Đốt Sống Cổ Bị Lồi
Đốt sống cổ bị lồi sẽ hình thành nên đường cong bất thường tại cột sống. Điều này đã làm gia tăng áp lực lên các mô mềm xung quanh, gây đau nhức kéo dài và ảnh hưởng đến khả năng vận động. Bài viết dưới đây là tổng hợp những thông tin cần biết về tình trạng đốt sống cổ bị lồi bạn có thể tham khảo để hiểu rõ hơn.
Định nghĩa
Đốt sống cổ bị lồi là một trong những bất thường xảy ra ở vùng cổ. Đây là hiện tượng đốt sống cổ bị đẩy ra khỏi vị trí ban đầu và hình thành nên đường cong bất thường tại cột sống. Lúc này, cột sống cổ sẽ bị gập xuống và hướng về phía trước khiến cho phần đầu lưng không thẳng hàng. Chuyên gia cho biết, lồi đốt sống cổ có thể xảy ra do ảnh hưởng từ một số dị tật cột sống bẩm sinh hoặc tư thế xấu khi dùng thiết bị điện tử. Bất kỳ ai cũng có thể bị lồi đốt sống cổ nhưng thường gặp nhất là trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn tuổi.
Thống kê y khoa cho thấy, hầu hết các trường hợp bị lồi đốt sống cổ đều chỉ diễn ra ở mức độ nhẹ, có thể cải thiện bằng các phương pháp điều trị bảo tồn như vật lý trị liệu, tập luyện,.... Tuy nhiên, bạn cần phải điều trị càng sớm càng tốt để tránh gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hàng ngày. Ngay khi có các dấu hiệu của bệnh, bạn không nên chủ quan trong việc thăm khám và điều trị chuyên khoa.
Chậm trễ trong việc điều trị là một trong những yếu tố làm gia tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh lý và có thể gây ra tổn thương vĩnh viễn tại cột sống. Một số biến chứng của bệnh lồi đốt sống cổ có thể kể đến là thoát vị đĩa đệm, thoái hóa đốt sống cổ, gây gù vẹo cột sống, đau nhức mãn tính, tổn thương dây thần kinh và mạch máu,...
Hình ảnh
Triệu chứng
Các dấu hiệu lồi sống sống cổ thường biểu hiện ngày càng rõ theo thời gian, đôi khi bạn có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Dưới đây là các triệu chứng đặc trưng của tình trạng này bạn cần nắm rõ để hỗ trợ cho việc nhận biết bệnh:
- Xuất hiện đường cong bất thường ở vùng cột sống cổ, vai tròn và đầu hay cúi gập về phía trước.
- Đau nhức ở một số khu vực như lưng trên, vai và cổ. Cơn đau có thể diễn ra ở mức độ nhẹ, âm ỉ hoặc nghiêm trọng dựa vào nguyên nhân gây bệnh.
- Ở một số trường hợp, cơn đau sẽ phát triển lan rộng lên cả vùng đầu và hàm. Cường độ đau nhức sẽ tăng lên khi bạn thực hiện động tác gập cổ.
- Bị cứng cổ khiến khả năng vận động của vùng cổ bị ảnh hưởng. Đồng thời, khả năng giữ thăng bằng của người bệnh cũng bị giảm đáng kể.
- Trường hợp gây tổn thương đến dây thần kinh sẽ gây ra triệu chứng tê bì, ngứa ran hoặc châm chích ở cổ. Tình trạng này có thể lan rộng đến cánh tay gây yếu chi.
Nguyên Nhân
Tình trạng lồi đốt sống cổ có thể xảy ra do tác động từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau, bạn cần nắm rõ để có thể chủ động hơn trong việc phòng ngừa. Dưới đây là một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng đốt sống cổ bị lồi mà chúng tôi tổng hợp được bạn có thể tham khảo:
- Dị tật bẩm sinh: Nếu tình trạng này xảy ra ở trẻ nhỏ thì rất có thể là do một số dị tật bẩm sinh tại cột sống. Các dị tật này đã được hình thành ngay khi trẻ còn là bào thai trong bụng mẹ. Thường gặp là nứt cột sống, xương phát triển bất thường, cột sống không hình thành hoàn toàn,... Các dị dạng này đã khiến cho đốt sống bị trượt khỏi vị trí ban đầu và hình thành nên đường cong bất thường trên cột sống. Bạn có thể nhận thấy biểu hiện này rất rõ ràng khi trẻ lên 5 - 7 tuổi.
- Tư thế sinh hoạt xấu: Có các tư thế xấu khi thực hiện các hoạt động sống hàng ngày cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng lồi đốt sống cổ thường gặp, đặc biệt là thói quen ngồi gập cổ hoặc cúi đầu về phía trước quá mức. Tình trạng này thường xảy ra ở trẻ em hoặc thanh thiếu niên do sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều, ngồi học không đúng tư thế,... Việc duy trì tư thế xấu trong thời gian dài sẽ khiến cho dây chằng quanh cột sống bị kéo căng quá mức, giảm tính ổn định của cột sống và đẩy đốt sống ra ngoài. Theo thời gian sẽ hình thành nên đường cong bất thường tại cột sống
- Chấn thương cột sống: Đốt sống cổ bị lồi cũng có thể là hệ quả của tình trạng chấn thương cột sống. Các chấn thương đó là gãy xẹp đốt sống, trật đốt sống cổ,... Tình trạng chấn thương cột sống cổ thường xảy ra khi bạn bị ngã từ trên cao xuống, va chạm mạnh khi chơi thể thao hoặc bị tai nạn giao thông. Khi mắc phải các chấn thương này, đốt sống cổ sẽ bị biến dạng và di chuyển ra khỏi vị trí ban đầu. Điều này đã hình thành nên đường cong bất thường trên cột sống.
- Bệnh lý cột sống: Tình trạng lồi đốt sống cổ cũng có thể xảy ra do ảnh hưởng từ một số bệnh lý về cột sống. Ví dụ như thoát vị đĩa đệm cổ, thoái hóa cột sống cổ,... Khi mắc phải các bệnh lý này, vùng cột sống cổ phải chịu áp lực rất lớn, dần thay đổi hình dáng và khiến đốt sống bị lồi ra bên ngoài.
Phòng ngừa
Lồi đốt sống cổ là tình trạng có thể khởi phát ở bất kỳ đối tượng nào nhưng với mức độ không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể hạn chế nguy cơ mắc bệnh thông qua việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa sau đây:
- Nếu đang mắc các bệnh lý về cột sống làm gia tăng nguy cơ bị lồi đốt sống cổ, bạn nên thăm khám chuyên khoa để được hướng dẫn điều trị tích cực, giúp kiểm soát tốt tình trạng bệnh.
- Duy trì tư thế tốt khi làm việc, học tập và sinh hoạt. Luôn giữ thẳng cột sống khi thực hiện các hoạt động sống hàng ngày. Khi ngồi, đầu gối và hông nên tạo với nhau một góc 90 độ. Không ngửa hoặc cúi đầu quá mức khi dùng thiết bị điện tử.
- Sử dụng nệm và gối kê đầu phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân. Nên ưu tiên sử dụng nệm cao su có độ đàn hồi tốt, giúp giữ được đường cong tự nhiên của cột sống khi nằm. Gối kê đầu có độ cao vừa phải, làm bằng chất liệu không quá cứng cũng không quá mềm. Nên ưu tiên các loại gối có chức năng hỗ trợ cột sống và đầu.
- Sau mỗi giờ làm việc, nên dành thời gian nghỉ giải lao để thư giãn cơ và cột sống cổ. Nếu gắng sức làm việc sẽ gây mỏi cổ, khiến bạn có xu hướng khom lưng và cúi đầu về phía trước.
- Nên bổ sung đầy đủ các thành phần dưỡng chất cần thiết cho cơ thể để củng cố sức khỏe hệ xương khớp, đẩy lùi nguy cơ thoái hóa cột sống và thoát vị đĩa đệm. Ví dụ như canxi, vitamin D, magie, omega-3, chất chống oxy hóa,...
- Tập luyện thể dục thể thao mỗi ngày để tăng cường sức khỏe và độ dẻo dai của xương khớp. Đồng thời, giúp duy trì đường cong sinh lý tự nhiên của cột sống. Chuyên gia khuyến khích bạn nên thực hiện các bài tập kéo giãn cột sống để phòng ngừa bệnh.
Biện pháp điều trị
Bác sĩ chuyên khoa cho biết, tình trạng lồi đốt sống cổ có thể dễ dàng nhận biết thông qua việc kiểm tra triệu chứng lâm sàng. Lúc này, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra dị tật hoặc đường cong bất thường của cột sống. Đồng thời, thăm hỏi người bệnh về tiền sử bệnh lý cũng như các chấn thương đã từng gặp trước đó.
Nhưng để đo được độ cong và xác định chính xác tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện thêm một số xét nghiệm như chụp x-quang, chụp CT, chụp MRI hoặc đo điện cơ. Sau khi đã đưa ra chẩn đoán chính xác về tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ tư vấn cho người bệnh phương pháp điều trị phù hợp nhất. Các phương pháp đó là:
Điều chỉnh tư thế
Với những trường hợp đốt sống cổ bị lồi do ảnh hưởng từ tư thế sinh hoạt xấu thì nên điều chỉnh lại cho phù hợp. Lúc này, người bệnh cần tránh thực hiện các động tác gập cổ hoặc cúi đầu về phía trước quá mức. Khi sử dụng điện thoại bạn cần giữ thẳng cổ, không được cúi đầu, nên để mắt nhìn xuống dưới khoảng 25 độ. Nếu phải làm việc với máy tính, nên để màn hình máy tính ngang tầm mắt và sử dụng ghế ngồi có phần lưng tựa để hỗ trợ cột sống. Khi thực hiện các hoạt động sống hàng ngày, chú ý giữ thẳng cột sống và kéo vai về phía sau.
Mục đích của việc điều chỉnh tư thế là cải thiện đường cong của cột sống để giảm áp lực lên dây chằng, tránh tình trạng dây chằng bị kéo căng quá mức trong thời gian dài. Lâu dần, cột sống sẽ dần ổn định trở lại và ngăn ngừa các bất thường tiếp tục phát triển trong tương lai.
Nẹp cột sống cổ
Ở một số trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh đeo nẹp cột sống để ngăn ngừa tổn thương tại cột sống tiếp tục chuyển biến nặng. Nẹp cột sống là vật liệu y khoa được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau như vải, nhựa nhiệt thấp hoặc nhựa. Đeo nẹp sẽ giúp cố định vùng cột sống cổ, hỗ trợ điều chỉnh tư thế và phục hồi chức năng của cơ quan này. Theo thời gian, đường cong cột sống sẽ dần được điều chỉnh theo hướng tích cực. Người bệnh cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ về cách mang nẹp, tần suất mang nẹp và thời điểm dùng nẹp để có thể mang lại hiệu quả tốt nhất.
Liệu pháp nhiệt
Với những trường hợp đốt sống cổ bị lồi gây ra triệu chứng đau nhức ở mức độ nhẹ, bạn có thể áp dụng liệu pháp nhiệt để cải thiện. Lúc này, bạn chỉ cần dùng một túi nước ấm để chườm đắp vào khu vực bị ảnh hưởng. Nhiệt độ cao có tác dụng làm giãn nở mạch máu, tăng lưu thông máu và giúp quá trình phục hồi tổn thương diễn ra tốt hơn.
Ngoài ra, phương pháp nhiệt trị liệu còn có tác dụng làm thư giãn cơ và dây thần kinh ở cổ, ngăn ngừa tình trạng cứng cổ và co thắt cơ xảy ra. Điều này đã giúp cho hoạt động vùng cột sống cổ trở nên linh hoạt hơn và tăng phạm vi vận động.
Sử dụng thuốc
Nếu tình trạng lồi đốt sống cổ gây ra triệu chứng đau nhức ở mức độ nghiêm trọng, bác sĩ sẽ yêu cầu sử dụng thuốc Tây y theo đơn kê để cải thiện. Thường được sử dụng là thuốc kháng viêm không steroid và thuốc giảm đau giãn cơ. Dựa vào mức độ đau nhức ở từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ hướng dẫn dùng thuốc sao cho phù hợp. Người bệnh không tự ý mua thuốc về dùng để cải thiện triệu chứng của bệnh, tránh tình trạng dùng quá liều gây ra tác dụng phụ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Vật lý trị liệu
Khi tiến hành vật lý trị liệu, chuyên gia sẽ hướng dẫn bạn thực hiện một số bài tập như mở rộng, xoay cổ, kéo căng cổ,... Tác dụng chính của các bài tập này là tăng sức mạnh cơ cổ, ổn định hoạt động cột sống và đưa đốt sống trở về vị trí ban đâu. Từ đó, áp lực lên dây chằng xung quanh đốt sống sẽ được giải tỏa, giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn
Ở một số trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện vận động trị liệu kết hợp với xoa bóp để thư giãn cơ, hạn chế tình trạng cứng cổ và đau cổ xảy ra, làm tăng phạm vi chuyển động của cột sống cổ.
Phẫu thuật
Phẫu thuật rất hiếm khi được chỉ định thực hiện để điều trị tình trạng đốt sống cổ bị lồi. Phương pháp này chỉ được áp dụng khi thực sự cần thiết, điển hình là lồi đốt sống cổ chèn ép dây thần kinh quá mức gây đau nhức kéo dài hoặc đau ở mức độ nghiêm trọng. Lúc này, bác sĩ sẽ dựa vào nguyên nhân gây bệnh để chỉ định phương pháp phẫu thuật điều trị cho phù hợp.
Điều trị bệnh bằng phương pháp phẫu thuật mang lại hiệu quả nhanh chóng và dứt điểm nhưng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Tốt nhất, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa thật kỹ trước khi áp dụng.
- Chuyên gia
- Cơ sở