Viêm Tuỷ Xương
Viêm tủy xương được hiểu là tình trạng nhiễm trùng xảy ra bên trong tủy xương và mô mềm xung quanh thông qua vết cắt trên da hoặc nhiễm trùng lan rộng từ khu vực khác sang. Đây là bệnh lý hiếm gặp nhưng có mức độ tiến triển nhanh và để lại nhiều biến chứng nặng nề.
Định nghĩa
Viêm tủy xương là hiện tượng nhiễm trùng ở sâu bên trong tổ chức xương. Vi khuẩn chính là nguyên nhân gây ra bệnh phổ biến nhất, nhưng cũng có nhiều trường hợp bị nhiễm trùng do vi trùng và vi nấm. Có hai con đường gây bệnh chính là lây nhiễm trực tiếp từ bên ngoài vào và lây nhiễm vi khuẩn từ các cơ quan khác sang. Những người mắc các bệnh lý mãn tính như tiểu đường, bệnh thận, bệnh tĩnh mạch, rối loạn tuần hoàn máu,… là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh viêm tủy xương cao.
Hình ảnh
Triệu chứng
Viêm tủy xương có thể xảy ra ở bất kỳ xương nào trên cơ thể nhưng thường gặp nhất là đầu xương dài, xương mềm và xương có tủy đỏ. Bệnh có tính chất toàn thân khi khởi phát ở trẻ em và thường là biến chứng của các bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp trên. Dưới đây là tổng hợp các triệu chứng của bệnh viêm tủy xương bạn có thể tham khảo:
+ Triệu chứng nhiễm trùng toàn thân
- Bệnh viêm tủy xương thường tiến triển cùng lúc với tình trạng nhiễm trùng toàn thân với các triệu chứng như sốt cao, rét run, nóng đỏ tại xương bị viêm. Khi bệnh tiến triển sang mức độ nặng sẽ xuất hiện ban đỏ kèm theo sưng phồng phần mềm gần xương, lúc này dịch mủ đã tích tụ lan rộng sang phần mềm và khớp lân cận.
- Có triệu chứng đau nhức tại vùng khớp hoặc xương bị tổn thương. Mức độ đau nhức sẽ tăng dần lên theo mức độ tiến triển của bệnh và khiến người bệnh gặp khó khăn khi vận động.
- Khi tình trạng nhiễm trùng diễn ra kéo dài sẽ hình thành nên các ổ áp xe ở chi. Ngay vị trí viêm sẽ bùng mủ còn xung quanh sẽ bị sưng nóng và đỏ. Cũng có trường hợp xuất hiện lỗ mủ trên da và chảy dịch ra ngoài kèm theo mùi hôi tanh khó chịu.
- Triệu chứng viêm tủy xương cấp tính thường có biểu hiện đa dạng và rõ rệt hơn ở trẻ em. Nếu bệnh khởi phát ở người lớn chỉ gây ra tình trạng viêm đốt sống đĩa đệm với các triệu chứng như đau nhức âm ỉ, đau nhói khi ấn vào, rối loạn tiểu tiện, hạn chế khả năng vận động.
+ Viêm tủy xương mạn tính
- Khi bệnh đã tiến triển sang giai đoạn mãn tính, các triệu chứng của bệnh không còn rõ rệt như giai đoạn cấp tính nữa. Lúc này, các triệu chứng của bệnh thường khởi phát xen kẽ nhau.
- Viêm tủy xương khi tiến triển sang giai đoạn mạn tính sẽ xuất hiện thêm lỗ rò từ xương ra ngoài da. Lúc này, mủ bên trong sẽ chảy ra ngoài thông qua lỗ rò này, đôi khi có kèm theo mảnh xương chết. Trường hợp lỗ rò bị tắc sẽ khiến dịch tích tụ lại, tạo điều kiện cho tình trạng nhiễm khuẩn tái phát trở lại.
Nguyên Nhân
Chuyên gia cho biết, tụ cầu chính là tác nhân gây ra bệnh viêm tủy xương thường gặp nhất. Vi khuẩn sau khi xâm nhập vào xương sẽ kích thích phản ứng viêm xảy ra. Bạn có thể dễ dàng tìm ra chủng vi khuẩn này ở trên da hoặc bên khoang mũi của người khỏe mạnh. Một số con đường lây nhiễm vi khuẩn vào xương thường gặp là:
- Lây nhiễm từ dòng máu đến tủy xương: Khi bị nhiễm trùng tại một cơ quan trên cơ thể mà không được xử lý đúng cách, vi khuẩn sẽ tấn công vào máu và đi đến các cơ quan khác, điển hình là tủy xương. Thường gặp là bệnh viêm phổi.
- Chấn thương: Khi bạn mắc phải một chấn thương nặng, vi khuẩn từ bên ngoài có thể theo đó để vào sâu bên trong cơ thể. Nếu chấn thương gây tổn thương đến xương như gãy xương hở, vi khuẩn có thể tấn công vào xương và tủy xương gây viêm.
- Do phẫu thuật: Phẫu thuật xương điều trị bệnh tại những cơ sở y tế kém chất lượng và không đảm bảo yếu tố vô trùng, vi khuẩn có thể tấn công vào sâu bên trong xương để gây nhiễm trùng. Bạn cần cẩn thận khi thực hiện một số phẫu thuật như sữa chữa xương gãy, thay khớp,…
Yếu tố nguy cơ
Một số yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh mà bạn cần lưu ý là:
- Bị chấn thương nặng, gãy xương hở hoặc làm phẫu thuật khớp gần đây
- Mắc bệnh lý về tuần hoàn máu hoặc bệnh ảnh hưởng đến tuần hoàn máu như tiểu đường, hồng cầu hình liềm,…
- Mắc bệnh lý phải sử dụng đường truyền hoặc ống dẫn tĩnh mạch như ống dẫn lọc máu để chạy thận nhân tạo, đặt ống dẫn lưu nước tiểu,…
- Bị suy yếu hệ miễn dịch do dùng thuốc điều trị ung thư, sử dụng thuốc corticosteroid hoặc thuốc ức chế hoạt tử u,…
- Sử dụng một số thuốc cấm như tiêm chích ma túy
Biến chứng
Một số biến chứng nguy hiểm có thể gặp khi bị viêm tủy xương là:
- Hoại tử xương: Nhiễm trùng tủy xương khiến quá trình tuần hoàn máu vào bên trong xương bị ảnh hưởng và dẫn đến tình trạng chết xương. Ở trường hợp này, bạn cần phải phẫu thuật để loại bỏ các mảnh xương chết.
- Viêm khớp nhiễm trùng: Nhiễm trùng tủy xương nếu không được xử lý đúng cách, vi khuẩn sẽ phát triển lan rộng đến khớp và gây ra bệnh viêm khớp nhiễm trùng.
- Rối loạn tăng trưởng ở trẻ em: Hệ xương khớp ở trẻ nhỏ còn đang trong giai đoạn phát triển, nếu tình trạng nhiễm trùng xảy ra sẽ ngăn chặn xương phát triển về chiều dài. Lúc này, trẻ phải đối mặt với tình trạng rối loạn tăng trưởng.
- Ung thư da: Sự hình thành ổ áp xe ở vùng da xung quanh và dò mủ ra bên ngoài sẽ làm gia tăng nguy cơ tiến triển thành ung thư da. Loại ung thư da thường phát triển ở trường hợp này là ung thư tế bào vảy.
Biện pháp điều trị
Bệnh viêm tủy xương cần được điều trị sớm để tránh chuyển biến sang giai đoạn nặng và gây ra các biến chứng không mong muốn. Nếu người bệnh có kế hoạch điều trị tích cực, kiêng khem tốt và chăm sóc đúng cách thì bệnh sẽ được chữa khỏi hoàn toàn. Vì thế, khi có các dấu hiệu của bệnh bạn cần thăm khám chuyên khoa để được chẩn đoán bệnh và hướng dẫn điều trị đúng cách.
Bệnh viêm tủy xương thường được chẩn đoán dựa trên các dấu hiệu cận lâm sàng. Để có thể đưa ra chẩn đoán chính xác về bệnh lý, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện một số xét nghiệm như xét nghiệm máu, xét nghiệm hình ảnh, chọc dịch mủ,… Bác sĩ sẽ dựa vào kết quả chẩn đoán để lên phác đồ điều trị. Thông thường, người bệnh có thể phục hồi và khỏi hẳn sau 4 – 6 tuần điều trị tích cực. Với những trường hợp bệnh tiến triển nặng gây chèn ép lên rễ thần kinh thì phải điều trị bằng cách phẫu thuật can thiệp.
Dùng thuốc
Bác sĩ sẽ kê đơn điều trị bằng kháng sinh giúp loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn gây bệnh. Đầu tiên, bác sĩ cần phải xác định chính xác tác nhân gây bệnh để lựa chọn kháng sinh điều trị cho phù hợp. Đa số các trường hợp bị viêm tủy xương đều được chỉ định sử dụng kháng sinh thông qua đường truyền tĩnh mạch và thời gian điều trị cần kéo dài trên 6 tuần.
Trong quá trình điều trị bệnh bạn không được hút thuốc lá để vết thương nhanh lành. Bên cạnh đó, bạn cũng cần kiểm soát tốt các bệnh lý nền mà bản thân đang mắc phải.
Phẫu thuật
Dựa vào mức độ lan rộng của tình trạng nhiễm trùng, bác sĩ sẽ đưa ra phương án phẫu thuật điều trị bệnh sao cho phù hợp nhất. Được áp dụng phổ biến là:
- Dẫn lưu vùng nhiễm trùng giúp loại bỏ áp xe hoặc ổ nhiễm trùng
- Phẫu thuật loại bỏ mô xương bị nhiễm trùng và hoại tử, tạo cơ hội cho mô sống hồi phục.
- Tái lưu thông tuần hoàn máu đến xương bằng cách cắt lọc kết hợp che phủ vết thương.
- Phẫu thuật loại bỏ dị vật hoặc cắt bỏ chi với những trường hợp nặng.
Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà
Nếu bạn thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ bị viêm tủy xương cao thì phải chủ động trong việc phòng ngừa bệnh. Cụ thể là:
- Cần cẩn thận khi tham gia các hoạt động sống hàng ngày để tránh bị chấn thương, kể cả các vết thương nhỏ.
- Cần chú ý đến vết cắn, vết cào hoặc vết cắt trên da do động vật gây ra.
- Khi bị chấn thương hoặc có vết thương hở trên da, bạn cần làm sạch y tế và băng kín lại bằng băng cá nhân. Với những trường hợp xuất hiện vết thương lớn, cần đến cơ sở y tế xử lý.
- Cần nắm rõ các dấu hiệu nhiễm trùng để có thể thăm khám và điều trị kịp thời.
Viêm tủy xương là bệnh lý cấp tính có tiến triển nhanh, rất nguy hiểm và gây ra nhiều biến chứng nặng nề. Nếu không điều trị đúng cách ngay từ sớm sẽ khiến sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng và gây hạn chế khả năng đi lại. Vì thế, ngay khi có các dấu hiệu ban đầu của bệnh bạn không được chủ quan trong việc thăm khám và điều trị chuyên khoa.
- Chuyên gia
- Cơ sở