Viêm Gan B Lây Qua Đường Nào?
Viêm gan B là bệnh có tính lây nhiễm cao, xâm nhập vào cơ thể người bệnh chủ yếu qua 3 con đường:
- Đường máu: Nguy cơ cao khi tiếp xúc trực tiếp với máu của người bệnh (dùng chung kim tiêm, bấm móng tay, đồ sắc nhọn, để máu chạm vào vết thương hở)
- Đường quan hệ tình dục: Dễ dàng lây nhiễm trong trường hợp quan hệ không an toàn hoặc cả 2 chưa tiêm vắc xin phòng bệnh.
- Đường từ mẹ sang con: Dễ lây nhiễm cho con trong khi sinh đẻ do nguy cơ tiếp xúc với máu của mẹ cao.
Viêm gan B lây qua đường nào?
Viêm gan B là một bệnh do virus viêm gan B gây ra, có tính lây nhiễm cao. Bệnh dễ dàng xâm nhập vào cơ thể người thông qua đường máu, tình dục hoặc từ mẹ sang con. Cụ thể:
Lây qua đường máu
Người bị nhiễm virus viêm gan cấp qua đường máu có thể xảy ra thông qua các tình huống như:
- Tiếp nhận chế phẩm máu từ người bị nhiễm virus viêm gan B.
- Sử dụng chung bơm kim tiêm với người bị mắc bệnh, tiêm chích ma tuý chung.
- Tiếp xúc máu với người bị nhiễm virus viêm gan thông qua các vết thương hở.
- Thực hiện các thủ thuật, tiểu phẫu gây chảy máu, dùng chung các dụng cụ với người bị nhiễm virus viêm gan B để phẫu thuật mà không được xử lý vô trùng trước đó.
Bên cạnh đó cũng có một số trường hợp hàng ngày có khả năng lây nhiễm mà chúng ta ít để ý tới như dùng chung đồ dùng với người bệnh. Cụ thể là: Dao cạo râu, bàn chải đánh răng, lây qua vết trầy xước, xăm mình, xăm môi, xăm mắt, xỏ lỗ tai… do dùng các dụng cụ không được khử trùng kỹ lưỡng. Đặc biệt là virus siêu vi B có khả năng sống trong máu khô nhiều ngày nên vô cùng nguy hiểm.
Lây từ mẹ sang con
Khi phụ nữ mang thai mà bị nhiễm virus viêm gan B hoặc đã nhiễm từ trước khi có khả năng sẽ lây truyền sang thai nhi, đường lây chủ yếu là khi thai nhi đi qua âm đạo. Tỷ lệ lây nhiễm phụ thuộc vào từng giai đoạn của thai kỳ, trong đó:
- Trong 3 tháng đầu của thai kỳ, tỉ lệ lây nhiễm là 1%.
- Trong 3 tháng giữa của thai kỳ, tỉ lệ lây nhiễm là 10%.
- Trong 3 tháng cuối của thai kỳ, tỉ lệ lây nhiễm là 60 – 70%.
- Sau khi sinh, nếu không sử dụng các biện pháp bảo vệ phù hợp thì tỉ lệ lây nhiễm lên đến 90%.
Do đó, Bộ Y Tế khuyến cáo người dân nên thực hiện tiêm phòng vacxin viêm gan B cho trẻ sơ sinh ngay trong 24 giờ đầu sau sinh. Các liều tiếp theo sẽ được bổ sung theo đúng quy định của Bộ Y Tế nhằm đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho trẻ và bảo vệ cộng đồng trước nguy cơ lây nhiễm virus viêm gan B cao.
Đặc biệt, virus viêm gan B có thể xuất hiện trong tuyến sữa của người mẹ, thế nhưng với tỉ lệ khá thấp. Trẻ cũng chỉ có thể bị lây nhiễm qua đường bú nếu đầu vú của mẹ xuất hiện vết thương hở và chảy máu. Do vậy mà mẹ bỉm bị viêm gan B vẫn có thể nuôi con bằng sữa mẹ bình thường, chỉ cần lưu ý là ngưng cho con bú tới khi lành nếu vú xuất hiện vết thương hở.
Lây qua đường tình dục
Virus viêm gan B có thể lây từ người qua bệnh sang người bình thường thông qua việc quan hệ tình dục không đảm bảo an toàn (sử dụng chung dụng cụ tình dục mà không khử khuẩn không dùng bao cao su). Nguyên nhân là do virus HBV có thể tồn tại trong dịch âm đạo và tinh dịch, vậy nên chúng có thể dễ dàng lây nhiễm cho bạn tình qua các vết xước nhỏ và di chuyển vào trong máu trong quá trình quan hệ.
Do đó, để đảm bảo an toàn cho bản thân và đối phương trước bệnh viêm gan B và nhiều bệnh lý truyền nhiễm khác, chúng ta nên dùng các biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục như dùng bao cao su. Phương thức lây truyền này thường xảy ra đối với việc quan hệ đồng giới, quan hệ với trai/gái mại dâm, quan hệ tập thể…
Một số câu hỏi phổ biến về nguy cơ lây nhiễm viêm gan B
Vì là một bệnh lý nguy hiểm nên rất nhiều người e ngại tiếp xúc, trò chuyện với người bị viêm gan sẽ bị nhiễm bệnh. Bên cạnh 3 con đường lây nhiễm trên, liệu viêm gan B có dễ lây nhiễm qua những con đường khác hay không? Những thắc mắc này đều được Vietmec giải đáp chi tiết ngay sau đây:
Viêm gan B có dễ lây nhiễm không?
Viêm gan B là một bệnh lý có tính lây nhiễm cực kỳ cao. Khi ở môi trường ngoài cơ thể, loại virus này có thể sống tới 7 ngày, gây nhiễm trùng và tấn công mạnh mẽ nếu xâm nhập vài cơ thể trong thời gian này. Virus viêm gan B có thể ủ bệnh từ 30 đến 180 ngày nên cực kỳ khó phát hiện trong thời gian đầu.
Vì virus viêm gan B sống dai và không mất đi khả năng sinh bệnh khi ở môi trường ngoài nên chúng rất dễ lây nhiễm. So với căn bệnh thế kỷ HIV, khả năng lây nhiễm của viêm gan B cao hơn tới 100 lần.
Viêm gan B có lây qua đường ăn uống không?
Virus viêm gan B tồn tại trong máu, dịch tiết cơ thể, không tồn tại trong nước bọt nên gần như không lây bệnh qua đường ăn uống. Việc ăn cùng hay dùng chung bát đũa với người bị viêm gan B tương đối an toàn. Vậy nên bạn có thể thoải mái ăn uống, trò chuyện với người bệnh, tránh tỏ ra xa lánh khiến họ mặc cảm, tự tin khi giao tiếp với mọi người.
Chồng bị viêm gan B có lây sang vợ và con không?
Chồng bị viêm gan B rất dễ lây sang vợ thông qua con đường tình dục. Thông qua việc sinh nở, con sẽ dễ mắc bệnh do lây nhiễm từ mẹ. Tuy nhiên, nếu cả bố và mẹ đều đã tiêm phòng đầy đủ thì nguy cơ lây nhiễm khi quan hệ sẽ giảm xuống đáng kể.
Trường hợp bố trực tiếp lây bệnh trực tiếp cho con là tương đối thấp, hy hữu xảy ra trong trường hợp dùng chung dao cạo râu, đồ dùng cá nhân hay các vật dụng có dính máu hoặc dịch tiết cơ thể của bố.
Viêm gan B có lây qua đường hô hấp không?
Tương tự như đường ăn uống, tiếp xúc, có thể khẳng định rằng bệnh viêm gan B cũng không thể lây qua đường hô hấp hay các tiếp xúc thông thường như ôm, bắt tay, trò chuyện, ho, hắt hơi… Tuy nhiên, đối với trường hợp hôn môi, nếu cả hai đều bị trầy xước ở môi hoặc mắc các bệnh lý về răng miệng thì vẫn có nguy cơ bị lây nhiễm.
Tiêm viêm gan B có ngăn ngừa lây nhiễm 100% không?
Hiệu quả bảo vệ sau khi tiêm của vacxin viêm gan B mang lại được quyết định rất lớn vào nồng độ kháng thể HbsAb có trong máu người. Khi nồng độ này càng cao thì khả năng bảo vệ càng tốt, càng tối ưu.
Nếu HbsAb cho kết quả trên 10mlU/ml thì vẫn có khả năng bảo vệ cơ thể trước virus HBV, ngược lại, nếu nồng độ thấp hơn 10mlU/ml thì không có khả năng bảo vệ. Còn nồng độ HbsAb vượt trên 300mlU/ml thì cơ thể sẽ có khả năng kháng virus tốt nhất.
Ngoài ra, vacxin phòng ngừa viêm gan B chỉ có tác dụng đối với những người chưa từng bị nhiễm virus viêm gan B trước đó. Việc tiêm vacxin sẽ giúp cho cơ thể sản sinh ra các kháng thể nhằm ức chế, chống lại và tiêu diệt virus HBV, phòng tránh và làm giảm nguy cơ lây nhiễm virus trong trường hợp có tiếp xúc trong tương lai.
Nếu được tiêm phòng đúng cách và đủ liều lượng, thì vacxin sẽ có hiệu quả bảo vệ lên đến 95% đối với trẻ nhỏ và người lớn, người trên 40 tuổi hiệu quả là 90%. Hiệu quả này có thể kéo dài từ 15 – 20 năm, thậm chí là lâu hơn tuỳ thuộc vào từng đối tượng. Sau khi tiêm phòng, nồng độ kháng thể HbsAb sẽ đạt mức tốt nhất, sau đó nó giảm dần theo thời gian.
Khỏi viêm gan B thì có bị tái lại không?
Đa phần người từng nhiễm virus viêm gan B trong quá khứ và đã loại bỏ được chúng ra khỏi cơ thể thì sẽ không bị nhiễm lại. Bởi lúc này cơ thể người bệnh đã tự sản sinh ra các kháng thể một cách tự nhiên, nhằm bảo vệ cơ thể trước việc nhiễm trở lại.
Tuy nhiên, vẫn có số ít trường hợp bị nhiễm từ khi còn nhỏ và vẫn virus vẫn theo suốt đời mà không thể loại bỏ chúng ra khỏi cơ thể. Trong đó, phương pháp xét nghiệm máu sẽ cho bạn biết mình đã từng nhiễm virus hay chưa và ở thời điểm hiện tại có bị nhiễm hay không.
Như vậy, mặc dù có nguy cơ lây nhiễm cao nhưng người bệnh vẫn có thể tiếp, giao tiếp bình thường với mọi người trong đời sống hàng ngày. Qua những thông tin hữu ích trên, mong rằng bạn đọc sẽ có cái nhìn đúng về hình thức lây nhiễm, tránh kỳ thị, xa lánh và gây tổn thương cho người bị viêm gan B.