Bệnh Vảy Nến Có Lây Không?
Vảy nến không phải do vi khuẩn, virus gây ra, không có khả năng lây nhiễm ngay cả khi chạm trực tiếp vào vùng da bệnh. Tuy nhiên, bệnh lại có tính di truyền với tỷ lệ nhiễm ở trẻ dao động từ 10% - 40%.
Bệnh vảy nến có lây không?
Vảy nến là một bệnh lý da liễu mãn tính, xuất hiện do sự tăng sinh đột biến của các tế bào da mới khi tế bào da cũ vẫn còn. Sự chồng chất giữa tế bào mới và cũ tạo nên những mảng da dày đỏ, có vảy trắng như nến. Mặc dù không gây nguy hiểm nhưng vảy da nến rất mất thẩm mỹ, khiến người bệnh tự ti trước mọi người. Vì thế, nhiều người lo lắng tiếp xúc với người bệnh có thể dễ bị lây bệnh.
Vảy nến không phải do vi khuẩn, virus gây ra, không có khả năng lây nhiễm ngay cả khi chạm trực tiếp vào vùng da bệnh.Vì thế, bạn hoàn toàn có thể an tâm nắm tay, ôm hôn, dùng chung quần áo, đồ vật với người bị bệnh mà không cần lo lắng gì.
Mặc dù không có tính lây nhiễm nhưng bệnh vảy nến lại có tính di truyền. Theo đó, nếu bố hoặc mẹ mắc bệnh, tỷ lệ con sinh ra bị vảy nến khoảng 10%. Nếu cả bố và mẹ đều bị thì tỷ lệ ở con sẽ tăng lên khoảng 40%. Do đó, việc chủ động phòng ngừa và kiểm soát bệnh là cực kỳ quan trọng để không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần của con nhỏ sau này.
Làm gì để phòng ngừa và kiểm soát bệnh vảy nến?
Vảy nến là một thể bệnh mãn tính, không có phương pháp nào chữa khỏi được dứt điểm. Tuy nhiên, bạn có thể phòng ngừa và kiểm soát bệnh không tiến triển nặng bằng những cách sau:
Dùng sản phẩm dưỡng da
Kem dưỡng ẩm: Giữ cho làn da luôn duy trì được độ ẩm lý tưởng, không bị khô hay bong tróc, từ đó giảm đáng kể triệu chứng khô da, dày sừng do bệnh vảy nến mang lại.
Kem chống nắng: Bảo vệ da trước tác động của tia cực tím, ngăn nguy cơ bệnh vảy nến bùng phát do da tiếp xúc với ánh nắng ở cường độ cao.
Bổ sung vitamin D: Dung nạp vitamin D từ ánh mặt trời tự nhiên hoặc các thực phẩm bổ sung nhằm hỗ trợ kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa bệnh lan rộng.
Tránh tiếp xúc hóa chất
Không tiếp xúc nhiều với xà phòng, các chất tẩy rửa, kim loại hoặc những chất dễ gây dị ứng da. Các loại chất này không chỉ kích thích khiến vùng da bệnh lan mạnh mà còn làm trầm trọng thêm các lớp da dày sừng, bong tróc.
Nghỉ ngơi, ăn đủ chất
Người bệnh nên tránh để tình trạng stress kéo dài, nên nghỉ ngơi nhiều hơn, tâm sự, trò chuyện cùng bạn bè hoặc người thân. Bên cạnh đó, bạn cần xây dựng chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh, bổ sung thêm nhiều các loại vitamin, rau xanh, uống nhiều nước.
Điều trị kịp thời, nhanh chóng
Trong quá trình chữa trị, hãy tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ khi sử dụng các loại thuốc, không tự ý dùng khi chưa được chỉ định.
Ngay khi nhận thấy những bất thường trên da bạn cần đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và tìm ra phương pháp điều trị phù hợp, tránh để bệnh trở nặng và khó chữa hơn về sau.
Như vậy, bệnh vảy nến không lây nhiễm chéo trên người nhưng có thể di truyền và không thể chữa khỏi hoàn toàn. Với những chia sẻ trên, mong rằng phần nào giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh cũng như chủ động trong việc kiểm soát và phòng ngừa bệnh phát triển nặng.