Nanh Sữa Ở Trẻ Sơ Sinh Là Gì? Dấu Hiệu Và Cách Xử Lý
Nanh sữa xuất hiện gây ảnh hưởng tới sức khỏe răng miệng của trẻ, khiến bé quấy khóc, biếng ăn, khó chịu. Điều này làm nhiều bố mẹ lo lắng, vậy nhận biết tình trạng như thế nào, biện pháp điều trị ra sao, bài viết sau đây sẽ cung cấp những thông tin cần thiết.
Giải đáp nanh sữa ở trẻ sơ sinh là gì?
Nanh sữa còn được gọi là nang lợi, đây là một tổn thương lành tính, dễ gặp ở niêm mạc miệng trong một khoảng thời gian ngắn ở trẻ sơ sinh. Chuyên gia cho biết, về mặt giải phẫu bệnh học, nang lợi nằm ở vị trí giữa hai răng nanh của bé.
Dạng u nang có vỏ bọc mỏng, phía bên trong có chứa thành phần chính là Keratin, còn được gọi là chất sừng, có màu trắng. Bởi vậy mà đại đa số u nang lợi của bé có màu trắng.
Theo bác sĩ chuyên khoa, trẻ sơ sinh mọc nang lợi là do ở quá trình hình thành mầm răng trong giai đoạn thai nhi, các thành phần tế bào tham gia không bị tiêu biến hoàn toàn. Chúng còn sót lại ở xương hàm, lâu dần hình thành các nanh sữa.
Dấu hiệu nhận biết
Trẻ sơ sinh luôn nhận được sự chăm sóc và quan tâm kỹ càng của cha mẹ. Vì thế, việc nhận biết và phát hiện nanh sữa là không quá khó khăn. Các nang lợi ở trẻ nhỏ thường có kích thước từ 2 đến 3mm, màu trắng hoặc vàng nhạt.
Tuy vậy, các nang lợi này có thể phát triển âm thầm trên răng của bé. Tới khi phát hiện thì chúng đã lớn và xuất hiện các biến chứng gây bội nhiễm. Vì thế, cha mẹ cần thường xuyên vệ sinh răng miệng cho bé để kịp thời có biện pháp xử lý phù hợp. Những dấu hiệu để kết luận tình trạng nanh sữa của bé đã xuất hiện như sau:
- Xuất hiện nốt tròn màu trắng hoặc vàng trên vùng hai răng nanh.
- Trẻ bỏ bú, giảm bú, quấy khóc thường xuyên.
- Khi thấy xuất hiện nanh sữa ở bé, cha mẹ cần theo dõi vùng lợi để kiểm tra và theo dõi biến chứng bội nhiễm làm sưng đỏ, đau lợi của bé.
Lên nanh sữa ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm hay không?
Bác sĩ chuyên khoa cho biết, trẻ sơ sinh bị nanh sữa thường là lành tính. Việc xuất hiện các nang lợi không gây ra bất kỳ sự nguy hiểm nào cho sức khỏe của trẻ. Chúng thường chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn khoảng 2 -5 tuần sau đó tự biến mất hoàn toàn và không để lại dấu vết. Trẻ trên 8 tháng tuổi thường hiếm khi xuất hiện các nang lợi này.
Như đã nói ở trên bản chất của các nanh sữa chính là loại nang có phần vỏ mỏng và phía trong lòng có chứa chất Keratin. Hiện tượng xảy ra do sự sót lại của các mảnh vụn tế bào khi hình thành răng sữa. Bên cạnh đó, nanh sữa ở vòm miệng là do các mảnh vụn tế bào tuyến nước bọt phụ đang bị kẹt dưới niêm mạc trong thời kỳ bào thai.
Thực tế cho thấy, đa số các bé khi mọc nang lợi không có cảm giác khó chịu hoặc đau đớn. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp bé có thể bỏ bú, quấy khóc do thể trạng sức khỏe không được tốt. Thậm chí, nếu trẻ quấy khóc nhiều thì rất có thể nanh sữa đã bị nhiễm khuẩn gây sưng đau.
Khi ấy cha mẹ cần quan sát thêm, tình trạng nhiễm khuẩn được biểu hiện bởi hiện tượng xung quanh niêm mạc lợi chuyển màu đỏ. Nghiêm trọng hơn là các vết loét xuất hiện do sang chấn và bé bị sốt nhẹ. Nếu trẻ mọc răng sữa kèm theo bội nhiễm, cha mẹ nên bình tĩnh, đưa bé đến gặp bác sĩ chuyên khoa và lắng nghe tư vấn.
[pr_middle_post]
Xử trí như thế nào khi trẻ bị mọc nanh sữa?
Khi đã xác định chính xác, trẻ đang bị nang lợi, bố mẹ không nên quá lo lắng. Việc đầu tiên cần làm là hãy xác định xem tình trạng có khiến bé khó chịu hay không. Em bé có quấy khóc, bỏ bú và sốt hay không. Nếu không xuất hiện những biểu hiện khó chịu của bé chỉ cần vệ sinh khoang miệng thật tốt.
Thông thường, sau một thời gian ngắn nanh sữa sẽ tự biến mất. Trường hợp trẻ bị bội nhiễm gây khó chịu, đau đớn, cha mẹ cần đưa bé tới gặp bác sĩ chuyên khoa để tiểu phẫu loại bỏ nanh.
Thủ thuật nhổ nanh không quá phức tạp nhưng thao tác thực hiện cần phải chính xác, nhanh để tránh làm tổn thương vùng lợi xung quanh, tránh gây chảy máu khiến các bé đau và bố mẹ hoang mang.
Thông thường thao tác nhổ được thực hiện như sau:
- Bước 1: Tiến hành thoa thuốc tê để giảm đau cho trẻ.
- Bước 2: Sử dụng dụng cụ để làm rách vỏ nang, khi ấy nang tự vỡ để giải phóng ra chất màu trắng hoặc vàng nhạt.
Sau khi chích từ 1 – 2 ngày, vết rạch sẽ tự liền. Ngoài ra, cha mẹ cần lưu ý, việc chích nanh sữa chỉ có tác dụng giúp nanh nhanh chóng tiêu biến chứ không thể dự phòng, Do đó, chúng có thể tái phát sau một thời gian nhất định và ở một vị trí khác.
Bên cạnh đó, dân gian còn dùng một số mẹo vặt để chữa hiện tượng mọc nang lợi. Tuy nhiên, bác sĩ chuyên khoa cảnh báo, cha mẹ không nên tự chích rạch bởi nếu không có cách xử trí đúng, tình trạng nhiễm khuẩn có thể nặng hơn.
Nanh sữa là hiện tượng không quá phức tạp ở trẻ sơ sinh. Cha mẹ cần theo dõi và vệ sinh khoang miệng của trẻ thường xuyên để có biện pháp xử trí cần thiết đảm bảo bé luôn có được sức khỏe răng miệng tốt nhất.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!