Chân Vòng Kiềng
Chân vòng kiềng là một dạng dị tật chân thường gặp ở trẻ dưới 4 tuổi và trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ dần được cải thiện khi trẻ được 18 tháng mà không cần điều trị. Nhưng nếu dạng dị tật này diễn ra kéo dài đến khi trẻ lớn mà không được xử lý đúng cách sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến khả năng vận động sau này.
Định nghĩa
Chân vòng kiềng là hiện tượng đầu gối bị lệch. Với người bình thường, khi đứng thẳng sẽ thấy đầu gối hướng ra ngoài và thẳng hàng với chân, hai mắt cá chân sẽ cách nhau một khoảng từ 2 – 3 inch. Nhưng với bệnh nhân chân vòng kiềng, đầu gối sẽ xoay vào bên trong, chân cong ra ngoài và hai mắt cá chân chạm nhau. Quan sát bên ngoài sẽ thấy hai chân bị cong trông giống như vòng kiềng.
Chân vòng kiềng là một dạng dị tật chân xảy ra khá phổ biến, có khoảng 20% trẻ em dưới 3 tuổi mắc phải dị tật này. Bác sĩ chuyên khoa cho biết, tình trạng chân vòng kiềng khi khởi phát ở trẻ em thường diễn ra ở mức độ nhẹ, có thể tự điều chỉnh theo thời gian mà không cần điều trị y tế. Nhưng cũng có khoảng 1% trẻ em bị chân vòng kiềng kéo dài đến hơn 7 tuổi.
Đồng thời, tình trạng này cũng có thể gây ảnh hưởng đến thanh thiếu niên và người trưởng thành nhưng rất ít. Một số nguyên nhân gây chân vòng kiềng ở người lớn là chấn thương đầu gối hoặc chân, nhiễm trùng đầu gối hoặc chân, thiếu vitamin D hoặc canxi, béo phì, do bệnh lý,…
Chuyên gia xương khớp cho biết, chân vòng kiềng là một dạng dị tật không thể phòng ngừa. Tuy nhiên, bạn có thể cải thiện bằng nhiều cách khác nhau và hạn chế các biến chứng có liên quan. Đa số các trường hợp chân vòng kiềng khởi phát ở trẻ em đều được cải thiện sau khi trẻ được 7 – 8 tuổi. Còn với những trường hợp trẻ lớn hoặc người lớn bị chân vòng kiềng, bác sĩ sẽ đề nghị làm vật lý trị liệu hoặc thực hiện một số bài tập vật lý trị liệu để điều chỉnh lại sự phát triển của đầu gối. Nếu điều trị bảo tồn không mang lại hiệu quả, phẫu thuật sẽ được thực hiện để tránh các rủi ro có liên quan.
Hình ảnh
Triệu chứng
Hai đầu gối cách xa nhau và mắt cá chân chạm vào nhau là đặc trưng của tình trạng chân vòng kiềng. Khi đầu gối cách xa nhau còn có thể khiến người bệnh có dáng đi khá kỳ lạ. Nếu bị chân vòng kiềng do nguyên nhân sinh lý sẽ không gây ra triệu chứng lâm sàng và không giới hạn về khả năng vận động. Tuy nhiên, hình dáng đi lại của trẻ sẽ bị thay đổi. Lúc này, trẻ sẽ trở nên vụng về khi di chuyển và thường xuyên vấp té. Nhưng nếu tình trạng thay đổi dáng đi diễn ra kéo dài sẽ gây ra một số triệu chứng lâm sàng sau đây:
- Đau nhức ở vùng đầu gối, lòng bàn chân, hông và mắt cá chân.
- Dáng đi trở nên khập khiễng và mất cân bằng
- Khả năng giữ thăng bằng khi đứng kém
- Cứng khớp gây khó di chuyển
Ở một số trường hợp, chân vòng kiềng sẽ gây căng dây chằng và cơ ở một số cơ quan có liên quan như hông, mắt cá chân và bàn chân. Điều này đã khiến cho dáng đứng của người bệnh ở trạng thái không được cân bằng và kích thích khởi phát triệu chứng đau nhức.
Nguyên Nhân
Bác sĩ chuyên khoa cho biết, chân vòng kiềng có thể xảy ra do nguyên nhân bẩm sinh hoặc do ảnh hưởng bởi một số yếu tố khác. Việc xác định chính xác nguyên nhân sẽ giúp ích rất lớn cho bác sĩ trong việc lên phác đồ điều trị. Dưới đây là một số nguyên nhân gây chân vòng kiềng thường gặp bạn có thể tham khảo:
+ Nguyên nhân sinh lý: Chân vòng kiềng là một dạng dị tật bẩm sinh thường gặp. Tình trạng này xảy ra khi xương và khớp bị thay đổi vị trí để thích nghi với không gian phát triển ngay khi còn là thai nhi trong bụng mẹ. Chân vòng kiềng bẩm sinh được xác định là do nguyên nhân sinh lý. Đây được xem là một phần bình thường trong quá trình phát triển của trẻ. Khi trẻ tập đi, tình trạng chân vòng kiềng sẽ trở nên tồi tệ hơn và rất dễ nhận biết khi trẻ đã biết đi. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ dần được cải thiện theo thời gian và chân có thể thẳng trở lại khi trẻ được 7 – 8 tuổi.
+ Nguyên nhân bệnh lý: Chân vòng kiềng do bệnh lý là tình trạng khá hiếm gặp. Trường hợp này thường xảy ra ở người lớn và thanh thiếu niên. Các bệnh lý đó là:
- Còi xương: Còi xương xảy ra khi cơ thể không được bổ sung đầy đủ các nhóm dưỡng chất cần thiết để xương khớp phát triển, đặc biệt là vitamin D và canxi. Với những trường hợp nặng, còi xương sẽ gây biến dạng tứ chi, trong đó có cả dị tật chân vòng kiềng. Chuyên gia cho biết, dị tật chân vòng kiềng do còi xương sẽ được cải thiện sau khi điều trị y tế hoặc áp dụng các biện pháp tự điều chỉnh tại nhà. Nhưng với những trường hợp nghiêm trọng, bạn cần phải làm phẫu thuật để ngăn ngừa tổn thương tiến triển nặng hơn.
- Bệnh Blount: Đây là một dạng dị tật chân gây ảnh hưởng kéo dài từ đầu gối đến mắt cá chân. Đặc trưng của bệnh Blount là vùng xương bị ảnh hưởng sẽ cong vào trong hoặc cong ra ngoài. Hiện tại có hai loại bệnh Blount là Blount trẻ sơ sinh và Blount thanh thiếu niên. Khi bệnh khởi phát ở trẻ sơ sinh thường rất khó phát hiện, điều này đã tạo điều kiện cho biến chứng phát sinh do chậm trễ trong điều trị.
- Bệnh Osteochondrodysplasia: Đây là thuật ngữ chuyên khoa dùng để chỉ nhóm bệnh xương khớp do di truyền hoặc loạn sản xương di truyền. Đặc trưng của nhóm bệnh lý này là gây biến dạng xương ở các chi và cột sống, điển hình là dị tật chân vòng kiềng. Một số yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh Osteochondrodysplasia là béo phì, đầu gối bị chấn thương hoặc mắc bệnh lý, thiếu vitamin D hoặc canxi.
Biện pháp chẩn đoán
Bác sĩ chuyên khoa cho biết, chân vòng kiềng thường không được chẩn đoán đối với trẻ nhỏ vì chúng xảy ra khá phổ biến và không có dấu hiệu cụ thể. Nhưng nếu tình trạng này xảy ra ở thanh thiếu niên và người lớn, bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán thông qua hình dạng của chân và dáng đi của người bệnh. Đồng thời, bác sĩ cũng sẽ hỏi thăm về tiền sử bệnh lý của gia đình hoặc các yếu tố gây ảnh hưởng đến đầu gối trước đó.
Với những trường hợp có triệu chứng đau nhức, bác sĩ sẽ tiến hành xác định vị trí đau nhức cũng như mức độ nghiêm trọng của cơn đau. Ngoài ra, bác sĩ còn làm thêm một số kiểm tra như căn chỉnh đầu gối khi đứng, xác định sự chênh lệch chiều dài của hai chân, độ mòn của đế giày hoặc miếng lót giày,… Để có thể quan sát được hình ảnh cấu trúc xương cụ thể, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh chụp x-quang hoặc chụp MRI.
Chú ý, bố mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ nếu tình trạng chân vòng kiềng xảy ra ở mức độ nghiêm trọng với các triệu chứng đi kèm sau đây:
- Đi bộ khập khiễng
- Hai chân bất đối xứng
- Đau nhức ở đầu gối hoặc hông
- Chiều cao của trẻ thấp hơn bạn bè cùng trang lứa
- Tình trạng chân vòng kiềng tiếp tục trở nên tồi tệ khi trẻ lên 2 tuổi
Biện pháp điều trị
Thông thường, việc điều trị chân vòng kiềng chỉ được thực hiện với trẻ trên 3,5 tuổi. Bác sĩ sẽ dựa vào nguyên nhân cũng như mức độ nghiêm trọng ở từng trường hợp cụ thể để có thể đưa ra biện pháp điều trị sao cho phù hợp. Dưới đây là các cách khắc phục tình trạng chân vòng kiềng mà chúng tôi tổng hợp được bạn có thể tham khảo:
+ Giảm cân
Thừa cân và béo phì sẽ gây áp lực rất lớn lên hệ thống xương khớp ở vùng chi dưới như khớp gối, dây chằng,… Điều này đã góp phần khiến cho tình trạng chân vòng kiềng trở nên tồi tệ hơn. Nếu đang bị thừa cân, bác sĩ khuyến khích người bệnh nên tiến hành giảm cân để đưa trọng lượng cơ thể về mức hợp lý. Chú ý, không nên giảm cân quá nhanh bằng các cách khắc nghiệt như nhịn ăn, móc họng nôn sau khi ăn,… Thay vào đó, bạn hãy lên kế hoạch tập luyện và ăn uống sao cho hợp lý.
+ Tập thể dục
Đây cũng được xem là một trong những cách khắc phục tình trạng chân vòng kiềng khá đơn giản và hiệu quả. Chuyên gia khuyến khích người bệnh nên thực hiện các bài tập kéo dài đơn giản giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp chân, phục hồi chức năng đầu gối và chỉnh hình xương.
Thông thường, bác sĩ và chuyên gia vật lý trị liệu sẽ lên phác đồ trị liệu dựa trên mức độ thay đổi của dáng đi. Nếu bạn tiến hành trị liệu đúng cách và duy trì thói quen tập luyện trong thời gian dài còn mang lại hiệu quả giảm cân, cải thiện sức mạnh cơ bắp và tăng tính linh hoạt cho đầu gối.
+ Dùng dụng cụ chỉnh hình
Nếu hai chân có sự chênh lệch về chiều dài, bác sĩ sẽ yêu cầu sử dụng dụng cụ chỉnh hình. Thông thường, người bệnh sẽ được yêu cầu dùng miếng lót giày để điều chỉnh dáng đi và cải thiện triệu chứng đau nhức khi di chuyển. Còn với những trường hợp chân vòng kiềng xảy ra ở trẻ dưới 8 tuổi, bác sĩ sẽ yêu cầu dùng nẹp chỉnh hình giúp xương có thể phát triển một cách cân bằng.
+ Phẫu thuật
Phẫu thuật rất hiếm khi được áp dụng để cải thiện tình trạng chân vòng kiềng. Nhưng nếu tình trạng này xảy ra ở mức độ nghiêm trọng, bác sĩ vẫn sẽ cân nhắc và chỉ định tiến hành phẫu thuật. Hai loại phẫu thuật điều chỉnh chân vòng kiềng được áp dụng trong y khoa là:
- Phẫu thuật chèn tấm kim loại nhỏ vào bên trong đầu gối để điều chỉnh lại sự phát triển của đầu gối. Sau khoảng 12 tháng, người bệnh cần phải tiến hành phẫu thuật lại để loại bỏ chúng.
- Phẫu thuật cắt bỏ xương chêm nhỏ ở chân và tiến hành sắp xếp lại vị trí của khớp sao cho đúng. Sau khi sắp xếp, bác sĩ sẽ sử dụng đinh vít và tấm kim loại chuyên dụng để cố định xương mới sau phẫu thuật.
Sau phẫu thuật, người bệnh cần có một khoảng thời gian khá dài để nghỉ ngơi và phục hồi tổn thương. Sau khoảng vài tháng người bệnh mới có thể hoạt động bình thường trở lại.
Nếu nghi ngờ bản thân bị chân vòng kiềng do bệnh lý, bạn cần thăm khám chuyên khoa xác định bệnh lý đang mắc phải để được hướng dẫn điều trị đúng cách. Ở trường hợp này, bạn cần phải kiểm soát tốt mức độ tiến triển của bệnh lý giúp giảm nhẹ triệu chứng và ngăn ngừa tình trạng chân vòng kiềng trở nên tồi tệ hơn. Nếu chủ quan, bệnh sẽ nhanh chóng chuyển biến nặng và phát sinh ra nhiều biến chứng không mong muốn.
- Chuyên gia
- Cơ sở