Viêm Da Cơ Địa Nên Ăn Gì? Kiêng Gì?
- Người bị viêm da cơ địa nên ăn các thực phẩm giàu vitamin, chất cơ, omega 3, kẽm và các loại ngũ cốc nguyên hạt
- Nên hạn chế sử dụng các loại thịt đỏ, hải sản, các chế phẩm từ sữa, thực phẩm giàu đường, tinh bột và các chất kích thích
Viêm da cơ địa ăn gì?
Rau xanh giàu vitamin và chất xơ
Các loại rau xanh như cải xoăn, bông cải xanh, cà rốt, ớt chuông, rau bina,… cung cấp vitamin A, C, E và K giúp tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV và giảm viêm.
Chất xơ trong rau quả cũng giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, hỗ trợ hấp thu vitamin và khoáng chất, đồng thời giúp thải độc cơ thể.
Thực phẩm chứa omega 3
Axit béo omega-3 có đặc tính chống viêm mạnh mẽ, giúp giảm các triệu chứng của viêm da cơ địa như ngứa, sưng và đỏ da.
Các nguồn thực phẩm giàu omega-3 bao gồm: cá hồi, cá thu, cá ngừ, quả óc chó, hạt lanh và hạt chia.
Thực phẩm có chứa kẽm
Kẽm là một vi chất dinh dưỡng thiết yếu có đặc tính chống viêm, giúp giảm các triệu chứng của viêm da cơ địa như ngứa, sưng và đỏ da. Kẽm cũng giúp tăng cường hệ miễn dịch và chống lại nhiễm trùng, đồng thời hỗ trợ quá trình tái tạo da và chữa lành vết thương
Một số loại thực phẩm chứa kẽm lành mạnh mà người bị viêm da cơ địa nên bổ sung có thể kể đến là ngũ cốc, hạt vừng, bí ngô, trái cây, bơ, lựu, mâm xôi, rau chân vịt, đậu hà lan…
Một số loại ngũ cốc
Ngũ cốc nguyên hạt như yến mạch, gạo lứt và bánh mì nguyên cám là nguồn cung cấp chất xơ dồi dào. Chất xơ giúp cải thiện hệ tiêu hóa và hỗ trợ cơ thể hấp thu tốt hơn các vitamin và khoáng chất thiết yếu cho da.
Ngũ cốc nguyên hạt cũng chứa nhiều vitamin B, giúp giảm căng thẳng và cải thiện chất lượng giấc ngủ, hai yếu tố có thể ảnh hưởng đến tình trạng viêm da cơ địa.
Thực phẩm giàu probiotic
Probiotic là những vi sinh vật sống có lợi cho sức khỏe, thường được gọi là “vi khuẩn tốt”. Chúng cư trú chủ yếu ở đường ruột, nhưng cũng có mặt trên da. Probiotic có khả năng cân bằng hệ vi sinh đường ruột, tăng cường hệ miễn dịch, giảm viêm nhiễm và cải thiện hàng rào bảo vệ da.
Một số nghiên cứu cho thấy, người bị viêm da cơ địa thường có sự mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, với số lượng vi khuẩn có hại cao hơn so với người bình thường. Bổ sung probiotic có thể giúp khôi phục sự cân bằng này, từ đó giảm các triệu chứng viêm da như ngứa, khô da, mẩn đỏ và bong tróc.
Thực phẩm giàu probiotic nên sử dụng:
- Sữa chua.
- Kombucha (một loại trà lên men có chứa nhiều probiotic và chất chống oxy hóa).
- Tempeh, miso (các sản phẩm từ đậu nành lên men).
Thực phẩm giàu quercetin
Quercetin là một flavonoid tự nhiên, thuộc nhóm polyphenol, có nhiều trong các loại rau củ quả. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng quercetin có đặc tính kháng viêm, chống oxy hóa và kháng histamine mạnh mẽ. Những đặc tính này giúp quercetin giảm các phản ứng viêm trong cơ thể, từ đó làm giảm triệu chứng ngứa, mẩn đỏ và sưng tấy trên da của người bị viêm da cơ địa.
Thực phẩm giàu quercetin nên bổ sung:
- Trái cây: Táo (đặc biệt là vỏ táo), quả mọng (việt quất, dâu tây, mâm xôi), nho, cam, quýt, bưởi.
- Rau củ: Hành tây, bông cải xanh, cải bó xôi, ớt chuông, cà chua.
- Các loại hạt: Hạt óc chó, hạnh nhân, hạt điều.
- Đồ uống: Trà xanh, rượu vang đỏ (với lượng vừa phải).
Thực phẩm giàu vitamin D
Một trong những yếu tố dinh dưỡng cần đặc biệt chú ý là vitamin D. Vitamin D không chỉ giúp duy trì sức khỏe xương khớp mà còn có vai trò quan trọng trong việc điều hòa hệ miễn dịch, giảm viêm và tăng cường chức năng hàng rào bảo vệ da. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, người bị viêm da cơ địa thường có mức vitamin D thấp hơn so với người bình thường. Do đó, việc bổ sung đủ vitamin D thông qua chế độ ăn uống là vô cùng cần thiết.
Thực phẩm giàu vitamin D như:
- Các loại cá béo như cá hồi, cá thu, cá trích,…
- Lòng đỏ trứng
- Các loại nấm như nấm mỡ, nấm hương,,…
- Thực phẩm chức năng bổ sung vitamin D
Viêm da cơ địa kiêng gì?
Các loại thịt đỏ
Thịt đỏ có chứa nhiều axit arachidonic, một loại axit béo omega-6 có thể thúc đẩy quá trình viêm trong cơ thể. Viêm là một yếu tố chính gây ra các triệu chứng của viêm da cơ địa như ngứa, sưng và đỏ da.
Một số loại thịt đỏ mà người bị viêm da cơ địa nên tránh sử dụng bao gồm thịt bò, thịt dê, thịt cừu…
Hải sản
Một số loại hải sản, đặc biệt là tôm, cua và sò, có thể chứa histamin, một chất hóa học có thể gây ra các triệu chứng dị ứng như ngứa, sưng và nổi mẩn đỏ. Những người bị viêm da cơ địa có thể nhạy cảm hơn với histamin và dễ bị dị ứng với hải sản hơn.
Sữa và các sản phẩm từ sữa
Sữa bò, phô mai, sữa chua,… có thể gây dị ứng ở một số người, dẫn đến các triệu chứng như ngứa, nổi mẩn đỏ và tiêu chảy. Sử dụng các chế phẩm từ sữa có thể gây trầm trọng hơn tình trạng viêm da cơ địa.
Đồ ăn chứa nhiều tinh bột và đường
Nhóm thực phẩm chứa nhiều đường và tinh bột như bánh mì trắng, cơm trắng, bánh ngọt thể làm tăng lượng đường trong máu dẫn đến tình trạng viêm và làm trầm trọng thêm các triệu chứng của viêm da cơ địa.
Các chất kích thích
Rượu bia và các chất kích thích như caffeine và nicotine có thể làm khô da và làm trầm trọng thêm các triệu chứng của viêm da cơ địa. Ngoài ra, các chất kích thích có thể ảnh hưởng đến hệ miễn dịch và khiến cơ thể dễ bị dị ứng hơn.
Thực phẩm chế biến sẵn
Thực phẩm chế biến sẵn thường chứa nhiều chất phụ gia, chất bảo quản, hương liệu và chất tạo màu nhân tạo. Những chất này có thể gây kích ứng da, làm tăng nguy cơ dị ứng và khiến các triệu chứng viêm da cơ địa trở nên nghiêm trọng hơn.
Ngoài ra, thực phẩm chế biến sẵn thường chứa nhiều muối, đường và chất béo không lành mạnh. Tiêu thụ quá nhiều các chất này có thể gây ra tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể, làm suy yếu hệ miễn dịch và tạo điều kiện cho bệnh viêm da cơ địa bùng phát.
Một số loại thực phẩm chế biến sẵn cần đặc biệt lưu ý khi bị viêm da cơ địa bao gồm:
- Xúc xích, thịt nguội, lạp xưởng
- Đồ ăn nhanh, chiên rán
- Bánh kẹo, nước ngọt
- Đồ hộp, thực phẩm đóng gói
Thực phẩm cay nóng
Thực phẩm cay nóng chứa các hợp chất kích thích, làm tăng nguy cơ viêm nhiễm và ngứa ngáy cho làn da nhạy cảm. Khi tiêu thụ, chúng kích thích giải phóng histamine, gây phản ứng dị ứng, đỏ da, sưng phù. Ngoài ra, thực phẩm cay nóng còn làm tăng nhiệt độ cơ thể, kích thích tuyến mồ hôi hoạt động mạnh, khiến da dễ bị kích ứng và tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
Việc tiêu thụ thực phẩm cay nóng không chỉ làm bùng phát các triệu chứng viêm da cơ địa mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị. Các tác nhân kích thích sẽ làm giảm tác dụng của thuốc, kéo dài thời gian điều trị và tăng nguy cơ tái phát bệnh.
Các thực phẩm nên kiêng như: Ớt, tiêu, gừng, tỏi…
Thực phẩm nhiều dầu mỡ
Thực phẩm nhiều dầu mỡ, đặc biệt là các loại chiên xào, đồ ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn, chứa hàm lượng lớn chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa. Những chất này khi đi vào cơ thể sẽ kích thích quá trình sản sinh các chất gây viêm, làm tăng mức độ nghiêm trọng của viêm da cơ địa.