Bà Bầu Bị Trĩ Có Nên Sinh Thường?
- Bà bầu bị trĩ hoàn toàn có thể sinh thường
- Tuy nhiên, trường hợp trĩ sưng quá to, gây khó rặn thì mẹ nên đẻ mổ để đảm bảo an toàn
- Bệnh trĩ là bệnh thường gặp khi mang thai. Chúng thường tự khỏi sau khi sinh.
Thông tin về bệnh trĩ trong thai kỳ
Trĩ là bệnh lý xảy ra khi các tĩnh mạch ở trực tràng hoặc hậu môn bị sưng và viêm. Tình trạng này có thể gây ngứa ngáy, khó chịu và đau đớn. Bệnh trĩ thường phổ biến ở phụ nữ mang thai do các thay đổi về nồng độ hormone cũng như áp lực tác động lên các tĩnh mạch xung quanh hậu môn.
Mang thai có thể gây ra táo bón trong và làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ. Táo bón là tình trạng người bệnh gặp khó khăn khi đi đại tiện hoặc đại tiện ít hơn 3 lần mỗi tuần.
Táo bón và các áp lực lên hậu môn có thể khiến bà bầu dành nhiều thời gian hơn ngồi trên bồn cầu để cố gắng đi đại tiện. Điều này có thể tăng áp lực lên các tĩnh mạch hậu môn và dẫn đến bệnh trĩ.
Bên cạnh đó, chế độ ăn uống ít chất xơ cũng có thể dẫn đến bệnh trĩ. Các bệnh lý, chẳng hạn như táo bón, tiêu chảy hoặc bệnh trĩ trước khi mang thai cũng có thể làm tăng nguy cơ khiến bà bầu bị trĩ.
Bà bầu bị trĩ có nên sinh thường không?
Bà bầu hoàn toàn có thể sinh thường mà không gây ra các rủi ro nghiêm trọng. Hiện tại cũng không có văn bản hướng dẫn cũng như chỉ định bà bầu cần sinh mổ khi mắc bệnh trĩ. Tuy nhiên, tùy thuộc vào các trường hợp cụ thể cũng như nhu cầu của người bệnh, bác sĩ có thể cân nhắc đề nghị sinh mổ để giảm áp lực cho bà bầu.
Trong các trường hợp búi trĩ quá to, trĩ hỗn hợp, trĩ vòng hoặc bệnh trĩ có biến chứng, bác sĩ có thể đề nghị cắt bỏ búi trĩ trước khi sinh để giảm áp lực cũng như đau đớn cho bà bầu. Sinh thường cần dùng sức để rặn, điều này có thể gây áp lực lên các tĩnh mạch hậu môn và khiến bệnh trĩ trở nên nghiêm trọng hơn. Bên cạnh đó, khi búi trĩ phức tạp, việc sinh thường có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và biến chứng bệnh trĩ sau khi sinh.
Do đó, bệnh trĩ có nên sinh thường không hay cần phẫu thuật, phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và chỉ định của bác sĩ. Vì vậy, điều quan trọng là bà bầu nên đến bệnh viện để được chẩn đoán phù hợp.
Sau khi sinh con, bác có thể đề nghị bà bầu thực hiện các biện pháp điều trị bệnh trĩ, chẳng hạn như tự chăm sóc tại nhà, sử dụng thuốc bôi trĩ hoặc phẫu thuật cắt bỏ búi trĩ. Nếu cân nhắc thực hiện phẫu thuật, bà bầu cần đợi ít nhất 6 tuần sau khi sinh để tiến hành cắt trĩ. Lúc này các mô ở hậu môn đã được phục hồi trở lại bình thường và việc cắt bỏ búi trĩ thường mang lại hiệu quả tốt hơn.
Biện pháp điều trị bệnh trĩ khi mang thai
Để cải thiện các triệu chứng này và hỗ trợ quá trình sinh sản, bà bầu có thể lưu ý một số vấn đề, chẳng hạn như:
1. Tự chăm sóc bệnh trĩ tại nhà
Cụ thể các biện pháp điều trị bệnh trĩ tại nhà bao gồm:
- Thực hiện chế độ ăn uống giàu chất xơ: Bà bầu có thể làm mềm phân, chống táo bón và bệnh trĩ bằng cách bổ sung chất xơ trong chế độ ăn uống. Thực phẩm giàu chất xơ bao gồm các loại đậu, rau xanh như bông cải xanh, bắp cải, trái cây như táo, lê, quả mọng và các loại ngũ cốc, bánh mỳ nguyên hạt.
- Uống nhiều nước: Bà bầu cần uống ít nhất là 8 cốc nước mỗi ngày để làm mềm phân và cải thiện các triệu chứng bệnh trĩ.
- Sử dụng chất làm mềm phân: Nếu phân cứng, bà bầu có thể trao đổi với bác sĩ về các chất làm mềm phân để giảm đau đớn khi đi đại tiện. Thuốc làm mềm phân có thể giúp người bệnh đi đại tiện dễ dàng hơn và thường được coi là an toàn cho phụ nữ mang thai, tuy nhiên bà bầu nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
- Sử dụng đệm khi ngồi: Bà bầu nên sử dụng đệm mông hoặc gối mềm khi ngồi để giảm áp lực lên các tĩnh mạch ở hậu môn.
- Hạn chế ngồi lâu: Ngồi quá lâu có thể làm tăng áp lực lên các tĩnh mạch ở hậu môn. Do đó, bà bầu nên dành thời gian nằm nghỉ hoặc di chuyển xung quanh nhà để hỗ trợ nhu động ruột.
- Chườm đá vào hậu môn: Chườm đá hoặc đặt miếng gel lạnh lên hậu môn có thể hỗ trợ giảm đau và giúp bà bầu bị trĩ cảm thấy thoải mái hơn. Bà bầu có thể bọc một viên đá trong túi vải sau đó chườm lên hậu môn trong 20 – 30 phút mỗi lần.
- Ngâm nước ấm: Ngâm hậu môn trong nước ấm hoặc tắm nước ấm trong 15 phút mỗi lần và vài lần mỗi ngày có thể giúp búi trĩ co lại, giảm đau và giúp quá trình sinh nở thuận lợi hơn.
- Thực hiện một số bài tập: Bà bầu bị trĩ nên cố gắng di chuyển xung quanh nhiều hơn, chẳng hạn như đi bộ ngắn xung quanh nhà. Tập thể dục có thể ngăn ngừa táo bón cũng như hạn chế các rủi ro liên quan đến bệnh trĩ. Tuy nhiên bà bầu gần sinh nên trao đổi với bác sĩ về các bài tập cụ thể cũng như thời gian luyện tập phù hợp để tránh các rủi ro không mong muốn.
2. Loại bỏ búi trĩ sau khi sinh
Nếu bệnh trĩ nghiêm trọng và không đáp ứng các phương pháp tự chăm sóc, bác sĩ có thể đề nghị thực hiện phẫu thuật sau khi sinh để loại bỏ búi trĩ. Tuy nhiên, bà bầu thường cần đợi ít nhất 6 tuần sau khi sinh để các cơ ở hậu môn có thời gian phục hồi hoàn toàn trước khi phẫu thuật.
Đôi khi việc cắt bỏ búi trĩ được đề nghị thực hiện trước khi sinh để tránh các rủi ro liên quan, tuy nhiên trường hợp này thường không phổ biến. Trước khi thực hiện phẫu thuật, bác sĩ thường cân nhắc một số lợi ích và rủi ro, chẳng hạn như:
- Đối với bệnh trĩ ngoại tắc mạch: Trĩ ngoại tắc mạch được xem là một tình trạng cấp cứu y tế, đặc biệt là đối với bà bầu. Bà bầu sẽ được gây tê tại chỗ trước khi thực hiện phẫu thuật để giảm đau và kích ứng khi cắt trĩ. Bà bầu không được gây tê tủy sống để tránh các rủi ro ảnh hưởng đến thai nhi.
- Đối với bệnh trĩ độ 4 và gây chảy máu: Trong trường hợp này, bác sĩ thường chỉ định các biện pháp chăm sóc, cầm máu tạm thời, chẳng hạn như sử dụng thuốc làm co mạch hoặc tăng sức bền tĩnh mạch để cải thiện các triệu chứng bệnh trĩ. Sau khi sinh con, bác sĩ có thể đề nghị người bệnh thực hiện các biện pháp tự chăm sóc bệnh trĩ hoặc phẫu thuật để loại bỏ búi trĩ.
Trong trường hợp việc sinh thường khiến bệnh trĩ trở nên nghiêm trọng hơn, bà bầu nên trao đổi với bác sĩ về phương pháp phẫu thuật loại bỏ búi trĩ.