Tiêm Hormone Tăng Trưởng Chiều Cao – Thông Tin Cần Biết
Tiêm hormone tăng trưởng chiều cao là phương pháp cải thiện chiều cao rất hiệu quả. Tuy nhiên, liệu pháp này có mức chi phí rất cao và tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ nguy hiểm. Vì thế, tiêm hormone tăng trưởng chiều cao không khuyến khích áp dụng với những trẻ khỏe mạnh, không mắc bệnh lý.
Thông tin cần biết về hormone tăng trưởng chiều cao
Hormone tăng trưởng có tên tiếng anh là Growth hormone (GH), đây là một loại protein kích thước nhỏ với khoảng 191 gốc acid amin, được sản xuất tại thùy trước tuyến yên. Hormone tăng trưởng có vai trò rất quan trọng đối với sự tăng trưởng và phát triển của cơ thể với các chức năng như kích thích tăng trưởng tế bào, tăng trao đổi chất, hỗ trợ chuyển hóa mô mỡ thành năng lượng, tăng khối lượng cơ và kích thước phủ tạng,… Việc thiếu hụt hay dư thừa loại hormone này đều gây ra những tác động tiêu cực đến sự phát triển của cơ thể.
Sự phát triển chiều cao cũng chịu ảnh hưởng rất lớn từ tác động của hormone tăng trưởng. Thực thế, hormone tăng trưởng sẽ không trực tiếp tham gia vào quá trình sản sinh sụn khớp hay tác động đến xương. Tuy nhiên, chúng sẽ kích thích gan sản sinh ra một loại protein có kích thước nhỏ tên là IGF-1. Loại protein này sẽ di chuyển vào sụn cơ xương để hỗ trợ sản sinh tế bào tạo xương, làm tăng khả năng hấp thụ canxi và collagen tuýp 2 cùng một số dưỡng chất khác. Các loại dưỡng chất này có chức năng gắn kết xương cũ, tạo xương mới và làm tăng chiều dài của xương. Một số loại hormone tăng trưởng còn có khả năng làm tăng lắng đọng chondroitin sulfate và collagen, đây đều là những yếu tố cần thiết cho sự phát triển xương sụn.
Thông thường, hormone tăng trưởng sẽ được cơ thể sản sinh và giải phóng vào máu theo từng đợt cả ngày lẫn đêm. Tuy nhiên, mức độ giải phóng hormone này diễn ra mạnh mẽ nhất là vào độ tuổi dậy thì và chủ yếu là vào ban đêm (từ 11h đêm đến 2 – 3 giờ sáng hôm sau). Nếu lượng hormone tăng trưởng trong cơ thể luôn sản sinh tốt sẽ kích thích sự phát triển chiều cao của trẻ từ giai đoạn sơ sinh đến dậy thì. Nhưng nếu cơ thể bị mất cân bằng hormone tăng trưởng sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như còi cọc, suy dinh dưỡng, đầu to, dô xương hàm, chiều cao hạn chế,…
Có nên tiêm hormone tăng trưởng chiều cao không?
Thuốc hormone tăng trưởng chiều cao chính là chế phẩm sinh học được tái tổ hợp từ gen người. Tiêm hormone tăng trưởng có tác dụng kích thích trẻ phát triển hệ xương khớp, làm tăng cơ giảm mỡ, tăng cường hệ miễn dịch cơ thể,… Từ đó, vóc dáng của trẻ sẽ được cải thiện đáng kể. Thông thường, liệu pháp tiêm hormone sẽ bắt đầu điều trị khi trẻ đủ 2 tuổi và kết thúc ở độ tuổi 14 – 15 ở bé gái và 15 – 16 đối với bé trai. Trong suốt quá trình điều trị, trẻ cần được theo dõi chặt chẽ để sớm phát hiện tác dụng phụ và đưa ra biện pháp xử lý đúng cách.
Tuy nhiên, liệu pháp tiêm hormone tăng trưởng chiều cao chỉ được khuyến khích thực hiện với những trẻ bị thấp lùn do mắc các bệnh lý về tuyến yên, khiến cơ thể bị thiếu hụt hormone tăng trưởng nghiêm trọng. Còn với những người không thuộc trường hợp này thì không nên tiêm hormone tăng trưởng chiều cao để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Một số điều bạn cần phải nắm rõ trước khi tiến hành tiêm hormone tăng trưởng chiều cao là:
- Tiêm hormone tăng trưởng có thể làm tăng chiều cao từ 2 – 5cm/năm. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời và bạn vẫn có nguy cơ thấp bé hơn so với mức chiều cao trung bình. Với những trường hợp sụn khớp đã dần đóng lại thì việc tiêm hormone tăng trưởng cũng không mang lại hiệu quả tăng chiều cao.
- Tiêm hormone tăng trưởng chiều cao tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ không mong muốn. Một số tác dụng phụ ngắn hạn là đau cơ, đau đầu, phù nề, sưng bàn tay chân,… Tác dụng phụ khi sử dụng lâu dài là tăng nguy cơ bị tiểu đường, bệnh tim mạch, ung thư đường tiêu hóa, thoái hóa thần kinh,…Nghiêm trọng hơn có thể đe dọa đến tính mạng.
- Chi phí tiêm hormone tăng trưởng ở mức khá cao, khoảng 1.2 – 1.5 triệu/ống. Bạn cần phải tiêm ít nhất 3 mũi hormone mỗi tuần và thời gian điều trị phải kéo dài nhiều năm liền (thường sẽ kết thúc độ tuổi dậy thì).
Biện pháp tăng sản sinh hormone tăng trưởng tự nhiên
Thiếu hormone tăng trưởng khiến trẻ có chiều cao thấp bé, hệ xương không được khỏe mạnh và dễ bị gãy xương. Ngay khi trẻ có dấu hiệu chậm tăng trưởng chiều cao do thiếu hụt hormone tăng trưởng, mẹ cần cho bé đến bệnh viện để được thăm khám chuyên khoa và hướng dẫn điều trị đúng cách. Dưới đây là một số biện pháp làm tăng sản sinh hormone tăng trưởng một cách tự nhiên và an toàn bạn có thể tham khảo:
+ Tập luyện cường độ cao: Khuyến khích trẻ nên tăng cường vận động, đặc biệt là trẻ đang trong độ tuổi dậy thì. Khi vận động, các dây thần kinh trên cơ thể sẽ được kích hoạt và tuần hoàn máu bên trong cơ thể cũng diễn ra tốt hơn. Để hormone tăng trưởng có thể sản sinh ra một cách tốt nhất, trẻ nên tập thể dục cường độ cao ít nhất 30 phút mỗi ngày. Chú ý, trẻ phải bổ sung đủ nước cho cơ thể khi tập luyện để tránh bị mất nước.
+ Chế độ dinh dưỡng: Các loại thực phẩm trẻ tiêu thụ hàng ngày cũng gây ảnh hưởng đến nồng độ hormone tăng trưởng bên trong cơ thể. Chuyên ga cho biết, thực đơn ăn uống của trẻ cần phải cung cấp đủ 4 nhóm dưỡng chất cần thiết cho cơ thể (tinh bột, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất). Mẹ cần hạn chế cho trẻ sử dụng các loại thực phẩm ngọt chứa nhiều đường. Tiêu thụ quá nhiều thực phẩm ngọt sẽ làm tăng đường huyết, khiến hormone tăng trưởng tiết ra ít hơn.
+ Giấc ngủ: Hormone tăng trưởng được sản sinh ra mạnh mẽ nhất khi cơ thể rơi vào trạng thái ngủ. Nếu trẻ ngủ không đủ giấc hoặc ngủ không sâu giấc sẽ làm giảm lượng hormone tăng trưởng tiết ra và ảnh hưởng đến quá trình phát triển chiều cao. Vì thế, mẹ nên khuyên trẻ ngủ đúng giờ và ngủ đủ 8 tiếng trong ngày. Phòng ngủ của trẻ phải có ánh sáng dịu nhẹ để trẻ dễ ngủ và ngủ ngon giấc hơn.
+Giảm stress: Khi cơ thể ở trạng thái cân bằng, quá trình tiết hormone tăng trưởng tại tuyến yên sẽ diễn ra tốt hơn. Nếu để đầu óc rơi vào trạng thái căng thẳng, não bộ sẽ sản sinh ra một số loại hormone gây kích thích không tốt đến tuyến thượng thận. Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình sản sinh hormone tăng trưởng, hoạt động của hệ miễn dịch và hệ tiêu hóa,…
+ Kiểm soát cân nặng: Lượng mỡ trong cơ thể cũng ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất hormone tăng trưởng. Nghiên cứu y khoa cho biết, lượng mỡ bụng cao sẽ làm giảm khả năng sản xuất hormone tăng trưởng và gia tăng nguy cơ mắc bệnh. Vì thế, mẹ cần kiểm soát cân nặng trẻ ở mức hợp lý, tránh tình trạng thừa cân béo phì.
Tiêm hormone tăng trưởng chiều cao chỉ được áp dụng với những trẻ bị thấp bé do mắc bệnh lý tuyến giáp. Với những trẻ khỏe mạnh thì đây là liệu pháp cải thiện chiều cao không nên áp dụng để tránh gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Nếu muốn cải thiện chiều cao của trẻ, mẹ nên tìm đến các biện pháp làm tăng hormone tăng trưởng tự nhiên và an toàn hơn.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!