đun sôi trong khoảng 15 phút rồi cho thêm một ít đường đỏ, tiếp tục đun sôi trong 5 phút nữa rồi tắt bếp, dùng khi thuốc còn ấm.
- Bài thuốc trị mất ngủ, chống suy nhược cơ thể
Chuẩn bị 15 quả táo khô, 1 cái tổ yến, 100g hạt sen, một ít gừng tươi và đường phèn. Trước tiên mang tổ yến đi ngâm với táo trong nước ấm cho mềm ra, hạt sen thì đem luộc kỹ đến khi nhừ. Sau đó cho tất cả các nguyên liệu vào tô cùng đường phèn và vài lát gừng, đem đi hấp cách thủy trong khoảng 15 – 20 phút. Hấp xong thì lấy ra ăn ngay khi còn ấm.
- Bài thuốc trị viêm gan chữa vàng da, vàng mắt
Chuẩn bị khoảng 200g táo đỏ, 60g hoắc hương núi, 30g tiêu chi sơn. Cho tất cả vào sắc với 500ml nước cho tới khi trong nồi còn lại khoảng 200ml thì dừng lại. Chắt lấy nước thuốc chia thành 2 lần uống vào buổi sáng và chiều, chỉ uống trong ngày.
Một số lưu ý quan trọng khi sử dụng, chế biến táo đỏ
Như vậy, không còn gì nghi ngờ về công dụng của táo đỏ nữa, tuy nhiên trong quá trình sử dụng, chúng ta cũng cần phải lưu ý một số điểm sau đây để đảm bảo an toàn và hiệu quả của dược liệu. Đó là:
- Chỉ nên sử dụng theo đúng liều lượng, không nên tự ý thêm các thảo dược khác khi chưa có ý kiến của bác sĩ, chuyên gia, cũng không nên giảm liều lượng vì sẽ làm ảnh hưởng tới hiệu quả.
- Trẻ em, phụ nữ trong thai kỳ, cho con bú nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.
- Nếu trong quá trình sử dụng có dấu hiệu ngộ độc, dị ứng thì nên ngưng sử dụng ngay, và tới các cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời.
- Người bị máu nhiễm mỡ, lượng đường huyết cao, hay mắc chứng đầy bụng, tróc ghẻ ngoài da nên thận trọng khi sử dụng. Người có bỉ khối ở ngực, đau bụng do giun thì không nên sử dụng.
- Đặc biệt không được kết hợp táo đỏ cùng với bạch vị hay nguyên sâm.
- Khi dùng táo đỏ để trị bệnh, người bệnh nên kết hợp với chế độ ăn uống, tập luyện khoa học, lối sống lành mạnh.
- Chỉ sử dụng táo đỏ có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng, không sử dụng hàng trôi nổi, bị nấm mốc.
Chúng ta vừa cùng nhau tìm hiểu những thông tin quan trọng nhất về táo đỏ – vị dược liệu mang tới nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe. Hy vọng bài viết này sẽ cung cấp cho bạn thêm nhiều thông tin bổ ích và áp dụng thành công vào thực tiễn, giúp nâng cao sức khỏe.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!