Viêm Mạch

Tổng quan

Viêm mạch là bệnh lý có thể gây ảnh hưởng đến bất kỳ đối tượng nào với nhiều dạng khác nhau. Bệnh sau khi khởi phát cần được kiểm soát đúng cách để tránh phát sinh rủi ro không mong muốn.

Định nghĩa

Viêm mạch là hiện tượng viêm xảy ra tại mạch máu khiến cho thành mạch máu bị thay đổi bất thường. Ví dụ như dày lên, yếu đi, hẹp lại, hình thành mô sẹo. Tất cả các thay đổi này đều ảnh hưởng đến quá trình tuần hoàn máu diễn ra bên trong cơ thể, gây tổn thương đến các cơ quan và mô khỏe mạnh.

Chuyên gia cho biết, viêm mạch là bệnh lý hiếm gặp, bệnh có thể khởi phát ở giai đoạn cấp tính hoặc mạn tính. Dựa vào vị trí bị viêm mà y khoa đã chia bệnh lý này thành nhiều loại khác nhau. Thường gặp là viêm động mạch tế bào khổng lồ, viêm động mạch thái dương, viêm mạch máu nhỏ,..

Viêm mạch thường gây ảnh hưởng đến da và một số cơ quan khác trên cơ thể. Khi mô và các cơ quan không được cung cấp đủ lượng oxy cần thiết để thực hiện chức năng trao đổi chất sẽ bị tổn thương nặng nề. Với những trường hợp nặng sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người bệnh. Đồng thời, đây là bệnh lý rất dễ tái phát trở lại mặc dù đã được điều trị khỏi.

Hình ảnh

Triệu chứng và nguyên nhân

Triệu chứng

Khi bệnh viêm mạch khởi phát, hầu hết các thể bệnh đều gây ra các triệu chứng như sốt cao, đau cơ đau khớp, phát ban trên da, suy nhược cơ thể, chán ăn, gầy sút cân, nhức đầu, rối loạn thần kinh, tê liệt tay chân, tổn thương da lâu lành,... Dựa vào tổn thương của từng loại viêm mạch mà bệnh sẽ gây ra một số triệu chứng đi kèm khác. Cụ thể là:

  • Viêm động mạch tế bào khổng lồ: Thể bệnh này thường ảnh hưởng đến người trên 50 tuổi. Đặc trưng của bệnh là viêm xảy ra tại động mạch trong đầu, điển hình là thái dương. Các triệu chứng mà người bệnh phải đối mặt là nhức đầu, đau da đầu và quai hàm, mắt mờ,... Viêm động mạch tế bào khổng lồ thường xảy ra đồng thời với tình trạng đau đa cơ do thấp khớp với triệu chứng đặc trưng là viêm đau tại các khớp lớn trên cơ thể như vai, hông,...
  • Ban xuất huyết Henoch-Schonlein: Bệnh khởi phát khi tình trạng viêm xảy ra tại nhiều mạch máu cùng lúc như mạch máu dưới da, mạch máu tại khớp, mạch máu trong ruột và thận. Các triệu chứng mà bạn phải đối mặt khi bệnh khởi phát là đau bụng, đau khớp, phát ban xuất huyết ở phần thân dưới, tiểu ra máu,... Ban xuất huyết Henoch-Schonlein có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là trẻ em.
  • U hạt polyangiitis: Trước đây được gọi với cái tên là u hạt Wegener. Sự xuất hiện của u hạt polyangiitis là nguyên nhân chính gây ra tình trạng viêm tại mạch máu mũi, mạch máu xoang, mạch máu họng, mạch máu phổi và thận. Các triệu chứng đặc trưng của thể bệnh này là nghẹt mũi, viêm xoang mãn tính, chảy máu cam,...  Thận cũng sẽ bị ảnh hưởng nhưng không có dấu hiệu đặc trưng,
  • Viêm mạch máu nhỏ: Bệnh thường gây tổn thương tại các mạch máu nhỏ bên dưới da, trong thận hoặc phổi. Triệu chứng đặc trưng của thể viêm mạch này là sốt cao, tổn thương da, gầy sút cân không rõ nguyên nhân, viêm cầu thận hoặc viêm mạch máu, tổn thương thần kinh,...
  • Viêm mạch máu trung bình: Bệnh gây tổn thương đến các mạch máu có kích thước trung bình ở nhiều nơi trên cơ thể cùng lúc. Ví dụ như mạch máu tại da, tim, thần kinh, thận, cơ, ruột,... Các triệu chứng đặc trưng của thể bệnh này là đau cơ và khớp, phát ban dưới da và xuất hiện vết viêm loét, đau bụng, gặp vấn đề về thận,...
  • Bệnh viêm động mạch Takayasu: Bệnh thường khởi phát ở phụ nữ và trẻ em. Dạng viêm mạch này có thể xảy ra tại động mạch lớn nhất trong cơ thể, cụ thể là động mạch chủ. Các triệu chứng mà người bệnh phải đối mặt khi bị viêm động mạch Takayasu là tê lạnh các chi, đau đầu, mạch giảm, huyết áp cao, rối loạn thị giác,...
  • Hội chứng Behcet: Viêm xảy ra tại động mạch và tĩnh mạch. Bệnh thường khởi phát ở người trong độ tuổi 20 - 30. Các dấu hiệu đặc trưng của thể bệnh này là viêm mắt, loét miệng, loét cơ quan sinh dục, tổn thương da trông giống mụn trứng cá.
  • Hội chứng Churg-Strauss: Còn được gọi với cái tên khác là u hạt dị ứng hoặc angiitis dị ứng. Tổn thương đặc trưng nhất của thể bệnh này là gây viêm tại mạch máu bên trong phổi. Bệnh thường khởi phát do ảnh hưởng từ bệnh hen suyễn.
  • Bệnh Buerger: Khởi phát triệu chứng viêm và hình thành cục máu đông bên trong động mạch của tứ chi. Triệu chứng đặc trưng của thể bệnh này là đau tay chân, loét ngón tay hoặc chân,... Bệnh thường khởi phát ở người có thói quen hút thuốc lá.
  • Viêm mạch Cryoglobulinemia: Tình trạng này thường xảy ra đồng thời với viêm gan C. Tổn thương thường gặp ở thể bệnh này là phát ban xuất huyết ở hai chân, bị viêm khớp, suy nhược thần kinh,...
  • Bệnh Kawasaki: Hay còn được gọi là hội chứng hạch bạch huyết niêm mạc. Bệnh thường khởi phát ở trẻ em dưới 5 tuổi với các triệu chứng đặc trưng như sốt, phan ban da, viêm mắt,...
  • Viêm mạch quá mẫn: Dạng viêm mạch này thường khởi phát sau khi cơ thể bị dị ứng với dấu hiệu đặc trưng là xuất hiện đốm đỏ trên da.

Nguyên Nhân

Bệnh viêm mạch khởi phát khi hoạt động của hệ miễn dịch bị rối loạn. Lúc này, hệ miễn dịch sẽ nhận định tế bào máu là vật thể lạ xâm nhập, chúng sẽ tạo ra kháng thể để chống lại các tế bào máu này và kích thích phản ứng viêm xảy ra. Với những trường hợp viêm mạch không xác định được nguyên nhân thì được gọi là viêm mạch nguyên phát. Còn nếu bệnh khởi phát do hệ miễn dịch bị kích thích từ các tác nhân như nhiễm trùng, thuốc, chất độc,... thì được gọi là viêm mạch thứ phát.

Dưới đây là một số nguyên nhân gây bệnh thường gặp mà chúng tôi tổng hợp được bạn có thể tham khảo:

  • Mắc một số bệnh lý hệ thống có liên quan đến rối loạn miễn dịch như viêm khớp dạng thấp, xơ cứng bì, lupus ban đỏ,...
  • Mắc bệnh nhiễm trùng mạch máu do viêm gan B hoặc viêm gan C.
  • Phản ứng dị ứng của cơ thể với một số loại thuốc điều trị bệnh .
  • Mắc các bệnh lý ác tính như ung thư máu, bạch cầu, u lympho,...

Những đối tượng có nguy cơ cao là:

  • Sống trong môi trường lạnh ẩm hoặc dễ bị lây nhiễm bệnh nhiễm trùng.
  • Nghiện thuốc lá làm gia tăng nguy cơ bị viêm tắc động mạch ngoại biên.
  • Người có thói quen lười vận động, ngồi một chỗ trong thời gian dài.
  • Mắc các bệnh lý mạn tính như cao huyết áp, tiểu đường,...

Phòng ngừa

Như được nhắc đến ở trên, viêm mạch là bệnh lý rất dễ khởi phát trở lại mặc dù đã điều trị khỏi. Để hạn chế nguy cơ này thì bạn cần lưu ý những điều sau đây:

  • Giữ cho môi trường sống luôn sạch sẽ, khô ráo và thoáng khí. Từ bỏ thói quen hút thuốc lá, tránh đến những nơi có nhiều khói thuốc lá.
  • Thực đơn ăn uống hàng ngày cần cung cấp đầy đủ các nhóm dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Nên tăng cường tiêu thụ rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc, sữa ít béo, thịt nạc, cá béo,...
  • Dành khoảng 30 phút mỗi ngày để tập luyện thể dục thể thao giúp phòng ngừa tình trạng mất xương và cao huyết áp. Đồng thời, cách này còn giúp bạn cải thiện tâm trạng rất tốt.
  • Cần phát hiện sớm và điều trị đúng cách các bệnh lý nhiễm trùng, bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch. Tránh để bệnh chuyển biến nặng kích thích khởi phát bệnh viêm mạch.
Chẩn đoán và điều trị

Biện pháp điều trị

Thông thường, bệnh viêm mạch sẽ được chẩn đoán thông qua kiểm tra tiền sử bệnh lý, thăm khám triệu chứng lâm sàng và làm xét nghiệm cận lâm sàng. Các loại xét nghiệm cần thực hiện là xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, chụp x-quang, chụp CT, chụp MRI, sinh thiết mạch máu bị tổn thương,... Sau khi đã có chẩn đoán chính xác về nguyên nhân, loại viêm mạch và mức độ ảnh hưởng, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với từng trường hợp cụ thể.

Đa số các trường hợp viêm mạch đều được điều trị bằng thuốc theo đơn kê. Việc dùng thuốc cần phải có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để tránh phát sinh tác dụng phụ gây hại đến sức khỏe. Các loại thuốc thường được kê đơn là:

  • Thuốc corticosteroid: Thường dùng là Prednisone, và Methyprednisone. Đây là thuốc chống viêm tác dụng mạnh, giúp kiểm soát triệu chứng viêm nhanh chóng. Tuy nhiên, loại thuốc này chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn. Nếu quá lạm dụng sẽ gây ra các tác dụng phụ như loét dạ dày, loãng xương, yếu cơ,...
  • Thuốc kiểm soát hệ miễn dịch: Có hai nhóm thuốc thường được kê đơn là thuốc gây độc tế bào (Azathioprine, Cyclophosphamide) và thuốc giảm phản ứng hệ miễn dịch (Rituximab). Thuốc tác động trực tiếp vào hoạt động của hệ miễn dịch, tiêu diệt các tế bào chịu trách nhiệm gây viêm.

Dưới đây là phác đồ cụ thể với từng trường hợp bạn có thể tham khảo:

  • Trường hợp bệnh nặng có thể đe dọa đến tính mạng: Điều trị khởi đầu bằng corticosteroid kết hợp với cyclophosphamide hoặc rituximab
  • Trường hợp bệnh ít nghiêm trọng hơn: Điều trị bằng corticosteroid kết hợp với thuốc ức chế miễn dịch ít độc hoặc rituximab.
  • Trường hợp điều trị duy trì: Giảm liều corticosteroid kết hợp với methotrexate, azathioprine hoặc rituximab.

Với những trường hợp viêm mạch nguyên phát, mục tiêu điều trị sẽ là đẩy lùi bệnh và duy trì lui bệnh. Thông thường, người bệnh sẽ được yêu cầu dùng thuốc ức chế miễn dịch kết hợp corticosteroid liều cao kéo dài từ 3 - 6 tháng cho đến khi bệnh giảm đến mức chấp nhận được. Đến giai đoạn duy trì lui bệnh, người bệnh tiếp tục dùng thuốc ức chế miễn dịch kết hợp với thuốc corticosteroid liều thấp khi cần thiết. Tất cả các trường hợp viêm mạch điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch cần được theo dõi tình trạng nhiễm khuẩn thường xuyên. Bác sĩ sẽ yêu cầu làm xét nghiệm chẩn đoán lao và viêm gan B vì hai bệnh này có thể tiến triển nặng trong quá trình điều trị viêm mạch. Với những trường hợp dùng thuốc ức chế miễn dịch tác động mạnh trong thời gian dài, cần dự phòng nhiễm khuẩn Pneumocystis jiroveci.

Chuyên sâu
Bác sĩ và Cơ sở
Chọn địa điểm
  • Chuyên gia
  • Cơ sở
Bác Sĩ Lê Hữu Tuấn
Bác Sĩ Lê Hữu Tuấn
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan
Lương Y Đỗ Minh Tuấn
Lương Y Đỗ Minh Tuấn
TS.BS Nguyễn Thị Vân Anh
Verified
Chăm sóc tại Vietmec

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android