Ung Thư Xương Hàm
Ung thư xương hàm là loại ung thư hiếm gặp nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Khi bệnh khởi phát bạn phải đối mặt với các triệu chứng như đau nhức vùng xương hàm, răng lung lay, khó cử động hàm,… Để hiểu rõ hơn về bệnh lý này, bạn hãy cùng tôi theo dõi bài viết bên dưới đây.
Định nghĩa
Ung thư xương hàm xảy ra khi các tế bào ác tính phát triển bên trong xương quai hàm. Hàm là vị trí rất dễ hình thành khối u xương và u nang nhưng đa số đều lành tính. Vì thế, ung thư xương hàm là bệnh lý khá hiếm gặp. Y học hiện đại đã chia bệnh ung thư xương hàm thành hai loại chính. Loại thứ nhất là ung thư phát triển bắt đầu từ xương hàm (còn được gọi là ung thư hàm nguyên phát). Loại thứ hai là ung thư lây lan từ các cơ quan lân cận (còn gọi là ung thư hàm thứ phát). Các tế bào ác tính cũng có thể phát triển bên trong xương hàm, thường gặp là Ewing sarcoma và u tế bào khổng lồ.
Triệu chứng đặc trưng của bệnh ung thư xương hàm là gây đau nhức ở vùng miệng khiến bạn gặp khó khăn khi thực hiện động tác mở miệng. Đồng thời, bệnh còn có khả năng lây lan đến các cơ quan lân cận và phát sinh biến chứng. Chuyên gia cho biết, tốc độ tiến triển của bệnh ung thư xương hàm rất nhanh. Nếu không phát hiện và điều trị sớm sẽ gây biến dạng mặt, di căn sang nhiều cơ quan khác và đe dọa đến tính mạng.
Được biết, bệnh ung thư xương hàm có quá trình xâm lấn và di căn nhanh gấp 3 – 4 lần so với các căn bệnh ung thư khác. Khi bước vào giai đoạn phát triển mạnh, các khối u ác tính nhanh chóng phát triển về kích thước và dễ di căn đến các tế bào khỏe mạnh xung quanh. Điều này đã gây ra tình trạng rối loạn và suy giảm chức năng đa nội tạng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Thông thường, bệnh lý này sẽ phát triển thông qua các giai đoạn sau đây:
- Giai đoạn 1: Khối u ác tính chỉ mới hình thành bên trong xương hàm, chưa phát triển xâm lấn đến các cơ quan xung quanh.
- Giai đoạn 2: Khối u bắt đầu tăng trưởng về kích thước nhưng vẫn chưa di căn đến các mô khỏe mạnh xung quanh.
- Giai đoạn 3: Đây là giai đoạn bệnh tiến triển mạnh mẽ. Khối u ác tính bắt đầu di căn đến các khu vực khỏe mạnh như khoang miệng, hạch bạch huyết,…
- Giai đoạn 4: Đây là giai đoạn cuối của bệnh ung thư xương hàm. Tế bào ung thư phát triển đi khắp các phần còn lại của cơ thể. Khi bệnh đã tiến triển sang giai đoạn 4 sẽ có tiên lượng rất xấu và khả năng sống thấp.
Hình ảnh
Triệu chứng
Các triệu chứng của bệnh ung thư xương hàm được hình thành do áp lực từ sự phát triển của khối u. Khi khối u phát triển với kích thước lớn sẽ chèn ép lên các cơ quan xung quanh như răng, mạch máu, dây thần kinh,… Lúc này, người bệnh phải đối mặt với các triệu chứng sau đây:
- Đau đớn: Khi mới phát triển ở giai đoạn đầu, người bệnh thường có cảm giác đau nhức ở vùng xương hàm. Theo thời gian, khối u sẽ ngày càng phát triển khiến cơn đau thường trở nên nghiêm trọng và kéo dài hơn. Nếu khối u chèn ép lên dây thần kinh sẽ gây ra triệu chứng đau cấp tính khi ăn uống. Khu vực quanh hàm cũng sẽ trở nên mềm ấm hơn bình thường.
- Sưng tấy: Khối u ác tính ở xương hàm sẽ phát triển ngày càng lớn, gây cản trở quá trình lưu thông máu bên trong cơ thể, dẫn đến tình trạng sưng mặt hoặc sưng bên trong miệng. Trường hợp khối u hình thành ở mặt trong của xương hàm sẽ gây sưng trong miệng và sưng bên dưới lưỡi. Trường hợp khối u phát triển bên ngoài xương hàm sẽ gây sưng mặt.
- Răng lung lay: Đây có thể là dấu hiệu ban đầu của bệnh ung thư xương hàm. Sự xuất hiện của khối u đã ảnh hưởng đến xương xung quanh ổ răng, khiến chúng mềm và mất đi chức năng hỗ trợ răng.
- Triệu chứng khác: Một số triệu chứng cũng có thể gặp khi bị ung thư xương hàm là đau họng, lở loét quanh hàm, khó nuốt hoặc khó nhai, tê ngứa râm ran ở hàm khi dây thần kinh bị chèn ép,…
Nguyên Nhân
Ung thư xương hàm có thể khởi phát do tác động từ rất nhiều nguyên nhân, bạn cần phải nắm rõ để đưa ra phương án điều trị và phòng ngừa cho phù hợp. Dưới đây là một số nguyên nhân gây ung thư xương hàm thường gặp mà chúng tôi tổng hợp được bạn có thể tham khảo:
+ Sử dụng thuốc lá và rượu bia: Đây là thói quen làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư xương hàm mà bạn cần lưu ý. Thành phần độc tố trong nhóm thực phẩm này khi được nạp vào cơ thể liên tục sẽ tác động không tốt đến vùng xương hàm, khiến sức khỏe bị suy giảm nghiêm trọng. Lúc này, các tế bào khỏe mạnh sẽ bị phá vỡ trạng thái ổn định, tạo điều kiện cho nhiều bệnh lý nguy hiểm khác khởi phát.
+ Tuổi tác và chế độ dinh dưỡng: Tuổi tác càng cao thì hoạt động của hệ miễn dịch cũng giảm dần, điều này đã khiến cho khả năng chống chọi với các tác nhân gây bệnh của cơ thể bị ảnh hưởng đáng kể. Chính vì thế, bệnh ung thư xương hàm rất dễ khởi phát ở người lớn tuổi. Nếu bạn có thói quen ăn uống không lành mạnh cũng được xem là nguyên nhân gây ra bệnh ung thư xương hàm. Ví dụ như thường xuyên sử dụng thức ăn nhanh. thực phẩm đóng hộp, ăn uống thiếu dưỡng chất,…
+ Thói quen nhai trầu cau: Nhai trầu cau kèm theo vôi sống có tác dụng làm chắc răng, thơm miệng và phòng ngừa tình trạng sâu răng khá hiệu quả. Tuy nhiên, một vài nghiên cứu khoa học hiện đại đã chỉ ra, thói quen nhai trầu câu sẽ tích tụ một số hóa chất gây hại cho sức khỏe và làm gia tăng nguy cơ bị ung thư răng miệng.
+ Nhiễm khuẩn HPV: Bệnh ung thư xương hàm có thể khởi phát khi bạn bị nhiễm virus HPV trong miệng kéo dài. Đây là loại virus có kích thước siêu nhỏ, thường lây lan thông qua đường tình dục.
+ Biến chứng từ bệnh lý: Ung thư xương hàm cũng có thể là biến chứng của một số bệnh lý như bạch sản, nhiễm trùng răng miệng, sâu răng,…
Phòng ngừa
Hiện tại, không có biện pháp nào có thể phòng ngừa bệnh ung thư xương hàm một cách tuyệt đối. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh bằng các biện pháp đơn giản bên dưới đây:
- Cần giữ gìn vệ sinh răng miệng thật sạch sẽ. Thăm khám sức khỏe răng miệng định kỳ để sớm phát hiện ra bất thường và có biện pháp can thiệp đúng cách ngay từ sớm.
- Tiến hành cai thuốc lá và hạn chế đến những nơi có nhiều khói thuốc lá, nói không với đồ uống chứa cồn như rượu bia,…
- Có các biện pháp quan hệ tình dục an toàn, không nên quan hệ bằng đường miệng để tránh bị lây nhiễm virus HPV.
- Ăn đúng giờ và đủ bữa, chế độ dinh dưỡng hàng ngày cần bổ sung đầy đủ các nhóm dưỡng chất cần thiết cho cơ thể.
Bài viết trên đây là tổng hợp những thông tin cần biết về bệnh ung thư xương hàm bạn có thể tham khảo để hiểu rõ hơn. Ung thư xương hàm là bệnh lý có tốc độ phát triển nhanh và khá nguy hiểm, nếu không điều trị sớm sẽ rút ngắn tuổi thọ của người bệnh. Vì thế, ngay khi có các dấu hiệu ban đầu của bệnh bạn tuyệt đối không được chủ quan trong việc thăm khám và điều trị chuyên khoa.
Biện pháp chẩn đoán
Khi có dấu hiệu của bệnh, bạn cần đến bệnh viện để được thăm khám chuyên khoa. Lúc này, bác sĩ sẽ đưa ra các câu hỏi có liên quan đến triệu chứng của bệnh, tiền sử bệnh lý, chế độ ăn uống và sinh hoạt hàng ngày,… để hỗ trợ cho việc chẩn đoán bệnh. Tiếp đó, bác sĩ sẽ thăm khám khu vực bên ngoài xương hàm để tìm ra khối u cũng như các cơ quan đang bị ảnh hưởng.
Sau đó, người bệnh sẽ được yêu cầu thực hiện thêm một số xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết khác. Các xét nghiệm thường được áp dụng để chẩn đoán bệnh ung thư xương hàm là chụp CT, chụp MRI, chụp x-quang, sinh thiết rạch mô, sinh thiết khoan,…
Nếu xác định là khối u xương hàm lành tính thì không cần phải điều trị. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh thăm khám định kỳ để kiểm tra mức độ tiến triển của khối u. Nếu chúng tiếp tục tăng trưởng về mặt kích thước, bác sĩ sẽ yêu cầu cắt bỏ để tránh gây ảnh hưởng đến các mô xung quanh.
Trường hợp khối u ác tính, bác sĩ sẽ tiến hành xác định giai đoạn ung thư và mức độ xâm lấn của khối u để đưa ra phương án điều trị cho phù hợp. Phẫu thuật, hóa trị và xạ trị là những phương pháp điều trị ung thư xương hàm được áp dụng phổ biến hiện nay.
Biện pháp điều trị
Việc điều trị ung thư xương hàm còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kích thước khối u, giai đoạn tiến triển ung thư, độ tuổi và sức khỏe của người bệnh,… Với những khối u nhỏ, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật khoét bỏ khối u và mô lân cận. Sau phẫu thuật, người bệnh không gặp phải di chứng xấu và vẫn bảo tồn được tính thẩm mỹ của khuôn mặt.
Trường hợp khối u đã phát triển với kích thước lớn và di căn đến các mô xung quanh, bác sĩ sẽ yêu cầu cắt bỏ đoạn xương bị ảnh hưởng. Sau đó, người bệnh cần phải làm thêm một số cuộc phẫu thuật chỉnh hình để khôi phục tính thẩm mỹ cho khuôn mặt. Sau phẫu thuật, người bệnh cần tái khám định kỳ để theo dõi quá trình phục hồi, phòng ngừa khối u xuất hiện trở lại.
Hóa trị và xạ trị có thể được chỉ định thực hiện kết hợp với phương pháp phẫu thuật, giúp quá trình điều trị mang lại hiệu quả tốt hơn. Nếu được áp dụng trước phẫu thuật sẽ có tác dụng thu nhỏ kích thước khối u, hỗ trợ cho việc phẫu thuật. Nếu được áp dụng sau phẫu thuật sẽ có tác dụng tiêu diệt toàn bộ các tế bào ung thư còn sót lại bên trong cơ thể.
- Chuyên gia
- Cơ sở