Viêm Túi Thừa Meckel
Viêm túi thừa meckel là bệnh lý đường tiêu hóa bẩm sinh, có thể gây thủng ruột và dẫn đến nhiều biến chứng khác. Do đó, người bệnh cần tìm hiểu các thông tin cơ bản để có kế hoạch điều trị phù hợp.
Định nghĩa
Túi thừa meckel là phần nhô ra hoặc phình ra ở phần dưới của ruột non. Tình trạng này là bẩm sinh, có từ lúc mới sinh ra và là phần còn sót lại của dây rốn. Túi thừa meckel là khiếm khuyết bẩm sinh phổ biến nhất ở đường tiêu hóa và gây ảnh hưởng khoảng 2 - 3% dân số.
Viêm túi thừa meckel thường phát triển trong tuần thứ năm đến tuần thứ bảy của thai kỳ và chỉ được phát hiện khi trẻ chào đời. Đặc điểm phổ biến của tình trạng này là trẻ được sinh ra với một đoạn ruột bị phình. Ngoài ra, bệnh gần như không gây đau và không có triệu chứng nhận biết khác. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, trẻ có thể bị chảy máu liên tục dẫn đến mất máu.
Trong một số trường hợp viêm túi thừa meckel không nghiêm trọng và có thể không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu trẻ có triệu chứng nghiêm trọng, cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được chẩn đoán và có kế hoạch điều trị phù hợp.
Ngoài ra, đôi khi các triệu chứng viêm túi thừa meckel có thể xuất hiện ở người lớn. Tình trạng này phổ biến ở cả nam và nữ, tuy nhiên nam giới có nguy cơ biến chứng cao hơn gấp 2 - 3 lần. Do đó, nếu nhận thấy các dấu hiệu viêm túi thừa, người bệnh nên có kế hoạch điều trị và phòng ngừa để tránh các rủi ro không mong muốn.
Hình ảnh
Triệu chứng
Ở trẻ sơ sinh, phình ruột là dấu hiệu nhận biết phổ biến nhất của viêm túi thừa meckel. Tuy nhiên, ở người lớn, bệnh gần như không có dấu hiệu nhận biết cụ thể. Ngoài ra, trong một số trường hợp các triệu chứng có thể xuất hiện lần lượt trong những năm đầu đời và kéo dài đến tuổi trưởng thành.
Triệu chứng phổ biến nhất là chảy máu trực tràng hoặc đi ngoài ra máu. Bên cạnh đó, một số dấu hiệu nhận biết khác có thể bao gồm:
- Tắc nghẽn ruột: Túi thừa meckel có thể dẫn đến xoắn một đoạn ruột và gây tắc ruột. Điều này gây cắt đứt nguồn cung cấp máu đến ruột và gây nguy hiểm đến tính mạng.
- Chảy máu bên trong ruột và có máu trong phân: Nếu trẻ bị viêm túi thừa meckel, trẻ có thể bị loét ở ruột non và gây xuất huyết tiêu hóa. Khi acid dạ dày được giải phóng sẽ tích tụ tại các túi thừa, dẫn đến hình thành các vết loét và tổn thương thành ruột. Theo thời gian, các vết loét có thể trở nên nghiêm trọng hơn, dẫn đến chảy máu mãn tính và khiến phân có máu.
- Thiếu máu: Chảy máu liên tục trong ruột và đi ngoài ra máu trong thời gian dài sẽ dẫn đến thiếu máu mãn tính. Các biểu hiện phổ biến bao gồm mệt mỏi, thiếu năng động, da nhợt nhạt hoặc kém tập trung.
- Buồn nôn và môn: Viêm túi thừa meckel dẫn đến rối loạn tiêu hóa, điều này dẫn đến buồn nôn và nôn.
- Đau bụng: Túi thừa meckel dẫn đến tắc nghẽn trong ruột non, khiến chất thải bị ứ đọng trong ruột. Điều này dẫn đến đau bụng, táo bón và nhiều nguy cơ khác.
Ở trẻ sơ sinh, viêm túi thừa meckel thường gây tắc nghẽn đường ruột. Trong khi đó, ở trẻ lớn hơn, bệnh thường gây xuất huyết tiêu hóa và phân có máu. Hầu hết các trường hợp, bệnh được chẩn đoán ở trẻ em dưới 10 tuổi khi trẻ bị chảy máu từ trực tràng. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, bác sĩ có thể đề nghị điều trị nội khoa hoặc phẫu thuật khẩn cấp trong trường hợp chảy máu nghiêm trọng.
Biến chứng
Viêm túi thừa thường không phải là một tình trạng nghiêm trọng, trừ khi các túi thừa bị sưng và nhiễm trùng. Nếu không được điều trị, các triệu chứng có thể trở nên nghiêm trọng và dẫn đến nhiều biến chứng, thậm chí là đe dọa đến tính mạng.
- Áp xe: Các chất dịch và mủ bên trong túi thừa có thể bị tắc, viêm và dẫn đến áp xe. Khối áp xe có thể to ra, khiến thành túi thừa suy yếu. Điều này có thể dẫn đến vỡ áp xe, rách thành ruột và gây nhiễm trùng bên trong khoang bụng.
- Hình thành lỗ rò: Túi thừa meckel có thể dẫn đến sự hình thành các lỗ rò giữ ruột và bàng quang. Điều này khiến các chất trong ruột đi sang bàng quang và ngược lại, dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng.
- Tắc ruột: Viêm túi thừa có thể dẫn đến hình thành các mô sẹo trong ruột. Điều này gây cản trở sự di chuyển của các chất trong ruột và nhiều biến chứng khác.
- Thủng ruột: Viêm túi thừa có thể dẫn đến rách hoặc thủng ruột. Điều này có thể khiến các chất trong ruột tràn vào khoang bụng, dẫn đến một tình trạng được gọi là viêm phúc mạc.
- Viêm phúc mạc: Các chất bên trong ruột tràn vào khoang bụng sẽ dẫn đến viêm khoang bụng (phúc mạc) và các cơ quan khác trong ổ bụng. Tình trạng này có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, bao gồm gây đe dọa đến tính mạng.
- Nhiễm trùng huyết: Nhiễm trùng huyết là một phản ứng toàn thân nghiêm trọng khi cơ thể chống lại nhiễm trùng. Các hóa chất miễn dịch của cơ thể có thể khiến tình trạng viêm lan rộng và ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác trong cơ thể, thậm chí là đe dọa đến tính mạng.
Biện pháp chẩn đoán
Tương tự như viêm túi thừa manh tràng, viêm túi thừa meckel thường khó chẩn đoán, do các triệu chứng thường không rõ ràng. Tuy nhiên, bác sĩ có thể đề nghị thực hiện một số xét nghiệm chẩn đoán, chẳng hạn như:
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm này được thực hiện để kiểm tra các tế bào máu thấp trong trường hợp trẻ có dấu hiệu thiếu máu hoặc khi để xác định dấu hiệu nhiễm trùng.
- Nội soi viên nang: Đây là kỹ thuật nội soi hiện đại được thực hiện để xác định tình trạng viêm túi thừa meckel. Người bệnh sẽ được nuốt một chiếc máy ảnh nhỏ dưới dạng một viên nang có kích cỡ như viên thuốc con nhộng. Viên nang này sẽ đi qua đường tiêu hóa, chụp ảnh và giúp bác sĩ xác định các tổn thương cũng như nguồn chảy máu.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): Xét nghiệm này có thể giúp bác sĩ xác định các túi thừa meckel cũng như các khối phồng khác ở ruột non.
- Nội soi ổ bụng: Trong thủ thuật này, bác sĩ sử dụng một ống nội soi đưa vào hậu môn để quan sát bên trong trực tràng, ruột nôn để xác định các cấu trúc bên trong. Ngoài ra, bác sĩ có thể lấy một mẫu mô bên trong ruột để kiểm tra ở phòng thí nghiệm.
- Quét kỹ thuật: Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ tiêm một chất phóng xạ techneti vào cơ thể. Chất này sẽ được hấp thụ bởi các tế bào dạ dày bên trong túi thừa và sẽ được phát hiện thông qua máy ảnh đặc biệt.
Ngoài ra, đôi khi bác sĩ có thể đề nghị một số xét nghiệm để chẩn đoán các tình trang khác, chẳng hạn như viêm loét đại tràng hoặc bệnh Crohn. Điều này có thể giúp bác sĩ xác định các bệnh lý và có kế hoạch điều trị phù hợp nhất.
Biện pháp điều trị
Các phương pháp điều trị viêm túi thừa Meckel phụ thuộc vào một số vấn đề, chẳng hạn như:
- Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
- Độ tuổi, sức khỏe và tiền sử bệnh lý của người bệnh.
- Khả năng chịu đựng của người bệnh với các loại thuốc, thủ thuật hoặc các liệu pháp điều trị.
- Nhu cầu của người bệnh về các biện pháp điều trị cũng như hướng dẫn cụ thể của bác sĩ chuyên môn.
Nếu viêm túi thừa meckel không gây ra triệu chứng, người bệnh có thể không cần điều trị. Tuy nhiên trong trường hợp các triệu chứng nghiêm trọng hoặc khi người bệnh bị chảy máu trực tràng, bác sĩ thường đề nghị phẫu thuật để loại bỏ túi thừa. Tuy nhiên, nếu trẻ không đủ điều kiện phẫu thuật, bác sĩ có thể đề nghị các phương pháp điều trị phù hợp hơn.
1. Phẫu thuật cắt bỏ túi thừa meckel
Cắt túi thừa meckel là thủ thuật được thực hiện để loại bỏ một túi thừa bị nhiễm trùng. Thủ thuật này được thực hiện khi người bệnh được gây mê toàn thân. Điều này có nghĩa là người bệnh sẽ chìm vào giấc ngủ sâu và không cảm thấy đau đớn trong quá trình phẫu thuật. Sau khi phẫu thuật, người bệnh có thể cần nằm viện trong vài ngày đến một tuần để cơ thể hồi phục.
Thông thường, bác sĩ sẽ sử dụng kỹ thuật nội soi để cắt bỏ túi thừa. Đây là thủ thuật xâm lấn tối thiểu, ít gây tổn thương và có thời gian hồi phục nhanh. Trong trường hợp nhiễm trùng nghiêm trọng hoặc khi ruột non không thể phục hồi, bác sĩ có thể cắt bỏ một phần ruột non, sau đó nối các đoạn ruột khỏe mạnh lại với nhau.
Sau khi phẫu thuật cắt túi thừa meckel, người bệnh sẽ được đưa về phòng hồi sức và nhập viện theo dõi trong vài ngày. Người bệnh có thể cần sử dụng thuốc giảm đau hoặc kháng sinh thông qua đường tĩnh mạch để ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra.
Hầu hết các trường hợp, thủ thuật loại bỏ túi thừa thường mang lại hiệu quả cao và an toàn. Tuy nhiên, đôi khi thủ thuật có thể dẫn đến một số rủi ro, chẳng hạn như:
- Chảy máu.
- Hình thành cục máu đông.
- Đột quỵ.
- Nhiễm trùng.
- Lên cơn đau tim.
Do đó, nếu cảm thấy không thoải mái, mệt mỏi hoặc lo lắng về các dấu hiệu sau phẫu thuật, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ chuyên môn. Đối với đối tượng là trẻ em, cha mẹ nên quan sát biểu hiện của trẻ để có kế hoạch xử lý phù hợp.
2. Bổ sung sắt
Bác sĩ có thể đề nghị người bệnh bổ sung sắt để ngăn ngừa tình trạng thiếu máu liên quan đến viêm túi thừa. Biện pháp này cũng được thực hiện để giúp trẻ đủ điều kiện để phẫu thuật loại bỏ túi thừa.
Trẻ sơ sinh thường được đề nghị sử dụng sắt thông qua các sản phẩm bổ sung. Tuy nhiên, cha mẹ nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể. Không sử dụng sắt ở liều cao hoặc lạm dụng, điều này có thể dẫn đến ngộ độc và nhiều biến chứng khác.
Ngoài ra, đối với hầu hết mọi người, sắt có thể được bổ sung thông qua chế độ ăn uống. Các nguồn thực phẩm cung cấp sắt tự nhiên bao gồm:
- Thịt, cá và gia cầm;
- Các loại rau như rau bina, cải xoăn và bông cải xanh;
- Trái cây và các loại hạt;
- Các loại đậu.
Hầu hết các trường hợp, viêm túi thừa meckel đáp ứng tốt các biện pháp điều trị. Phẫu thuật có thể giúp người bệnh có chức năng ruột bình thường, ngăn ngừa chảy máu và giúp hệ thống tiêu hóa phục hồi. Tuy nhiên, nếu nhận thấy các dấu hiệu biến chứng, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
- Chuyên gia
- Cơ sở