Ăn Gì Để Giảm Lượng Protein Trong Nước Tiểu?
Người có nồng độ protein trong nước tiểu cao nên ăn nhiều đạm thực vật, hạn chế đạm động vật, bổ sung nhiều vitamin và khoáng chất, uống nhiều nước, ăn nhạt và luyện tập thể thao.
Thông thường lượng protein đào thải ra ngoài qua nước tiểu rất thấp. Chỉ số protein trong nước tiểu đột nhiên tăng cao có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh về thận hoặc protein niệu. Khi gặp phải tình trạng này, người bệnh cần xây dựng một chế độ ăn uống riêng biệt. Vậy ăn gì để giảm protein trong nước tiểu? Dưới đây là gợi ý 7 loại thực phẩm tốt nhất dành cho bạn.
7 loại thực phẩm hỗ trợ làm giảm protein trong nước tiểu
Protein có mặt trong nước tiểu là do cơ chế tái hấp thu chất protein ở thận. Mức protein niệu sinh lý bình thường là ở dưới 30mg/24 giờ. Nếu trên mức này thì được xem là protein trong nước tiểu cao. Lúc này người bệnh cần xây dựng một chế độ dinh dưỡng cân bằng, đảm bảo đủ năng lượng từ 35- 40 kcal/kg/ngày. Trong đó, nên ưu tiên bổ sung 7 loại thực phẩm sau.
Thực phẩm giàu chất đạm
Lượng protein đào thải qua nước tiểu quá nhiều làm giảm protein trong máu, giảm áp lực keo gây phù, teo cơ và suy dinh dưỡng. Chính vì vậy chế độ ăn phải bổ sung thêm đạm, đủ để cung cấp đạm cho quá trình chuyển hóa của cơ thể và bù vào số lượng đạm mất qua nước tiểu. Tuy nhiên không nên ăn quá nhiều vì có thể sẽ làm xơ hóa cầu thận, lâu dần dẫn đến suy thận.
Dựa vào chỉ số protein trong nước tiểu, bạn có thể tính ra lượng đạm trung bình cần bổ sung trong ngày. Công thức như sau: lượng đạm trung bình 1 ngày = 1g/kg/ngày + lượng protein mất qua nước tiểu trong vòng 24h. Trong đó, nên bổ sung ⅔ là đạm động vật (có trong thịt, cá, sữa, tôm,…) và ⅓ là đạm thực vật (có trong gạo, mì, đậu,…). Đặc biệt, nên sử dụng các loại sữa bột tách bơ (sữa gầy) để tăng cường lượng đạm và calci.
Đậu nành
Nồng độ protein trong nước tiểu cao thường đi kèm với các tổn thương ở thận. So với protein động vật, protein trong đậu nành an toàn hơn, đồng thời có thể giúp giảm protein niệu hiệu quả. Về lâu dài, việc bổ sung đậu nành vào khẩu phần ăn còn giúp cải thiện chức năng thận tổng thể.
Dầu thực vật
Người có chỉ số protein trong máu cao có thể gặp vấn đề về rối loạn chuyển hóa lipid máu, tăng cholesterol trong máu. Lúc này người bệnh nên hạn chế ăn các loại thực phẩm giàu chất béo động vật.
Đặc biệt, không nên ăn các loại thực phẩm chứa nhiều cholesterol như: óc động vật, lòng và các loại phủ tạng động vật, mỡ động vật, bơ,… Ðặc biệt nên hạn chế ăn thận, tránh quan niệm “ăn thận bổ thận”, vì trong thận có chứa nhiều cholesterol. Tương tự nên hạn chế ăn trứng vì trong lòng đỏ trứng cũng chứa hàm lượng cholesterol cao, tốt nhất chỉ nên ăn từ 1-2 quả mỗi tuần.
Thay vào đó, hãy sử dụng các loại chất béo thực vật như: dầu đậu nành, dầu lạc, dầu hạt cải, dầu vừng,… hằng ngày. Hàm lượng lý tưởng là từ 20-25g/ngày. Đặc biệt, nên ưu tiên ăn các món ăn luộc, hấp, hạn chế chế ăn các món chiên, rán, quay và nướng.
Vitamin và khoáng chất
Khi chỉ số protein trong nước tiểu tăng cao, người bệnh nên nhiều các loại thực phẩm có chứa vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin D và chất sắt. Đồng thời, nên bổ sung các loại quả chứa nhiều vitamin C, beta carotene, vitamin A và selenium để chống oxy hóa, chống tăng các gốc tự do. Từ đó ngăn ngừa nguy cơ xơ hóa cầu thận, hạn chế nguy cơ phát triển thành suy thận.
Các loại rau củ quả lý tưởng nên bổ sung vào khẩu phần ăn bao gồm: xoài. đu đủ, cà rốt, cam, giá đỗ,… Lưu ý, trong những trường hợp người bệnh tiểu ít và có kali máu tăng thì cần phải hạn các loại rau quả chứa nhiều kali như chuối, mận, mơ,…
Hạt lanh
Theo một nghiên cứu của tạp chí Kidney International vào năm 2003, hạt lanh có thể làm giảm protein niệu. Nếu bạn đang thắc mắc nên ăn gì để giảm protein trong nước tiểu thì hạt lanh là câu trả lời cho bạn.
Theo kết quả nghiên cứu thực nghiệm trên chuột, những con chuột ăn hạt lanh có lượng protein bài tiết qua nước tiểu thấp hơn so với nhóm đối chứng. Về cơ bản hạt lanh khá an toàn và lành tính với người có nồng độ protein trong nước tiểu cao, vì vậy bạn có thể thêm vào thực đơn ăn uống nhằm giảm protein niệu.
Bổ sung nhiều nước
Người có hàm lượng protein trong nước tiểu cao nên bổ sung lượng nước phù hợp cho cơ thể. Trong đó, lượng nước cần bổ sung hằng ngày bằng lượng nước tiểu + 500ml nước. Bao gồm nước uống, nước canh, nước trong các loại rau xanh và hoa quả. Lưu ý, nếu có hạ natri máu thì người bệnh nên hạn chế uống nước hơn.
Ăn đồ ăn nhạt
Hạn chế lượng muối natri trong bữa ăn hàng ngày cũng là cách làm giảm lượng protein trong nước tiểu. Mức độ hạn chế muối nên được cân nhắc tùy vào triệu chứng phù của bệnh.
Thông thường mỗi người lớn khỏe mạnh không nên ăn quá 2300mg muối mỗi ngày. Tốt nhất là nên hạn chế ăn không quá 1500mg muối hàng ngày để không làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Ăn nhạt cũng giúp cơ thể phòng ngừa các bệnh liên quan đến thận.
Gợi ý khẩu phần ăn hằng ngày
Điều chỉnh lượng calo nạp vào cơ thể để đạt mức cân nặng hợp lý cũng là một cách làm giảm protein trong nước tiểu. Bạn có thể tham khảo chế độ dinh dưỡng trong ngày dành cho người có nồng độ protein trong nước tiểu cao như sau:
- Gạo tẻ: 250-300g.
- Thịt nạc hoặc cá: 200g, có thể thay thế bằng 300g đậu phụ.
- Dầu ăn: 10-15g.
- Rau: 300-400g.
- Quả: 200-300g.
- Muối ăn: 2-4g.
- Sữa bột tách bơ: 25-50g.
- Ðường: 10g.
Một số lưu ý giúp giảm protein trong nước tiểu
Mất quá nhiều protein qua nước tiểu có thể là biểu hiện của hội chứng thận hư, vì vậy người bệnh cần xây dựng một chế độ ăn uống phù hợp để cải thiện sức khỏe. Ngoài ra, người có chỉ số protein trong nước tiểu cao cũng cần lưu ý một số điều sau đây.
- Nên hạn chế đường và carb tinh chế vì mức đường huyết cao liên tục có thể làm tổn thương thận. Nên ưu tiên sử dụng các loại carb giàu chất xơ như trái cây, ngũ cốc và rau quả.
- Hạn chế sử dụng rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích vì có thể khiến tình trạng bệnh nặng hơn.
- Nên khám sức khỏe thường xuyên và định kỳ để phát hiện protein niệu càng sớm càng tốt. Những người mắc bệnh tiểu đường, bệnh cao huyết áp và bệnh gút trên 5-10 năm cần xét nghiệm nước tiểu định kỳ ít nhất nửa năm một lần.
- Hạn chế sử dụng các loại thuốc có thể gây hại cho thận như thuốc hạ sốt, thuốc giảm đau, thuốc bắc và một số loại thuốc kháng sinh. Nếu cần thiết, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng.
- Trong quá trình điều trị, luôn tuân thủ phác đồ của bác sĩ, không tự ý dừng thuốc hoặc thêm, bớt các loại thuốc để tránh gây ra tác dụng phụ, làm mất hiệu quả điều trị.
- Xây dựng lối sống, sinh hoạt lành mạnh, khoa học, tập thể dục thường xuyên để nâng cao miễn dịch, tăng cường sức khỏe và hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh.
Trên đây là câu trả lời chi tiết cho câu hỏi “ăn gì để giảm protein trong nước tiểu”. Người có nồng độ protein trong nước tiểu cao thường bị tổn thương thận, vì vậy nên theo dõi tình trạng sức khỏe cẩn thận để có phương án xử lý kịp thời. Bên cạnh chế độ ăn uống lành mạnh, người bệnh cũng nên luyện tập thể thao để nâng cao sức khỏe, hạn chế tình trạng bệnh trở nặng.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!